Vũ Ánh
Cuộc đối thoại nhân quyền giữa
Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2012 đã bị hoãn vì những căng thẳng ngoại giao do
hồ sơ vi phạm nhân quyền của Hà Nội ngày càng chồng chất và vụ nổi hiện
nay nhất là vụ thu hồi đất của nông dân Ðoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Tiên
Lãng thuộc tỉnh Hải Phòng.
Cả gia đình nạn nhân bị thu hồi đất bị kết án, nặng nhất là 5 năm tù giam, trong khi phía chính quyền thu hồi đất trái phép thì người phải chịu trách nhiệm và là nguyên nhân gây ra nội vụ chỉ bị án treo. Lý do ai cũng thấy sở dĩ có đặc ân này vì ông ta là viên chức của đảng Cộng sản đang cầm quyền. Dù Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải tuyên bố việc thu hồi đất ở Cống Rộc trước thời hạn là sai phạm hoàn toàn, nhưng vì phía gia đình ông Vươn đã sử dụng vũ lực nên lập tức nhà cầm quyền Việt Nam đi bước trước: xử án gia đình ông Ðoàn Văn Vươn dưới “khung án” để khi “đưa các viên chức có trách nhiệm ở Tiên Lãng ra tòa họ chỉ bị xử rất nhẹ.” Ðây là cách kiểm soát thiệt hại đầy thủ đoạn chính trị của Hà Nội.
Cả gia đình nạn nhân bị thu hồi đất bị kết án, nặng nhất là 5 năm tù giam, trong khi phía chính quyền thu hồi đất trái phép thì người phải chịu trách nhiệm và là nguyên nhân gây ra nội vụ chỉ bị án treo. Lý do ai cũng thấy sở dĩ có đặc ân này vì ông ta là viên chức của đảng Cộng sản đang cầm quyền. Dù Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải tuyên bố việc thu hồi đất ở Cống Rộc trước thời hạn là sai phạm hoàn toàn, nhưng vì phía gia đình ông Vươn đã sử dụng vũ lực nên lập tức nhà cầm quyền Việt Nam đi bước trước: xử án gia đình ông Ðoàn Văn Vươn dưới “khung án” để khi “đưa các viên chức có trách nhiệm ở Tiên Lãng ra tòa họ chỉ bị xử rất nhẹ.” Ðây là cách kiểm soát thiệt hại đầy thủ đoạn chính trị của Hà Nội.
Lẽ ra, một chính quyền nghiêm minh thì cần phải xử những người đại
diện pháp luật mà làm sai luật nặng hơn là nạn nhân của một vụ mà chính
nhà cầm quyền lại có những hành động phi pháp. Ở Los Angeles Hoa Kỳ vào
thập niên 40, 50 thế kỷ trước có nhiều vụ nhũng lạm của viên chức chính
quyền dân cử địa phương mà trong đó vụ nổi nhất được thực hiện thành
phim “Gangster Squad”: một trưởng toán cảnh sát hình sự Los Angeles
ngang nhiên mở cuộc tấn công vào khu dinh thự của một trùm mafia ngay
giữa thành phố Los Angeles để bắt thủ lãnh bọn giết người, buôn lậu, lấy
xâu các sòng bài nhưng lại được chính quyền Los Angeles che chở bằng
luật pháp đương thời.
Việc làm này rõ ràng là sai luật, nhưng viên trưởng toán cảnh sát
hình sự lập luận “vi luật để giữ luật.” Vụ Ðoàn Văn Vươn cũng vậy. Dùng
súng hoa cải và toan nổ mìn là một vụ vi phạm luật, nhưng là để chống
lại nhà cầm quyền địa phương vất luật vào sọt rác khi thu hồi đất trước
thời hạn luật cho phép thu hồi. Chỉ khác ở chỗ nhà cầm quyền hiện nay ở
Việt Nam là nhà cầm quyền chuyên chính và nhà cầm quyền Los Angeles vào
thập niên 40, 50 của thế kỷ trước là nhà cầm quyền dân cử của một nước
tư bản. Khác nhau ở chế độ, nhưng giống nhau về quyền con người vẫn có
thể bị chà đạp ở một nước dân chủ do nhũng lạm và tính chất cửa quyền
của giới cầm quyền lực trong tay. Vụ “gangster squad” và vụ đánh đập một
công dân Mỹ da mầu, Rodney King, vào những năm đầu của thập niên 90 xảy
ra tại Los Angeles cách nhau khá lâu dẫn đến vụ nổi loạn của người da
đen năm 1992 cho thấy vấn đề nhân quyền và dân quyền tại Mỹ vẫn còn tồn
tại những tệ hại cho đến ngày nay sau biết bao nhiêu cuộc tranh đấu.
Ðiều này cũng chứng tỏ thêm một điểm khác là việc giải quyết hồ sơ nhân
quyền hay dân quyền chỉ thành công ở từng giai đoạn, vì sau mỗi giai
đoạn lại nảy sinh ra những hồ sơ khác, giống như nhiều cục đá cứ liên
tiếp nhau được quăng xuống khi mặt hồ nước vừa mới trở lại phẳng lặng.
Hãy nhìn vào thực tế một diễn tiến sau đây: khi Hoa Kỳ chấp nhận thực
hiện chương trình đưa các cựu tù cải tạo gồm các cựu sĩ quan và cựu
viên chức VNCH từ Việt Nam sang định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình nhân
đạo mà người ta quen gọi là HO thì 4 năm sau Washington nới lỏng cấm vận
và năm 1995 lập lại quan hệ bình thường với Việt Nam. Từ năm 1995 đến
nay là một thời gian khá dài, trong đó Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi
danh sách CPC, ủng hộ Việt Nam vào tổ chức WTO mà hồ sơ nhân quyền Việt
Nam cứ mỗi ngày một dầy thêm? Ðiều này cho thấy vấn đề nhân quyền tuy
được Hoa Kỳ quan tâm, nhưng áp lực của Hoa Kỳ chưa “tới” trong khi áp
lực của người Việt trong nước vẫn chưa dụng được vào được những huyệt
đạo quan trọng của Hà Nội chứ đừng nói gì đến đụng vào điểm sinh tử của
họ. Các nhà bất đồng chính kiến, và ngay cả vị chủ tịch Cao Trào Nhân
Bản là Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế dù viết những bài báo nảy lửa cáo buộc nhà
cầm quyền rất nặng nề gởi ra ngoại quốc nhưng cho tới nay, ông vẫn tiếp
tục làm được như vậy và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục phô diễn
hành động hành động thô bạo đối với nhân quyền. Mới đây ông lại còn viết
một thông điệp đòi chính quyền Việt Nam phải bỏ điều 4 Hiến Pháp và
nhiều điều khác so ra còn nặng nề hơn lời lẽ các nhân sĩ, trí thức đã ký
tên vào Bản Kiến Nghị 72. Nhưng cho tới nay ông cũng vẫn chưa bị hề hấn
gì. Tại sao?
Theo tôi, có lẽ hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam đang áp dụng sách
lược mà người Mỹ gọi là “kiểm soát thiệt hại” có nghĩa là “chúng tôi (Hà
Nội) cho các quí vị viết, nói nhưng đừng tìm cách liên lạc với nhau để
thiết lập các tổ chức chống chúng tôi là được.” Những thông điệp mà Bác
Sĩ Nguyễn Ðan Quế gởi cho người Việt trong nước và người Việt ở nước
ngoài dù có hay cách mấy, thôi thúc cách mấy nhưng ông không thể tổ chức
được những nhà hoạt động để thực hiện thông điệp này thì cũng bằng
thừa. Hòa Thượng Quảng Ðộ có gởi bao nhiêu tin cho ông Võ Văn Ái, rồi
ông Ái chuyển qua cho Phật tử và đồng bào hải ngoại đọc nhưng ở trong
nước lại không có khả năng nào để thực hiện cuộc tranh đấu bằng áp lực
cho tự do tôn giáo, một thứ quyền thiêng liêng của con người thì cũng
không hiệu quả bao nhiêu.
Tôi nêu ra những điển hình này để cho thấy rằng về dư luận quốc tế,
Hà Nội bị mất mặt vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ, nhưng họ vẫn yên tâm vì
vẫn củng cố được quyền lực. Khi Hà Nội vẫn yên tâm và vẫn tỏ ra coi
thường nhân quyền tại Việt Nam thì có nghĩa là áp lực của người dân
trong nước, ở hải ngoại và của chính quyền Hoa Kỳ đối với Việt Nam chưa
đủ mạnh nếu không muốn nói rằng còn rất yếu chưa buộc được Hà Nội phải
xoay chuyển.
Sau cùng, trong việc giải quyết từng vụ việc trong hồ sơ nhân quyền
Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn phải dùng chiến thuật thương lượng sau hậu trường.
Gần đây, điển hình nhất cho chuyện này là Hà Nội cho thả Luật Sư Lê Công
Ðịnh và Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân. Ai cũng thấy là đằng sau những vụ như
thế có bóng dáng sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và bàn tay của Ðại Sứ
David Shear. Cả hai ông, Luật Sư Lê Công Ðịnh là công dân Việt Nam nhưng
có thời gian học ở Hoa Kỳ và Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân là công dân Hoa
Kỳ. Nhưng các công dân Việt Nam như blogger Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần thì
vẫn tù nặng vì họ chẳng dính dáng gì đến Mỹ. Sự kiện này cho thấy Hà Nội
vẫn cầm đằng chuôi trong việc giải quyết hồ sơ nhân quyền. Rõ ràng việc
thả hai ông Ðịnh và Quân là điều kiện và là “quà” đi bước trước để đổi
lại Hoa Kỳ trở lại bàn Ðối Thoại Nhân Quyền năm nay tại Việt Nam. Trong
đối thoại, Hoa Kỳ cần phải giải quyết hồ sơ nào thì lại phải bắt đầu
thảo luận trong chốn riêng tư.
Cho nên, tôi thiển nghĩ rằng việc Dân Biểu Chris Smith tổ chức buổi
điều trần vào ngày Thứ Năm là các ông Võ Văn Ái thuộc Ủy Ban Bảo Vệ
Quyền Làm Người có văn phòng tại Paris và ông Cao Quang Ánh cựu dân biểu
liên bang của Louisiana, một số đại diện diện các tổ chức nhân quyền
khác thuyết trình về tình hình vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại
Việt Nam cũng chỉ là phương thức tạo thêm sự chú ý trước khi phái đoàn
Mỹ lên đường đi Việt Nam dự cuộc đối thoại nhân quyền mà thôi. Trong bối
cảnh hiện nay, Mỹ đang phải nhức đầu đối phó với Bắc Hàn để bảo vệ Nhật
và Nam Hàn, ít người nghĩ rằng Hoa Kỳ còn rộng tay, rộng cẳng đưa ra áp
lực công khai buộc Hà Nội phải thế này thế nọ. Trước đó, Phó Ðô Ðốc
William Lee, tư lệnh Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, tiết lộ Mỹ đang hợp
tác với Hà Nội huấn luyện để Việt Nam có được một Lực Lượng Tuần Duyên
tương đối có khả năng bảo vệ được lãnh hải của mình. Chưa biết vấn đề
này sẽ đi tới đâu, nhưng cái khó của Việt Nam hiện nay là phương tiện để
tuần duyên tức là thiếu tầu, vũ khí và khí tài cần thiết. Nếu chính phủ
Hoa Kỳ dám vượt ra khỏi nỗi sợ hãi do viện trợ quân sự cho Việt Nam sẽ
làm hỏng chuyện buôn bán với Bắc Kinh để viện trợ tầu và vũ khí nhằm
giúp thành lập lực lượng tuần duyên cho Việt Nam, thì rõ ràng Washington
sẽ có trong tay một áp lực rất mạnh để buộc Hà Nội phải giải quyết một
phần đáng kể hồ sơ nhân quyền Việt Nam.
Do đó, tôi nghĩ nếu Hoa Kỳ không đi bước trước để giúp Việt Nam và
dùng sự trợ giúp đó như một áp lực vô hình để giải quyết từng vụ việc
nhân quyền sau những cánh cửa hậu trường đóng kín với Hà Nội thì sẽ
chẳng có vấn đề nào được giải quyết cả. Lý do: nếu Washington chỉ “lửng
lơ con cá vàng” thì không có gì để áp lực Hà Nội, nhưng nếu Hoa Kỳ vẫn
dùng hồ sơ nhân quyền để từ chối những hành động trợ giúp thực tế về
quân sự thì nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những ai mà họ
nghĩ có thể làm nguy hại cho quyền lực của họ. “Hey, mấy anh vẫn nồng ấm
với thằng kẻ thù phương Bắc (Tầu) của chúng tôi trong khi chẳng giúp gì
chúng tôi cả, chỉ nói nhân nghĩa cái miệng. Ngả theo các anh ra mặt
cũng sợ bỏ mẹ đi ấy chứ. Hồi chúng nó đánh Hoàng Sa khi ấy thuộc quyền
của Việt Nam Cộng Hòa, tầu chiến của các anh đứng gần đó mà vẫn bình
chân như vại chỉ vì Richard Nixon đã lỡ cam kết với Bắc Kinh. Nhớ
không?” Nhà cầm quyền Việt Nam cho tới nay vẫn nghĩ như vậy đó! Và do
vậy có thể Hoa Kỳ nối lại cuộc đối thoại nhân quyền năm nay ở Hà Nội sẽ
chẳng có gì trong tay lúc trở về Washington nếu họ cũng chỉ đi “tay
không đến Hà Nội” trong khi đó, chưa có dấu hiệu gì là người dân Việt
Nam sẵn sàng đổi cái họ đang có bằng một Ðông Âu tại Việt Nam.
Cuối cùng, chúng ta thấy rằng trận chiến nhân quyền tại Việt Nam sẽ
chẳng bao giờ có kết thúc, mỗi hồ sơ sẽ phải giải quyết rất lâu sau hậu
trường khi áp lực của phía đòi hỏi cải thiện nhân quyền chưa đủ mạnh.
Nhưng tôi cho rằng dù biết như vậy, các tổ chức nhân quyền cũng không
thể nản lòng bỏ ngang tất cả các cuộc tranh đấu. Ðiều cần là các nhà
tranh đấu nhân quyền này cũng phải hiểu cái giá phải chăng thích hợp với
thực tế để cùng Mỹ đánh đổi từng vụ.
Nguồn: NB Nguoi Viet