Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Thứ trưởng kêu khó, Bộ trưởng bảo nghiên cứu

Đào Tuấn
 
Việt Nam, hóa ra lại là “thiên đường” đối với người lao động nhập khẩu. Bác sĩ nhỡ tay làm chết người có thể ung dung tẩu thoát, ngư dân có thể buông lưới ngay bên quân cảng chiến lược cả chục năm, thương lái thì tha hồ thao túng thị trường.
Tính chất thiên đường được chính thức xác nhận hôm qua bởi một vị thứ trưởng, rằng việc xử lý nhóm này rất khó. “Đưa vào các trung tâm quản lý xã hội hay trục xuất về nước đều vướng vì không đủ kinh phí, không đủ khả năng mua vé máy bay cho họ. Đa phần nhóm lao động này là người Châu Phi, vào theo diện du lịch, thử việc bóng đá, không được cũng không còn… đường lui”.

Phải nói ngay là lượng người nước ngoài hiện làm việc ở Việt Nam, 77.087 người, trong đó có 24.455 “chui”- theo số liệu của Bộ Lao động, hay 78.440 người, trong đó 5.581 “không thuộc diện cấp phép” và 31.330 “chui”- là không thấm tháp gì so với lượng người Việt Nam lao động ở nước ngoài. Nhưng rõ ràng, dù “chui” hay không “chui”, dù “chuyên gia”, “nghệ nhân” hay “chân tay to”, lao động nước ngoài ở Việt Nam sướng hơn nhiều so với ít nhất vài chục ngàn lao động người Việt đang làm việc trong các xưởng may bất hợp pháp tại Nga trong một tình cảnh mà ĐBQH Trần Du Lịch mô tả là như “nô lệ thời trung cổ”.
Nhưng tính chất “thiên đường” ở Việt Nam đang chỉ chứng tỏ sự thiếu quản lý của cơ quan quản lý lao động.
Khi vụ “ngư dân Trung Quốc nuôi cá bên quân cảng” được báo chí phát hiện, chính quyền liền “phát hiện” ra là họ đã ở đó cả gần 10 năm nay. Khi một nạn nhân lăn ra chết vì một bệnh không mấy hiểm nghèo, bác sĩ phòng khám Maria đàng hoàng tẩu thoát và Bộ Y tế bấy giờ mới “phát hiện” mình chỉ quản lý có 40 bác sĩ Trung Quốc.
Câu trả lời trách nhiệm hôm qua một lần nữa lại được thanh minh thanh nga ở nghị trường khi Bộ trưởng Bộ Lao động liên tục sử dụng các động từ “xem xét”, “nghiên cứu”, “đề xuất”- để chỉ một hoạt động “tĩnh” đến “bất động” là cấp phép và chỉ cấp phép mà thôi. Còn thứ trưởng Bộ Công an thì nhăn nhó kêu khó. Khó vì “họ rất nghèo” và chúng ta thì cũng “khó khăn về ngân sách”.
Thường dân có thể khó, vì nghèo, và đó là lý do họ phải tha hương cầu thực kiếm kế sinh nhai, chấp nhận làm “nô lệ thời trung cổ”, thậm chí bị bóc lột tình dục bởi những người chồng ngoại được pháp luật thừa nhận. Nhưng không đâu như ở Việt Nam, kỷ cương lỏng lẻo được đổ lỗi cho sự nghèo.
Quá trình mở cửa và hội nhập không cho phép chúng ta hành xử mang tính phân biệt đối với lao động nước ngoài. Nhưng việc dựng những hàng rào kỹ thuật cũng hoàn toàn không phải là việc một bộ kêu “khó”, một bộ đang “nghiên cứu”, trong khi 2 bộ khác khoanh tay đứng nhìn.
Dù các bộ thay nhau “chia lửa”, như cách nói của báo chí, nhưng chỉ riêng con số người lao động ở nước ngoài ở Việt Nam đã có tới 3 vị đại biểu QH “đặt câu hỏi”, thậm chí tỏ ý không tin tưởng. Nhưng hình như những câu hỏi và sự nghi ngờ mới là phù hợp, với sự thật về sự bất lực trong quản lý lao động nước ngoài ngay cả khi vị thứ trưởng Bộ Công an trả lời “đã thấy rõ”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"