Nguyễn Đại
Bản chất vấn đề là nội dung việc họ làm có góp phần vào quá trình dân chủ hóa đất nước hay không.
1. Khi trang web quanlambao phán “Nguyễn Đại” là gián điệp, suy nghĩ
đầu tiên của tôi là “không biết ông bạn này dựa vào đâu để phán như
vậy”.
Và khi mà đủ thứ thông tin rộ lên:
- Kami, chủ trang tintuchangngay, là gián điệp,
- Ngược lại, anh Kami thì cố chứng minh “anhbasam là gián điệp chứ không phải tôi”.
- Phong trào Con đường Việt Nam là gián điệp (CĐVN),
- Ông Huỳnh Ngọc Chênh là gián điệp (vì nếu không thì … tại sao blog như vậy không bị bắt).
- …
Thì tôi khẳng định “tôi rất muốn có nhiều gián điệp như vậy”.
2. Kết quả sau cùng của việc phán ai đó là gián điệp đều là: đừng
tham gia phong trào do “nó” khởi xướng, đừng đọc bài “nó” viết v.v...
Tuy nhiên, ý đồ thì có 2 dạng. Dạng “tốt” là sợ mọi người bị… bẫy, dẫn
đến tổn thất lực lượng. Dạng “xấu” là để mọi người tránh xa, không tham
gia phong trào, không đọc bài của “nó”.
3. Ta bàn về “xấu” trước. Có ai đó biết chắc Kami, Huỳnh Ngọc Chênh…
không phải gián điệp, nhưng muốn những người yêu tự do dân chủ ghét bỏ
những người này. Họ tung tin lên đám này là gián điệp. Thế là những bài
viết của Kami, của Huỳnh Ngọc Chênh không còn giá trị, không đáng tin
cậy. Dẫn đến là các trang http://www.tintuchangngayonline.com/ hoặc http://huynhngocchenh.blogspot.com/
càng ngày càng ít người vào xem. Tương tự là vậy với phong trào CĐVN.
Việc tung tin anh Lê Thăng Long là gián điệp cũng ít nhiều gây ảnh hưởng
xấu lên phong trào, làm giảm số người nhiệt huyết muốn tham gia. Nói
tóm lại, nếu chúng ta tin vào những thông tin này, chúng ta đã mắc bẫy. Ý
đồ xấu đã thành công trong việc cản trở quá trình dân chủ hóa đất nước.
4. Vậy trường hợp nếu họ là gián điệp thật? Chúng ta vào đó đọc bài,
viết bình luận, gửi bài để đăng..., những việc đó có liên quan gì đến họ
là gián điệp hay không? Tôi viết bài trong khả năng của mình, tôi cảm
thấy việc mình viết là phù hợp với tình hình hiện tại, không kêu gọi
chống đối, thì tôi gửi bài đi công khai, ký tên đàng hoàng. Mà đã ký tên
đàng hoàng thì còn lo gì gián điệp thật hay ảo? Cũng như phong trào
CĐVN. Phong trào này đưa ra một số tuyên bố và mời một số người tham dự.
Nếu anh thấy tuyên bố và những hoạt động của phong trào là phù hợp thì
anh tham gia. Danh sách mời cũng công khai, đương nhiên tham gia phải
công khai. Đã tham gia công khai lại sợ anh Lê Thăng Long là an ninh thì
tham gia làm gì???
5. Nếu chỉ có mình tôi là… gián điệp, có lẽ tôi không quan tâm mà
viết bài này. Tôi chỉ có ý định viết khi có người tung tin “72 vị nhân
sĩ là cộng sản, do ông Trương Tấn Sang chống lưng”. Đang lười chưa bắt
đầu viết thì Dân Luận đặt câu hỏi tiếp theo “Chúng ta có nên tẩy chay những phong trào đòi Quyền Con Người ở Việt Nam, nếu phía sau nó là tay chân của Đảng CSVN không?” Thật ra, câu hỏi tổng quát hơn sẽ là “Nên ủng hộ hay tẩy chay cá nhân, phong trào nào đó nếu là tay chân của Đảng CSVN?”.
Như lập luận trên đây thì câu trả lời của tôi là: Không đáng sợ! Bản
chất vấn đề là nội dung việc họ làm có góp phần vào quá trình dân chủ
hóa đất nước hay không.
6. Chúng ta thử tưởng tượng có 100 blogger “công an” như Kami, như
Huỳnh Ngọc Chênh. Thử tưởng tượng có 100 trang web “gián điệp” như trang
bauxite, như anhbasam. Thử tưởng tượng có 100 phong trào “do công an
đạo diễn” như CĐVN… Điều đó tốt hay xấu?
(Nguyễn Đại – 15/5/2013)