Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Lưu lạc giữa đời

Govapha
Thành viên Dân Luận
Tranh Amin Faramarzian
Tôi biết thằng Thụ từ lúc hắn chân ướt chân ráo tới thành phố với hai bàn tay trắng, là bà con bên Ngoại. Những người bà con chân lấm tay bùn thường chấm dứt câu chuyện bằng giọng điệu áo não "Số chúng tôi khổ lắm." Thằng Thụ bỏ học từ nhỏ, chỉ quanh quẩn bên chân tía hắn phụ việc lặt vặt. Thích rong chơi, chán cảnh phải lặn lội qua hai mùa mưa nắng. Không muốn bó buộc trong cảnh ngặt nghèo thường xuyên bị đói, hắn mơ tới mỏ vàng ở thành phố. Thụ được mẹ tôi cưu mang giúp đỡ cho những ngày đầu bỡ ngỡ, sinh hoạt ăn ở không phải lo. Mỏ vàng ở đâu? Xã hội thì đầy rẫy tiêu cực bất công, tệ nạn thì trăm hoa đua nở. Sinh viên học ra trường còn tìm việc không ra, thảm nhất là con nhà nông chịu chết đứng. Cha mẹ quê phải ngậm đắng nuốt cay biết
chừng nào, khi quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" để mong kiếm tiền cho con ăn học nên người. Vậy mà khi con học xong lại không thể kiếm ra việc, muốn "chạy việc" cũng không có tiền mà chạy nổi thì cha mẹ chỉ có nước khóc ra máu. Nếu thành phần trẻ này trở nên chán nản lạc lõng buông xuôi khi đời sống không có lối đi, thì xã hội sẽ tổn thất chất xám cỡ nào. Trong khi lại có một số người không cần học hành gì, chỉ cần nhiều tiền là muốn bằng cấp nào cũng có, muốn xin việc ở đâu cũng xong. Kinh nghiệm xương máu đấu tranh ở chỗ nào, đấu với tranh kiểu gì tới đổ đốn ra, nhìn lại có cái đéo gì để mà tự hào, khi hai chữ công bằng luôn xa lạ với người nghèo. Bây giờ còn cố õng ẹo vớt vát "Chữ trinh cũng có ba bảy đường". ĐM
Thằng Thụ chữ nghĩa chưa đầy lá nho, hắn thần tượng những nhân vật anh hùng trong Tam Quốc Chí và có thể thao thao bất tuyệt những câu chuyện về những nhân vật này. Ngược lại, hắn hoàn toàn mù tịt khi tôi nức lên từng cơn thổi kèn cho hết bản "Đảng cho ta mùa xuân". Một nỗi buồn quánh cục lại trong cổ họng, hy vọng đời nó đào được mỏ vàng chứ đừng rớt xuống hầm phân. Nghèo đã khổ, hắn lại có khuôn mặt thật xấu trai. Nhưng được cái hắn có một thân hình cao to vạm vỡ chắc nịch cho tôi liên tưởng tới nhân vật Vọi trong truyện "Trống Mái" của Khái Hưng. Phải chi hắn dễ nhìn chút thì dù không xin được việc làm nào vẫn còn cơ hội đi làm trai bao cho mấy bà già nhà giàu thích hưởng thụ trai tơ sẽ kiếm được bộn. Còn như kẹt quá cứ ra đứng đường làm đĩ đực, phô bày thân hình kiếm sống qua ngày. Không lo nhiều được, biết đâu vẫn có người chịu dừng lại, tầm nhìn chỉ cần lướt nhanh từ bộ ngực trở xuống dưới là đủ. Sợ ế độ thì cứ cho khách bóp thử một cái, không trải qua cảm giác bị bóp dái như thế nào thì không thể trụ lại được và sống được ở tại thành phố này, thành phố mang tên Bác viết Hoa. Nếu may mắn gặp được một em Hiền mặc chiếc áo phản thời đại. Dám yêu, chỉ biết yêu thôi chả biết gì như tôi thường mơ thì sướng. Dù thực tế, câu chuyện về một mái nhà tranh với hai quả tim vàng rất là củ chuối, khó tin thấy cha.
Thằng Thụ đi kiếm việc đến rã cặp giò, thấy chỗ nào cũng nhào vô xin đại, toàn nhận được câu trả lời chưa cần người. Lê chân về nhà với cái mặt buồn thiu, và thường lẩn tránh mọi người vì mặc cảm ăn nhờ ở đậu. Mẹ tôi luôn an ủi động viên cho hắn lên tinh thần, và thường chép miệng "Tội nghiệp, dưới quê đói mới mò lên đây. Mà kiếm việc không ra thì khổ thân." Lão già Thượng Đế không chịu cười với hắn một lần làm phước, hễ thấy mặt tôi là níu lấy không tha. Hắn xuống giọng nài nỉ: "Anh Gõ ơi, kiếm việc cho em đi." Tôi bùi ngùi nói: "Có kêu anh bằng ông nội đi nữa, anh cũng không biết tìm đâu ra việc cho mầy." Một ngày, hắn rầu rầu ôm bịch quần áo từ giã gia đình tôi. Mẹ tôi cho hắn số tiền nhỏ cùng thức ăn vật dụng trở về quê, còn dặn dò luôn miệng là ở dưới đó có xảy ra chuyện gì phải báo tin cho mẹ tôi hay. Thế mà động trời, thằng Thụ thích sống phiêu lưu hơn tôi nghĩ. Hắn về quê ở lại nhà đúng một ngày một đêm là xách túi quần áo đi mất. Mẹ tôi thì nghĩ hắn đang ở dưới quê, tía má hắn thì nghĩ hắn thích sống ở thành phố, chắc lại lên tá túc nương nhờ Mẹ tôi thôi. Rốt cuộc, má hắn ở dưới quê lên thăm, cả hai người đàn bà cùng bật ngửa.
Má thằng Thụ vừa sụt sịt vừa kể lể: "Nó dìa nhà, lầm lầm lì lì cả ngày không nói tiếng nào. Bữa cơm chiều, tía nó thấy ngứa mắt nên nổi sùng, có cằn nhằn chửi nó vài câu. Chẳng nói chẳng rằng, nó quăng chén cơm đang ăn ra sân rồi gào lên, tía má chơi cho sướng mới lòi tui ra, than thở cái nỗi gì. Nói xong nó đi ra cửa tới khuya lắt khuya lơ mới trở dìa nhà. Sáng bảnh mắt, mới biết nó đã quơ quần áo bỏ đi hồi nào. Hai vợ chồng em tưởng nó lại lên ở với chị." Cả nhà tôi ai nấy đều sượng mặt ra, hết nói nỗi thằng con một này. Tôi lặng lẽ quan sát người đàn bà gọi mẹ tôi bằng chị, khuôn mặt quắt queo khắc khổ xạm đen, thân hình gầy guộc lưng chớm còng, cả người như đang bơi trong bộ bà ba nâu rộng, nhìn già hơn mẹ tôi rất nhiều. Đầu người đàn bà gằm xuống, lòng bà hẳn đang tan nát ngỗn ngang. Tôi nghĩ đến đồng lúa trổ thơm ngầy ngậy, nghĩ đến những giọt mồ hôi hòa lẫn cùng đất, nghĩ đến những câu ca tiếng hò sông nước chuyên chở giấc mơ hiền hòa. Nghĩa mẹ như nước, tình mẹ như biển. Ôi những người mẹ lam lũ sớm khuya, gánh vác tất cả nỗi nhọc nhằn đi tìm mùa xuân cho đời những đứa con đến sức cùng lực cạn. Chuyến xe đưa má thằng Thụ trở về quê buồn bã làm sao, anh em tôi hứa sẽ đi tìm thằng Thụ về cho bà. Nước mắt chảy dài trên má, bà mếu máu nói: "Nó lưu lạc giữa đời, chỉ cầu mong đời nó được yên lành." Xe lăn bánh, bầu trời hôm đó rất oi bức. Chợt nhớ lời một Điệp Khúc trong bài hát "Đò dọc" của tác giả Trầm Tử Thiêng:
"Hò hò lơ, ho hò lờ! Đò dọc lặng trôi
Trôi trên con sông đời
Đưa người lìa xa, xa bến thương mang theo vấn vương
Đời vỗ mạnh thuyền nên sóng xô
Tan cuộc bình yên"
Thằng thiệt tệ, thế là nó đi mất biệt. Thấy nó lại nghĩ đến tôi, cũng từng tệ không kém. Mọi sự tìm kiếm thằng Thụ đi vào bế tắc, nỗi nhớ thương của cha mẹ thì thênh thang. Tía má nó ngày nào cũng rửa mặt bằng nước mắt. Có một cơn gió rất nhẹ thổi qua, mang theo tiếng thở dài nghe tê cả vành tai, như là tiếng gọi của tía má nó vậy "Về đi con, Thụ ơi!" Tôi tin thằng Thụ sẽ trở về, đến cuối đường phải về. Tôi chửi thầm trong bụng: "ĐM, mầy đừng có chết bờ chết bụi ở đâu nghe Thụ."
"Hò hò lơ, ho hò lờ! Đời là giòng sông
Ta trôi như con đò
Chống chèo dọc ngang nương kiếp trôi
Qua bao khúc nhô
Đò dẫu nặng nề trôi mấy trôi
Cũng về một nơi."

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"