Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Quyền được nói

Mít Tờ Đỗ
freethinkingPhương Uyên và Nguyên Kha thường được miêu tả là những “đứa trẻ”, “cô bé, cậu bé”, “gương mặt thánh thiện, thiên thần”…, thậm chí có người gọi là “bồng bột”.
Đáng buồn là những miêu tả ấy lại đến từ các cảm tình viên của hai công dân vừa bị phạt án tù nói trên. Tôi có cảm giác rằng cách miêu tả ấy là nhằm tô đậm sự tố cáo đối với phiên tòa, nhưng làm như vậy e rằng hạ thấp các nhân vật mà chủ nhân của các diễn đạt trên muốn ủng hộ, tôn vinh.
Cần phải xem xét Phương Uyên và Nguyên Kha là những công dân trưởng thành. Họ có tất cả quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của những công dân trưởng thành. Hành vi của họ là hành vi của người trưởng thành, với tất cả ý thức về đất nước, về dân tộc, về trách nhiệm bản thân và ý thức về hệ thống pháp luật hiện hành và lẽ ra phải thế. Họ không phải là những “cháu”, “con”, “các em”… của những bậc cha chú, anh chị luôn đặt mình ở trên cao, ngay cả khi muốn tôn vinh, biểu dương ai đó thì cũng cứ luôn đặt mình ở trên cao.
Tôi không đủ thông tin từ những nguồn mà tôi có thể kiểm chứng được về nội dung hành động của Phương Uyên và Nguyên Kha để có thể ủng hộ hay phản đối các nội dung đó. Nhưng, như Evelyn Beatrice Hall khi nói về Voltaire đã đúc kết, “tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi thà chết để bảo vệ quyền được nói của anh.” (1)

Quyền được nói mới là điều quan trọng, là mấu chốt, nội dung của hành động – là “yêu nước” hay “ghét nước” dưới hình thức ngôn từ – chỉ là thứ yếu. Mà cơ sở để phán xét “yêu nước” hay “ghét nước” thường là cảm tính và có thể cãi nhau đến tết Congo. Khai thông được chỗ đó, sẽ thấy việc Phương Uyên, Nguyên Kha rải cờ 3 sọc và truyền đơn “chống chính quyền”, “đả đảo Trung Quốc xâm lược” (giả sử như thế)… không khác với một người X, Y nào đó treo cờ 100 sọc, rải truyền đơn “Mỹ cút đi, không được phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung”…, nếu lấy tinh thần tự do làm nền tảng.
Và rằng, một hệ thống luật pháp tiến bộ và một chính quyền đủ tự tin sẽ không có việc gì phải làm với hành động của Uyên, Kha hay của X, Y cả.
Oái ăm là, trong khi chính quyền khai thác yếu tố “ghét nước” trong hành động của Phương Uyên và Nguyên Kha là một nhẽ, thì phía kia lại tập trung khai thác yếu tố “yêu nước” trong nội dung hành động của hai người này. Việc khai thác theo chiều hướng nào những yếu tố trên đều, theo quan điểm cá nhân tôi, là những thủ đoạn chính trị không nên được cổ súy, ủng hộ.
Sau rốt, ngoại hình của Nguyên Kha, Phương Uyên, dù “thánh thiện” hay không, cũng không liên quan gì đến tính chất hành động của họ và bản án tù mà họ vừa lãnh. Tương tự, X và Y, nếu khuôn mặt có ác quỷ, cũng không liên quan gì tới hành động “100 sọc” hay chống Mỹ của họ.
Benjamin Franklin, 1722. Nguồn: Wikipedia.org
Benjamin Franklin, 1722. Nguồn: Wikipedia.org

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"