“… để tăng cường trách nhiệm cá nhân thì phải xác định cho rõ vị trí của Thủ tướng, Phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ…
Để tăng cường vai trò của cơ quan hành pháp…, Chính phủ kiến nghị
cần cho phép thiết chế này được có một vị trí độc lập nhất định để có
thể thực hiện linh hoạt quyền điều hành, đối phó với các tình huống…”
Những ý kiến trên nằm trong số “8 nhóm vấn đề kiến nghị”
được Chính phủ chuyển tới Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, được ông
Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp tổng hợp trong cuộc trao đổi với
báo chí sáng nay, 17/5/2013, và được VnExpress đăng lại (*)
“Kiến nghị” trên có thể được hiểu một cách nôm na rằng muốn (chúng)
tôi (tức là chính phủ hoặc cá nhân thủ tướng và từng bộ trưởng) phải
chịu trách nhiệm cá nhân nhiều hơn thì trước hết phải xác định rõ vị trí
của (chúng) tôi, phải cho phép (chúng) tôi có một vị trí độc lập hơn,
tóm lại là phải trao thêm nhiều quyền quyết định hơn cho (chúng) tôi.
“Thông điệp” này cũng hàm ý rằng tình hình hiện nay là vị trí của Thủ tướng chưa được “xác định rõ” và cơ quan hành pháp chưa có “một vị trí độc lập nhất định”, và trong tình trạng như vậy thì việc đòi hỏi (chúng) tôi phải nêu cao trách nhiệm cá nhân là điều bất khả thi.
Cùng với ý kiến trên, Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm qua lời ông Liên rằng: “Chính
phủ tán thành với việc ghi nhận tại điều 4 về vị trí, vai trò lãnh đạo
Nhà nước và xã hội của Đảng. Đồng thời, kiến nghị tập trung vào quy định
về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa
nguyên tắc này trong dự thảo“
Như vậy, mặc dù “tán thành với việc ghi nhận” về sự lãnh đạo của đảng, quan điểm của Chính phủ vẫn là (phải) “tập trung vào quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và (tập trung vào) việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo”
Trong câu trên, chữ “tập trung” ở vế sau có sức nặng hơn nhiều so với chữ “ghi nhận”
khá hời hợt ở vế trước. Thông thường, khi phải thỏa hiệp một vấn đề gì
đó để đạt mục đích quan trọng hơn, người ta thường dùng chữ “ghi nhận” thay vì dùng các chữ khác tạo ấn tượng mạnh hơn. Chẳng hạn từ trước đến nay hệ thống chính trị vẫn nói “khẳng định sự lãnh đạo của Đảng”. Hình như đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp trong Chính phủ như ông Liên chỉ ghi nhận vai trò lãnh đạo của đảng khi phát ngôn chính thức về vai trò này.
Việc tăng quyền hạn cho một thiết chế này tất nhiên sẽ không tránh khỏi làm giảm quyền hạn của thiết chế khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, người ta dễ suy đoán rằng “kiến nghị”
tăng quyền cho Chính phủ mà ông Liên phát đi như đề cập ở trên có thể
là để “đối phó” với luồng ý kiến khác cũng trong chính giới (tức là
không phải “lề trái”) rằng cần phải tăng cường quyền lực hơn cho Chủ
tịch nước trong quá trình thảo luận những nội dung cần sửa đổi trong
Hiến pháp 1992 vừa qua.
Điều người viết bài này quan tâm không phải là nên tăng quyền cho
ông này hay giảm quyền của ông kia mà điều quan trọng hơn nhiều là việc
tăng hay giảm quyền theo chiều hướng này hay chiều hướng khác có làm
cho các quyền cơ bản của công dân, ví dụ cụ thể hơn là các quyền con
người và quyền sở hữu đất đai được cải thiện hơn, nếu không được đảm bảo
100% thì chí ít cũng làm cho mức độ vi phạm giảm đi so với hiện tại.
Ở khía cạnh này thì Chính phủ hình như đã tận dụng cơ hội góp ý sửa
đổi Hiến pháp lần này tốt hơn các “thiết chế” khác để “quảng bá” cho
mình trước nhân dân khi đồng thời với việc đòi tăng quyền hạn cho mình, cũng cho rằng các quyền con người, quyền cơ bản của công dân (phải) được bảo đảm thực hiện bằng Hiến pháp và luật, đồng thời cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật , rằng
“việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì
lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
mà không quy định nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế – xã hội” (những chữ đáng chú ý được người viết bài này in đậm)
Nhưng tất cả mới chỉ là trên giấy, điều quan trọng là chúng sẽ được
thực hiện trong thực tế như thế nào ngay cả khi quan điểm trên sẽ được
thể hiện trong Hiến pháp mới đi chăng nữa.
Chẳng hạn như liệu có thể tin rằng nếu được trao nhiều quyền hạn hơn
cho chính phủ hay các cơ quan tư pháp thì sẽ không có, hoặc sẽ có ít hơn
những bản án tương tự như bản án kết tội hai sinh viên yêu nước Nguyễn
Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ngày hôm qua?