Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Lý Thuyết Đái

“Hai mươi phút cho một suất ăn trưa. Nếu người (xếp) đầu hàng chỉ cần chậm trễ lúc nhận phần ăn thì kể như người cuối hàng không còn thời gian ăn nữa."
“Một phút rưỡi mỗi lần vệ sinh… 90 giây là khoảng thời gian đi hết quãng đường 150m từ xưởng sản xuất đến khu vực W.C. Người công nhân muốn đi “tháo bàng quang” rất cần tăng tốc động tác trong một chuỗi các thao tác may, ấn vào cái nút toilet màu đỏ…mắt người phải liên tục để ý đến cái nút khi nó chuyển sang màu xanh thì lập tức dừng máy và đi thật nhanh nếu không muốn nói là chạy. Kinh nghiệm nhiều năm của tôi cho thấy, trước tiên bạn cần phải luyện bộ máy tiêu hóa của mình theo hướng công nghiệp, đạt tiêu chuẩn ISO 2002 và cần rèn luyện thêm một số các kỹ năng đái khác, lúc ấy bạn mới ngồi vào chuyền may cho Tan Weng Company Ltd được.
“Bao nhiêu lần làm đơn đề nghị Tan Weng Company Ltd tăng giờ vệ sinh là bấy nhiêu lần em dỉn ra quần. Tám trong số bốn mươi em và sau này còn bao nhiêu em nữa phải âm lương do không hoãn được cái sự “thoải mái” ấy lại.
“Lý thuyết Đái, một lý thuyết về sự thay đổi thói quen. Có nghĩa rằng một khi tôi đã ngồi vào chiếc ghế may thì tất cả trọng lượng cơ thể với 42 kg của tôi lập tức biến thành một chuyền may.

“Lý thuyết Đái nói “bạn cần phải chạy nhanh hơn bất kỳ cái gì nhanh nhất”.
Đây là những dòng chữ lạnh lùng đến rớm máu trong truyện ngắn “Mùng chín tháng tám”, về tấn bi hài kịch quanh cái dây chuyền sản xuất công nghiệp, trong một công ty vốn nước ngoài Tan Weng nào đó, nơi mà những người lao động Việt Nam chỉ được coi như những chi tiết của một cỗ máy.
Chép lại “lý thuyết đái” của nhà văn Lê Thanh Kỳ, là bởi ngày hôm qua, tác giả của vừa đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ vừa xuất hiện, để nói về những bi kịch khác trong đời sống mà ông không thể đưa hết vào một truyện ngắn. Đó là hiện thực 31 lao động được đưa vào một xưởng giày da- may mặc trong một…khu rừng nước ngoài. Cắt đứt hoàn toàn với thế giới. Một địa ngục. Một kiểu lao động khổ sai thực sự.
Phải nhắc lại “lý thuyết đái” vì hôm qua, báo Tiền phong đưa một bản tin ngắn gây sốc về tình trạng có tới 162 ngư dân Thanh Hóa đang làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc.
Bản tin ngắn gây sốc đến mức người ta phải tự đặt ra và trả lời câu hỏi: Vì sao những ngư dân Việt Nam, một cách trái pháp luật, tha hương cầu thực, làm việc trên những chiếc tàu cá Trung Quốc, có khi đang đánh bắt trái phép trên chính vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Có người đã đặt vấn đề hiểu biết pháp luật, vấn đề ý thức công dân.
Nhưng thực ra, chẳng có gì to tát đến vậy.
Chỉ vừa tháng trước, ba ngư dân người Việt đã phải “nhảy xuống biển” chấp nhận mạo hiểm giữa dòng nước buốt giá, trên vùng biển Chile xa lạ, chỉ để thoát khỏi cái địa ngục có tên là tàu cá Đài Loan. Đó là nơi mỗi ngày làm việc dài “mười mấy tiếng”, “không có ngày nghỉ”, thức ăn là cá đánh được “nướng trên ống khói tàu”, là “hôm nào không có việc thì chủ chỉ cho ăn cháo và rau”, là “đói ăn rau nhưng đau không có thuốc”, là “ốm vẫn phải làm việc”.
Xin đừng trách họ. Chung quy chỉ là câu chuyện miếng cơm manh áo. Chẳng ai muốn phải tha hương cầu thực để trở thành một chi tiết trong cỗ máy công nghiệp đi đái cũng phải có lần, có phút hoặc nô lệ khổ sai để phải nhảy xuống biển.
Chẳng ai muốn mạo hiểm khi xuất khẩu lao động trong không ít trường hợp chẳng khác gì đánh bạc với số phận.
Cũng hôm qua, báo chí đưa tin lao động chui người Việt thứ tám đã chết ở Angola.
Cũng hôm qua, báo cáo về tình hình lao động và việc làm, dù không đạt chỉ tiêu, nhưng vẫn được đánh giá như một nỗ lực mang tính chất chiến công của cơ quan chức năng.
Cũng hôm qua đầu tàu kinh tế TP HCM lạc quan tính toán “chỉ” 12 năm nữa thu nhập đầu người sẽ bằng Băng Cốc của năm… 2010.
Những bi kịch “lý thuyết đái”, hay những hiện thực “nhảy xuống biển” có lẽ chỉ chấm dứt khi tình hình việc làm, thất nghiệp không chỉ tồn tại như những chỉ tiêu, khi người công dân, ngư dân có thể sống chính đáng bằng mồ hôi nước mắt ngay trong nước.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"