Vũ Lịch Nguyên
Tại phiên họp sáng 14/1/2011 Đại hội đảng XI, cụ Lê Hữu Nghĩa, UVTƯ
đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã
trình bày tham luận “Tám đặc trưng thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa
xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng”.
Cụ Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đọc tham luận.
- MỪNG: cụ còn tráng kiện, phương phi.
- LO: 20 năm nữa biết tìm cụ ở đâu để hỏi về 8 đặc trưng đã thực hiện ra sao…
1) Tám đặc trưng của CNXH của VIỆT NAM
- Đặc trưng thứ nhất: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ
- Đặc trưng thứ ba: có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng
sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Đặc trưng thứ tư: có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
- Đặc trưng thứ năm: con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
- Đặc trưng thứ sáu: các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
- Đặc trưng thứ bảy: có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
- Đặc trưng thứ tám: có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước.
2) Nhận xét
Trong 8 “đặc trưng” của CNXH ở Việt Nam mà cụ Lê Hữu Nghĩa thay mặt
đảng ta nêu lên tại đại hội đảng XI, rồi đưa cả vào Cương Lĩnh và tài
liệu học tập… thật ra chỉ có 2 chi tiết (chiếm 10% nội dung) có thể coi
là thật sự “đặc trưng” cho CNXH. Mà cũng chỉ là đặc trưng của CNXH “nói
chung” (theo lý thuyết của Lê Nin) chứ chẳng phải riêng gì cho Việt Nam.
Đó là:
- Chi tiết 1. Chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu (nằm trong đặc trưng 3: Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại);
- Chi tiết 2. do Đảng Cộng sản lãnh đạo (nằm trong đặc trưng 7: có nhà nước pháp quyền).
Như vậy, trong toàn bộ (100%) nội dung của các “đặc trưng” thì tới
90% chúng ta đang thua kém quá xa các nước tiên tiến trên thế giới.
Nói khác, các nước tiên tiến trên thế giới chẳng cần hai chi tiết trên (công hữu hóa và đảng lãnh đạo), vẫn thực hiện được 100% đặc trưng XHCN mà cụ Lê Hữu Nghĩa nêu ra.
Nói khác, các nước tiên tiến trên thế giới chẳng cần hai chi tiết trên (công hữu hóa và đảng lãnh đạo), vẫn thực hiện được 100% đặc trưng XHCN mà cụ Lê Hữu Nghĩa nêu ra.
3) Bao nhiêu năm nữa chúng ta sẽ đuổi kịp “chúng”?
Mác và Lê Nin nói kinh tế thuộc hạ tầng (nền tảng) của xã hội. Cho
nên đặc trưng số 3 là cơ bản. Đó là: một nền kinh tế phát triển cao dựa
trên lực lượng sản xuất hiện đại. Đây là cái nền để tạo ra và củng cố 7
đặc trưng khác.
Làm sao quan niệm nổi chế độ tư bản thua kém phông kiến về kinh tế?
Cũng vậy, kinh tế XHCN không thể thua kém TBCN. Phải cố đuổi. Nhưng bao
lâu?
Các câu hỏi (kèm câu trả lời) là:
1- Bao nhiêu năm nữa chúng ta sẽ có “một nền kinh tế phát triển cao
dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại?”. Trả lời: nếu GDP nước ta mỗi năm
tăng 8% thì vài trăm năm chúng ta sẽ đuổi kịp các nước G8 (nếu các nước
đó cứ đứng yên đợi ta). Vấn đề tiếp theo là chúng ta sẽ dùng biện pháp
gì để đuổi kịp…
2- Nếu chúng ta dùng biện pháp công hữu hóa (như nêu ở đặc trưng số
3) thì sao? Thì… rất khó trả lời, nhưng chắc chắn là sẽ tốn nhiều thời
gian gấp bội.
Chỉ biết rằng, nhãn tiền, đại hội đảng đã phản đổi công hữu hóa tư
liệu sản xuất công nghiệp. Dự thảo hiến pháp cũng bỏ ngỏ chuyện kinh tế
nhà nước là chủ đạo. Còn trong quá khứ, nhiều bài học không ai được phép
quên (quên là có tội). Chuyện diệt địa chủ và tước đoạt của tư sản đã
gây thảm họa. Cấp tập hợp tác hóa đã làm mấy chục triệu nông dân điêu
đứng. Chuyện công nghiệp quôc doanh (tập đoàn nhà nước) đang liểng
xiểng; chuyện sở hữu đất đai… Tất cả, đều liên quan “công hữu hóa” để
tiến lên CNXH cả.
Sự hoang tưởng của cha mẹ tôi và con cái tôi
Khi sinh ra tôi, cha mẹ tôi (do bản thân thiệt thòi về học hành) muốn đặt tên tôi là Vũ Trí Thức.
Tôi được nghe nói lại, khi đó ông bà nội và ngoại của tôi đã hết sức
can ngăn. Thế là tên tôi như hiện nay. Rốt cuộc, tôi chỉ có cái bằng đại
học; nay 50 tuổi, tôi bỏ nghề chuyên môn để đi buôn. May, nếu tên tôi
là “trí thức” thì nay tôi ngượng lắm.
Cứ cho rằng cái nhãn hiệu tưởng tượng “chủ nghĩa xã hội” là tốt đẹp, thì hôm nay, 2013, đã đủ ngượng với thế giới văn minh.
Con trai tôi cũng… hoang tưởng, khi định đặt tên đứa con gái nó là Vũ Hoàng Hậu.
Cha mẹ tôi và tôi đều hết sức can ngăn. Một đứa trẻ sơ sinh, dù cha mẹ
có dán vào trán nó cái nhãn, đề hai chữ “hoàng hậu”… liệu sau này nó có
tìm được vua?
Một thầy phù thủy hoặc một vị giả kim thuật muốn “luyện” đá thành
vàng? Xin cứ lẳng lặng mà làm. Chớ dại mà vội dán tờ giấy lên hòn đá, đề
chữ VÀNG RÒNG.
Nay, dẫu là cha đảng, liệu có can nổi đảng CS thay cái quốc hiệu hoang tưởng “XHCN”?
Xét mọi mặt, nước Việt Nam của chúng ta chưa có gì thể hiện 8 “đặc
trưng” (nhất là kinh tế) của CNXH hết. Mới là những kỳ vọng đẹp mà thôi.
Chúng ta chưa thoát khỏi nông nghiệp lạc hậu (sức kéo vẫn là trâu và…
người thay trâu).
Thế thì, vội gì, ngu gì mà dán cái nhãn XHCN lên quốc hiệu?