Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Thử đổi dân hoặc thay chính phủ

Tùng Lâm
Có nhiều người đang phân vân, bán tín bán nghi không hiểu nhà cầm quyền Việt nam có thực lòng muốn chống lại sự xâm lược của Trung Quốc hay không. Lại có người quả quyết rằng chắc chắn có vấn đề “nội gián” hay “mua bán” gì đây giữa “hai Nhà” với nhau rồi. Rằng, phen này dân mình bị lừa là cái chắc… Hãy cứ xem cái thái độ phản kháng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao với những lời tuyên bố yếu ớt của phía Nhà cầm quyền Việt Nam về “môi trường và tài nguyên Biển” thì rõ ràng là họ đã “thoả thuận xong rồi”. Rằng, sự đáp lại “chung chung” của phía Việt Nam chỉ mang tính chiếu lệ cho có mà thôi, đấy không phải là một thái độ cương quyết, cứng rắn cần thiết của một quốc gia đang bị xâm phạm chủ quyền…
Ngẫm mà thương cho dân mình quá!

Đời thủa nào mà dân cứ sôi sùng sục lên trước những vấn đề Quốc gia đại sự, trong khi Nhà cầm quyền thì cứ nhởn nhơ như không có chuyện gì xảy ra. Vẫn là người bạn tốt, đồng chí tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt. Không những thế Chính phủ còn đàn áp những người biểu tình chống hành vi xâm lược của Trung Quốc. Thật không sao có thể hiểu nổi. Có lẽ họ điên rồi chăng? Nếu không thì những phân vân, nghi vấn trên đây của dân là có lý.
Điều này khác với thông lệ. Ở các quốc gia khác, Chính phủ dẫu có phát sốt lên với những vấn nạn quốc gia thì dân chúng vẫn cứ hội hè, du lich, ăn chơi nhảy múa như ngày thường. Họ chỉ phản ứng khi trực tiếp bị ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân. Một minh chứng rất sống là vào đầu năm 2012, Chính phủ Hy lạp kêu gọi người dân thắt lưng buộc bụng (một chút) để giảm bớt gánh nặng nợ công. Trong khi chính phủ lo mất ăn mất ngủ, thì người dân không những mặc kệ chính phủ mà còn biểu tình chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Họ cho rằng nợ công, lạm phát hay nguy cơ bị ra khỏi Liên minh Châu Âu là lỗi của chính phủ. Chính phủ ăn lương từ đồng thuế của dân thì phải có trách nhiệm giải quyết. Xã hội hay quốc gia có vấn đề gì là do chính phủ yếu kém, chẳng có lý do nào bắt dân phải chịu thay cho các ông các bà. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì mời các ông xuống để người khác lên làm thay cho tốt hơn. Và cuối cùng, chẳng có lý gì mà người dân Hy lạp lại phải chịu sống kém chất lượng hơn so với dân của các nước khác trong khu vực… Đến mức Chính phủ gần như phải quỳ lạy dân để họ thông cảm, cùng chung tay góp sức, nếu không nguy cơ sẽ bị loại ra khỏi Liên minh Châu Âu - điều này sẽ thiệt thòi cho Hy lạp. Rồi biết bao cố gắng của các Quốc gia Châu Âu khác kết hợp với Quỹ tiền tệ Quốc tế bằng mọi cách động viên, thuyết phục đi đôi với điều kiện người đứng đầu chính phủ sẽ phải từ chức. thì sự phẫn nộ của dân mới tạm thời lắng xuống, nếu không, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Cũng phải nói thêm: Thủ tướng Loukas Papademos là người có văn hoá. Ông đã chấp nhận từ chức vì lợi ích chung, sau khi hoàn tất thoả thuận gói cứu trợ 130 Tỷ EURO từ Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ Quôc tế (IMS). Ông cho rằng cần có một chính phủ mới có được sự ủng hộ rộng rãi để tiến hành cải cách triệt để hơn, đưa đất nước tiến kịp các nước trong khu vực. Cùng với ông là Bộ trưởng Tài Chính cũng từ chức.
thutuong.png
Thủ tướng Việt Nam Phạm Đê Mô (Papademos) kêu gọi nhân dân xuỗng đường biểu dương ý chí chống Trung Quốc xâm lăng
Từ đó, giả thiết rằng: Nếu có nguy cơ chiến tranh xảy ra, hay bị láng giềng xâm lược, chắc là chính phủ Hy lạp phải động viên tích cực lắm người dân mới chịu đấu tranh biểu tình chống kẻ xâm lược. Ai mà tích cực đấu tranh thì chắc chắn được vinh danh và trọng thưởng hậu hĩnh lắm. Nếu không, biết đâu dân sẽ bảo “mặc kệ các ông, ai bảo các ông ngu để cho chúng nó xỏ mũi”
nhandan.png
Thị trưởng Athen Thethao đang nhạo báng dân biểu tình Hy Lạp là tay sai cho các thế lực thù địch từ các nuớc XHCN
Trái lại, dân mình tốt quá, tội nghiệp quá. Mặc dù thu nhập thấp, tiền lương chưa đủ nuôi thân, nuôi gia đình; giá cả sinh hoạt càng ngày càng tăng; đồng tiền mất giá, lạm phát liên tục; mức sống thấp và tụt hậu nhiều so với các nước trong khu vực. Xã hội suy thoái trầm trọng cả về kinh tế, văn hoá, đạo đức, tệ nạn tràn lan… mà dân vẫn cắn răng, không ca thán, không biểu tình. Trong khi Chính phủ thì vẫn khăng khăng là đã có công lớn giữ “ổn định kinh tế vĩ mô”, không có thành viên nào mắc sai phạm và cố nhiên là chẳng ai dại gì mà từ chức (do chưa được học văn hoá từ chức). Ấy thế mà khi có nguy cơ giặc ngoại xâm, người dân lại lập tức lên đường biểu tình, quyết tâm xả thân giữ nước.
Thật khốn nạn! giặc chưa kịp bắt thì đã bị “quân mình” bỏ tù. Có đời thủa nhà ai lại như thế không?
Trộm nghĩ: nếu thử hoán đổi dân mình sang thay cho dân Hy lạp và chính phủ Hy lạp sang thay cho chính phủ mình thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Chính phủ Hy lạp mà vớ được dân mình thì họ sướng là cái chắc (tôi đoán thế).
Còn dân Hy lạp, liệu có dám chấp nhận chính phủ Việt không?
Xin mọi người cho ý kiến.
Hà Nội ngày 11.08.2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"