Phan Hải
Dân Luận: Câu chuyện này là một bằng chứng sinh động rằng dân chủ sẽ đem lại dân trí...
Trước đây, có lần mình đã chia sẻ một điều mà mình nhận thấy khi học ở
đây, là: mình thua kém các bạn trong lớp rất nhiều, trong khi các bạn
ấy có thể thao thao bất tuyệt về những chủ đề liên quan tới lí thuyết
kinh tế, các sự kiện chính trị-xã hội, các chính sách, tôn giáo, chiến
tranh, khủng bố, xung đột,..; họ tỏ ra am tường tác giả này, học giả
kia, chính trị gia nọ, trong khi mình cứ lờ mờ, biết rất ít nên không
tham gia thảo luận được nhiều (thật là bực mình lol). Nhưng câu trả lời
cho câu hỏi “Vì sao lại có sự khác biệt này?” thì mình chưa từng có được
cho tới mãi hôm qua, khi xem một chương trình Q&A trên đài ABC.
Q&A đúng hơn là một series của đài ABC sản xuất hàng tuần ở những
địa điểm khác nhau với những cử tọa khác nhau, những khách mời khác
nhau. Chương trình mà mình đã xem tiến hành ở Sydney, với khách mời (để
trả lời các câu hỏi mà cử tọa đưa ra) là đương kim thủ tướng Julia
Gillard, còn cử tọa là 280 em học sinh trung học ở 42 trường của Sydney
và các vùng phụ cận. Cần nói thêm là ở Úc, bậc học trung học gồm các lớp
từ 8-12 (từ 2013 là 7-12). Cách thức chọn các em học sinh tham gia
trong chương trình lần này là: ở các trường các em học sinh muốn tham
gia sẽ lập thành một nhóm, làm ra một video clip ngắn gửi về cho đài mà
nội dung trong đó có thể bất cứ thứ gì các em muốn song không thể thiếu
phần bắt buộc là nói lên: theo các em thì vì sao trường mình lại nên
được chọn tham gia chương trình ấy. Tiêu chí để chọn cử tọa của đài ABC
là sao để cử tọa có tính đa dạng, có tính đại diện nhất. Chương trình sẽ
có một người host (điều khiển), cử tọa đặt câu hỏi có tính challenging,
Thủ tướng sẽ đứng ở cương vị người cầm quyền chính phủ để trả lời các
em học sinh về những vấn đề các em quan tâm đặt câu hỏi. Chương trình
được phát sóng trực tiếp trong thời lượng gần 2 tiếng đồng hồ.
Những cô cậu thanh niên này sẽ chất vấn thủ tướng đương nhiệm trực tiếp trên truyền hình...
Chương trình lần này lấy tên là “PM Julia Gillard and high school students: Showdown”.
Mình tạm dịch là “Cuộc chiến tay đôi đối mặt giữa thủ tướng Julia
Gillard và các học sinh trung học”. Điều khiến mình rất bất ngờ là các
câu hỏi các em đưa ra, chúng đa dạng về chủ đề, và có rất nhiều câu rất
hay, rất hóc. Từ vấn đề thổ dân, phân biệt giới tính trong trường học,
tệ cưỡng dâm, người trẻ và chính trị, độ tuổi bầu cử, gánh nợ của chính
phủ đương nhiệm dành cho các thế hệ tương lai, tăng thuế, chính sách
Gonski cho giáo dục, bất bình đẳng về cơ hội, đến tình trạng đắt đỏ tại
thành phố, sự thiên vị của Úc với Isarel, kỳ bầu cử rơi vào đúng lễ
Kippur của người Do thái, khủng hoảng sản xuất, tệ cá cược, người tị
nạn, bệnh thần kinh, phản biện của Thủ tướng đối với một số quan điểm
sách lược của lãnh tụ đảng đối lập Tony Abbott… Nói thật, mình ngồi xem
mà cứ rưng rưng trong lòng vì quá mừng khi thấy các em học sinh đã có
thể quan tâm đến chính trị, xã hội có nhận thức chính trị ở mức độ ấy,
vì sự tự tin của các em trong đặt câu hỏi, giơ tay xin hỏi thêm, vì tinh
thần tôn trọng các em của một vị thủ tướng, vì tinh thần đối thoại
thẳng thắn, không “kiêng dè”, “né tránh”,… Quá ấn tượng với 2 trong số
những em đã đặt câu hỏi – 2 em chắc mới chỉ chừng học lớp 7 vì trông mặt
còn rất non, nhưng 2 câu hỏi thì chẳng non chút nào, mà ngược lại còn
được cả cử tọa vỗ tay và thủ tướng khen là “hay” và “tough”. Hãy thử xem
một vài câu hỏi trong chương trình này xem các bạn nha:
- “Trước khi chính phủ của đảng Lao động thắng cử, nước Úc
có một lượng thặng dư lớn, rồi sau khi đã tiêu tốn vào nhiều dự án
(trong thời gian chính phủ cầm quyền vừa qua) thì giờ đây chúng ta đang
suy giảm nghiêm trọng ngân khố. Vậy câu hỏi của tôi là “thế hệ chúng tôi
sẽ chịu những ảnh hưởng gì khi viễn cảnh phải tăng thuế má để trả gánh
nặng nợ nần do chính phủ để lại?”
- “… Làm sao mà chúng ta khuyến khích các thế hệ nữ giới kế
tiếp dấn thân trên con đường chính trị khi mà họ vẫn là đối tượng của sự
phân biệt giới tính hàng ngày ở từng khía cạnh?”
- “… Với một nền chính trị gồm những chính trị gia bị cáo
buộc là “thiếu khuyến khích người trẻ quan tâm tới chính trị” thì Thủ
tướng có lo ngại về chất lượng của các chính phủ tương lai?”
- … Bà Thủ tướng sẽ hành động như thế nào đối với bản báo
cáo rằng tình trạnh kì thị chống lại những bạn có cha mẹ chọn trường Tư
thục và trường Tư thục công giáo?”
- “Tại sao trong khi Úc lớn tiếng thúc đẩy một bản hiệp ước
hòa bình giữa Isarel và Palestine mà thái độ của chính phủ dường như
“thiên vị” Isarel. Ví dụ, tại sao chính phủ Úc sẵn sàng áp đặt lệnh cấm
vận trừng phạt lên Iran vì chương trình vũ khí hạt nhân của họ thì chẳng
có gì được đả động đến những kho vũ khí đang hiện hữu của Isarel và các
hành động xâm phạm quyền của người Palestine?”
- …..
Không biết các bạn sẽ có cảm nhận gì khi xem chương trình này, hoặc
nghĩ gì sau khi đọc mấy dòng mình viết; riêng mình thì quá vui khi câu
trả lời cho câu hỏi “Vì sao” bên trên đã được tìm thấy trong chương
trình này đấy các bạn ạ. Thì ra, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường
trung học, trong trường cũng như ngoài cuộc sống chung các em học sinh
đã được “hít thở” bầu không khí chính trị như một phần không tách rời
cuộc sống của mỗi người. Giờ mình đã hiểu thêm một câu nói của thầy giáo
rằng “Chính trị không phải chỉ ở Canberra (thủ đô của Úc, nơi đặt các
cơ quan chính phủ, quốc hội, tòa án,..) mà còn ở ngay đây, giữa tôi và
bạn đây này (và thầy làm động tác đưa tay qua lại, chỉ xuống chỗ này,
chỗ kia). Và cũng hiểu hơn những gì mà mấy ngày trước, tình cờ mình được
một bà mẹ kể về đứa con gái 9 tuổi của bà: Chả là cô nàng hồi đầu năm
học còn hỏi: “Julia Gillard là ai hả mẹ?”, mà đến gần đây đã biết đến cả
về Tony Abbott, đến ông Daniel Andrews (ứng viên tranh chức thủ hiến
bang trong cuộc bầu cử mãi năm 2014 mới tiến hành), hay cả ông Antony
của đảng Xanh nữa (mà mình đoán là cô nàng này chắc không chỉ biết tên
không thôi mà còn biết thêm những thứ khác nữa về các nhân vật nói
trên). Rồi chuyện trong năm học cô nàng cùng 3 bạn khác đã đọc sách, sưu
tầm được những bức ảnh, làm thành một phần trình bày ppt về chính sách
của các chính phủ tiền nhiệm trước đây liên quan tới “thế hệ bị đánh
cắp” ở Úc. Hay như cô chị học lớp 5 đã được dạy cách đọc phải biết tìm
“ẩn ý” đằng sau câu chữ, bản văn,… Nói thật là lúc nghe bà mẹ ấy kể mình
cứ ồ ề mắt chữ a mồm chữ o mà chẳng thể tưởng tượng được hết ở trường
bọn trẻ được học, được làm những gì nữa. Nhưng mình biết chắc là mình
thuộc “đối tượng thiệt thòi” so với các bạn nhỏ Úc các bạn ạ.