Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Cuộc chiến cho Quyền tự do báo chí đang diễn ra khá cam go tại Việt Nam

Huỳnh Ngọc Chênh
Năm 1988, tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết khảo luận "Dắt taynhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ" được bạn bè phổ biến ra dưới dạng bản photocopy rồi chuyền tay nhau đọc. Bài biên khảo của ông vạch ra những điểm sai trái trong lý luận của chủ nghĩa Mác Lenin đã đón nhận sự đồng tình của giới học thuật và gây ra tiếng vang lớn trong dư luận thời ấy. Ngay sau đó, Ông bị nhà cầm quyền chẳng những đã huy động báo chí và một đội ngũ lý luận đông đảo để công kích các bài viết của ông hơn một năm trời, mà còn bỏ tù Ông. Rồi sau khi ra tù, ông còn bị quản chế và bị bao vây canh giữ bao nhiêu năm nay. Lệnh quản chế của ông đã hết hiệu lực từ năm 2003 nhưng ông vẫn không được giải chế và cho đến tận bây giờ ai ra vào thăm ông đều bị an ninh theo dõi và tìm cách gây phiền hà.
Ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải hợp với nhau thành Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do viết bài trên blog chống hành vi xâm lấn biển và ức hiếp ngư dân VN của nhà cầm quyền Bắc Kinh, giúp đỡ dân oan và người cô thế, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên công quyền... liền bị bắt giam và kết án nhiều năm tù.
Nhà báo Phạm Chí Dũng đồng thời là cán bộ của văn phòng thành ủy TP HCM, từ năm 2011 đã viết nhiều bài báo xuất sắc phân tích tình hình kinh tế chính trị xã hội đăng trên các trang web trong và ngoài nước được dư luận đánh giá cao. Cuối năm 2012 ông bị bắt giam với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước và cung cấp tài liệu phản động cho báo chí nước ngoài. Mới đây ông đã được tại ngoại và sau đó được đình chỉ điều tra vì không tìm ra các bằng chứng chống lại ông.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên không viết blog, em chỉ viết những câu ngắn biểu lộ tình cảm của em trước hành vi xâm lấn biển đảo VN của nhà cầm quyền Trung cộng trên các tờ giấy rồi mang đi phổ biến liền bị an ninh bắt cóc, tống giam trái phép nhiều ngày. Trước đòi hỏi của gia đình và của dư luận, công an tỉnh Long An mới tổ chức họp báo thông báo rằng em bị bắt vì liên quan đến việc rải truyền đơn chống chế độ. Đến nay sv Nguyễn Phương Uyên vẫn còn bị giam giữ để chịu sự điều tra xét hỏi.
Đó là ba trong nhiều trường hợp công dân, nhà báo, blgger VN bị đàn áp vì tìm cách nói lên chính kiến và tình cảm của mình một cách ôn hòa trong vòng 10 năm trở lại đây khi mà những ý kiến đó không được đăng tải trên bất kỳ tờ báo nào vì toàn bộ các cơ quan truyền thông đều thuộc nhà nước và bị kiểm soát chặt chẽ bởi đảng cầm quyền.
Theo thống kê, đến nay có khoảng 700 cơ quan báo đài được phép hoạt động ở VN, hầu hết đều là của các cơ quan đảng CSVN, cơ quan nhà nước và các hội đoàn quần chúng của đảng cầm quyền. Đứng đầu các cơ quan nầy là những đảng viên tin cẩn và hàng tuần phải dự họp để nhận những chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan tư tưởng đầu não của đảng.
Tiếng nói của người dân không đúng với đường lối của đảng CSVN thì không bao giờ được đăng tải trên những ấn phẩm của các cơ quan báo đài nầy.
Tự do ngôn luận của người dân hầu như bị triệt tiêu vào thời điểm internet chưa xuất hiện ở VN.
Sau khi Internet được phổ biến và trong vòng 10 năm trở lại đây, khi các trang web và blog ra đời, tự do ngôn luận của người dân dần được cải thiện. Những tiếng nói phản biện xuất hiện ngày càng nhiều cùng với giới blogger. Có nhiều trang blog uy tín có trên 100.000 lượt người vào đọc mỗi ngày, có thể kể ra đây như: Osin, Ba Sàm, Quê choa, Bauxite Việt Nam, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy, Người Buôn Gió, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất... Những trang blog nầy cùng hàng chục trang khác như Tô Hải, Thùy Linh, Đoan Trang, Mai Xuân Dũng, Giang Nam Lãng Tử, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Hiền Đức, JB Nguyễn Hữu Vinh, Bùi Văn Bồng, Xuân Việt Nam, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Đức Kiên, Bà Đầm Xòe, Đào Tuấn, Nguyễn Thông, Mạnh Quân, Nhật Tuấn, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Hồng Sơn…đã tạo nên một hệ thống báo chí đa dạng, tồn tại song song bên cạnh hệ thống báo chí của đảng cầm quyền, được người dân yêu quý gọi là "báo lề dân". 
Tuy nhiên hệ thống “báo lề dân” nầy xuất hiện không bao lâu đã phải đối đầu với những thách thức. Một số chủ blog bị gây khó dễ, bị mời làm việc, bị côn đồ hành hung quậy phá. Một số blog phải đóng cửa, một số blog khác bị ngăn chặn tường lửa, bị hacker đánh phá liên tục.
Quyền tự do ngôn luận mà người dân vượt qua sợ hãi, vượt qua các thách thức để vươn tới đang bị ngăn chặn quyết liệt.
Tuy nhiên không vì thế mà tiếng nói của người dân bị dập tắt. Bị chặn tường lửa thì giúp nhau tìm cách vượt tường lửa, trang nầy bị hack thì chủ blog lập ngay trang khác, blogger nầy bị đàn áp thì có ngay những blogger khác lên tiếng bênh vực, blogger nầy bị bắt liền xuất hiện hàng loạt blogger khác mạnh mẽ hơn. Ngay cả những người bị bắt bớ, bị bỏ tù thì sau khi ra tù họ lại tiếp tục chiến đấu bền bỉ và quyết liệt hơn. Bùi Hằng, Hà Sĩ Phu, Phạm Chí Dũng…đã viết nhiều bài báo mạnh mẽ và sâu sắc hơn sau khi đã ra khỏi nhà giam.
Cuộc chiến cho quyền tự do báo chí và những quyền con người khác đang tiếp tục diễn ra trong cam go.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"