Câu
tựa đề trên đây là ý kiến của một vị độc giả sau khi đọc bài trước trên
mục này: “Ai cũng biết Việt Nam đang bị Trung Quốc làm nhục, nhưng
chống Trung Quốc bằng cách nào?”
Ðó cũng là ý kiến của Thái Úy Trần Nhật Hiệu, vào thế kỷ 13.
Năm 1257 Hốt Tất Liệt, sau khi xóa tan nước Ðại Lý, sai quân tấn công
nước ta vì vua nhà Trần không chịu qua Vân Nam khấu đầu quy phục. Ðạo
quân Mông Cổ phá đổ hàng phòng thủ đầu tiên do Trần Quốc Tuấn chỉ huy;
rồi đánh bại đạo quân chính do Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo; tiến
tới chiếm thành Thăng Long, “cướp phá, giết tất cả nam phụ lão ấu ở
trong thành,” như Trần Trọng Kim ghi trong Việt Nam Sử Lược. Triều đình
chạy về Hưng Yên, Thái Tông hỏi ý kiến mọi người. Thái Úy Trần Nhật Hiệu
cầm sào viết xuống nước hai chữ: Nhập Tống (xin vào nước Tống). Lúc đó
Tống còn là tên gọi cả nước Trung Hoa; mặc dù vua quan nhà Tống chỉ còn
làm chủ một mẩu đất ở vùng Quảng Ðông, hai năm sau mới bị quân Mông Cổ
tiêu diệt. Nếu theo lời khuyên của Thái Úy Trần Nhật Hiệu thì vua nhà
Trần đã xin hàng. Nhưng Thái sư Trần Thủ Ðộ có ý kiến khác: “Ðầu tôi
chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo.” Cuối cùng nước Việt Nam không
bị nhục.
Vị độc giả trên còn lý luận: “Chưa thấy ai nói đến phương thức chống
Trung Quốc bành trướng một cách có hiệu quả. Chỉ có những cuộc biểu tình
ồn ào, không kết quả.”
Năm 1285 chắc cũng có người nghĩ như vậy. Trước mối đe dọa quân
Nguyên sang tấn công lần thứ ba, Thái thượng hoàng Thánh Tông và vua
Trần Nhân Tông mời các vị già cả trong nước vào họp ở điện Diên Hồng để
tham khảo. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Các phụ lão đều nói ‘Ðánh,’
vạn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.”
Ðiện Diên Hồng có lẽ không đủ rộng để chứa đến một vạn người. Nhưng
dù chỉ có hàng ngàn thì không khí cuộc họp chắc cũng đủ “ồn ào,” náo
nhiệt, “muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng,”
không khác gì trong các cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc gần
đây. Những “phụ lão” thời nhà Trần chắc cũng chỉ trên dưới 50 tuổi, còn
quá trẻ so với những “cụ” Nguyễn Quang A đi biểu tình ở Hà Nội, hay Hòa
Thượng Thích Chí Thắng mới xuống đường ở Huế. Các phụ lão thời đó chắc
chỉ vào tuổi cho các cô Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy gọi là chú thôi!
Nhưng cuộc “biểu tình” trong điện Diên Hồng đã có kết quả. Cuộc họp mặt
hào hùng đó cho thấy một cách “chống Trung Quốc bành trướng.” Phương
thức duy nhất có kiệu quả là: Toàn dân một lòng bảo vệ danh dự quốc gia.
Nhờ thế, sau cùng nước Việt Nam không bị quân Mông Cổ chiếm mất. Nếu
vua và dân nhà Trần đều run sợ mà chịu nhục thì có thể từ đó nước ta đã
biến thành một tỉnh hay một quận của nước Trung Hoa cho tới bây giờ,
không khác gì tỉnh Vân Nam.
Vị độc giả trên đây còn lo sợ: “Dùng quân sự không thể thắng Trung
Quốc, Hải quân ta quá yếu… Trung Quốc đã chế được tàu vũ trụ, Việt Nam
ta (chỉ) tổ chức được (thi) Hoa Hậu Thế Giới. Cán cân đã ngã ngũ. Xin
đừng bàn vấn đề này như truyện kiếm hiệp Kim Dung, chỉ nhục thêm.”
Không ai muốn “nhục thêm,” nhưng phải hỏi: Nếu có hai còn đường phải
chọn, một bên là im lặng hèn nhát, bên kia là chống cự đến cùng, thì con
đường nào nhục nhã hơn? Không người Việt Nam nào muốn gây chiến tranh
với Trung Quốc. Nhưng bị lấn ép mãi mà không dám đối đầu thì chắn chắn
nhục nhã. Mà trong tình thế hiện nay, Trung Quốc không dám đánh Việt
Nam, vì những quyền lợi thiết yếu của họ.
Vào đời nhà Trần, cán cân lực lượng giữa nước ta và nhà Nguyên cũng
chênh lệch không khác gì với Trung Cộng bây giờ. Có thể nhà Trần còn yếu
hơn nhiều vì cả trăm năm người Việt không biết đến chiến tranh. Quân
Mông Cổ thì vừa mới chinh phục tất cả nước Trung Hoa sau khi làm cỏ suốt
vùng Trung Á, sang đến Nga và Ðông Âu; đạo quân bách chiến tới đâu tàn
sát đó rồi đặt người mới cai trị. Dân số Việt Nam lúc đó được mấy triệu
và quân đội nhà Trần có được bao nhiêu người? Vua nhà Nguyên sai một đạo
quân trăm ngàn lính thiện chiến sang đánh, cuối cùng chỉ còn 20 ngàn
tơi tả chạy về. Nhờ đâu nhà Trần giữ vững được bờ cõi nước ta? Vì toàn
dân trên dưới một lòng: Thà làm quỷ nước Nam! Chúng ta cũng đừng quên
rằng các vị vua nhà Trần đều là dòng dõi người Việt gốc Hoa, qua nhiều
đời họ đã hóa thành dân tộc Ðại Việt; nhưng khi cần chống ngoại xâm thì
họ vẫn được toàn dân ủng hộ.
Vị thế của Trung Quốc bây giờ chắc chắn không mạnh bằng thời nhà
Nguyên. Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc chiếm địa vị bá chủ trong vùng Á
Ðông, về chính trị, kinh tế, và quân sự. Chưa có những nước Nhật Bản,
Nam Hàn giầu mạnh, chưa có khối Ðông Nam Á cùng lo lắng trước đế quốc
Trung Hoa mới. Chưa có nước Nga đè nặng phía Bắc. Cũng chưa hạm đội thứ
bẩy của Mỹ và một ông tổng thống khẳng định vì quyền lợi nước Mỹ sẽ duy
trì sự có mặt ở Á Châu Thái Bình Dương.
Nhà Nguyên cũng không cần tiền đầu tư ngoại quốc đổ vào, không lệ
thuộc các tài nguyên, nhiên liệu từ các nước Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ
để phục hồi kinh tế, không lo việc dân chúng đòi tự do dân chủ, không sợ
bị cả thế giới ngưng giao thương nếu có hành động hiếu chiến, xâm lăng.
Trung Cộng bây giờ mang đầy những mối lo tâm phúc đó! Hải Quân Trung
Cộng không dám đánh chiếm đảo Ðiếu Ngư đang bị Nhật chiếm đóng; vì Bắc
Kinh không muốn dân Nhật Bản nổi giận yêu cầu chính phủ tái võ trang,
lập lại quân đội. Tầu thuyền Trung Cộng phải rút khỏi vùng biển tranh
chấp với Philippines vì nếu có chiến tranh thì các nước trong vùng sẽ
phải cùng nhau xin liên kết với Mỹ chặt chẽ hơn. Bắc Kinh cần giữ hòa
bình trong vùng biển Ðông nước ta vì nếu con đường giao thông qua đó bất
an thì cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ lo không có đủ nguyên liệu và nhiên
liệu để chạy bình thường. Chính Bắc Kinh sẽ lo tránh đụng độ nhiều hơn
nước ta, vì nếu thêm một trăm ngàn dân thất nghiệp thì chế độ cộng sản
sẽ sụp đổ!
Nhà Nguyên có thể đem quân đánh Việt Nam vì vào thế kỷ 13 nước ta
hoàn toàn cô lập. Cũng giống như năm 1979 Trung Cộng đã “dạy một bài
học” cho Lê Duẩn về tội phản phúc vì Cộng Sản Việt Nam đang bị cả thế
giới tẩy chay. Tình trạng thế giới ngày nay hoàn toàn khác. Không nước
nào lo bị cô lập nữa, mà Trung Quốc cũng không còn địa vị độc quyền bá
chủ nữa. Nước Mỹ, Châu Âu cũng như Ấn Ðộ, Nhật Bản, và các nước Ðông Nam
Á sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Trung Cộng gây chiến với Việt Nam. Họ sẽ
ngăn cản đến cùng, vì quyền lợi của chính họ chứ chẳng cần họ phải
thương yêu gì nước mình! Ý nghĩ cho rằng Trung Cộng muốn làm gì thì làm,
các nước nhỏ chung quanh phải sợ sệt như giun như dế mới thật là hoang
tưởng. Ðó mới là sống trong “truyện kiếm hiệp Kim Dung!”
Nhưng vị độc giả có lòng còn lo ngại, viết rằng nếu “Dùng chánh trị (chống lại Trung Cộng thì sẽ) lệ thuộc Mỹ hoặc phương Tây.”
Ðó cũng là một điều hoang tưởng. Thế giới bây giờ không ai còn phải
lo bị lệ thuộc như vậy, dù lệ thuộc Mỹ hay lệ thuộc Tàu, nếu tự mình
biết khôn ngoan và quyết tâm bảo vệ nền độc lập. Năm 1940, các nước Anh,
nước Pháp đã nhờ quân Mỹ sang đánh quân Ðức Quốc Xã, sau đó các nước
này bị lệ thuộc nước Mỹ hay không? Nếu không có Mỹ bảo vệ thì Nam Hàn và
Ðài Loan đã biến mất từ lâu rồi, nhưng bây giờ ai dám nói rằng các nước
này lệ thuộc Mỹ? Nếu thân với Mỹ mà dân nước họ giầu có, được sống
trong dân chủ tự do được thì tại sao họ không kết thân? Trên thế giới
bây giờ không một nước nào lo phải lệ thuộc nước khác, vì tất cả các
nước đều tùy thuộc vào nhau trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Có ai bắt
Singapore phải mở cửa cho tầu chiến Mỹ vào bến tu bổ, có ai bắt họ phải
ký hiệp ước tự do thương mại với Mỹ hay không? Chẳng qua là vì Singapore
thấy các hành động đó có lợi cho dân họ!
Vị độc giả nêu những ý kiến trên đây có thể vì tấm lòng lo cho đất
nước thật. Nhưng các ý kiến đó cũng là luận điệu để bào chữa cho thái độ
khiếp nhược, sợ hãi một cách vô lý trước các hành động gây hấn và lấn
áp của Cộng Sản Trung Quốc. Ðó cũng là luận điệu mà Bắc Kinh muốn người
mình truyền cho nhau nghe. Ðể cho cả nước Việt Nam chết nhát! Người Việt
Nam không hèn nhát như vậy, ngay từ thời Hai Bà Trưng, bà Triệu.
Không thể chấp nhận những luận điệu hèn nhát, chưa chi đã lo nước
Việt Nam không đủ sức chống lại Trung Cộng. Những kẻ đưa ra các luận
điệu đó chỉ làm trò “rung cây nhát khỉ” để phục vụ Bắc Kinh và biện minh
cho những thái độ khiếp nhược của họ. Nếu mỗi lần Trung Cộng tấn công
tầu đánh cá Việt Nam, bắt cóc các ngư dân nước mình, thì một chính quyền
Việt Nam biết trọng danh dự đã hành động trả đũa liền. Có thể quyết
định tống xuất một ngàn công nhân Trung Quốc làm việc không giấy phép ở
trong nước ta ngay sau khi “tầu lạ” đánh dân mình. Ðang có hàng chục
ngàn di dân lậu trong đám các công nhân Trung Quốc, một đêm là có thể
tìm ra một ngàn người dễ dàng. Trục xuất di dân lậu là một việc làm hợp
pháp, hợp đạo lý, quốc tế phải công nhận là đúng lẽ phải. Liệu Trung
Cộng có dám vì thế mà đem quân sang đánh nước ta hay không? Thế giới có
ngồi im cho họ hành động ngang ngược như vậy hay không? Dân Việt Nam đã
hèn nhát từ bao giờ vậy?
Năm 1974 ông Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh Hải Quân Việt Nam chống cự
đến cùng khi quân Trung Cộng tiến đánh Hoàng Sa. Lúc đó ông tổng thống
Việt Nam Cộng Hòa chắc phải biết rằng những người lính sắp ra trận sẽ
phải chịu hy sinh. Dù biết như vậy, ở địa vị người lãnh đạo một quốc
gia, ai cũng phải ra lệnh tử chiến. Họ không thể chỉ nghĩ đến kế an toàn
cho mỗi người lính. Vì phải bảo toàn danh dự quốc gia, vì còn phải nghĩ
đến tổ tiên và con cháu.
Những người lính Việt Nam bảo vệ thành phố Lạng Sơn năm 1979 có biết
rằng họ sắp bỏ mình trước biển người quân Trung Cộng hay không? Tại sao
họ vẫn cầm súng chống cự tới cùng? Thiếu Tá Ngụy Văn Thà khi cùng các
chiến sĩ Hải Quân Việt Nam chống cự tới cùng đến lúc chỉ còn lưỡi lê
trên đầu súng, họ có biết là họ sắp hy sinh hay không? Tại sao họ vẫn
bám lấy mảnh đất Hoàng Sa cho đến chết? Tất cả những người lính Việt
Nam, dù ở miền Nam hay miền Bắc, đều biết họ sẽ chết, nhưng chết cho tổ
quốc Việt Nam. Vì bổn phận với tiền nhân bao đời trước. Vì biết còn bao
nhiêu thế hệ con cháu đời sau. Người Việt Nam xưa nay không khiếp nhược.
© Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt