Lữ Phương
Ông Nguyễn Khắc Mai – được giới thiệu
là nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu,
Ban Dân vận Trung ương – vừa viết một
bài ca ngợi “giá trị minh triết” của K. Marx, căn cứ
vào đó nêu ra hàng loạt những “nghịch lý” mà Đảng
Cộng sản Việt Nam đã gặp phải trong khi đem những tư
tưởng của triết gia này áp dụng vào thực tế. Những
“nghịch lý” này xem ra được nhiều người chú ý một
cách thích thú nhưng thật ra không có gì mới mẻ cả vì
tôi thấy, từ nhiều góc nhìn khác nhau, đã được nhiều
tác giả trong nước nói đến từ lâu rồi. Điều tôi
quan tâm trong bài viết này chỉ là mấy chữ “giá trị
minh triết” của K. Marx vì tôi thấy trong một khung cảnh
văn hóa mà bất cứ một anh vớ vẩn nào cũng có thể tự
cho mình cái quyền nhổ nước bọt vào sách vở của
Marx, mấy chữ “giá trị minh triết” của K. Marx ở đây
dù sao cũng nên được quan tâm thích đáng.
Nhưng mối thiện cảm ban đầu đó của tôi
với cái tựa bài viết của ông Nguyễn Khắc Mai đã tan
biến hoàn toàn khi tôi đọc được mấy dòng sau đây
trong bài viết của ông, nương theo chú dẫn trong bài viết
đó để tra cứu và nhận ra những sai lầm không thể nào
tưởng tượng nổi của một nhân vật “hiện
là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết”
:
“ Cái
gọi là giá trị
minh triết đầu tiên của C. Mác
là sự thừa nhận không có chủ nghĩa cộng
sản. Hai
ông nhiều lần khẳng định điều này (xem Ăng ghen trả
lời phỏng vấn của K. Heinzen, cũng như bài tựa tác phẩm
Cuộc đấu tranh giai cấp ở
Pháp). Trong bài tựa này Ăng
ghen viết: “Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi
thời về mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa
cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được
người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ nhưng
vứt bỏ nó trong cuối đời.” Trong bài trả lời phỏng
vấn K Heinzen Ăng ghen nói, chúng tôi không coi CNCS là lý
tưởng, bởi lý tưởng là từ ý chí chủ quan, nó chỉ
là phong trào hành động thực tiễn, những người CS phải
lấy thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại
làm tiền đề cho chính sách của mình (nôm na là hãy học
những bài học văn minh của thế giới mà hành động!). Ông
còn cẩn thận chỉ ra rằng thực tế văn minh chứ không
phải thực tế lạc hậu, mà phải là của những dân tộc
hiện đại chứ không phải của những dân tộc trung
bình. Với quan niệm như thế hai ông cũng đã khẳng định
không có cách mạng, mà chỉ có tiến hóa mà thôi. Tiến
Hóa đó mới thật là giá trị minh triết của hai
ông”. (1)
Theo sự kiểm tra của tôi (một công việc
bỏ chút thì giờ ai cũng làm được) khi dò theo một số
tên người mà tác giả nêu ra – mặc dù tác giả
không cho biết cụ thể về văn bản nguồn – tôi thấy
không hề có cuộc gọi là “trả lời phỏng vấn” nào
của Engels với K. Heinzen cả : Heinzen không phải là một
nhà báo mà là một trí thức khuynh tả, có liên minh với
những người Cộng sản trong phong trào chống tư bản bấy
giờ ở Đức, nhưng khi phát biểu về những đồng minh
của mình lại có những nhận định không đúng nên
Engels đã buộc phải lên tiếng, cho nên điều ông Mai gọi
là “Ăng ghen trả lời phỏng vấn của
K. Heinzen” thực sự là những lời luận chiến phê
phán những nhận xét sai lầm của K. Heinzen về chủ nghĩa
cộng sản của Marx:
“Heizen hình dung chủ
nghĩa cộng sản là
một học thuyết nhất định và đem ra thực hiện từ
một nguyên tắc lý luận cốt lõi nào đó, từ đó rút
ra những kết luận xa hơn. Chủ nghĩa cộng sản không
phải là một học thuyết mà là một phong
trào đem
vào thực hiện không phải từ những nguyên lý mà từ các
sự kiện. […] Những người cộng
sản không phát xuất
từ triết lý này hay triết lý nọ mà dựa trên toàn bộ
tiến trình lịch sử trước đó và đặc biệt trên những
kết quả thực tế của tiến trình đó trong những nước
văn minh thời nay. Trong chừng mực là một lý thuyết, chủ
nghĩa cộng sản là biểu hiện lý luận vị trí của giai
cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và vô
sản, là sự tổng kết những điều kiện cho sự giải
phóng giai cấp vô sản”. (2)
Engels đã viết rõ ràng như vậy. Đúng hay
sai, đây không phải là chỗ để bàn luận về sự diễn
giải đó của Engels đối với tư tưởng của Marx – qua
sự trình bày ở trên là mối quan hệ giữa lý luận và
thực tại, giữa ý thức hệ và cuộc sống – mà chỉ
là câu chuyện về cái gọi là những “giá trị minh
triết” mà ông Nguyễn Khắc Mai đã gán cho Engels và Marx
: giá trị minh triết ấy (nếu có) qua văn bản trên đây
chẳng có gì để có thể cho rằng hai tác giả Tuyên ngôn
cộng sản sau này đã tự chối bỏ mình bằng cách thừa
nhận “không có chủ nghĩa cộng sản”.
Ý kiến của ông Mai khi viện dẫn lời tựa
của Engels (viết năm 1859) cho cuốn Đấu
tranh giai cấp ở
Pháp trong những năm 1848 đến 1850 (do Marx viết năm 1850)
cũng có những sai lầm trầm trọng như vậy. Trong bài
viết nói trên của Engels quả là có một ý cho rằng :
“Phương pháp đấu tranh của năm 1848 bây giờ lỗi thời
về mọi mặt…” nhưng nếu đọc toàn bài thì ý nghĩa
rành rành của nó là nói về sự khác biệt của các
phương pháp của những năm 1848-1850 so với năm 1859 sau
này – các phương pháp mới này Engels đã phát triển rõ
hơn trong bài viết (như từ bỏ kiểu bạo lực đường
phố, chấp nhận những phương thức đấu tranh nghị
trường, công khai…vì theo Engels giai cấp tư sản đã đi
đến chỗ “sợ những phương thức hợp pháp hơn là bất
hợp pháp của đảng công nhân, sợ kết quả của những
cuộc bầu cử hơn là những cuộc khởi loạn” (3)
– chứ không có gì hàm ý khẳng định
là “không có cách mạng, mà chỉ
có tiến hóa” như ông Mai đã trình bày về học
thuyết Marx xét trên tổng thể, nhất là cho rằng đó là
một học thuyết đã bị chính những người khai sinh ra
nó phủ nhận vì “đã lỗi
thời về
mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cộng sản
gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai
sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ nhưng
vứt bỏ nó
trong cuối đời”.
Tôi hết sức ngạc nhiên về thái độ quá
dễ dãi (hoàn toàn thiếu thận trọng) trong cách đọc văn
bản của ông Nguyễn Khắc Mai cũng như cách ông viện ra
khái niệm gọi là “giá trị minh triết” để giải
thích xuyên tạc tư tưởng của Marx và Engels. Theo tôi
nghĩ, chắc hẳn ông không thể không biết rằng bản thân
học thuyết Marx là một vấn đề học thuật, dù bàn bạc
theo hướng chấp nhập hay phủ nhận thì cũng nên đàng
hoàng, nghiêm chỉnh, chứ không thể chửi bừa, cho lấy
được hoặc khen bừa, cho lấy được như nhiều người
đang làm hiện nay. Nhất là lại không đọc kỹ chính văn
mà chỉ đoán mò hoặc không kiểm tra tài liệu trước
khi viết mà cứ thoải mái … “nổ” rầm trời !
L.P.
(1)
Nguyễn
Khắc Mai : Đôi
điều về Minh triết Các Mác hay những nghịch lý “cộng sản”,
đăng trên nhiều trang mạng, như Bauxite Việt Nam hay
Quê
Choa
(2)
Hai
bài báo của Engels tranh luận với Karl Heinzen trong Hồ sơ : The Communists
and Karl Heinzen.