Ban Biên Tập Tổ Quốc
Dân Luận: Sau khi đã thưởng thức góc nhìn tích cực về kết quả Hội nghị Trung Ương 7 của nhạc sĩ Tô Hải, thì mời độc giả tiếp tục quan sát một góc nhìn khác, hoàn toàn trái ngược, về Hội nghị này.
Những ai, vì bất cứ lý do nào, còn tin hay ngờ rằng chế độ cộng sản
có thể chấn chỉnh để tiếp tục thống trị VN vừa nhận được một phủ nhận
dứt khoát sau hội nghị trung ương 7 của ĐCSVN.
Hội nghị này không khác hội nghị của một đảng nước ngoài. Nó chỉ bàn
về những vấn đề nội bộ của Đảng. Giữa lúc tình hình kinh tế khẩn trương,
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo suy thoái, hơn một triệu tỷ đồng nợ bất động
sản không thể thu hồi, các xí nghiệp theo nhau phá sản, thất nghiệp lan
tràn, đời sống nhân dân suy sụp thấy rõ, các vấnđề kinh tế xã hội đã
không được bàn tới. Giữa lúc Trung Quốc đang gia tăng khiêu khích không
chỉ đối với Việt Nam trên Biển Đông mà đối với cả vùng Thái Bình Dương
chính sách đối ngoại đã không được dành một phút nào trong một hội nghị
kéo dài mười ngày. Vấn đề quốc gia duy nhất được đề cập, vì
không lẽ không bàn tới một vấn đề quốc gia nào, đã chỉ là khí hậu, tài
nguyên và môi trường. Và cũng chỉ được bàn một cách vớ vẩn để đi đến một
kết luận vớ vẩn: "Trung ương cho rằng, đây là 3 lĩnh vực cực kỳ quan
trọng, có nội dung phong phú, nhiều mặt và quan hệ mật thiết với nhau.
Thời gian qua, các lĩnh vực này ở nước ta đã bước đầu được quan tâm, có
bước phát triển". Thế thì môi trường đã bị tổn hại tới mức độ nào, cần
những biện pháp cứu nguy nào, với những phương tiện nào, trong thời hạn
nào? Phiến diện một cách lố bịch!
Sửa đổi hiến pháp cũng chỉ nhắm tìm giải pháp cho những mâu thuẫn
trong Đảng chứ không phải là một vấn đề quốc gia. Nguyện vọng lớn nhất,
cần thiết và cấp bách nhất của xã hội Việt Nam hiện nay là dân chủ đã bị
phủ nhận trắng trợn vì thông cáo của hội nghị quả quyết: kiên trì những
vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và
nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo". Đây không chỉ là một lời tuyên chiến với nhân
dân Việt Nam mà cũng là một thách đố xấc xược và điên dại với nền văn
minh của nhân loại và với làn sóng dân chủ đang tràn dâng trên khắp thế
giới. Sự ngoan cố này tự động khiến mọi cố gắng dân vận và quốc tế vận
trở thành vô nghĩa và vô vọng.
Dù vậy, dù chỉ tập trung giải quyết những bế tắc của bộ máy đảng, hội
nghị này cũng đã không giải quyết được gì. Nó còn xác nhận ĐCSVN đã hỗn
loạn, không còn cơ quan đầu não vì bộ chính trị đã bị việt vị. Điển
hình là hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, được bộ chính trị đề
bạt sau khi đã được chỉ định đứng đầu hai ủy ban được coi là tối quan
trọng cho cố gắng chấn chỉnh đảng, đã không được bầu vào bộ chính trị,
thay vào đó là hai nhân vật mờ nhạt. Vấn đề chống tham nhũng cũng không
đặt ra nữa vì tham nhũng đã khống chế được đảng. Người bị tai tiếng nhất
là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là người mạnh hơn sau hội nghị này.
Sự bi đát của hội nghị cũng phơi bày qua cách hành văn lúng túng,
luộm thuộm, trùng lặp, nhạt nhẽo, nhiều khi sai cả ngữ pháp của những
văn kiện quan trọng nhất.
Hội nghị đã thất bại hoàn toàn bởi vì nó luẩn quẩn trong những bài
toán không thể có giải đáp: làm thế nào để đổi mới mà vẫn như cũ; làm
thế nào để duy trì một đảng đã tham nhũng, phân hóa trầm trọng và không
còn lý tưởng; làm thế nào để tiếp tục thống trị một dân tộc 100 triệu
người năng động ngày càng ý thức rằng họ bị tước đoạt những quyền căn
bản nhất của con người.
Ban Biên Tập Tổ Quốc