Nguyễn Văn Huy
Ngày 11/05/2013, Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 7 Đảng cộng sản Việt Nam đã bế mạc sau 10 ngày họp mặt.
Người được vào, kẻ không
Ban
chấp hành trung ương đã bầu bổ sung hai thành viên mới vào Bộ chính trị
khóa XI, và một người vào Ban bí thư. Hai nhân vật mới được vào Bộ
Chính trị là phó thủ tướng, ủy viên trung ương đảng Nguyễn Thiện Nhân và
bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bí thư trung ương đảng, phó chủ tịch quốc hội.
Chánh văn phòng trung ương đảng ông Trần Quốc Vượng được bầu vào Ban Bí
thư Trung ương khóa 11.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Trần Quốc Vượng
Ông
Nguyễn Thiện Nhân, 60 tuổi, có lẽ là nhân vật có trình độ kiến thức cao
nhất trong Bộ chính trị : thạc sĩ về quản lý công ở Đại học Oregon và
tốt nghiệp, khóa chuyên gia thẩm định dự án đầu tư tại Đại học
Harvard.Trước đó, ông Nhân là nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật
Magdeburg, Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979), tức Đông Đức cũ. Ông Nguyễn
Thiện Nhân có nhiều hy vọng trở thành ứng viên thủ tướng tại Đại hội
Đảng lần thứ 12.
Bà
Nguyễn Thị Kim Ngân, 59 tuổi, là nữ thành viên thứ hai trong Bộ chính
trị, sau bà Tòng Thị Phóng, được bầu vào năm 2011. Bà Ngân sẽ là ứng
viên cho chức chủ tịch Quốc hội khóa 14.
Với
ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ chính trị - cơ
quan quyền lực cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam - nay có 16 ủy
viên. Thông thường con số ủy viên được hướng tới là số lẻ để
việc bỏ phiếu dễ dàng hơn, do vậy cũng có nhận định sẽ còn
tiếp tục bổ sung thêm một nhân vật mới vào Bộ chính trị trong
thời gian tới. Theo tin hành lang, ông Ngô Xuân Lịch, thượng tướng,
chủ nhiệm Tổng cục chính trị, có nhiều hy vọng được bổ sung vào vị trí
thứ ba trong Bộ chính trị.
Một
điểm đáng chú ý, là ngoài ông Phùng Quang Thanh, đại tướng, bộ
trưởng quốc phòng, quân đội không có thêm nhân vật nào lọt vào
Bộ chính trị. Trong quân đội hiện nay có hai nhân vật được cho là có
khả năng kế nhiệm ông Thanh: thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu, thứ
trưởng, và thượng tướng Ngô Xuân Lịch. Nhưng với kết quả chính thức vừa
công bố, chưa có ứng viên tiềm năng thay ông Thanh trong nhiệm kỳ
tới.
Hai
người từng được cho là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế ủy
viên Bộ chính trị và được dư luận đặc biệt chú ý là các ông
Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính trung ương và Vương Đình
Huệ, trưởng ban kinh tế trung ương, đã thất cử vì không được bầu
bổ sung vào Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Hy vọng tiến thân
vào những chức vụ cao hơn trong guồng máy quyền lực của hai nhân vật
này coi như chấm dứt. Điều này cho thấycác cuộc bầu bán đãdiễn ra trong
không khí cực kỳ căng thẳng của một cuộc tranh giành phe cánh nội bộ. Lý
do được đưa ra là hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, lãnh đạo ở
các ban Nội chính Trung ương và Kinh tế Trung ương, không được bầu là
vì ông Thanh thiếu kinh nghiệm lãnh đạo ở phạm vi quốc gia, còn ông Huệ
chưa có kinh nghiệm ở địa phương. Hơn nữa, ông Nguyễn Bá Thanh đã có một
số tuyên bố là "sẽ bắt hết, sẽ hốt liền" những kẻ tham nhũng; những
tuyên bố này có thể đã làm cho một số người trong trung ương đảng lo
ngại nên đã không bỏ phiếu ủng hộ nhất định.
Tăng cường lãnh đạo công tác dân vận và quản lý thông tin
Các
vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 bao gồm: đổi mới,
hoàn thiện hệ thống chính trị ; tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với
công tác dân vận; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sơ kết một năm
thực hiện nghị quyết xây dựng đảng; công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo
đảng cho tương lai; ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên
môi trường.
Trong
bài diễn văn bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng
cộng sản Việt Nam hô hào "củng cố, kiện toàn, từng bước hoàn thiện hệ
thống chính trị là công việc rất lớn, hệ trọng và phức tạp, phải vừa làm
vừa rút kinh nghiệm".
Về
nội dung đổi mới hệ thống chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết:
"Hoàn thiện thể chế phải gắn liền với đổi mới nội dung phương thức lãnh
đạo của Đảng". Tuy khẳng định vai trò lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính
trị nhà nước, nhưng trung ương đảng cũng thừa nhận trong tình hình hiện
nay có "rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời
sống của cán bộ đảng viên và nhân dân", vì vậy phải tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác dân vận, nhằm củng cố lòng tin của dân
chúng với chế độ, vì đó là mối liên hệ "máu thịt" mang lại sức
mạnh cho đảng cộng sản.
Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có lẽ là nội dung được dư luận quan tâm
hơn cả, nhưng Hội nghị Trung ương lần này không đưa ra những kết luận
nào cụ thể và chỉ khẳng định lại việc "Trung ương kiên quyết, phê phán
bác bỏ" các "quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá
của các thế lực thù địch" trong những ý kiến đóng góp sửa đổi hiến pháp.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được mang ra trình kỳ họp sắp
tới trong tháng 05/2013 của Quốc hội, cho dù theo hạn định,
việc thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân vẫn tiếp tục tới
tháng 09/2013.
Nói
tóm lại, những kết luận của Hội nghị Trung ương 7 không có gì mới,
nghĩa là không có sự chuyển biến nào quan trọng ngoài việc tăng cường
tuyên truyền chính trị và thắt chặt quản lý thông tin.
Bưng bít thông tin
Về
cách thức tổ chức các hội nghị trung ương, dư luận trong nước chỉ trích
tính bí mật các cuộc họp của Ban chấp hành trung ương đảng và đây là
điểm mà mọi người đều muốn thay đổi. Lý do được đưa ra là với tư cách
một đảng chính trị cầm quyền, những quyết định có ảnh hưởng rất lớn đến
cuộc sống chính trị của đất nước, thì bất cứ hoạt động nào cũng phải
công khai và minh bạch.
Dư
luận không còn bằng lòng với những luận điểm tóm lược trong các diễn
văn bế mạc như trước, người dân muốn được thông tin toàn bộ những cuộc
tranh luận hay tranh cãi, các cuộc đấu đá diễn ra trong nội bộ các hội
nghị. Vì Đảng cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền là người dân có
quyền kiểm tra, giám sát tất cả những gì đảng làm, hay các quy định
quyền giám sát của người dân đối với chính quyền và đảng cầm quyền.
Tại
Việt Nam, quyền lực thực sự vẫn nằm hoàn toàn trong tay hai trăm ủy
viên trung ương, trong đó 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết.
Những người này quyết định mọi vấn đề của đất nước và đời sống người dân
Việt Nam, không ai chấp nhận thi hành một cách mù quáng những quyết
định của Bộ chính trị và Trung ương đảng như trước.
Bưng
bít thông tin có lẽ là yếu điểm chính của các chế độ cộng sản, vì sợ sự
thật. Cho đến nay không một chính quyền cộng sản nào dám công khai để
lộ những thông tin nội bộ ra bên ngoài. Những ai vi phạm nếu không bị
kết án tội phản bội tổ quốc thì cũng bị lên án về tội tiết lộ bí mật nhà
nước, tất cả đều bị phạt một cách nặng nề. Đối với dư luận Việt Nam,
tình trạng này cần phải chấm dứt vì ngày nay với những tiến bộ về kỹ
thuật thông tin không có gì có thể được che giấu mãi với thời gian. Hơn
nữa, người dân Việt Nam đã trưởng thành để không bị chính quyền lừa dối
như trước, không còn ai tin vào sự thống nhất trong nội bộ đảng.
Tại
sao phải họp kín giữa thời bình? Điều này rất khó giải thích vì với các
phương tiện truyền thông, các hoạt động của chính quyền và quốc hội
ngày càng công khai hơn trong những năm gần đây.
Bưng
bít thông tin tức là có vấn đề. Trước hết đó có thể là thói quen cố hữu
từ hàng chục năm độc quyền lãnh đạo vì nắm được thông tin là nắm tất cả
quyền lực. Thứ hai đảng cầm quyền sợ những bất đồng nội bộ giữa các cấp
lãnh đạo cao nhất bị phơi bày trước dân chúng, như vậy sẽ khó làm việc.
Thứ ba là nếu dân biết nhiều quá, bàn nhiều quá, kiểm tra nhiều quá và
làm nhiều quá thì chính quyền sẽ bị trói tay vì không còn việc gì để
làm. Thứ tư là vẫn còn giữ tâm lý thời chiến tranh lạnh, lúc nào cũng
sợ các thế lực thù địch trong và ngoài nước tấn công. Có lẽ đây là điểm
mà chính quyền cộng sản Việt Nam chưa thể vượt qua, hay không muốn vượt
qua.
Tăng cường tuyên truyền chính trị
Đảng
cộng sản Việt Nam đang tìm cách lấy lại lòng tin của nhân dân
vốn đã xuống cấp trầm trọng trong thời gian qua trước thực
trạng kinh tế-xã hội của đất nước và nạn tham nhũng lan rộng
trong đảng.
Vận
động nhân dân, gọi là "dân vận" chính là một công tác hàng đầu
của đảng cộng sản trong những ngày sắp tới. Ông Nguyễn Thế Trung,
ủy viên trung ương, phó trưởng ban thường trực của Ban dân vận
trung ương, cho biết mục tiêu số một trong thời gian tới là "củng
cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và tăng cường mối
quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân". Theo ông Trung, công tác
dân vận phải làm cho nhân dân nghe theo và làm theo Đảng. Để đạt
được những mục tiêu trên, ông Trung đề ra một số biện pháp như
"khắc phục khuyết điểm của cán bộ và giải quyết kịp thời
những bức xúc của dân". Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu truyền
thông nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương chính sách
của Đảng đồng thời với việc quản lý chặt truyền thông đại
chúng mà nhất là mạng xã hội. Nói chung, đảng cộng sản không đưa
ra được cái gì mới trước một xã hội dân sự đang chuyển mình đòi quyền
sống và quyền chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo đất nước.
Những
ý kiến mà ông Nguyễn Thế Trung phát biểu cũng là những nội
dung được nêu trong thông cáo bế mạc hội nghị toàn thể lần thứ
7 của Ban chấp hành Trung ương. Theo đó, một số hoạt động dân
vận của đảng cộng sản được cho là mang nặng tính hình thức,
nguyên nhân khiến người dân "ngày càng mất lòng tin vào chính
quyền, tạo bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, là kẽ hở để các
thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, kích động quần
chúng". "Tình trạng tham nhũng, quan liêu, nhũng nhiễu dân, vi phạm dân
chủ, thiếu gương mẫu của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền ở
các cấp, nhất là ở cơ sở, đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân".
Hội
nghị trung ương 7 tuy đã chấm dứt nhưng không đưa ra được những biện
pháp giải quyết khó khăn trong đời sống của nhân dân. Hội nghị này chỉ
là hội nghị giải quyết những vấn đề nội bộ của đảng cộng sản. Người dân
Việt Nam đang chờ những quyết định và những biện pháp mạnh mẽ để nâng
cao mức sống và tin tưởng vào tương lai đất nước chứ không phải sự tồn
tại của đảng cộng sản, nghĩa là tạo điều kiện cho dân chúng Việt Nam bắt
kịp đà tiến bộ chung của thế giới.
Nguyễn Văn Huy
Nguồn: Thông Luận