Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Biểu tình hay dã ngoại?


Trôi qua bốn ngày rồi, hôm nay tôi mới ngồi lại được để nhớ lại ngày 5/5 vừa qua tại Hà Nội. Tôi sẽ chủ yếu viết về Hà Nội, là nơi tôi trực tiếp tham gia.
Có thể nói đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, người dân hẹn nhau đến một địa điểm công cộng để nói về chủ đề quyền con người - nhân quyền. Thế nên, với số lượng người tham dự như vậy (kể cả bên nhân dân và bên thắng cuộc) cả ở ba nơi, tôi cho đó là một thành công. Tôi sẽ không tranh luận với các anh hùng bàn phím, khi ngồi sau bàn phím mà phán như đúng rồi rằng thất bại hay này kia, bởi các bạn đâu có ở trong cuộc, mà biết?
Trước kia, Việt Nam có rất nhiều lần biểu tình. Biểu tình biển đảo, biểu tình đất đai, biểu tình chung cư hay biểu tình giá xăng...Và, theo tôi hiểu: Biểu tình là hoạt động công khai trưng ra những ý kiến chung của một nhóm người. Tôi chưa tham gia lần nào, mặc dù lần nào cũng đi xem, bởi tôi thấy tôi không có nhu cầu phải đưa ra ý kiến của mình cùng với mọi người về vấn đề biển đảo, đất đai hay giá xăng...Tôi cho rằng hoạt động biểu tình là hoạt động đưa ra ý kiến của nhóm người biểu tình cho công chúng và chủ yếu là nhà cầm quyền. Việc phản hồi ý kiến đó thường đến vì áp lực số lượng của đoàn biểu tình, và thường đến sau cuộc biểu tình. Đôi khi là chẳng có phản hồi nào cả. Biểu tình biển đảo là một ví dụ.

Còn dã ngoại, là một hoạt động mà nhiều người cùng tập trung tại một điểm để gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi với nhau. Thường thì hoạt động này có tính tương tác cao giữa các thành viên tham gia dã ngoại, chứ không cung cấp thông tin một chiều tới nhà cầm quyền một cách trực diện.
danluan_c0043.jpg
Đây là lý do mà tôi tham gia vào đoàn dã ngoại. Và đây là lý do mà tôi cho ngày 5/5 vừa rồi là một thành công. Thành công bởi đã có trao đổi giữa các thành viên. Thành công bởi tôi cảm nhận được sự chuyển hướng từ biểu tình phản đối kẻ thứ ba (tôi nói về biểu tình chống Trung Cộng) sang tranh luận, thảo luận, nói chuyện, trao đổi giữa một nhóm người với nhau, không quan tâm đến những kẻ thứ ba (nhà cầm quyền, an ninh, công an, côn đồ hay bác Tập...). Chúng ta nên nói về những gì gắn chặt với mình trước, tốt rồi, thì mới nghĩ đến chuyện xa hơn, tôi nghĩ vậy.
Chúng ta đang sống trong một xã hội dầy đặc nghị quyết, nghị định, hướng dẫn hay định hướng. Nó giống như con lừa bị che 2 miếng vải vào mắt, chỉ biết nghe một hướng và nhìn một lối. Chúng ta cần thảo luận, cần tranh luận. Bởi xã hội phát triển phụ thuộc vào mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn, chứ không phải từ định hướng hay nghị định. Tôi cho rằng chúng ta, những người dân thường, rất hiếm khi ngồi tranh luận một vấn đề gì, dù nhỏ, thật sự nghiêm túc. Bởi chúng ta đang sống trong một xã hội thấm đẫm định hướng mất rồi. Phải thảo luận, phải tranh luận, may mới khá.
Tất nhiên, đôi khi trong tranh luận, chúng ta cãi nhau và giận nhau, quay mông quảy đi. Bởi chúng ta có cái Tôi quá lớn và chúng ta đưa quá nhiều tình cảm cá nhân vào trong tranh luận, mà không nghĩ rằng mục tiêu tranh luận ở đây, là để đi đến đồng thuận thứ mà ta đang tranh luận. Chúng ta rất ngại nhận thua hay chúng ta rất ngại thay đổi quan niệm, dù bị đối phương chứng minh rằng ta sai. Xin đừng như vậy.
Biểu tình là hoạt động liên tục ném cục thông tin vào đối phương một cách mạnh mẽ. Đối phương thường im lặng bằng cách dựng lên một bức tường cao, mặc xác kẻ kia ném. Thảo luận là hoạt động trao đổi thông tin giữa hai, ba bên với nhau. Trong khi ta đưa cục thông tin của ta ra cho nhóm, sẽ có kẻ nhận, sẽ có người dựng bức tường hoặc có người ném trả lại. Nếu bạn coi đó là một cục bùn đất, bạn sẽ đưa cảm xúc, đưa cái tôi của mình vào trộn với thông tin mà ném trả lại, và thế là cãi cọ xảy ra, quảy mông bỏ đi. Xin đừng trộn. Xin đừng nhục mạ cá nhân nhau. Hãy tranh luận để đi đến giải tỏa những khúc mắc, ấy mới là mục tiêu, dù rằng sau buổi thảo luận, có thể chúng ta chẳng rút ra được điều gì. Nhưng tôi tin lần 2, lần 3 chúng ta sẽ có những sự đả thông tư tưởng tốt hơn.
Hà Nội, bạn có thể cho nó là một cuộc biểu tình. Tôi phần nào đồng ý. Bởi vì bạn không ở trong buổi đó và khi nhìn từ ngoài, thì đúng nó là như vậy. Nhưng ở trong, đâu đó, vẫn có những thảo luận. Khi chúng ta chưa làm lần nào, mà đã làm được như 5/5, đó là một thành công rồi. Còn đòi hỏi nào cao hơn? Khi chúng ta chưa sống trong một xã hội dân chủ, làm sao chúng ta có những con người dân chủ? Vậy thì chúng ta phải học cách sống dân chủ dần thôi, chẳng có gì xấu hổ cả. Ta nên tôn trọng tất cả mọi quan điểm. Nếu bạn không ở trong hoàn cảnh của họ, trải qua hàng chục năm mất mát, trải qua những giây phút sống không bằng chết, thì bạn không thể hiểu được họ - những người kém may mắn hơn chúng ta rất nhiều đó. Vậy mà, giờ họ còn làm được nhiều điều hơn chúng ta rất nhiều.
Nếu có một buổi dã ngoại lần 2 sắp tới, vẫn là chủ đề về quyền con người, tôi cho rằng sẽ tốt hơn lần một rất nhiều. Vạn sự khởi đầu nan. Nếu có lần 2, chúng ta hãy đến để chứng kiến, để tranh luận, trao đổi với nhau, chắc chắn là vậy, chứ không cần quá quan tâm đến công an, an ninh. Công an, an ninh có mặt bởi trách nhiệm của họ phải có mặt. Họ có trách nhiệm kiểm soát. Nơi nào cũng vậy, trừ Sài Gòn.
Sài Gòn, theo tôi hiểu, họ quá sợ. Và thường trong nỗi sợ hãi, người ta sẽ có những quyết định sai lầm. Sài Gòn đã sai lầm nặng nề khi đàn áp mạnh mẽ như vậy. Thế nhưng, thành quả sẽ rực rỡ hơn, nếu nó thành công từ sự đàn áp nặng nề đó.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"