Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Sao góp ý sửa đổi dự thảo Hiến Pháp lại cãi ầm lên như thế?

Hải Đăng

danluan_c008.jpg
Thể chế độc tài, bất cứ chúng đội lốt gì, đều là thể chế phong kiến trá hình
Nghe kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp (HP) 1992, thật lòng, tôi bàng quang về việc nầy. Tôi cho rằng, lần nào cũng như lần nào, cũng chỉ sửa đổi câu chữ, bớt một thêm hai những tiểu tiết rồi đưa ra dân bàn theo kiểu chiếu lệ nhằm hợp thức hóa những gì Nhà cầm quyền đã định. Nhưng sau đó, tôi lại nghe ông Nguyễn Trung Lý, trưởng Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp nói đại ý: “Góp ý thoải mái, không có vùng cấm, kể cả điều 4…”. Qua phát biểu của ông Lý, tôi thoáng nghĩ: Chẳng lẽ Đảng CSVN kỳ nầy “chịu chơi” – chịu cải tổ chính trị. Thế là tôi bắt đầu quan tâm dõi theo.
Cơ sở và địa phương tổ chức họp lấy ý kiến cử tri về sửa đổi Hiến Pháp, dự một cuộc và tìm hiểu thêm ở các cuộc khác, tôi nhận ra tính chất chiếu lệ của nó: Mời dự thì lựa những người ít nói, ít cãi gom lại, đọc văn bản cho họ nghe qua rồi mời có ý kiến – mời nhưng có vẻ sợ người ta có ý kiến trái chiều. Như nước đổ đầu vịt, như sa vào Mê hồn trận, nghe đọc qua đủ tối tăm mặt mũi biết gì mà góp, nói tràng giang đại hải không vào trọng tâm trọng điểm, có những trường hợp, nhân cơ hội nầy, nặng lời phê phán tiêu cực để xả tức. Đến mục biểu quyết thì giơ tay tán đồng cho xong chuyện để sớm về lo cơm áo gạo tiền?!

Tôi nghĩ, góp ý sửa đổi Hiến Pháp hay Luật (Pháp Luật) nên làm theo dân chủ đại diện, không nên họp lấy ý kiến theo dân chủ đại trà như vừa kể trên, nên lấy ý kiến cử tri qua dân chủ đại diện, theo cách: Họp cử tri từng khu vực giới thiệu người đại diện cho mình, phải dựa vào giới trí thức và những người am hiểu Pháp luật, họ nhìn xa thấy rộng, am hiểu Pháp Luật, có khả năng lần Chương, dò Điều, biết “gạn đục khơi trong”. Góp ý bằng nhiều kiểu cách, tập thể hay cá nhân, góp ý viết thành văn bản là tốt nhất, vừa rõ ràng về ý tứ, vừa dễ cho Ban soạn thảo nghiên cứu tổng hợp. Góp ý là thoải mái, dựa vào văn bản dự thảo, được quyền thêm bớt, không cấm kỵ, đồng ý với những góp ý hay không là quyền của Ban soạn thảo khi chắc lọc, không có chuyện cãi vã giữa hai phía.
Tại sao lần góp ý sửa đổi Hiến Pháp nầy có sự cãi vã ầm lên như thế?!
Đọc báo giấy, xem đài thông tin một chiều chưa đủ, tôi mò lên mạng Internet thì rõ ra, việc cãi vã nầy là hiển nhiên và không bình thường, cãi về thể chế Chính trị giữa một bên đòi giữ thể chế “Độc tài Đảng trị” - gọi cho gọn là “Đảng chủ”; một bên đòi cải tổ thể chế chính trị hiện hành, thiết lập thể chế “Dân chủ Đa nguyên” – gọi cho gọn là “Dân chủ”.
Phải chăng, phía “Đảng chủ” ngỡ rằng, như bao lần trước đây, trưng cầu dân ý chỉ là để hợp thức hóa nội dung mình đã định sẵn, không ngờ xuất hiện nhóm “Dân chủ” theo khuynh hướng “Dân chủ Đa nguyên”, nổi bật là nhóm 72 Trí thức gạo cội, hầu hết là quan chức hoặc đảng viên đã nghỉ hưu, muốn thay đổi thể chế chính trị để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng về mọi mặt.
Phía “Dân chủ” yêu cầu: Loại điều 4 ra khỏi Hiến Pháp/Cắt đuôi XHCN/Xóa bỏ kinh tế Quốc doanh/Phải tam quyền phân lập/Phải tư nhân hóa đất đai/Phải Quốc hữu hóa lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an)/Xây dựng Nhà nước Dân chủ Pháp quyền v.v…
Không thể chấp nhận những yêu cầu quá đáng chưa hề có tiền lệ nầy, từ diễn đàn tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khai hỏa tấn công. Ngay sau đó, cuộc tranh luận bằng bút chiến, khẩu chiến giữa 2 phía bắt đầu. Phía “Đảng chủ” chưa chịu “xuất tướng”, dựa vào lợi thế độc chiếm phương tiện truyền thông, dựa vào lợi thế có Đảng chống lưng, những “con gà mờ” vung râu đá giáp”, nói và viết theo toa cơ bản, tính thuyết phục quá thấp, chửi xỏ, quy chụp lại rất cao. Phía “Dân chủ”, không quyền thế, không phương tiện, không kinh phí…, đành phải dựa vào Internet chuyển tải những chính kiến của phía “Dân chủ” đến cư dân mạng rồi từ cư dân mạng lan tỏa đến công chúng. Thật không ngờ, chỉ thời gian ngắn, có hàng vạn người tán đồng chính kiến của phía Dân chủ, họ tự giác ký tên vào bản kiến nghị 72 của nhóm Trí thức. Sao khỏi ngạc nhiên, xứ Nghệ (Hà Tĩnh, Nghệ An), quê hương Cụ Hồ, lại là những nơi có nhiều người ký nhất. Nếu đừng khó dễ, “xả dàn” cho người ta tự do thể hiện chính kiến của mình, số người ký vào kiến nghị 72 sẽ tăng khủng – Nếu không tin thử xem.
Phía “Đảng chủ” phản ứng quyết liệt cũng có cái lý của người ta, thử hỏi chặt tay chặt chân, tréo cánh, nhổ lông đuôi... thì còn gì là “Đảng chủ”, làm sao giữ được thế thượng phong để tiếp tục đặc quyền đặc lợi?!
Phía “Dân chủ” yêu cầu như thế cũng có cái lý của họ. Họ quả quyết: Đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, lòng dân ly tán, ngoại bang lấn chiếm biển đảo… như hiện nay bắt nguồn từ thể chế chính trị Độc tà iĐảng trị gây nên. Họ lý giải cũng thuyết phục: Độc tài Đảng trị sinh ra lộng quyền, đảng viên thoái hóa biến chất tham nhũng, làm nhiều điều hại nước hại dân/Kinh tế thị trường mà còn định hướng XHCN - thứ nửa nạc nửa mỡ nầy đang làm cho nền kinh tế rối loạn, lụn bại/Thay “tam quyền phân lập” vào chỗ “tam quyền phân công” hiện nay để khắc phục tình trạng “Ba bộ đang đồng tình bóp vú con tôi” gây khổ cho dân/Xóa bỏ kinh tế Quốc doanh vì chúng là những thằng con phá của, đã trở thành những nhóm lợi ích theo kiểu Maphia, lời hay lỗ cũng chia nhau ăn, thâm hụt lấy ngân sách quốc gia bù/Phải tư nhân hóa đất đai để ngăn chặn nạn lợi dụng quyền thế cướp đất của dân, người dân bị mất đất thưa gởi, kiện tụng, biểu tình không còn là cá biệt, gần như đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát/Quân đội và Công an từ nhân dân mà ra, được dân nuôi dưỡng và trang bị, mang tên “Nhân dân” dĩ nhiên chúng có nhiệm vụ bảo vệ Đất nước và Dân tộc, phải “Trung với nước” - trong đó có Đảng, cớ sao Đảng chỉ là bộ phận nhỏ của dân tộc lại ích kỷ, cố tình ép chúng phải "Trung với Đảng”, buộc chúng phải lỗi đạo “Vì Đảng quên Dân” – vì thiểu quên đa/Thể chế độc tài, bất cứ chúng đội lốt gì, đều là thể chế phong kiến trá hình – thay một vua bằng nhiều vua, cắt đặt ở các cấp từ trung ương cho đến cơ sở. Chúng tàn độc còn hơn phong kiến vua chúa ngày xưa: sống ngoài vòng Pháp Luật, độc tôn, độc tài, độc đoán, độc quyền…và cuối cùng là độc ác. Phải loại nó và thay vào đó thể chế chính trị “Dân chủ Đa nguyên”, xây dựng Nhà nước “Dân chủ Pháp quyền”. Người trong bộ máy chính quyền các cấp do dân đề cử, ứng cử, bầu cử và bãi miễn khi họ không còn xúng đáng. Chính quyền được làm những gì Pháp Luật cho phép, người Dân được làm những gì Pháp Luật không cấm. Chính quyền phải thực sự của dân, do dân, vì dân.
Tranh luận để tìm lối ra cho đất nước, dầu có gay gắt đến đâu cũng chưa vượt ra ngoài khuôn khổ nội bộ, không có vấn đề địch ta ở đây, chẳng qua còn sự khác nhau về lập trường và quan điểm (chỗ đứng và cách nhìn). Phía “Đảng chủ” đứng trên lập trường gọi là giai cấp, với cái nhìn cục bộ để xử sự; Phía “Dân chủ” đứng trên lập trường Dân tộc, với cái nhìn toàn bộ để xử sự. Phải khẳng định: Trong cái cục bộ không bao hàm cái toàn bộ, ngược lại, trong cái toàn bộ bao hàm cả cái cục bộ. Vậy là lập trường Dân tộc với cái nhìn toàn bộ là sự công bằng nhất đối với mọi giai tầng trong xã hội, nó là cơ sở tạo ra đồng thuận dân tộc. Đồng thuận dân tộc, ngoài loại trừ nội chiến, nó còn tạo ra sức mạnh vạn năng trong trong đối nội và đối ngoại. Là công dân chân chính, phải tung hô “vạn tuế” cho những ai theo lập trường dân tộc, có cái nhìn toàn cục?
Người ta yêu cầu loại điều 4 ra khỏi Hiến Pháp là muốn xóa lối cai trị độc tài của Đảng CSVN chớ nào đâu đòi xóa tổ chức Đảng? Người ta yêu cầu Đảng CSVN rời vị trí chấp chính không chính danh nhường chỗ cho sự ra đời Nhà nước “Dân chủ Pháp quyền” thật sự của dân, do dân, vì dân và thiết lập thể chế chính trị “Dân chủ Đa nguyên”, là sân chơi cho các đảng phái chính trị thi thố tài năng và đức độ để cử tri “chọn mặt gởi vàng”. Đa nguyên Chính trị hàm chứa đa đảng phái thì có lý do gì không chấp nhận sự có mặt của Đảng CSVN vốn đã từng… Có điều, các đảng phái, kể cả Đảng CSVN, phải thông qua bầu cử dân chủ thực sự mà xác định ai chấp chánh, ai tham chính trong mỗi nhiệm kỳ theo Hiến định. Vậy thì, yêu cầu xóa bỏ điều 4 trong Hiến Pháp hay yêu cầu thiết lập thể chế chính trị “Dân chủ Đa nguyên”, nhà nước “Dân chủ Pháp quyền” không hề có nghĩa xóa tổ chức Đảng CSVN. Chẳng biết do kiến thức kém hay với động cơ gì mà không ít người người phía “Đảng chủ” vu vạ phía “Dân chủ” đòi xóa tổ chức Đảng CSVN?!
Gọi người ta góp ý sửa đổi Hiến Pháp “góp ý thoải mái, không có vùng cấm, kể cả điều 4”. Người ta nghe theo, nói thật lòng mình, dù có trái với văn bản sửa đổi cũng không sai. Bởi vì: người ta nghe theo mình và góp ý vào dự thảo (chưa chính danh) thì có gì gọi là sai? Lấy lý cớ gì buộc tội được người ta? Có uống lộn thuốc hay vì động cơ nào mà đe dọa, đay nghiến, xiên xỏ… người ta quá đổi như thế? Vậy “trình làng” làm chi cho hao tốn, tự biên tự diễn như đã từng… được rồi? Chẳng lẽ chơi trò “dụ người lên núi đụt gân”?! Hành xử như thế là không tử tế, bội ước, nói và làm không đi đôi; là vi Hiến ở điều 69 nói về các quyền tự do, trong đó có tự do tư tưởng, tự do chính kiến...; đồng thới cũng trái với Luật Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam ta đã ký – Phần tự do dân chủ, tiết 25 của Luật nầy ghi: “… Quyền lập Hội, lên án chế độ độc đảng, không cho phép một chính đảng nào được độc quyền sinh hoạt trong đời sống chính trị quốc gia”.
Chuyện tranh luận qua lại tuy có gay gắt, nhưng vẫn còn nằm trong khuôn khổ nội bộ, không có vấn đề địch ta ở đây – nên và phải hiểu như thế. Giải pháp tối ưu là Đảng CSVN nên ngồi lại thương thảo với phía bất đồng chính kiến, có thể lấy nhóm 72 làm đại diện - Hễ thương lượng thì phải có sự nhân nhượng. Thương lượng không phải để chia ghế, mà để tìm thể chế chính trị thích hợp nhất. Thể chế được chọn phải chịu trách nhiệm trước dân điều hành đất nước thoát khỏi khủng hoảng, giữ vững Quốc phòng và An ninh v.v.…
Theo tôi, cãi để tìm chân lý, chọn giải pháp cho ích nước lợi dân thì cứ tiếp tục, còn cãi chày cãi cối dẫn đến xung đột với nhau thì xin thôi đi – chỉ có lợi cho ông bạn láng giềng to xác, xấu bụng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, đất nước đang lâm vào cảnh: bên trong khủng hoảng về mọi mặt, bên ngoài bị “kẻ lạ” hàng ngày lấn chiếm biển đảo. Đã đến lúc Đảng CSVN nên xem xét lại mình, hãy “liệu cơm gấp mắm”.
01/04/2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"