Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

1001 kiểu kèm

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Trong tiếng Việt "kèm" thường được dùng như một động từ với các nghĩa sau: Cùng có mặt trong một phạm vi nhất định, cùng đi theo cái chính. Chẳng hạn: Có giấy tờ kèm theo, có danh sách kèm theo,  thức ăn kèm. Theo sát khống chế chặt chẳng hạn: Cầu thủ mũi nhọn của đối phương bị kèm chặt. Theo sát để chỉ bảo, hướng dẫn cẩn thận chẳng hạn: Thợ cũ kèm thợ mới, dạy kèm từng học sinh một. Nghĩa đầu có vẻ được dùng nhiều hơn cả.


Những người đã sống ở thời bao cấp hẳn không thể quên chiêu thức "bán hàng kèm..." của các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Hàng hiếm không tăng giá nhưng để mua được khách buộc phải mua thêm một thứ nào đó ngoài ý muốn. Nó có thể là hàng ế không bán được nhưng cửa hàng không được phép hạ giá hoặc một loại mà cửa hàng kinh doanh thêm với giá cắt cổ. Những năm cuối 70 đầu 80 của thế kỷ trước, khi cung không đủ cầu thì mua 1 vại bia buộc phải mua kèm vài gói lạc rang, đĩa nộm,... là "chuyện thường ngày" ở các cửa hàng bán bia hơi tại Hà Nội. Hy hữu có lần các "bợm bia" đã phải mua thêm cả đầu sư tử. Thoạt nghe tưởng như vớ được món nhắm đặc sản nhưng không phải. Đây là món đồ chơi trung thu của trẻ em bị ế. 
...
Không rõ tự khi nào thiếp mời đám cưới ngoài các nội dung ngày giờ, địa điểm cử hành, tên cặp uyên ương, tên người mời,... còn in kèm lời mời dự bữa cơm thân mật. Một lời nhắc khéo người được mời rằng mình là một "thực khách" phải chuẩn bị phong bì.
Bạn chớ vội mừng khi thấy một chính sách của nhà nước quan tâm tới các đối tượng trong đó có bạn được ban hành nhưng lại chưa được kèm một hướng dẫn thực hiện. Bởi nó chỉ được thực hiện khi có hướng dẫn, mà thời gian chờ đợi văn bản phụ này thường là khá lâu hoặc rất lâu. 
...
Ai đó có việc phải tới các cơ quan hành chính hoặc rủi ro phải đi bệnh viện sẽ thấy dù rằng đầy đủ các thủ tục cần thiết nhưng nếu thiếu phong bì đi kèm thì không được việc, bị hạch sách, bị thờ ơ là cái chắc. Và khi công việc đã "xuôi chèo mát mái" bất kể là ai, văn hóa cỡ nào hầu như đều biết nói về nguyên nhân thành công bằng câu rất bay bướm, bóng bảy là "nhờ có Bác đưa đường...". Tựa như họ vừa mới hoàn thành một"nhiệm vụ cách mạng" nhờ tới sự chỉ lối của Bác.
...
Biểu tình là quyền của công dân đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam nhưng vì chưa có luật biểu tình đi kèm nên các cuộc biểu tình của họ tự tổ chức vẫn thường được nhà nước "chuyển đổi" thành "gây rối trật tự công cộng" để chiểu theo điều luật này, nghị định nọ trong bộ luật hình sự mà ngăn cấm hoặc đàn áp. 
...
Trong các kiểu trên, đối tượng sau động từ "kèm": Dù rằng rẻ mạt như gói lạc rang tới giá trị không rõ là bao nhiêu của cái phong bì, hay từ một lời mời ăn cỗ đơn sơ đến một văn bản pháp luật phức tạp. Thì chúng đều có một đặc điểm chung là có thật. Kiểu kèm kỳ lạ sau đây không có đặc điểm chung đó vì đối tượng tuy rằng được nói tới nhưng lại không có. Nghĩa là "hữu danh vô thực" như người ta thường gọi. 

Bộ phim phóng sự "Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát" của nhà báo Andres Menas (Hồ Cương Quyết) vì những "lý do nào đó" mà ngay từ khi mới hoàn thành việc trình chiếu đã bị ngăn cản. Buổi chiếu ra mắt ở thành phố Hồ Chí Minh, trước giờ khai mạc, điện bị cắt, bị từ chối cho mượn địa điểm. Phim cũng không được phổ biến, không được các đài truyền hình trong nước chiếu

Bẵng đi gần một năm, vì những "lý do nào đó" lại suýt nữa được trình chiếu ở Quảng Ngãi. Nhưng chỉ là suýt thôi vì nó vẫn bị ngăn cản và lần này thì với lý do rất cụ thể: Ban tuyên giáo trung ương yêu cầu tác giả phải đưa thêm phần nói về công ơn của đảng với người dân Lý Sơn vào bộ phim. Nghĩa là muốn được trình chiếu, nội dung về "những nỗi đau mất mát" của người dân Lý sơn trong phim phải kèm thêm nội dung nói về "công ơn đảng"

Có người tiếc cho ông Hồ Cương Quyết không phải là người Việt gốc nên không biết "công ơn đảng" vốn là món "khoái khẩu" của các lãnh đạo nhà ta khi thẩm định các tác phẩm văn nghệ. Nên đã quên không đưa vào để đến nỗi bộ phim không được trình chiếu. Có người bác lại dù ông có biết đi chăng nữa thì với cương vị là một nhà báo chân chính ông cũng chẳng biết "xúc đâu ra" được món "khoái khẩu" đó để mà đưa vào. Chẳng nhẽ cứ sau một vài cảnh phỏng vấn nạn nhân lại xen vào tuyên bố của người phát ngôn ngoại giao "phản đối Trung Quốc và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa" khác nào lăng xê cho khuôn mặt điển trai của ông Lương Thanh Nghị. 

Kiểu kèm "không có gì để mà kèm" này tuy kỳ lạ thật nhưng cũng chưa phải là number one vì còn có kiểu kèm thay cho lời kết sau. 

Trong 4 mùa ở Việt Nam thì mùa hạ là oi bức nhất. Mùa thu mát mẻ nhưng khô hanh đặc biệt là đã có lá vàng, lá rụng. Mùa đông thì lạnh lẽo, cây cối xác xơ. Bởi vậy chỉ có mùa xuân ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc là mùa được người ta mong chờ, chào đón. Nhưng đã mấy chục năm qua người dân Việt Nam hễ cứ "rập rình" chào đón mùa xuân thì lại phải lo chào mừng đảng. Nói thế cũng hơi quá, vì chẳng có ai ra lệnh hay ban hành kiểu "mừng kèm " này nhưng trước tết, sau tết đi đến bất cứ đâu cũng gặp khẩu hiệu "mừng đảng, mừng xuân,..." thì người ta hiểu. Và dù không lo bị tố giác là"không chịu mừng đảng hay mừng xuân trước rồi mới mừng đảng" nhưng những người thuộc số này vẫn cảm thấy niềm vui của họ khi mùa xuân về là không trọn vẹn. Mà số này thì không phải là ít. 

8/2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"