Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Nói thêm về phong trào dã ngoại thảo luận về Quyền Con Người

Nghĩ về phong trào Dã ngoại thảo luận về quyền con người, có thể thấy những nhà tổ chức đã biết lấy cái mạnh của chính nghĩa để đối lại cái yếu của thể chế là phi nhân. Lấy sự ôn hoà toả sáng để đối lại chính sách bạo lực hèn hạ của những kẻ nắm quyền, từ đó làm nổi rõ sự cao thượng và hơn hẳn của phong trào dân chủ tạo ra sức quyến rũ mạnh mẽ đối với lực lượng đông đảo hiện nay trong xã hội còn đang hoang mang, thiếu quyết đoán lựa chọn con đường tham gia vào công cuộc canh tân đất nước. 
 
Đặt lại câu hỏi cũ:
Tại sao trước đây số lượng người tham gia biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn, yêu sách đường lưỡi bò phi lý trên biển đông không tăng lên mà giảm đi?
Tại sao số người tham gia cuộc Dã ngoại thảo luận về quyền con người, chủ yếu vẫn chỉ là những gương mặt cũ?
Trước hết phải khẳng định rằng: Dù không phải tất cả nhưng hầu hết mọi người tham gia có cùng một động cơ "Muốn có công bằng xã hội và đổi thay". Rõ ràng hoạt động trên là rất chính nghĩa, có tác dụng lay động tâm thức của rất nhiều thành phần xã hội, là chất xúc tác mạnh mẽ cho các hoạt động dân chủ lành mạnh.
Thông thường, những phong trào đã có đường hướng tốt đẹp như vậy phải có sự lan toả, phát triển về lượng, cô đọng về chất. Nhưng, trong trường hợp cụ thể chúng ta phải nhìn nhận sự việc một cách công bằng rằng: hiện tại, phong trào đang có dấu hiệu "lão hoá" (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

Nguyên nhân ở đâu?

- Về phía phong trào:
Hầu hết những người xuống đường biểu tình là các cá thể có cùng một mẫu số chung là lòng yêu nước, biểu thị thái độ bất bình trước các hành động gây hấn từ phía nhà cầm quyền Trung quốc và thái độ hèn nhát của lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam. Mẫu số chung đó cần nhưng chưa đủ, nó còn thiếu yếu tố gắn kết các cá thể một cách vững chắc, đó là một Tổ chức.
Thiếu tổ chức, các cá thể dễ dàng bị hút về các cực khác nhau, phân tán gắn kết trong các nhóm nhỏ hơn có các mẫu số chung rất khác nhau, tranh dành ảnh hưởng một cách vô thức, phản ứng tiêu cực với những nhóm không giống mình. Điểm yếu này tạo ra các mâu thuẫn nội tại khiến cho phong trào mất đi sức toả sáng ban đầu trong dư luận quần chúng.
Không có tổ chức, dĩ nhiên các hoạt động chỉ có thể là các " sáng kiến" cá nhân và chỉ thu hút được những cá thể cùng nhóm. Kết quả thu được tuy có những mặt tích cực song không thể tránh khỏi tâm lý đắc thắng tiểu nông gây ra hậu quả tự thu hẹp lực lượng.
Ông Nguyễn Gia Kiểng có lý khi viết trong cuốn "Tổ quốc ăn năn" rằng: "Ta không có tự hào dân tộc, mà đã không có tự hào dân tộc thì không thể yêu nước. Làm sao có thể yêu một cái gì mà ta coi thường? Cho nên lòng yêu nước của người Việt, mà mọi người quả quyết là mạnh, có thể chỉ là một sự hiểu lầm".
Trong các cuộc chiến, không phải bên thắng cuộc là tập hợp của những người yêu nước và ngược lại. Điều đó cho thấy Tổ chức mạnh là một yếu tố quan trọng sống còn để đem lại thành quả.
Nhìn lại phong trào cách mạng của bất kỳ nước nào, dễ dàng nhận các nhà lãnh đạo đều có những chiến lược, chiến thuật áp dụng cho những giai đoạn phát triển khác nhau. Sự sáo mòn trong cách thức biểu đạt của diễn giả sẽ gây ra những tiếng ngáp dài trong hội trường, những cách thức đơn điệu của phong trào sẽ làm quần chúng thờ ơ. Sự cuốn hút, hấp dẫn chỉ có thể có được khi bản thân phong trào luôn mới mẻ, toả sáng. Sự uyển chuyển duyên dáng của phong trào chính là cách thức tiến hành các hoạt động của mình. Những gương mặt cũ với vẻ đăm chiêu, giận dữ, những khẩu hiệu với nội dung cũ mòn sẽ làm hình ảnh đẹp của một phong trào vốn rất đẹp sẽ trở nên nhạt nhoà dần.
- Về phía nhà cầm quyền:
Dù muốn hay không, chúng ta vẫn không thể phủ nhận, đảng cộng sản đã đặt được một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt nam và tác động của nó là rất lớn. Phong trào cách mạng Việt nam do đảng cộng sản sáng lập, tổ chức đã thu được nhiều thắng lợi. Chưa nói tới "thắng lợi" đó đã đem lại gì cho dân tộc này mà chỉ nói về một khía cạnh đau đớn là phong trào cách mạng Việt nam đã lựa chọn người thầy tư tưởng, người đồng minh của mình là những người cộng sản Nga, một đất nước rất lạc hậu so với các nước châu Âu khác và Mỹ. Họ đã lựa chọn cho đất nước một chủ thuyết sai lầm. Tuy vậy trong một quá trình dài, những người cộng sản vẫn thu hút được lực lượng toàn dân phục vụ cho đường lối của họ và đã thu được những thắng lợi quân sự.
Bước sang giai đoạn phải xây dựng đất nước sau cuộc chiến, người cộng sản phải đối mặt với sự sai lầm căn bản của chủ thuyết chuyên chính. Sự lạm dụng bạo lực và tuyên truyền dối trá đã đem lại thắng lợi cho họ trước đây nay đang trở thành thứ làm cho họ đứng trước thất bại về mọi mặt trong công cuộc tái thiết. Đây là lúc họ đang phải trả giá.
Lòng tin trong nhân dân đã mất đồng nghĩa với sự tồn tại của thể chế cộng sản chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, quần chúng vẫn là lực lượng làm nên thành công hoặc thất bại. Người cộng sản dư biết điều đó. Giành giật quần chúng đang là phương sách sống còn của thể chế độc tài. Họ gấp rút xây dựng chiến lược dành dân bằng lực lượng "dư luận viên" và tiêu diệt, làm suy yếu các phong trào đối kháng. Điều đó được minh chứng là thời gian qua nhà cầm quyền tăng cường bắt bớ nhiều người được cho là có nguy cơ đe doạ an ninh cho đảng, thực chất là những người có khả năng lật tẩy bản chất thối rữa của thể chế độc tài chuyên chế. Đối với những phong trào phản kháng khác nhau, họ đã và đang tận dụng các mâu thuẫn trong nội bộ phong trào để nhằm đạt được chiến thuật "bất chiến tự nhiên thành".
Nghĩ về phong trào Dã ngoại thảo luận về quyền con người, có thể thấy những nhà tổ chức đã biết lấy cái mạnh của chính nghĩa để đối lại cái yếu của thể chế là phi nhân. Lấy sự ôn hoà toả sáng để đối lại chính sách bạo lực hèn hạ của những kẻ nắm quyền, từ đó làm nổi rõ sự cao thượng và hơn hẳn của phong trào dân chủ tạo ra sức quyến rũ mạnh mẽ đối với lực lượng đông đảo hiện nay trong xã hội còn đang hoang mang, thiếu quyết đoán lựa chọn con đường tham gia vào công cuộc canh tân đất nước.
Trong hàng triệu đảng viên cộng sản không phải ít người không hiểu lẽ phải. Họ đang đứng giữa sự lựa chọn miếng cơm và tương lai tốt đẹp của đất nước. Nếu phong trào dân chủ trở nên cực đoan không có chiến lược thích hợp, lực lượng đảng viên này sẽ quyết định mũ ni che tai để mặc đất nước như hiện nay và số khác sẽ tiếp tục đứng ở phía lực lượng "thanh kiếm", tích cực hơn trong đàn áp phong trào cấp tiến.
Tỉnh táo, dẹp bỏ những hiềm khích cá nhân, khác biệt về lối sống, dẹp bỏ "lợi ích nhóm" ngay trong các phong trào phản biện, phản kháng là lối đi dành cho người biết điều chỉnh lối chơi. Chỉ có như thế phong trào mới mong không bị loại ra ngoài bàn cờ chính trị.
MXD

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"