Trong “Lời nói đầu” cuốn chính luận “Suy tư và Ước vọng” xuất bản ở nước ngoài cách đây hơn chục năm tôi đã viết:
“… Dẫu rằng, vì những dòng Suy tư này mà tôi từng chịu bao nhiêu
lao lung, khổ ải, tôi vẫn không thể quên lời nhà chí sỹ Phan Bội Châu:
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di!
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
(Đã sinh ra làm trai thì cũng phải khác đời
Lẽ để trời đất muốn xoay vần tới đâu thì tới
Trong khoảng trăm năm đã có ta (thì ta phải gánh vác lấy công việc)
Còn như chuyện ngàn năm sau thì có người sắp tới) .
Không thể nói tôi không kiên trì, không nhẫn nại nhưng, cho đến nay
hầu như Suy tư của tôi chẳng đi đến đâu và Ước vọng hầu như chẳng còn
gì. Chỉ còn lại “Mối sầu như tóc bạc/Cứ cắt lại dài ra!”.
Vui sao, bỗng nhiên tôi gặp một người đồng hành, một “Phượng hoàng sơ
sinh” khi tôi đã là “Lão ô bách tuế”. Huỳnh Thục Vy cùng tuổi Tý với
tôi nhưng sinh sau tôi non nửa thế kỷ (chính xác là 4 giáp = 48 năm).
Vy có tuổi thơ cũng gian nan khốn khó như tôi.
Vy: 7 tuổi mồ côi mẹ, 9 tuổi cha đi tù, phải đi làm công nhân kiếm
sống, không được học đại học chính quy mà phải học đại học từ xa song
vẫn là một cử nhân luật cừ khôi, có trình độ tiếng Anh trội hơn hẳn đa
số cử nhân luật chính quy. Hiện nay Vy phải đi dạy tiếng Anh chứ không
được hành nghề luật sư.
Tôi: 10 tuổi phải ngồi bán nước vối ở đầu chợ phủ Thọ Xuân, Thanh
Hóa; khi gặp lại cha, chỉ được đi học hơn một học kỳ nhưng đã đỗ
Primaire năm 1947, lúc 11 tuổi, (thuở ấy nếu 6 tuổi vào lớp 6 thì phải
học 7 năm gồm các lớp: 6, 5, 4 3, nhì đệ nhất, nhì đệ nhị và lớp nhất,
mới được vào thi Primaire bằng tiếng Pháp); vậy mà, mãi đến năm 44 tuổi
mới được bảo vệ luận án tiến sỹ vì … lý lịch gia đình!
Đại học từ xa cũng giống đại học tại chức. Người ta thường bảo “Dốt
như chuyên tu, ngu như tại chức”, nhưng chỉ qua những gì đọc được đã làm
tôi thán phục sự uyên thâm, uyên bác của vị cử nhân không chính quy
này. Đội ngũ luật sư danh giá với những Trần Lâm, Lê Chí Quang, Nguyễn
văn Đài, Lê thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Lê Trần Luật, Lê Công Định,
Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy …
làm cho hàng ngũ những người đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hoá ở Việt
Nam trở nên sáng giá không chỉ bởi đức dấn thân mà còn bởi chất trí
tuệ.
Tôi cũng ý thức như Huỳnh Thục Vy:
“Tôi cho rằng một người đấu tranh cho dân chủ ít nhất phải biết dân
chủ có điều kiện, mục đích và đặc trưng nào. Phải có hiểu biết nhất định
về một vấn đề ta mới có thể nhiệt thành mà dấn thân vì nó. Không phải
bất cứ ai phản kháng với chính quyền độc tài đều là những người có khả
năng kiến lập nền dân chủ. Vậy muốn thành công trong công cuộc xây dựng
dân chủ chúng ta phải là những người tôn trọng và đấu tranh cho cái mà
tôi gọi là “những giá trị thật” chứ không phải là những giá trị được
thổi phồng bởi số đông” (1).
Bởi vì “Như tất cả chúng ta có thể thấy, trong lịch sử nhân loại cũng
như trong các sự kiện thế giới gần đây, việc loại bỏ một nền độc tài
luôn tương đối dễ dàng hơn và cần ít những phẩm chất tích cực của những
người đấu tranh cũng như người dân sở tại hơn việc xây dựng một thể chế
mới tốt đẹp. Một cách tương đối, có thể nói rằng nếu việc loại bỏ một
thể chế phản động chỉ cần hội đủ những điều kiện dường như tiêu cực hơn
như: suy thoái hay sụp đổ nền kinh tế, lòng dân phẫn uất cùng cực, tình
hình thế giới biến động, chiến tranh…; thì việc xây dựng nền tự do luôn
đòi hỏi ở chúng ta những điều kiện tích cực hơn nhiều: hiểu biết và niềm
khao khát tự do, sự thắng thế của văn hóa dân chủ, sự lớn mạnh của các
định chế dân sự…Nếu sự ra đi của một chế độ độc tài là một biến cố, thì
việc xây dựng nền dân chủ là cả một quá trình liên tục và không có điểm
dừng. Một sự nghiệp to lớn như thế cần ở chúng ta- những người đang đấu
tranh sự nghiêm túc trong cả suy nghĩ và hành động. Không có tòa nhà to
đẹp nào được xây dựng bởi những kẻ lười biếng học hỏi, chểnh mảng và
thiếu chín chắn (1).
Huỳnh Thục Vy không chỉ là người phản kháng với chính quyền độc tài mà là nhà bất đồng chính kiến có chính kiến rõ rệt.
Hãy nghe HTV bàn về đặc trưng của Xã hội Dân chủ:
“Tuy nhắc đến những giá trị dân chủ tự do, chúng ta không trực
tiếp đưa ra những tuyên ngôn cho tinh thần đạo đức nhưng kỳ thực chúng
ta đang cổ vũ cho một xã hội nơi đạo đức được trọng vọng. Thật lạ đời
rằng trong một chế độ dân chủ tự do, nơi người ta không chính thức đưa
đạo đức lên như một giá trị của thể chế, nơi người ta chỉ dành nhiều
thời gian và công sức để đề cao và bảo vệ nền pháp trị thì đạo đức lại
được phát huy. Bởi xét cho cùng những giá trị như công bằng, tự do, tự
thân chúng lại là một vấn đề đạo đức. Không có kẻ vô đạo đức nào yêu
chuộng công bằng, tự do. Bởi vậy, không ngoa chút nào khi ta nói xã hội
dân chủ được đặc trưng bởi đạo đức (2).
Xã hội dân chủ được đặc trưng bởi đạo đức. Những người đấu tranh cho
dân chủ càng cần phải có đạo đức. Thật xấu hổ khi thấy nhiều “nhà dân
chủ” xỉa xói nhau bằng lời lẽ rất thiếu văn hóa. Càng đau lòng hơn khi
không biết vì lý do gì mà họ sử dụng cả những thủ đoạn bịa đặt, xuyên
tạc, vu khống … để bôi bẩn, phỉ báng, triệt hạ nhau!
Từ bình diện đạo đức HTV lý giải khả năng chuyển hóa của Miến Điện so với ViệtNam:
“Ở Miến Điện, văn hóa, đạo đức và tôn giáo vẫn giữ được giá trị nội
tại, đời sống văn hóa tinh thần của người dân vẫn nhân văn và thuần
phác. Một nền luân lý Phật giáo đúng nghĩa đứng ở vị trí trung tâm trong
đời sống tinh thần của họ. Như những nhà báo quốc tế ghi nhận thì,
người dân Miến tuy sống nghèo khổ nhưng rất hiền lành, đa số họ thiền
định mỗi ngày. Nghèo khổ và lạc hậu ở họ không đồng nghĩa với sự hèn
nhát và sự xuống dốc về văn hóa và đạo đức. Chính vì giữ được sức mạnh
tinh thần ấy, chính vì đứng trên cái trụ văn hóa nhân bản, trong đói
khổ, đàn áp và sợ hãi, người dân Miến không ngừng phản kháng, đòi tự do,
dân chủ.
Trái lại, dưới chế độ cộng sản Việt Nam, văn hóa, đạo đức và các
truyền thống tôn giáo tốt đẹp đã gần như bị hủy hoại tận gốc rễ. Một xã
hội hiện đại nửa mùa, một nền văn hóa mới theo kiểu Tây phương chưa xây
dựng được (mà chỉ bắt chước người ta những thói xấu), còn cội nguồn văn
hóa truyền thống thì đã biến thái thành những thứ quái dị. Những nhân
đức hiền lành, chất phác, lòng yêu nước thiết tha biến thành những mánh
mung, lừa đảo, vị kỷ. Một tôn giáo truyền thống từng góp phần to lớn xây
dựng nên khí chất Việt Nam, bây giờ đã trở thành một thứ mê tín dị
đoan. Đã mấy mươi năm sống dưới một chế độ độc tài hủy diệt văn hóa, bóp
méo ý chí lành mạnh và làm thui chột năng lực tinh thần thì lúc đói khổ
chúng ta chỉ lo miếng cơm, lúc sung túc chúng ta chỉ lo hưởng thụ. Mất
cái gốc tinh thần (văn hóa, luân lý) chúng ta đang lâm vào một cuộc
khủng hoảng nghiêm trọng về ý chí và nhân cách. Cái gốc của mọi hành
động là tinh thần, ý chí yếu đuối, tinh thần bạc nhược, thì chẳng thể
làm những việc lớn lao (nếu không có những điều kiện đột biến làm đòn
bẩy) (3).
Ở một khía cạnh khác HTV lý giải về phẩm chất của chính quyền:
“Ở mức độ nghiêm trọng hơn, các chế độ độc tài được hình thành từ
những vụ “cướp chính quyền” như kiểu cách mà những người Cộng sản Việt
Nam đã làm để lên nắm quyền, càng không nhìn nhận vai trò của sự trao
quyền này bởi cái tâm thức rằng: chính quyền là do họ cướp được chứ
không phải do người dân giao phó cho. Có thể đối với những kẻ độc tài
dạng này, sự trao quyền trọng đại trong các chế độ dân chủ chỉ mang lại
cho họ một cảm quan hài hước, thậm chí là đáng khinh bỉ. Ở đây, quyền
lực chính trị chỉ như một hòn ngọc mà họ đã cướp được sau cuộc hạ sát kẻ
sở hữu trước đây của nó” (4).
“Vì thế khi đã nắm được quyền lực trong tay, những kẻ chuyên
quyền sẽ sử dụng quyền lực và các nguồn lực Quốc gia như thứ tài sản
riêng, bất chấp lợi ích của đại đa số người dân và vận mệnh của cả dân
tộc. Chúng ta đang ở Việt Nam và có đủ cơ hội để trải nghiệm điều này” (4).
… Và về giới trung lưu:
“…. Giới trung lưu và cả lớp người có triển vọng bước vào giới
trung lưu là những người có học thức và tài sản đã hình thành, lớn mạnh
chính nhờ xuất thân gia đình có liên quan đến chế độ hoặc nhờ sự nương
tựa vào giới cầm quyền cộng sản. Lớp người này theo sự phát triển của
nền kinh tế, giáo dục- xã hội trong hai thập niên qua đang ngày càng gia
tăng. Cuộc sống hiện tại và triển vọng tương lai của họ nương theo sự
phát triển và “ổn định” của cái thể chế độc tài hiện tại. Vì thế khó tìm
được lý do thích đáng và đủ mạnh để họ từ bỏ quyền lợi kinh tế mà dấn
thân đòi hỏi tự do chính trị. Đây là kiểu hình thành tầng lớp trung lưu
chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc – nơi mà một nền kinh tế dần được cởi mở
kết hợp với nền chính trị độc tài, trái ngược hẳn với ví dụ trên về
nước Anh. Nền kinh tế còn tiếp tục phát triển, người ta còn tiếp tục im
lặng và do đó chế độ độc tài còn có thể trông cậy vào sự hợp tác của họ
để tiếp tục nắm quyền. Nhiều chuyên gia trên thế giới vào cuối thế kỷ
trước đã hi vọng rằng những cải cách kinh tế sẽ dẫn dắt thay đổi chính
trị ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng chúng ta đang nhận được một kết quả
ngược lại. Bởi vì, bản chất của giới trung lưu tư bản xuất hiện trong
lòng chế độ phong kiến phương Tây khác hẳn giới trung lưu được sinh ra
từ “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (5).
Cũng từ bình diện đạo đức, HTV ca ngợi sự nghiệp “can thiệp nội bộ”
của Hoa Kỳ và các nước Phương Tây để giải phóng người dân khỏi các chế
độ độc tái:
“… ngày 19 tháng 3 vừa qua, Liên quân dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ
đã tấn công chế độ độc tài Gaddafi giải cứu dân quân nổi dậy ở Libya
đang đứng trước nguy cơ một cuộc thảm sát. Vậy là sau những hoài nghi và
thất vọng, chúng ta đã có thể khẳng định nhân loại trong thế kỷ 21 này
thực sự văn minh, thực sự đã sống và hành xử với nhau trong tinh thần
trách nhiệm quốc tế, trong giá trị nhân bản đề cao con người. Sự can
thiệp của cộng đồng quốc tế vào Libya đánh dấu một kỷ nguyên mới của
nhân loại-kỷ nguyên của lương tri và trách nhiệm. Cộng đồng Thế giới,
nhất là Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã can đảm vượt qua sự ù lì, vô
cảm vì quyền lợi quốc gia. Họ đã đại diện cho Thế giới văn minh đi tiên
phong trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ nhân loại khỏi sự đàn áp của các
chế độ độc tài. Lịch sử của nhân loại sẽ ghi nhận nghĩa cử cao đẹp này
của họ như một đóng góp lớn trong việc bảo vệ Hòa bình,Tự do và Dân chủ
cho cả Thế giới” (6).
Rồi, bằng lý lẽ thuyết phục HTV đã biện minh cho những khuyết tật thuộc về nhân loại của xã hội Hoa Kỳ:
“Các nhà lãnh đạo và giới tư bản Hoa Kỳ không hề câu kết nhau
tước đoạt quyền tư hữu, không sung công tài sản của người dân Mỹ, không
lấy hết đất đai, trâu bò của họ để thành lập hợp tác xã trá hình, không
lấy hết ruộng vườn của họ rồi đền bù với giá rẻ mạt, không gom tất cả
tài sản quốc gia lại để ăn chia nhau. Vì hệ thống chính trị dân chủ,
pháp trị không cho họ cái quyền làm như thế. Cái lỗi của họ là cái lỗi
chung của nhân loại – đó là sự tham lam. Họ tham lam, họ dùng tiền để
tác động tới chính quyền nhằm trục lợi làm cho kinh tế khủng hoảng và
làm cho đời sống người dân trở nên khó khăn. Phản đối sự tham lam của
giới tài phiệt và sự hoạt động kém hiểu quả, cũng như thái độ không chú
trọng quyền lợi người dân thường của chính phú là một động thái cần
thiết. Nhưng người ta nên phản kháng với nhận thức rằng bất cứ định chế
chính trị hay kinh tế nào của nhân loại cũng tồn tại khiếm khuyết và có
xu hướng tha hóa. Chúng ta không thể có được cái hoàn hảo nhưng chúng ta có thể có được một cơ chế khắc phục sai lầm hiệu quả” (7).
Và, những biện minh mang tầm triết lý sau đây của HTV hẳn đủ khả năng
đánh bại những luận điểm tuyên truyền lập lờ đánh lộn trắng đen:
“Mùa Xuân Ả Rập” là động thái giết chết một con bệnh ung thư, còn
“Chiếm phố Wall” là cách người ta cảnh báo và chữa trị cho một người
mắc bệnh thông thường. Cũng cần phải nhận thức rõ rằng trên thế giới này
không có kẻ không có bệnh mà chỉ có những kẻ hết thuốc chữa. Thật vậy,
con người trở nên cao quý không phải vì anh ta hoàn hảo mà vì anh ta
biết đổi mới và đứng lên mạnh mẽ hơn từ những sai lầm. Và để tránh những
ngụy biện không cần thiết cho điều này ở những trường hợp khác, tôi
muốn nói thêm rằng: Có một sự khác biệt cơ bản giữa sự thối nát hệ thống
và sự sai lầm cục bộ (7).
Chào đời sau năm 1975, được hưởng hòa binh, được hun đúc trong hệ
thống giáo dục XHCN, được khống chế bới cả một hệ thống tuyên truyền đồ
sộ với trên 700 tờ báo, nhẽ ra nếu không thực lòng biết ơn Đảng thì HTV
cũng không thể nào không thần phục công trạng của Đảng, nhưng, tự chiêm
nghiệm thực tế khách quan, HTV đã có nhận thức riêng không dễ gì bác bỏ:
“……“sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước” đã
không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh
hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước “giải phóng” hơn hẳn
Hàn Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy
theo sau cả Thái Lan. Nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc
gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm
chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?” (8)
“Đó là khi vấn đề được đặt dưới lăng kính lý luận. Còn thực tế
thì mọi sự đã quá rõ ràng. Cái mà người ta gọi là “kháng chiến chống Mỹ
cứu nước” ấy thực chất chỉ là để giúp Trung Quốc “đánh Mỹ đến người Việt
Nam cuối cùng”. Hay như Lê Duẩn từng nói: “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên
Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước XHCN, cho cả nhân loại”. Nói cho
rõ ra, đó là cuộc chiến giúp cho chủ nghĩa Cộng sản bành trướng xuống
Đông Nam Á theo tinh thần Quốc tế Cộng sản bất chấp tinh thần dân tộc,
là giúp cho Trung Cộng dễ dàng Hán hoá một Việt Nam suy yếu sau cuộc
chiến tương tàn khốc liệt” (8).
“Đã ba mươi bảy năm trôi qua kể từ ngày “giải phóng”, giải phóng
miền Nam khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ để trở thành chư hầu hèn mọn
của Trung Cộng” (8).
Trở thành chư hầu hèn mọn thông qua Tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng
giao kết xả thân vì “tầm cao chiến lược” của ông Hồ Cẩm Đào; trở thành
chư hầu hèn mọn thông qua tiếng xưng hô “Đồng chí”:
“Dễ gì gọi nhau bằng hai tiếng “Đồng chí”! “Đồng chí là những
người có cùng giá trị, quyền lợi, lý tưởng, mục tiêu, hoài bão…..Phải
chăng những người Cộng sản Việt Nam có cùng lý tưởng, mục tiêu, hoài
bão, chia sẻ cùng một quyền lợi, giá trị với Trung Cộng?!
Nguyên nhân duy nhất và khả dĩ nhất để một Nhà nước tồn tại là để
quản lý, phát triển xã hội, bảo vệ quyền lợi đất nước và người dân,
phát huy các giá trị của dân tộc…. Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam
không cùng chia sẻ quyền lợi và giá trị với dân tộc Việt Nam mà chia sẻ
quyền lợi với ngoại bang thì có lý do nào để họ tiếp tục tồn tại?!” (9)
Trên cơ sở nhận thức rằng “chính quyền cộng sản Việt Nam không cùng
chia sẻ quyền lợi và giá trị với dân tộc Việt Nam mà chia sẻ quyền lợi
với ngoại bang” HTV trở nên thật sự quyết liệt:
“Những nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam trong và ngoài nước
hiện nay đang cổ vũ cho phương pháp đấu tranh bất bạo động. Phải công
nhận rằng đây là một phương pháp đấu tranh nhân bản. Ngày trước, Marx đã
cổ vũ cho “bạo lực cách mạng” trong những thể chế mà ta có thể đạt được
sự thay đổi và giải quyết mâu thuẫn xã hội một cách ôn hòa bằng đấu
tranh bất bạo động thông qua các tổ chức dân sự hoặc các phong trào quần
chúng. Đó chính là một sai lầm to lớn của ông. Ngày nay, người dân Việt
Nam đang sống dưới một chế độ độc tài, không có xã hội dân sự theo đúng
nghĩa, thì chúng ta lại cổ súy cho đấu tranh bất bạo động (tôi không
muốn nói chúng ta phải đấu tranh bạo động) thì tôi cảm thấy ở đây rõ
ràng có một trục trặc rất lớn” (10).
Đọc những dòng này, tôi cũng sững sờ như đọc câu thơ mới đây của Trần Khải Thanh Thủy: “Không đổ máu đâu còn là Tổ quốc”.
Mới ngày nào HTV “dịu dàng” thế này kia mà:
“Những ai có lương tâm và trách nhiệm đối với đất nước thì đều
mong muốn cuộc cách mạng Hoa Lài tại Việt Nam sẽ diễn ra một cách ôn hòa
và triệt để, sẽ không có máu của bất cứ ai phải đổ xuống trong những
giờ phút hấp hối của chế độ, để xã hội Việt Nam không phải bị tàn phá,
lòng người dân Việt Nam không phải bị tổn thương, để con cháu chúng ta
thanh thản và trong sáng, vui vẻ sống bên nhau như những người bạn,
những người đồng bào ruột thịt. Không ai muốn tội ác làm hoen ô thế hệ
trẻ Việt Nam. Đất nước Việt Nam đang âm thầm kiên nhẫn tích trụ năng
lượng cho một mùa hoa nở rộ…giống như cây mai đang tích tụ những dòng
nhựa sống, những dinh dưỡng cần thiết trong cả một năm để chờ đến mùa
xuân, dâng cho đời những đóa hoa thơm ngát và rực rỡ” (11).
Tôi nhớ nhà báo Lê Diễn Đức đã từng nhận xét Huỳnh Thục Vy là “một
cô gái trẻ mà hiểu biết rộng, thông minh, có nhân cách trong sáng, can
đảm, mãnh liệt nhưng rất ôn hoà trong các bài viết xuất sắc về các giá
trị dân chủ, quyền công dân hay xã hội dân sự, được sự mến mộ và cảm
phục của đông đảo người Việt trên khắp thế giới… ” (12)
Nhưng, phải chăng vì bọn giặc phương bắc không chỉ như ký sinh trùng
xâm nhập nhan nhản trong lục phủ ngũ tạng ta mà đã ngang nhiên cướp đảo,
cướp biển của ta rồi nên những suy tư cho tổ quốc của cô gái trẻ xinh
đẹp này đã bừng bừng cháy lên. Và, tôi càng thêm quý mến, trân trọng.
Tôi mong độc giả chuyển giúp bài viết này đến các nhà lãnh đạo và lưu
ý họ đọc, nhằm: (1) Cải tạo nhận thức cho họ; (2) Nhắc họ chớ nên giở
trò tàn bạo với những con người xuất chúng như thế này bởi vì chính kiến
của người ta, tư tưởng của người ta chắc chắn đã được quảng đại tiếp
nhận, được khắc vào lịch sử. Những phiên tòa quấy quá, những bản án lếu
láo chỉ như bàn tay quều quào trước mặt trời. Những hôn quân hôn muội sẽ
bị nhân dân nguyền rủa trong khi chính những người như cô gái xứ Quảng
này sẽ càng được tôn vinh.
Hà Nội 16 tháng 8 năm 2012
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt