Trần Minh Thảo
Đối đầu giữa một số nước Asean với bành trướng Trung Nam Hải trên
biển Đông là thật hay giả? Thật hay giả còn tuỳ từng quốc gia. Trung
Quốc xâm lược là thật. Nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và
philippines là thật. Có không xung đột Việt – Trung trên biển Đông?
Trung Quốc xâm lược biển Đông và âm mưu đặt ách đô hộ lên Việt Nam là
thật. Âm mưu xâm lược kiểu ‘diễn biến hoà bình’, không tiếng súng, nhằm
biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới là có thật. Cái không thật hoặc
làm cho nhiều người trong và ngoài nước hoài nghi tính không thật của
xung đột Việt – Trung là khi nhìn vào cách ứng xử của Đảng và Nhà nước
Việt Nam trước ý đồ xâm lược của Trung Quốc.
Sau khi Campuchia thành công trong vai trò xung kích tay trong việc
phá vỡ sự thống nhất của ASEAN về vấn đề biển Đông theo kịch bản của
Trung Quốc thì lãnh đạo Campuchia vội sang thăm Việt Nam. Ít lâu sau,
đại sứ Campuchia ở Philippines tuyên bố với báo chí Manila: Philippines
và Việt Nam chơi trò chính trị bẩn trên biển Đông. Hai động tác ấy cho
thấy Campuchia coi xung đột Trung – Phi là có thật, xung đột Việt –
Trung là giả, tuy lần nào cũng đụng đến Việt Nam. Campuchia muốn gửi cho
công luận một thông điệp: Tôi chỉ chống Philippines vì Phi chống Trung
Quốc xâm lược thật lòng.
Xung đột Việt – Trung là thật hay giả?
Thật với quốc gia Việt, giả với quyền lực cai trị, hoặc một bộ phận
có quyền quyết định, thường là cấp dưới, vì ‘giặc đã vào nhà’ mà Đảng và
Nhà nước chỉ nói suông. Ngay cả khi đã ban hành luật biển thì cũng chỉ
là ‘luật suông’, chưa có hiệu lực cưỡng hành. Do đó, không có ai trong
bộ máy cai trị chịu trách nhiệm pháp lý khi giặc cướp đã vào bên trong
lãnh thổ. Căn cứ vào đâu, cái gì để buộc tội nhà cầm quyền thiếu trách
nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ? Nếu luật biển có hiệu lực ngay khi
ban hành thì sự thể sẽ khác đi. Nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về thời
gian hiệu lực của luật. Luật biển có thể là một động tác giả vì thiếu
thực lực cưỡng hành hay trừng phạt những hành vi phạm luật. Là động tác
giả nhằm xoa dịu sự phẩn nộ của nhân dân Việt Nam, nhằm lôi kéo Mỹ và
Phương Tây vào biển Đông? Là động tác giả nhưng lại tạo điều kiện cho
Đảng, Nhà nước đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước(!). Là giả thiết, là
suy diễn nhưng đã giàu khả năng hiện thực.
Quốc tế và Hoa kỳ đã bày tỏ quan ngại về hành vi xâm lược của Trung
Quốc trên biển Đông. Việc đó không chứng tỏ Việt Nam đã tranh thủ được
sự hậu thuẫn của quốc tế. Sự lên tiếng của Mỹ và Phương Tây là vì sự đi
lại trên biển Đông và nhằm ủng hộ quốc gia nào thì đó là những đồng minh
của Mỹ và phương Tây như Philippines chẳng hạn. Người dân Việt Nam và
quốc tế nghi ngại điều gì? Dân Việt thì cho là biển đảo thực sự đã mất
rồi, đã thành nhượng địa cho Trung Quốc rồi. Quyền lực cai trị chỉ phản
ứng lấy lệ để tránh tiếng ‘bàn nước’ (có, không việc sang nhượng Hoàng
sa-Trường sa cho Trung Quốc thì cần bạch hoá nội dung hội nghị Thành Đô
năm 1990 và công bố toàn văn tờ trình về lãnh hải cho Liên hiệp quốc.
Tiếp theo là phải quy rõ trách nhiệm ai đã ra lệnh làm những việc đó. Có
bạch hoá thì Đảng mới có đủ uy tín để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống
bành trướng). Quốc tế nghi ngại điều gì? Theo tôi, trong chính trị quốc
tế người ta phải nghĩ đến trò phân tán lực lượng đối phương để làm suy
yếu đối phương. Người ta hoài nghi Việt Nam làm con chim mồi của chủ
nghĩa bành trướng vì cùng là cộng sản, cùng có nhiệm vụ đào mồ chôn chủ
nghĩa tư bản?
Làm sao để nhân dân Việt Nam và quốc tế thấy Nhà nước Việt Nam có
thực tâm để cùng chung tay chống bành trướng xâm lược? Quyền lực cai trị
phải chứng tỏ thực tâm chống bành trướng thì người dân mới tin, sẵn
sàng hy sinh xương máu, quốc tế mới trợ giúp sự nghiệp chống bành trướng
bá quyền của Việt Nam.
Để không bị cho là ‘đánh trận giả’, Đảng, Nhà nước Việt Nam phải xử lý hai vấn đề:
Đối nội: Quyền lực cai trị phải chứng tỏ có thực tâm bảo vệ độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm
lược tự phát thời gian qua còn là những cuộc trắc nghiệm chính trị đối
với Đảng, Nhà nước. Kết quả các cuộc trắc nghiệm đó lại chứng tỏ Đảng,
Nhà nước vẫn lệ thuộc Trung Quốc, hèn yếu trước đòi hỏi phi lý của Trung
Quốc.
Tuy thế, người dân cũng đã thấy dường như quyền lực cai trị có những
động thái muốn quay về với lợi ích dân tộc, lấy lại lòng tin của người
dân. Đó là cuộc vận động chỉnh đốn đảng và công khai khẳng định chủ
quyền biển đảo bằng luật…Nhưng do cách làm ‘lơ lửng’ làm cho xã hội hoài
nghi. Chẳng hạn, chỉnh đốn đảng nhưng bỏ qua sự chi phối việc hoạch
định đường lối, chủ trương, chính sách… của các nhóm lợi ích sinh ra từ
nền kinh tế định hướng XHCN mà nhiều học giả gọi là kinh tế thân tộc,
kinh tế cánh hẩu, kinh tế Mafia (họ hàng, gia tộc, địa phương, phe phái
gắn với bạo lực chính trị…), tức là kinh doanh, làm giàu bằng quyền lực
chính trị, bằng cách vắt kiệt tài nguyên quốc gia. Gia đình triệu phú Đô
la Đặng tiểu Bình, dòng họ triệu Đô Tập Cận Bình, Bạc Hy Lai… là dẫn
chứng (kinh tế cánh hẩu chỉ quan tâm lợi nhuận. Độc lập, tự do, toàn vẹn
lãnh thổ… mà không đem lại lợi nhuận thì chẳng có chút giá trị nào).
Việt Nam XHCN cũng làm theo Trung Quốc thì nhất định là có nền kinh tế
cánh hẩu, đã biến thành ‘nhà nước cánh hẩu’. Chính do quyền lợi thân tộc
‘xỏ mũi’ mà bá quyền bành trướng quyết đẩy dân Trung Quốc ra chiến
trường xâm lược nước khác, cũng vì nó mà quyền lực cai trị ở Việt Nam
phải nhượng bộ Trung Quốc?
Cũng có nhận định cho là Đảng, Nhà nước Việt Nam chưa thuận theo lòng
dân vì muốn nén sự bồng bột của dân cho một hành động quyết liệt chống
bành trướng. Đó là việc lớn của chính trị nhà nước, không để cháy ngọn
lửa rơm yêu nước khi chưa có thời cơ sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Nhưng
xét cách làm của Đảng, Nhà nước Việt Nam thì không thấy có bản lãnh như
vậy mà chỉ thấy lòng yêu nước bị nhục mạ, bị xuyên tạc, bị đàn áp… bởi
cả hệ thống chính trị (cán bộ vận động dân không tham gia biểu tình nói:
làm vậy là làm hại tình hữu nghị Việt – Trung; Hoàng Sa, Trường Sa
chẳng có gì quan trọng hơn quan hệ hữu hảo, hơn chế độ XHCN…). Do vậy dư
luận xã hội thay vì tán đồng chủ trương nén sức dân (nếu có chủ trương
như vậy) lại kết án Đảng, Nhà nước làm theo lệnh Trung Nam Hải, nhượng
bộ lợi ích Trung Nam Hải. Cứ cho là có một chính sách nén sức dân như
vậy nhưng có những việc cần làm ngay như tình trạng thương lái Trung
Quốc lũng đoạn thị trường, người Trung Quốc gây rối trong các ‘tô giới’,
các điểm ‘đứng chân’ của người Trung Quốc từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng
lên miền núi .v.v. sao vẫn coi như bình thường?
Đối nội phải có lòng tin của dân
Đối Ngoại: Làm sao để chứng tỏ với thế giới, Việt Nam không phải là
chim mồi của chủ nghĩa bá quyền bành trướng Trung Nam Hải với ý đồ mở
thêm một mặt trận làm đối phương giàn mỏng lực lượng, không còn tập
trung cho Trung Đông và Tây Á, giảm áp lực cho các chế độ thân hữu như
Syria, Iran, Triều Tiên… làm chủ nghĩa tư bản chảy máu, suy kiệt. Do đó,
Trung Quốc XHCN sớm thành siêu cường số một, lãnh đạo thế giới tiến lên
CNXH kiểu Trung Quốc, Việt Nam XHCN khi ấy nhất định cũng có phần (cho
đảng cai trị). Các chuyến thăm Việt Nam của Hoa kỳ do đó được hiểu là
một phép thử thực tâm của Việt Nam: đã thử và chưa tin. Người Mỹ nói
không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền, chỉ chú ý đến tự do hàng hải
trên biển đông nhưng lại cam kết hậu thuẫn Philippines bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ trên biển Đông (Dân tộcViệt Nam rất cần một cam kết như vậy).
Mỹ không tin Việt Nam thật lòng? Không tin cũng đúng vì Việt Nam thường
không tôn trọng, không thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế về
nhiều thứ nhạy cảm là trên hồ sơ nhân quyền, thứ mà chính khách phương
Tây quan tâm vì lá phiếu của cử tri, không tôn trọng các cam kết với thế
giới văn minh nhưng lại sẵn sàng làm theo Trung Quốc. Mỹ muốn vào Cam
ranh hay người Việt muốn Mỹ vào Cam ranh? Không có Cam ranh cũng chẳng
làm suy yếu mặt trận quốc tế bao vây chủ nghĩa bành trướng.
Còn phải tính đến mặt trận “đánh vào lòng người” đối với nhân dân
Trung Quốc. Sau 1975, khi tổng kết về mặt trận ngoại giao, một trong mấy
bài học rút ra là: “thắng Mỹ tại Mỹ”, tức là mặt trận tranh thủ lòng
dân Hoa kỳ. Nhân dân Hoa kỳ chống chiến tranh Việt Nam là điều có thật.
Ngày nay nhân dân Trung Quốc có chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền xâm
lược Việt Nam không? Tại sao Việt Nam không mở mặt trận ‘tâm công’ này?
Rõ ràng là nhân dân, nhất là dân nghèo Trung Quốc hàng ngày, hàng giờ
đấu tranh chống lại những việc làm sai trái của đảng, nhà nước ‘cánh
hẩu’ Trung Nam Hải. Phải chỉ ra cho người Trung Hoa thấy kiểu ‘nhà nước
cánh hẩu’ thường nói láo, luôn làm hại nước, hại dân. Hay làm cho nhân
dân Trung Quốc thấy cái sai trái của đảng, nhà nước ‘cánh hẩu’, vận
động, ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống độc tài bành trướng thì cũng là
hành vi tự vạch áo cho người xem lưng, tự cầm đá ghè chân mình?
Không mở mặt trận này thì Đảng, Nhà nước Việt Nam càng tự chứng tỏ Việt – Trung đang hiệp đồng bày trận giả trên biển Đông.
Như vậy có hay không có Việt Nam trong trận tuyến chống bành trướng
bá quyền của quốc tế không phải là vấn đề gì to lớn, không có tính quyết
định. Việt Nam đứng ở đâu trong thế trận ấy không làm mạnh lên hay yếu
đi vòng vây chống bành trướng của nhân loại văn minh. Việt Nam đứng ở
đâu không ảnh hưởng đến ‘hoà bình thế giới’ nhưng lại quyết định sự tồn
vong của dân tộc Việt.
Biển đảo nói riêng, lãnh thổ Việt Nam nói chung đang bị Trung Quốc
lấn dần kiểu diễn biến hoà bình (không có tiếng súng). Vậy mà người dân
và bạn bè quốc tế không thấy được thực tâm chống xâm lược, bảo vệ chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quyền lực cai trị . Đó là mối nguy cho
quyền lực cai trị, cũng là mối nguy của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Nên hiệp đồng tác chiến với bạn vàng 16 chữ vì chủ nghĩa xã hội (thực
ra là vì lợi ích thân tộc, cánh hẩu), coi chủ quyền quốc gia, độc lập
dân tộc là thứ yếu, hay nên từ bỏ lợi ích cánh hẩu, quay về với dân và
phần văn minh tiến bộ của nhân loại?
Nhượng bộ, sợ hãi, lần khần không dứt khoát, không minh bạch quá khứ
là hành vi tiếp tay với thế lực ‘cánh hẩu’ bán nước và cướp nước.
Đối ngoại phải làm cho quốc tế tin Việt Nam không phục tùng lợi ích của bá quyền Trung Quốc.
Đó là việc Đảng và Nhà nước phải lo.
(Bài viết nhằm tri ân các cuộc biểu tình chống bá quyền xâm lược Trung Nam Hải)
Nguồn: Anh Basam