Hà Vũ, Huy Phương
Hôm 6 tháng 8, một nhóm nhân sĩ, trí thức bên trong và bên ngoài Việt
Nam đã gửi Thư Ngỏ cho đảng Cộng sản, nhận định về tình hình tranh chấp
Biển Đông và đề xuất giải pháp cho cuộc tranh chấp, đi kèm với một số
đề xuất khác. Lá thư này làm những người miền nam Việt Nam trên 50 tuổi
nhớ đến Tuyên Ngôn Caravelle năm 1960. Hai nhà bình luận ở hai miền Hoa
Kỳ có những nhận xét về sự so sánh này.
TỪ 42 ĐẾN 71
Lá Thư Ngỏ của 71 nhân sĩ, trí thức Việt Nam được đưa ra 10 ngày sau
khi 42 công dân ở thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản đề nghị đảng Cộng
sản Việt Nam để cho nhân dân Thành phố biểu tình chống những hành động
gây hấn, khiêu khích và xâm lấn Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc
hồi gần đây.
Văn bản của 42 công dân còn nói trong trường hợp lãnh đạo Thành phố
không có chủ trương thì nhân dân Thành phố thực hiện quyền hiến định của
mình sẽ tự đứng ra tổ chức cuộc biểu tình với mục đích vừa nêu.
Lá Thư Ngỏ của nhóm 71 người hoan nghênh và đánh giá cao Luật Biển
vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua. Nhóm này phản đối mạnh mẽ Trung
Quốc đối với các đảo vốn thuộc chủ quyền Việt Nam và các quốc gia khác
ven biển.
Lá Thư Ngỏ nói rằng đi đôi với việc tỏ rõ thái độ, Nhà nước cần
khuyến khích và tạo điều kiện phát huy năng lực của các nhà nghiên cứu ở
trong và ngoài nước. Lá thư nói rằng nhân dân Việt Nam rất quan tâm tới
việc sửa đổi Hiến pháp, bảo đảm thực hiện các quyền hiến định về tự do,
dân chủ, cần nhấn mạnh quyền tự do kinh doanh, quyền tự do ngôn luận và
tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền được tự do
bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa.
Lá thư đề xuất điều mà đảng Cộng sản Việt Nam có thể làm ngay để biểu
thị quyết tâm cải cách chính trị hợp lòng dân, là chấm dứt các hành
động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước; trả
tự do cho những người bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, chỉ công khai
bày tỏ quan điểm chính trị của mình mà đã và đang bị kết án hình sự.
Nhóm 71 người này mong các nhà lãnh đạo Việt Nam đặt lợi ích dân tộc lên
trên hết, nỗ lực thực hiện trách nhiệm nặng nề trong tình thế hiểm
nghèo, không phụ lòng mong đợi của nhân dân.
Và để tăng cường sức mạnh cho Thư Ngỏ, một trong những người ký tên
trong lá thư và cũng ký trong văn bản 42 người đã cho phổ biến lời kêu
gọi mà ông đặt tựa có một từ là “Đánh.”
Tác giả Hồ Ngọc Nhuận-Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên
Giám đốc chính trị nhật báo Tin Sáng-đặt câu hỏi đánh cách nào, khi bên
kia có nanh nguyên tử và nhiều thứ khác, phe ta thì như tay không.
Ông Nhuận đưa đáp án: “Ai có gì đánh nấy. Có mấy thứ cũng có thể
gọi là ĐÁNH: KHÔNG mua hàng Trung Quốc, KHÔNG bán hàng Trung Quốc, KHÔNG
đi chơi Trung Quốc, KHÔNG xuất bất cứ thứ gì sang Trung Quốc, KHÔNG đến
các phòng khám bệnh của Trung Quốc, KHÔNG qua lại làm ăn dưới bất cứ
hình thức nào với Trung Quốc, KHÔNG lấy chồng Trung Quốc. Và còn nhiều
cái KHÔNG khác nữa…”
Ông kết luận: “Biết NÓI KHÔNG VỚI Trung Quốc TỨC LÀ ĐÁNH rồi đó.”
TỪ 71 NHỚ VỀ 18
Lá thư của 71 nhân sĩ trí thức tháng 7 năm nay làm nhiều người
lớn tuổi ở miền nam Việt Nam nhớ lại 18 nhân sĩ trí thức miền Nam tháng 4
năm 1960, họp tại khách sạn Caravelle ra tuyên ngôn chỉ trích quyết
liệt các sai lầm của Tổng thống Ngô Đình Diệm về chính trị, hành chính,
xã hội và quân sự, gây ra tình trạng bất mãn trong dân chúng, suy thoái
của chế độ và làm giảm tiềm lực đấu tranh chống cộng.
Tuyên ngôn nói rằng dân chúng vẫn chưa tìm thấy được một cuộc sống
khá hơn hay có nhiều tự do hơn, hiến pháp đã được lập ra nhưng chỉ có
hình thức, Quốc hội tuy có đấy nhưng những cuộc thảo luận luôn luôn được
diễn ra chỉ theo đường hướng của chính quyền, những cuộc bầu cử mang
tính cách phản dân chủ, bắt chước các chế độ Cộng Sản độc tài.
Tuyên ngôn nói rằng những vụ bắt bớ liên tục tiếp diễn làm cho nhà
giam và khám đường đầy đến tận nóc; dư luận quần chúng và báo chí phải
câm lặng, ý dân bị khinh nhục và chà đạp trong những cuộc đầu phiếu.
Về mặt kinh tế và xã hội, tuyên ngôn của 18 người thuộc nhóm
Caravelle nói rằng nhiều người không có việc để làm, không có nhà để ở
và không có tiền bạc. Gạo nhiều nhưng bán không được, các tiệm đầy hàng
mà hàng hóa lại không di chuyển, nguồn lợi nằm trong tay những kẻ đầu
cơ, dùng phe nhóm, đoàn thể của chính quyền để che dấu việc buôn bán độc
quyền đem lợi về cho một thiểu số tư nhân.
Hơn 3 năm sau khi có Tuyên ngôn Caravelle, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.
THỬ SO SÁNH
Từ California, nhà bình luận thời cuộc Trần Bình Nam, cựu Dân biểu
chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhận định rằng hai bản “Tuyên Ngôn” và “Thư
Ngỏ” đều có tính cách chính trị, vì trọng tâm đều có mục đích lành mạnh
hóa chính quyền để tập hợp sức mạnh của nhân dân chống xâm lăng, một bên
là cuộc xâm lăng của Hà Nội sau Hiệp Định Geneve, một bên là chống sự
xâm lấn của Trung quốc.
“Nhưng xét về khung cảnh chính trị và tầm vóc của những vị ký tên
cũng như nội dung tôi thấy giá trị của hai văn bản nặng nhẹ khác nhau.
Tuyên Ngôn năm 1960 gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm do 18 nhân vật có
tầm vóc và uy tín to lớn trong xã hội lúc đó. 11 trong 18 nhân vật ký
tên từng giữ các chức vụ bộ trưởng. 4 vị từng giữ những chức vụ cao cấp
khác trong chính quyền. Và Tuyên Ngôn đã xuất hiện như một biến cố chính
trị nêu ra bản chất độc tài và chính sách trị dân sai lầm của chính phủ
Ngô Đình Diệm và tính cách khẩn trương của sự tồn tại của miền Nam.
Tuyên Ngôn Caravelle được ký mấy ngày sau cuộc đảo chánh lật đổ
tổng thống Lý Thừa Vãn tại Nam Hàn là một hàm ý rằng nếu không cải tổ
thì chế độ cũng có thể bị lật đổ. Những người ký tên đã làm một hành
động cực kỳ can đảm khi ký vào bản Tuyên Ngôn, biết tính mạng của họ và
sự an toàn của gia đình có thể bị đe dọa. Và đúng như vậy, vào tháng 11
năm đó, sau một cuộc đảo chánh bất thành tất cả 18 nhân sĩ ký tên đều bị
bắt, bị tù đày và có người bị truy tố ra tòa.
Trong khi đó, Thư Ngỏ của 71 nhân sĩ trí thức vừa ký nhắm mục đích
nêu lên tính khẩn trương của tình hình xâm lấn của Trung quốc đối với
vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Và trong bối cảnh đó đề ra yêu cầu
công khai hóa quan hệ thật sự giữa hai nước, yêu cầu chính quyền phải có
kế hoạch chống tham nhũng, và quan trọng nhất là đề nghị chính quyền
huy động nội lực của toàn dân để chống xâm lăng. Nhưng Thư Ngỏ không có
trọng lượng chính trị như Tuyên Ngôn 1960, vì đa số quý vị ký tên tuy
đều là giới trí thức, chuyên viên, cựu cán bộ nhưng tầm vóc nhỏ ít có
ảnh hưởng đến bộ máy cầm quyền. Thư Ngỏ có thể gây ra được một tiếng
vang chính trị, nhưng không tạo thành một biến cố chính trị như Tuyên
Ngôn Caravelle năm 1960.”
Tại vùng thủ đô Hoa Kỳ, khi được yêu cầu so sánh giữa Tuyên Ngôn 1960
và Thư Ngỏ 2012, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa Bùi Diễm trả lời:
“Không thể so sánh được. Vấn đề ngày nay lớn quá. Hoàn cảnh đất
nước nó khác. Lúc trước chỉ là một đôi điều không đồng ý với chính phủ
của cụ Diệm mà thôi, chứ còn bây giờ là một vấn đề lớn lắm. Vấn đề có
thể nói là có quan hệ đến sự tồn vong của dân tộc. Vì vậy cho nên hoàn
cảnh lúc này nặng lắm và những người lên tiếng có lẽ cũng đã bắt đầu
thức tỉnh khi nhìn thấy hiểm họa mỗi ngày một lớn.
Thư ngỏ của 71 nhà trí thức gởi ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt
Nam đòi hỏi nhiều hơn là chỉ biểu tình, đặt vấn đề một cách rõ rệt là
yêu cầu thực hiện những quyền hiến định về tự do dân chủ, tự do kinh
doanh, quyền lập hội, quyền tự do bày tỏ thái độ chính trị qua những
cuộc biểu tình ôn hòa.
Đây có sự góp mặt của những người đã từng có liên hệ tới đảng Cộng
sản tức là những người trong Mặt trận Tổ quốc, trong Hội Trí thức Yêu
nước, đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chẳng hạn. Thành thử ra người
ta đặt vấn đề đây có phải là một hiện tượng mới, thể hiện sự công phẫn
của những người trí thức Việt Nam, tuy trước đây có cộng tác hay có liên
hệ đến đảng Cộng sản Việt Nam nay thấy trường hợp nguy hiểm quá nên bắt
buộc phải lên tiếng.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải chú ý để hiểu biết về tình hình nội bộ
Việt Nam lúc này. Hiểm họa lớn lắm và sự công phẩn trong nước nổi bật
hẳn lên, mặc dù đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục làm ngơ trước những
chống đối đó.”
Nhà bình luận thời cuộc Trần Bình Nam kết luận:
“Nếu Tuyên Ngôn là một quả bom chính trị của thời điểm đó, thì Thư
Ngỏ này là một tiếng pháo trước tình hình đất nước đang bị đe dọa và
đáng được nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cùng quan tâm.”
Trong lúc Tuyên Ngôn Caravelle bị chính phủ Ngô Ðình Diệm bỏ ngoài
tai, thì hôm thứ Năm, một trong những người ký Thư Ngỏ Hà Nội, Giáo sư
Kinh tế Trần Hữu Dũng của Đại học Wright State, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ
cho biết:
“Cho đến nay, tôi vẫn chưa nghe một phản hồi nào từ những địa chỉ
mà Thư này gửi đến. Tôi không ngạc nhiên về sự im lặng này. Thật ra, tôi
không có ảo vọng là bất cứ thư, kiến nghị, hay bản ý kiến nào gửi đến
chính quyền hiện tại sẽ được trả lời.
Điều làm tôi ngạc nhiên, và khá thất vọng là cho đến nay, không có
một tờ báo nào trong nuớc loan tin về Thư Ngỏ này, đừng nói chi đăng
nguyên văn, mặc dù Thư cũng đã được gửi đến họ. Tôi không biết họ ‘tư
kiểm duyệt’ hay được lệnh không đăng. Đó là một điều đáng buồn, thật
đáng buồn!”
Tuyên Ngôn Caravelle năm 1960 có 1 linh mục, Thư Ngỏ năm 2012 có 1 giám mục và 2 linh mục.
Tuyên Ngôn Caravelle năm 1960 có 18 người trong nước Việt Nam ký tên
cho dân số gần 20 triệu, Thư Ngỏ năm 2012 có 71 người trong và ngoài
nước Việt Nam ký tên cho dân số trên 80 triệu.
Nguồn: Viet Studies