Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Câu chuyện thực về một người bạn


Bạn mình, anh ấy là bác sỹ cùng khóa. Anh sinh ra ở ngay làng Kim Liên, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Anh thuộc thế thế cùng với anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đang ở trong tù vì tội chống Trung Hoa bành trướng. Anh cũng vượt Trường Sơn chống Mỹ. Ngày 30/4/1975 anh bị thương tại chiến trường Xuân Lộc. Nhưng chỉ là thương tích nhẹ. Được dưỡng thương và về phép hơn tháng, rồi quay lại đời binh nghiệp.
Sau 30 tháng Tư năm 1975, anh tiếp tục sang làm nhiệm vụ ở chiến trường Cambodia. Trong một trận đánh lớn ban đêm ở Pathampong vào ngày 13 tháng Hai năm 1979, anh lại bị thương tích nặng vì miểng bom. Một vết thương ở đỉnh phổi phải, và một vết thương ở bụng, vùng thượng vị - trên rốn và dưới xương ức bên phải. Cả trung đoàn cho rằng anh sẽ chết. Đồng đội sau khi băng bó cho anh và đưa anh vào khu nhà xác của đơn vị y tế tiền phương để sáng mai đem chôn. Nhưng sáng sớm hôm sau khi đem xác anh đi chôn thì đồng đội thấy anh vẫn còn thở và tỉnh táo đòi uống nước.

Thế là họ chuyển anh về đơn vị y tế Quân khu 9. Anh được cứu chữa với 4 lần phẫu thuật vì vết thương làm tràn dịch và tràn khí màng phổi phải. Vết thương thủng tá tràng và rách gan. Ai đã từng làm nghề y nghe đến vết thương thủng tá tràng đều kinh sợ. Nhưng số anh lớn nên sau một năm bình phục. Anh thi vào đại học Y khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp ra trường anh vào ngành Pháp Y làm trưởng một ngành Pháp Y của một tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Vết thương bụng của anh gửi tôi khi tôi yêu cầu anh cho tôi hình để viết về anh.

Sau đó, năm 1998 xin ra ngành và trở về ngành Y dân sự. Hiện cuộc sống ổn định, nhưng anh vẫn cứ ray rức những gì mà thân xác anh và đồng đội đã hy sinh để hôm nay đất nước tan tành, như theo cách nói của anh với mình. Cái tan tành anh sợ nhất là tan tành văn hóa, chứ không phải tan tành kinh tế hay chính trị. Vì anh cho rằng, văn hóa mất là dân tộc mất.
Kể sơ câu chuyện trên để nói đến chuyện hôm nay. Đầu năm, vì ray rức và bức xúc hiện tình đất nước, anh ký vào Kiến Nghị 72 của các trí thức gửi cho Quốc Hội về việc sửa chữa hiến pháp lần thứ 4 vào năm 2013 này. Anh vui vẻ gọi báo cho mình biết điều này. Mình bảo, anh còn niềm tin là tốt. Tôi thì ngay từ trước 30/4/1975 tôi đã không tin họ rồi. Nên tôi chưa bao giờ ký hay kiến nghị cái gì.
Bẳng đi câu chuyện ký tá mấy tháng trước tưởng chẳng có gì. Cách đây 3 hôm, anh ta gọi điện cho mình hỏi, sao ông viết blog dữ dằn quá, mà chẳng ai hỏi ông? Còn tôi thì chỉ ký vào bảng Kiến Nghị 72, thì an ninh đến hỏi. Nhưng họ biết mình, nên cuối cùng anh em rủ nhau đi nhậu. Không biết những trí thức thường dân khác có bị sao không ông?
Mình bảo, tôi viết nói cái sai, vạch ra phương án đúng. Tôi không đứng vào nhóm nào để bị phạm vào điều con số tử - điều 4 của hiến pháp - nên không ai cho là tôi nguy hiểm. Còn anh, ký chung với hơn mưới ngàn người là bị xem là phạm vào hiến pháp 1992. Nên họ phải lên danh sách đen để đó, khi cần thì tóm.
Anh ta thở dài thườn thượt, nghĩ phận mình, thân xác này đã đổ máu cho 2 cuộc chiến, rồi phấn đấu học hành đến nơi đến chốn, mà bây giờ chỉ việc yêu nước cũng không được quyền yêu. Buồn quá ông ạ.
Mình bảo, tôi cho rằng anh cần phải cẩn thận, chuyện trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng thời Mao mà cụ Hồ sử dụng để đánh Nhân Văn Giai Phẩm năm 1957. Anh ấy bảo, tôi thấy khó sống quá ông à, mỗi ngày thấy người bệnh nghèo mình không nỡ, nhưng cứu người nghèo thì ai cứu mình đây? Làm nghề khác, khuất mắt không thấy cảnh đau khổ của người nghèo, nghề mình mỗi ngày chứng kiến cảnh người nghèo, oan trái của chính quyền mà bệnh tật nữa, làm sao không nghĩ, không đau? Thôi thì kệ, muốn sao thì sao, mình chỉ nói lên cái bất công và sai trái của xã hội hiện nay.
Hai sự việc trên một con người hiện đã và đang sống lượng thiện như một công dân mẫu mực, nó làm mình không thể không viết ra để mọi người chiêm nghiệm cho xã hội thực hôm nay.
Hôm nay người tàn tật nổi tiếng nhất hành tinh - Nick Vujicic - được chính quyền cho nói chuyện với nhân dân về khả năng và nghị lực vượt lên chính mình. Tự nhiên mình nhớ đến câu chuyện của bạn mình. Ở nước Việt đâu thiếu những tấm gương đáng kính để làm cho thế hệ trẻ noi theo. Sao không lấy nó làm hình ảnh cho cuộc sống mai sau. Có phải vì những tấm gương ấy đã không còn phù hợp với mục đích dân vận?
Nhưng Nick Vujicic có một câu nói đáng để chúng ta suy nghĩ: “Tật nguyền lớn nhất trong đời là khi mất hi vọng. Hãy tin tôi đi, mất hi vọng còn tồi tệ hơn nhiều so với chỉ mất chân tay”. Liệu chế độ này có còn gì để 90 triệu dân còn niềm hy vọng, khi chỉ mới chiều qua, Quốc Hội tuyên bố 4 vấn đề, giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam, Không đưa vấn đề luật về Đảng vào Hiến pháp, Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, và UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị QH giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai. Thì đúng là Tổ quốc và Dân tộc này không còn gì để hy vọng.
Asia Clinic, 18h37' ngày thứ Ba, 21/5/2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"