Nguyễn Hữu Qúy
Hơn một tháng rưỡi nay, kể từ ngày 21/6/2012, khi Quốc hội Việt Nam thông qua LUẬT BIỂN VIỆT NAM, thì Trung cộng không ngừng tiến hành các hành động leo thang xâm lược Việt Nam. Trên thực tế, Trung cộng đã mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và bước đầu đang rất thành công.
Hơn một tháng rưỡi nay, kể từ ngày 21/6/2012, khi Quốc hội Việt Nam thông qua LUẬT BIỂN VIỆT NAM, thì Trung cộng không ngừng tiến hành các hành động leo thang xâm lược Việt Nam. Trên thực tế, Trung cộng đã mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và bước đầu đang rất thành công.
Có thể nói, so với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979; thì phương pháp tiến hành chiến tranh xâm lược của Trung cộng lần này rất nguy hiểm, được chuẩn bị công phu, bài bản…, kết quả là không cần tốn một viên đạn, nhưng nó là điểm khởi đầu cho một cuộc thôn tính lãnh thổ, nếu nhìn nhận vấn đề ở bên gây chiến thì sẽ là rất “ngoạn mục”, bởi lẽ, khoảng 1,20 triệu km2 lãnh hải được Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) cấp “sổ đỏ” cho Việt Nam đang từng bước, từng ngày rơi vào tay Trung cộng.
Trung cộng mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 02/1979
So với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 02/1979, lần này với 23.000 tàu xâm lược Biển Đông, thì Trung cộng nguy hiểm và “thành công” hơn nhiều?!
Với hàng ngàn “tàu cá”, và theo đó là hàng chục ngàn “ngư dân” của Trung cộng luôn luôn có mặt thường trực ở Biển Đông từ nay trở về sau, thì rõ ràng, nếu tình hình không có biến chuyển theo hướng quyết đoán từ phía Việt Nam, thì không sớm thì muộn, ngư dân Việt Nam buộc phải bỏ biển, vì không đảm bảo an toàn về tài sản cũng như tính mạng; và như thế, tự nhiên giao Biển Đông vào tay Trung cộng.
Viễn cảnh “bất chiến tự nhiên thành” được bọn Trung Nam Hải ở Bắc Kinh thực hiện xem ra rất hoàn hảo. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử xâm lược của phương Bắc đối với Đại Việt xưa, và là Việt Nam ngày nay.
Trung cộng đã chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược lần này tính ra là hơn 20 năm, kể từ sau Hội nghị Thành Đô, 3-4/9/1990. Theo đó, “phương châm 16 chữ vàng” đã được Trung cộng đưa ra như một chiếc thòng lọng ngày càng siết chặt đối với các thế hệ lãnh đạo Việt Nam từ tháng 2/1999 đến nay.
Trong bài viết có tựa đề “Diễn biến hòa bình và tổn thiệt cho Việt Nam”, của tác giả Đoàn Nam Sinh, đăng trên mạng Bauxite Việt Nam (BVN), ngày 7/8/2012, có đoạn viết:
Đọc lại lời văn cay đắng tổng kết chiến tranh của Lê Đức Thọ cuối năm 1977: “... Phải qua 30 năm chiến tranh ta mới rút ra được quy luật tồi tệ của nó - chọn những người con ưu tú dũng cảm đưa ra phía trước chiến đấu và hy sinh, để lại hậu phương những người yếu hèn, què quặt, dốt nát...”.
Phải chăng một lớp (số) người vì “yếu hèn, què quặt, dốt nát…”, với Hội nghị Thành Đô 9/1990, là nguyên nhân đưa đến thảm cảnh Đất nước hôm nay?
Vậy, đâu là chìa khóa để sửa chữa sai lầm này?
Thiết nghĩ, điều gì Trung cộng đang sợ ở người Việt Nam, thì người Việt Nam phải làm.
Đó chính là: Một nước Việt Nam bầu cử tự do, đa đảng.
Thật vậy, nếu một Việt Nam tự do, dân chủ và đa đảng như thể chế của 90% các nước trên thế giới hiện nay, thì người Việt Nam trong nửa đầu của thế kỷ XXI này sẽ đạt được 3 yếu tố quan trọng sau đây:
- Phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường của lịch sử chống ngoại xâm hào hùng (chủ yếu là phương Bắc)… buộc Trung cộng không thể “làm mưa làm gió” như hiện nay; và nếu như có chiến tranh với Trung cộng, thì chắc chắn, Trung cộng lại phải ôm hận như tiền nhân của họ đã từng nhiều lần thảm bại trên đất nước ta.
- Trí tuệ của người Việt (không chỉ ở trong nước mà hiện đang có mặt trên khắp thế giới) được phát huy tối đa, và chỉ sau 25-30 năm là Việt Nam có thể ngang hàng với các cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ixrael… và sẽ không còn cơ hội để Trung cộng có thể uy hiếp như đã và đang diễn ra.
- Một khi Việt Nam là nước tự do, dân chủ và đa đảng, chắc chắn Việt Nam sẽ là một đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ, và khoảng nửa thế kỷ sau là có thể tính đến việc lấy lại Hoàng Sa và các đảo đang bị Trung cộng chiếm giữ hiện nay; vì khi đó, với tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự… đủ để Việt Nam nói chuyện sòng phẳng với Trung cộng (rất có thể khi đó Trung cộng cũng không còn là Trung cộng nữa, do cộng sản Trung Quốc đã sụp đổ từ lâu?!).
Dẫu biết rằng, nói đến vấn đề đa đảng hiện nay là rất khó và nhạy cảm, bởi vì: “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng”, như lời ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân (ngay sau đó là Ủy viên Bộ Chính trị), khẳng định khi trả lời câu hỏi của một phóng viên nước ngoài tại cuộc họp báo thông báo về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng CSVN, tháng 1/2011.
Tuy nhiên, trong điều kiện Đất nước đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” như hiện nay, ta không thể không cảnh báo đến các vị có trách nhiệm, rằng: Nếu không tỉnh ngộ, thì rất có thể các vị sẽ là danh sách nối dài của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, để lịch sử nguyền rủa muôn đời.
Trở lại với nhận định của ông Lê Đức Thọ nêu trên về một lớp người “yếu hèn, què quặt, dốt nát…”, trong một bài viết dài, được xem như là một bản tổng kết ngắn về quan hệ Việt Nam-Campuchia, của nhà văn đáng kính Phạm Đình Trọng, có tựa đề “Vơi đầy với Campuchia”, ông viết:
… từ năm 1991, những người lãnh đạo Campuchia đã đổi tên đảng sôi sục cách mạng, đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, thành đảng Nhân dân Campuchia, một tên gọi bình dị, quen thuộc, thân thiết với người dân Campuchia. Trả cách mạng về với những tham vọng, những mưu đồ, nơi đã mang can qua đến cho nhân dân Campuchia. Có một nhà nước vì dân, nhân dân Campuchia hiền hòa không cần cách mạng đổ máu, không cần đấu tranh giai cấp, phân chia người dân hiền lành ra thành những giai cấp đối kháng, đưa hận thù giai cấp vào cuộc sống bình yên.
Kể từ sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 tổ chức tại Campuchia tháng 7/2012 vừa rồi, do lần đầu tiên sau 45 năm tồn tại, Hội nghị đã không ra được Thông cáo chung, thì có rất nhiều người Việt Nam và kể cả quốc tế phê phán Hun Sen – Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia; tuy nhiên, với tư cách là người con của dân tộc Campuchia, ông Hun Sen thật đáng kính trọng, vì ông yêu đất nước và dân tộc đã sinh ra ông. Với những gì ông đã làm cho đất nước ông, rồi đây, Ông sẽ đi vào lịch sử đầy đau thương của dân tộc Campuchia như những người bất tử.
Nhắc đến điều này, để thấy rằng, những cá nhân có trách nhiệm ở Việt Nam hôm nay, còn đủ thời gian và cơ hội để đưa đất nước đi đúng với tiến trình lịch sử mà tất yếu nó đang và sẽ diễn ra; và Hun Sen cũng chính là bài học để những người lãnh đạo quốc gia Việt Nam hôm nay tham khảo.
Làm những điều mà Bắc Kinh run sợ, đó mới là sự khôn ngoan của người Việt.
Làm như thế nào và bằng cách nào, điều này không phải là khó, ngay cả với người hiểu biết bình thường.
Cơ hội vẫn còn cho những ai còn có tấm lòng với dân, với nước.
7.8.2012
Nguyễn Hữu Quý
BVN