Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Tượng đài của chủ nghĩa xã hội

Đức Thành
Đảng, nhà nước luôn tuyên truyền kiên định cho đường lối xã hội chủ nghĩa của mình. Nhất là những ngày trong lễ kỷ niệm này các phương tiện truyền thông lại ra rả như quốc kêu về vai trò lãnh đạo của Đảng, về lý tưởng cộng sản, và về chủ nghĩa xã hội.
Ở tuổi trẻ con, tôi bị bố mẹ cấm đoán chơi với lũ trẻ con khác vì chúng quậy phá nhất làng. Chúng ghét ai thì dù ruộng phần trăm hay ruộng cá thể và dù lúa đã chín chúng vẫn dùng ngọn tre khô cào tơi bời cho thóc rụng xuống, chủ nhân của những đám ruộng ấy chỉ còn nước khóc… kêu trời. Tôi thấy chúng cứ vô tư chơi vô tư đùa mà cầm đầu lại là con ông bí thư đảng ủy kiêm trưởng công an xã. Lúc ấy bắt được một người nào ăn cắp ngô, khoai hay ăn cắp con gà… đều bị bố nó trói giật cánh khuỷu và trước ngực người đó được treo thêm tang vật là ngô, là koai, là gà… hay bất cứ thứ gì ăn cắp được. Các công an viên dẫn giải đi khắp các đường làng ngõ xóm (có người vì một phút nông cạn đã vướng vào việc trộm cắp vặt này nhưng không chịu được nhục do bị bêu riếu khắp làng kiểu như vậy nên đã phải thắt cổ tự vẫn). Trong những lần như thế thằng con ông bí thư xã kiêm trưởng công an vui nhất. Nó là kẻ đầu têu chuyên nghĩ ra các trò tai quái như đi đằng sau ném gạch ném đất đá vào lưng người bị trói hay đi ngang hàng tìm cách ngáng chân để họ ngã ra đường… Không ai dám can hắn vì hắn là con út của người nắm vận mệnh của toàn thể nhân dân trong xã tôi. Vô phúc mà bị hắn lu loa vu vạ cho ai thì không những người đó mà còn cả nhà họ phải liên lụy. Nó với tôi học cùng lớp cấp một.

Cha tôi đã tránh hết mức để không phải đối đầu với “đồng chí” bí thư đảng bộ xã, là cấp trên trực tiếp và là người cùng sinh hoạt đảng tại chi bộ mình, nhưng vẫn không tránh khỏi hệ lụy vì chính ông ta đã báo cáo tổ chức và đề nghị khai trừ bố tôi ra khỏi Đảng khi bố tôi thông qua chi bộ và thực hiện việc chia đất hoang hóa cho các hộ dân (xin xem thêm bài “Xin nói thật với Đảng và nhà nước” ngày 17/1/2013 trên Bauxite Việt Nam).
Cái sân kho hợp tác quê tôi bề thế nhất vùng. Những năm 90 của thế kỷ 20, trong một lần về quê, thấy sân kho hợp tác bị người ta vạch vôi rồi đào bới loang lổ, tôi hỏi cha. Cha tôi bảo: “Thế là cái tượng đài duy nhất của chủ nghĩa xã hội còn sót lại cũng bị chúng nó thanh lý nốt”.
Tôi băn khoăn nhưng không dám hỏi tiếp cha tôi rằng tại sao lại thanh lý. Vì cái sân kho cũng là bất động sản, là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, là công thổ quốc gia. Kẻ nào lai cả gan dám thanh lý công thổ quốc gia như vậy? Vì cha tôi từ ngày bị khai trừ Đảng ông sống lầm lì ít nói.
Tôi đem chuyện này thắc mắc với mấy ông anh con bác đang là cán bộ quèn ở địa phương, các ông im lặng chẳng nói gì nhiều chỉ phán mỗi một câu “Thời buổi giờ nó thế.Hôm khác về quê đến thằng em họ làm nghề mổ lợn chơi đem chuyện thanh lý công thổ quốc gia ra kể, nó phán một câu xanh rờn: “Sao bác lạc hậu thế! Một khi chúng đã bỏ tiền ra mua quyền chức địa vị thì chúng phải gặt hái chứ. Đất đai là công thổ quốc gia thì chúng nó mới bán, mới thanh lý được. Em cũng vừa mua được cho cháu bác một miếng do chúng nó thanh lý đây!”. Nói rồi thằng em cho tôi xem phiếu thu với đủ thành phần chữ ký của các quan chức từ anh thủ quỹ đến anh thủ trưởng (nghĩa là có tổ chức đàng hoàng) với lý do thu là tiền “thanh lý đất”?!!!
Chẳng trách nào có chuyện nước ngoài thuê được tất cả các loại đất bất kể đó là đất an ninh, quốc phòng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rồi cả đất… “tượng đài của chủ nghĩa xã hội” theo cách gọi của cha tôi. Hóa ra để có tiền và có chức nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hộingười ta sẵn sàng làm tất cả những thứ gì có thể.
Bây giờ tôi mới thấm thía. Khi Đảng, Nhà nước hô hào kêu gọi nông dân vào hợp tác xã thì đó chính là hình thức thu gom, thu hồi đất đai tài sản ruộng vườn của nhân dân tích cóp từ bao đời nay làm tài sản sở hữu của tập thể, sở hữu của nhà nước (toàn dân) mà không đền bù thỏa thuận gì với họ một cách hợp pháp. Đến khi phong trào hợp tác xã tan rã, đến “cái sân kho – tượng đài của chủ nghĩa xã hội” cũng phải thanh lý nốt, có nghĩa đất đai tài sản của người dân đóng góp từ ngày xưa không được Đảng, Nhà nước trả lại cho nông dân. Chẳng trách mà có người nói đó là “bọn cướp” chứ… cán bộ gì.
Tôi lan man suy nghĩ và tìm các văn bản pháp luật về luật phá sản doanh nghiệp ra thì thấy đúng là tài sản của hợp tác xã nông nghiệp, của xã viên hợp tác xã nông nghiệp do nông dân đóng góp đã không được Đảng, Nhà nước coi là đối tượng điều chỉnh của pháp luật phá sản. Đến thời điểm này có cả 100% số hợp tác xã nông nghiệp trước đây trên toàn quốc do phong trào Hợp tác hóa dựng lên đều tan rã. Quyền lợi của các thế hệ xã viên trong các hợp tác xã này không được Đảng, Nhà nước đếm xỉa gì, dù họ thực hiện rất tốt việc làm hậu phương vững chắc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để có chiến thắng mà kỷ niệm như ngày hôm nay.
Nhân những ngày kỷ niệm này xin gợi lại một tượng đài của chủ nghĩa xã hội đã bị chính những người đang kêu gào dân tộc hãy kiên định đường lối xã hội chủ nghĩa \ bán lấy tiền mà không chịu trả cho dân những gì họ đã đóng góp để chúng ta có cái nhìn thức tỉnh đúng đắn hơn.
Ngày 30/4/2013
Đức Thành
Nguồn: Bauxite vietnam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"