Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Một vài góp ý cho cuộc đấu tranh chống cộng sản hiện nay

Theo Đàn Chim Việt

Câu chuyện bó đũa người Việt có ai không biết?
Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Đó là quy luật vận hành của đất trời vạn vật. Quy luật ấy đã thể hiện sinh động nơi nào có cộng sản, vì cộng sản luôn đồng nghĩa với bất công chèn ép cùng với dối trá bạo lực và trăm ngàn biến ảo độc dữ quỷ ma. Thế giới đã bàng hoàng khi phát hiện ông tổ của cộng sản là Karl Marx chính là một kẻ thờ quỷ vương Satan, vì thế cộng sản ở các nơi sau này đều thể hiện đầy đủ các đặc tính của ma vương, quỷ dữ.
Do đó, cuộc đấu tranh chống cộng sản hiện nay không đơn thuần là những va chạm giữa TỰ DO và ĐỘC TÀI của một chế độ hoặc chính thể nào đó, song là cuộc đối đầu giữa THIỆN và ÁC của lương tâm nhân loại. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, từng bước, từng bước Việt Nam đã chìm dần vào bóng đêm cộng sản, và cũng từ đó, bầu khí đấu tranh của toàn dân đã khởi đầu, lúc thì công khai, khi âm thầm và chưa bao giờ chấm dứt, có khác chăng chỉ là mức độ và tầm ảnh hưởng. Gần đây, chúng ta đã kỷ niệm 38 năm ngày Quốc Hận 30/4. Suốt 38 năm qua, ở hải ngoại cũng như ở trong nước, luôn luôn có những người đấu tranh chống lại độc tài cộng sản.

Những năm đầu sau 1975, cuộc đấu tranh của Người Việt hải ngoại rất mạnh mẽ, sôi nổi, nhưng càng về sau, cuộc đấu tranh này dường như ngày càng giảm hùng khí ban đầu. Sự suy giảm này có nhiều lý do, nhưng một trong các nguyên nhân rất dễ nhận ra, đó là tình trạng chia rẽ giữa những người đấu tranh ngày càng gia tăng.
Nhưng tại quốc nội, cuộc đấu tranh có chiều hướng ngược lại. Sau ngày Miền Nam mất vào tay cộng sản, và sau khi những tổ chức Phục Quốc bị tan rã, cuộc đấu tranh của người dân ban đầu rất yếu, nhưng càng về sau càng mạnh lên, nhất là từ khi xuất hiện Khối 8406 vào năm 2006 cùng với nhiều tập hợp khác.
Hiện nay, cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước ngày càng đông người và càng được nhiều giới tham gia, nhất là giới trẻ, giới dân oan bị chế độ cướp nhà cướp đất, đặc biệt có cả những người gốc cộng sản và những người từng cộng tác tích cực với chế độ nhưng nay đã phản tỉnh. Cuộc đấu tranh trực diện đó đang làm cho cộng sản hết sức bối rối và lo lắng lúng túng. Chưa bao giờ sự phân hóa và bất hòa chia rẽ trong nội bộ cộng sản lại hiện rõ không thể che dấu như lúc này, đặc biệt qua Hội Nghị Trung Ương 7 của đảng CSVN đang tiến hành tại Ba Đình mấy hôm nay, các nhóm lợi ích đang khống chế và thao túng làm cho cơ thể cộng sản vốn đã rệu rã lại càng thêm khốn cùng rệu rã.
Nó báo hiệu ngày tàn của chế độ đã đến.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà sự phối hợp nhịp nhàng giữa trong nước và hải ngoại hết sức cần thiết để dứt điểm chế độ độc tài hiện nay, sớm nhất có thể. Để có sự phối hợp nhịp nhàng ấy, thiết tưởng chúng ta cần thống nhất với nhau một số điểm cần thiết.

Phải củng cố thực lực của ta và làm suy yếu sức lực của địch:

Tập thể muốn có sức mạnh, không gì hữu hiệu bằng tạo đoàn kết. Muốn làm suy yếu một tập thể không gì bằng làm tập thể ấy chia rẽ. Hai điều ấy quá hiển nhiên ai cũng biết. Tại hải ngoại, vô số người có quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản. Nhưng phương thế đầu tiên và quan trọng nhất đó là đoàn kết thì bị xem nhẹ, chẳng mấy ai quan tâm thực hiện. Ngược lại, người ta đánh phá lẫn nhau khiến lực lượng đấu tranh chống cộng ngày càng suy yếu.
Nếu chúng ta chưa tạo đoàn kết trong cộng đồng Người Việt mình và chưa gây được chia rẽ trong hàng ngũ cộng sản được, thì ít ra chúng ta đừng tạo chia rẽ trong cộng đồng của mình và đừng tạo đoàn kết trong hàng ngũ địch.
Ai cũng biết bẻ nguyên cả một bó đũa thì phải dùng một sức mạnh rất lớn mà một người bình thường khó làm nổi. Nhưng lần lượt bẻ từng chiếc một thì người yếu nhất cũng có thể bẻ hết cả bó. Chúng ta cần tận dụng kinh nghiệm này.
Vậy đừng dại gì mà đòi bẻ nguyên cả bó đũa, trái lại, phải biết tách rời nó ra thành từng chiếc. Cũng vậy, một việc lớn lao khó thực hiện, nếu biết phân ra thành nhiều việc nhỏ để giải quyết lần lượt từng việc một thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Áp dụng vào cuộc đấu tranh hiện nay:

Chế độ cộng sản cũng như đảng cộng sản hiện nay gồm nhiều thành phần khác nhau, đại khái có những thành phần chính:
– Có những thành phần thật sự yêu nước, vì sai lầm và vì bị tuyên truyền lường gạt mà họ cộng tác với chế độ; nay họ nhận chân được bộ mặt thật “hèn với giặc ác với dân” của chế độ, họ đã lên tiếng phản đối chế độ, và sẵn sàng đứng về phe đấu tranh dân chủ;
– Có những thành phần đang hưởng ân huệ của chế độ, nhưng họ nhận ra chế độ này là một chế độ “buôn dân bán nước”; tuy họ đang cộng tác với chế độ để tiếp tục hưởng những đặc ân mà họ chưa muốn từ bỏ, nhưng khi phe dân chủ nổi dậy và có khả năng thắng thế, họ sẵn sàng chống lại chế độ và đứng về phe dân chủ;
– Có những thành phần sẵn sàng trung thành với chế độ, bất chấp họ biết rõ chế độ này hoàn toàn bất lợi cho dân tộc, nhưng họ đã gây quá nhiều tội ác, nên họ biết nếu chế độ bị lật đổ, người dân sẽ khó lòng tha thứ cho họ; vì thế họ phải bảo vệ chế độ cũng là bảo vệ mạng sống của họ và gia đình họ, cùng với những gì họ cướp được của người dân… Thành phần này tương đối ít, nhưng lại là thành phần đang nắm rất nhiều quyền lực và tiền bạc trong tay.
Muốn lật đổ hay tiêu diệt chế độ mà chúng ta cứ đòi ôm tất cả để lật đổ tất cả, phải chăng chúng ta đang làm cho tất cả những thành phần khác nhau của chế độ, của đảng cộng sản đoàn kết lại thành một khối chống lại chúng ta để bảo vệ quyền lợi của họ? Chúng ta thử nhìn lại mình xem lực lượng của chúng ta đủ sức lật đổ cả cái khối ấy không? Tại sao chúng ta không biết chia họ ra thành nhiều thành phần, và cùng hợp sức với những thành phần muốn thay đổi chế độ để lật đổ nhóm thiểu số đang cầm quyền? Nhóm thiểu số cầm quyền này một khi bị lật đổ thì cả chế độ cộng sản cũng sẽ sụp đổ theo.
Trong hai cách ấy, cách nào dễ hơn thực hiện hơn? Cách nào khôn ngoan và hữu hiệu hơn?
Những thành phần gốc cộng sản, những người trong quá khứ đã từng tích cực xây dựng chế độ, nay họ đang có những hành vi cụ thể chống lại chế độ, tố cáo tội ác của chế độ, tại sao chúng ta lại tỏ ra nghi ngờ họ, cho rằng họ chống giả bộ, quy kết họ là chống cộng “cuội” hay dân chủ “cuội” một cách chẳng có cơ sở gì cả? Chống lại những người này tức là đẩy họ trở lại phía địch thủ của mình, làm cho phía địch mạnh lên thay vì yếu đi? Chế độ VNCH ngày xưa đã sử dụng “chính sách chiêu hồi” để kéo địch về phía ta, khiến cho lực lượng ta đông và mạnh lên, còn lực lượng của địch ít và yếu đi. Tại sao mình lại không áp dụng “chính sách chiêu hồi” ấy trong cuộc đấu tranh hiện nay?
Việc lật đổ một chế độ độc tài là một việc vô cùng khó khăn và lâu dài. Điều này lịch sử của các chế độ độc tài trong thế kỷ 20 đã chứng minh quá rõ ràng. Tại sao chúng ta cứ ôm lấy “nguyên con” và đòi thực hiện “nguyên con” việc vô cùng lớn lao và khó khăn ấy mà không biết chia nhỏ ra thành nhiều giai đoạn để thực hiện từng phần nhỏ? Để phá đổ một căn nhà 5 tầng, người ta phải chia ra làm 5 giai đoạn: khởi đầu là phá tầng 5, trong lúc phá tầng 5 thì chưa cần đả động gì đến các tầng 1,2,3,4, trái lại phải bảo vệ các tầng này để còn có lối lên mà phá tầng 5. Đến khi phá tầng 4 thì cũng tương tự như vậy, không đả động gì đến tầng 1,2,3 mà tập trung mọi năng lực vào việc phá tầng 4. Nếu chủ trương phá cả 5 tầng một lúc thì làm sao mà phá nổi?
Hiện nay, có nhiều người thật sự muốn lật đổ chế độ cộng sản, nhưng họ chủ trương chia việc đó thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một mục tiêu riêng. Khi tiến hành giai đoạn nào thì họ chỉ tập trung vào mục tiêu của giai đoạn ấy, chưa đả động gì đến những mục tiêu sau, nhất là tuyệt đối không nói đến mục tiêu cuối cùng. Nếu ngay giai đoạn đầu mà đã tuyên bố rằng mình chủ trương lật đổ chế độ cộng sản, thì cộng sản ngu gì mà không chặn đứng mình từ giai đoạn đầu tiên ấy? (1) Giai đoạn đầu đã bị chặn đứng thì làm sao thực hiện được những giai đoạn sau?
Nhưng khổ nỗi những người chủ trương chia nhỏ việc lớn lao này và cố ý dấu đi mục đích chống cộng của mình thì bị những người chống cộng khác không hiểu nên phản đối, kết án, mạt sát, bêu riếu, cho họ là dân chủ “cuội”, thậm chí còn cho họ là thân cộng nữa. Thế là ngay cả những người cùng chiến tuyến với họ cũng gây khó khăn cho họ.
Để làm cho lực lượng của mình mạnh lên, chúng ta cần làm cho phe mình ngày càng đông lên, cần thêm bạn bớt thù. Nếu chúng ta cứ loại trừ ra khỏi lực lượng mình những người có những suy nghĩ hay cách đấu tranh khác biệt với mình, thì làm sao mình còn đủ người và đủ mạnh để chiến thắng?
Trong cuộc chiến chống lại một chế độ gian trá, đầy mưu mô thâm hiểm, nếu mình chỉ biết chửi, chỉ tố cáo tội ác tày trời của chúng, thì chỉ làm chúng mất mặt thôi. Chiếc xe đang chạy mà mình chỉ đập bể kiếng, làm méo mó thùng xe, làm trầy sơn… thì xe vẫn chạy được ngon lành. Muốn thắng được chế độ ấy thì phải dùng mưu kế. Đã là mưu kế thì phải biến hóa khôn lường. Có khi phải “dương đông” để “kích tây”. “Kích tây” mới là mục đích, nhưng để “kích tây” mà mình cũng “dương tây” thì địch sẽ đề phòng, làm sao mình thành công? Nhưng nếu mình “dương đông” thì có biết bao người cùng chiến tuyến phê bình, chỉ trích, chửi bới là dại dột, ngu xuẩn, làm lợi cho giặc, v.v… vì họ tưởng mình “kích đông” thật, mà nếu “kích đông” thật sự thì đúng là ngu.
Nếu tâm lý quần chúng cứ sẵn sàng chửi rủa như thế thì chẳng ai áp dụng một mưu kế nào được. Thế có phải là mình tự hại mình không?
Chống cộng sản hiện nay không đơn giản là cuộc chiến giữa ĐỘC TÀI và DÂN CHỦ, nhưng là cuộc chiến giữa CHÍNH và TÀ, giữa THIỆN LƯƠNG và TÀ ÁC mà bài học đoàn kết là bài học đầu tiên ai cũng cần phải học.
Đoàn kết là bài dễ học nhưng khó thuộc nhất. Không thể nói đoàn kết khi mở miệng ra hoặc đặt bút xuống là nói hoặc viết toàn những lời đánh phá và công kích kết án người khác. Khoan kêu gọi ai khác, hãy kêu gọi chính mình trước hết về đoàn kết. Với tâm cảnh ấy, ngày giải thể của cộng sản tà ác chắc chắn đang đến gần, rất gần.
© Người Việt thầm lặng
_______________________________

Phụ chú:

(1) Viết tới đây, tôi nhớ một người tù lao động kể cho tôi chuyện anh ta quyết tâm trốn trại. Để thực hiện việc này, anh ta luôn luôn tỏ cho mọi người thấy anh ta rất an tâm “học tập”, bằng cách lao động thật chăm chỉ, sẵn sàng chiếm cảm tình các cán bộ quản giáo, sẵn sàng làm những gì họ nhờ, như dạy họ học, sửa dụng cụ cho họ, thỉnh thoảng tặng họ một món quà, v.v… Nhờ vậy anh ta được quản giáo tín nhiệm, cho anh ta được thoải mái đi lại trong trại, và ít quan tâm “quản lý” anh ta. Điều này làm nhiều người đồng tù với anh ta ngứa mắt, khó chịu. Để thử mức độ an tâm “cải tạo” của anh ta, quản giáo đã vài lần thử tạo điều kiện cho anh ta trốn trại thế mà anh ta không trốn, nên họ lại càng tin tưởng và để anh ta được tự do đi lại trong trại. Nhờ vậy anh ta giúp được nhiều người đồng tù với anh. Cứ thế cho tới một ngày thuận tiện, anh ta cùng cả 5, 6 người bạn cùng trốn trại một lượt và thành công. Nếu ngay từ đầu anh ta tuyên bố với mọi người mình sẽ trốn trại thì liệu quản giáo có dám để anh ta được tự do đi lại trong trại để nhờ đó anh ta khám phá ra đường lối nào và giờ giấc nào là thuận tiện và hữu hiệu nhất để trốn trại không?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"