Từ Bài Ca“Đáp Lời Sông Núi” Của Trúc Hồ: Nhìn Lại Hai Bài “Tiếng Gọi Sinh Viên” Của Lưu Hữu Phước và “Tiến Quân Ca” của Văn Cao [1/2]
Phạm Cao Dương
Như một hiện tượng bất ngờ của lịch sử, trong những tháng cuối hè, đầu thu năm 2011,
những biến cố liên hệ tới việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam
trước nạn xâm lấn của người Tàu đã đồng loạt và liên tiếp xẩy ra không
riêng ở trong nước mà luôn cả ở Hải Ngoại và rộng hơn nữa là ở khắp nơi
có ngưòi Việt cư ngụ.
Biển Đông cùng với các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài khơi, các
cao điểm ở biên giới phía bắc, trên đất liền, các khu rừng đầu nguồn,
Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, các khu kỹ nghệ mới do người Tàu trúng thầu
xây dựng dọc theo lãnh thổ của quốc gia với hàng chục ngàn, có thể tới
hàng trăm ngàn và hơn nữa nhân công họ mang từ Trung Quốc sang đã trở
thành đề tài cho các cuộc biểu tình tranh đấu, các cuộc thảo luận hay
phản đối chính sách của nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội cùng đối tác của
họ là Trung Hoa Cộng Sản. Công hàm mang tên và chữ ký của ông Phạm Văn
Đồng, người đã nắm chức thủ tướng trong chính quyền Cộng Sản Việt Nam
lâu nhất trong lịch sử, đã trở thành trọng tâm của sinh hoạt báo chí và
truyền thông cũng như các cuộc tranh luận của không riêng người Việt mà
còn cả quốc tế nữa. Tội danh bị coi như là bán nước của ông thủ tướng họ
Phạm và những kẻ đồng lõa với ông cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam sau
một thời gian dài được giấu kín, đến thời điểm này đã được những người
liên hệ thú nhận và vụng về bào chữa. Trong ít ra là mười tuần lễ Hà Nội
và Saigon với những cuộc biểu tình của ngưòi dân thuộc đủ mọi thành
phần, đặc biệt là của những nhà trí thức và những chuyên viên hàng đầu
của chế độ đã trở thành hai trung tâm được người Việt từ mọi nơi hướng
về và được giới quan sát quốc tế hàng ngày theo dõi.
Trong
sinh hoạt vô cùng sôi bỏng kể trên, qua sinh hoạt văn nghệ và đấu tranh
của người Việt ở Hải Ngoại, một bài hát được làm từ trước, từ năm 2008,
đột nhiên được phổ biến rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, rồi theo
những làn sóng truyền thanh và truyền hình, quốc tế cũng như của người
Việt, những mạng điện tử… truyền về trong nước và được chính những người
biểu tình ở trong nước cùng nhau hát rồi được các khán giả ngoài nước
thích thú hát theo. Đây quả là một hiện tượng bất ngờ chỉ có thể xẩy ra ở
thời đại điện tử. Nhạc Sĩ Trúc Hồ và bài Đáp Lời Sông Núi của
ông bỗng nhiên trở nên quen thuộc đối với mọi người dù người đó là một
cá nhân ngồi trước máy truyền hình hay máy vi tính ở nhà riêng của mình
hay một đám đông tụ họp với nhau chống “Trung Cộng xâm lược và Việt Cộng bán nước”
ở khắp các vùng trời Á, Âu, Mỹ, Úc, đặc biệt là các cuộc biểu tình
chung quanh ngày 14 tháng 9 năm 2011, ngày nhiều người chính thức gọi là
ô nhục, ô nhục hơn tất cả những ngày ô nhục khác trong lịch sử dân tộc.
Chính nghĩa giành độc lập và giữ nước mà Hồ Chí Minh đề cao và người
Cộng Sản từ hơn sáu mươi năm tự coi là của riêng mình và là điều mà Hồ
Chí Minh coi như là “ý chí sắt đá”, “truyền thống quý báu đã có từ thời các vua Hùng”
bỗng nhiên không còn nữa.[1] Tháng 9 năm 2011 mọi chuyện đã hiện ra
trái ngưọc. Tên của Thủ Tướng Trần Văn Hữu của Quốc Gia Việt Nam, tên
của các Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu lại
được nhắc đến cùng với tên của Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà cùng với
74 chiến hữu của ông, sau này thêm 64 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam nữa ở
Trường Sa.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao bài Đáp Lời Sông Núi[2]
của Trúc Hồ lại có thể vượt không gian và đặc biệt là đường ranh Quốc –
Cộng để không riêng được mọi người ưa thích mà còn được hát lên như
vậy?
Câu hỏi này đã khiến cho những người từng theo dõi sự xuất hiện và phổ
biến của những bài hùng ca đã xuất hiện từ cả hơn nửa thế kỷ trước và đã
từng làm dậy lên tình cảm và lòng ái quốc của toàn thể dân tộc nhớ tới
những bài hát của thời thập niên bốn mươi của thế kỷ trước. Trong số
những bài này có bài Tiếng Gọi Sinh Viên hay Sinh Viên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước và các bạn của ông ở Đại Học Hà Nội . Tiếng Gọi Sinh Viên sau đã trở thành Tiếng Gọi Thanh Niên,
đoàn ca của tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở Miền Nam trong nhũng ngày
đầu chống Pháp, rồi sau đó thành Quốc Ca của Quốc Gia Việt Nam thời Quốc
Trưởng Bảo Đại để cuối cùng là của Việt Nam Cộng Hoà và hiện tại là của
Người Việt Hải Ngoại. Sự liên tưởng này không phải chỉ là bắt nguồn từ
hiện tượng được phổ biến nhanh chóng của hai bài hát mà từ cái tên của
bài hát của Trúc Hồ: Đáp Lời Sông Núi. Bốn chữ này ai cũng phải nghĩ là được lấy từ câu đầu của bài Quốc Ca của miền Nam: “Này công dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi”
mà Trúc Hồ hồi còn đi học ở quê nhà của ông không tuần nào là không
hát, ít ra là một lần. Sau này vượt biên ra Hải Ngoại chúng đã trở thành
nỗi nhớ nhung không bao giờ phai nhạt, dưới hình thức này hay hình thức
khác và đã được phản ảnh qua những ca khúc của ông. Vì vậy khi tìm hiểu
Đáp Lời Sông Núi, người ta không thể không tìm hiểu Tiếng Gọi Sinh Viên và tìm hiểu Tiếng Gọi Sinh Viên, người ta không khỏi tìm hiểu Tiến Quân Ca
vì hai bài sau đã trở thành Quốc Ca của hai chế độ đối nghịch nhau
trong suốt thời gian từ sau năm 1945 cho đến những ngày hiện tại. Trong
bài này người việt sẽ tìm hiểu ba bài hát qua ba phần chính yếu là tác
giả và hoàn cảnh sáng tác, nội dung của các bài hát và cuối cùng là đối
tượng và khả năng lôi cuốn của những tác phẩm này.
A. Tác giả và hoàn cảnh sáng tác
I. Lưu Hữu Phước
Lưu
Hữu Phước là người Miền Nam. Ông ra Hà Nội “du học” vào mùa “thu năm
1940” sau khi đã học các truờng Tiểu Học Ô Môn, Trung Học Cần Thơ rồi
Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký và tất nhiên là đã đậu tú tài toàn phần.
Lý do là vì ở Việt Nam thời Pháp cả xứ Dông Dương chỉ có một trường đại
học ở Hà Nội. Sự ra Hà Nội học của một thanh niên Nam Kỳ ở thòi này là
một giai đoạn mới trong đời Lưu Hữu Phước. Sau này trong hồi ký của ông,
Lưu Hữu Phước viết: “Cũng như một số bạn bè, tôi đi Hà Nội với cảm xúc
của một người con đi xa trở về quê nhà. Tình yêu nước dạt dào trong tim
chúng tôi.”[3] “Với tâm trạng đó, chúng tôi cảm thấy mình ra Bắc như về
thăm quê cũ. Những tên địa phương như sông Hồng, núi Ba Vì, núi Tam Đảo,
Ải Chi Lăng, Cửa Bạch Đằng… là những danh từ mầu nhiệm, và mầu niệm hơn
nữa là những đền đài lịch sử như Lý Bát Đế, Đồng Nhân, Cổ Loa, Phù
Đổng, mỗi di tích giống như một quyển sử dân tộc.”[4]. Từ những khám phá
mới bằng nội tâm và bằng tình cảm kèm theo với phong trào và cuộc sống
tươi trẻ của giới thanh niên, sinh viên, học sinh và hướng đạo đương
thời và cùng với bạn bè, Lưu Hữu Phước đã sáng tác những bài Ta Cùng Đi, Người Xưa Đâu Tá, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hận Sông Hát tức Hồn Tử Sĩ, Hội Nghị Diên Hồng… và tất nhiên Tiếng Gọi Sinh Viên
ở thời điểm này. Tất cả cho đến khi bài này được viết và có lẽ chừng
nào lịch sử Việt Nam còn, tất cả những bài hát này vẫn còn giữ nguyên
được giá trị ban đầu của chúng[5]. Nên nhớ là trong thời gian này quân
Nhật đã kéo vào Đông Dương và đã chia sẻ quyền hành với người Pháp. Toàn
Quyền Đông Dương, Đô Đốc Decoux do nhu cầu ngăn chặn ảnh hưởng của
người Nhật, đồng thời cũng để làm lệch hướng đấu tranh của giới trẻ Việt
Nam thời đó đã tỏ ra cởi mở hơn. Giới thanh niên, đặc biệt là học sinh,
sinh viên được chú ý tới hơn và phần nào được đãi ngộ khá hơn. Cả một
phong trào thanh niên dưới sự lãnh đạo của Hải Quân Đại Tá Ducoroy đã
được phát động từ Bắc chí Nam và luôn cả Miên, Lào. Lịch sử, tinh thần
ái quốc của người Việt Nam cũng được khai thác và cổ võ. Vai trò của
Hoàng Đế Nam Triều, lúc đó cũng được đề cao. Những bài hùng ca lịch sử
nhờ đó đã có cơ hội xuất hiện và phổ biến. Ngườì ta có thể, theo một
khuynh hướng tự nhiên coi những biện pháp này của người Pháp là có thâm ý
không tốt, nhưng dù thế nào đi chăng nữa nó đã mở đầu cho một sinh hoạt
mới của tuổi trẻ Việt Nam và đã ảnh hưởng tới nhiều phạm vi khác về sau
này.
Theo như chính Lưu Hữu Phước, bài Tiếng Gọi Sinh Viên
đã được sáng tác vào một đêm tháng tư năm 1941 do ông khởi đầu, sau đó
được các bạn cùng phòng “chúng tôi gọt giũa” và “cùng hát vang”[6]. Lời
đầu tiên của bài này, có lẽ chịu ảnh hưỏng của những tuyên truyền về
“Khởi Nghĩa Bắc Sơn” nên đã nặng tính tranh đấu và hận thù với những từ
ngữ như lầm than, đau khổ, loài muông thú, hút máu, cửa nhà tan rã… và
văn phong còn thô kệch vụng về, sau này mới được mọi người sửa lại. Cũng
chính Lưu Hữu Phước kể tiếp: “bài hát bí mật của chúng tôi được anh em
lấy làm bài hát sinh viên công khai. Anh em làm lại lời ca, và sau nhiều
lần sửa đi sửa lại và đấu tranh với Sở kiểm duyệt, phong trào sinh viên
đã có bài hát của mình tức là bài Tiếng gọi sinh viên (Lời ca
của Lê Khắc Thiều và Đặng Ngọc Tốt) khi phong trào lan rộng bài hát được
nhân dân tự động đổi là Tiếng gọi thanh niên.”[7] Nhưng đó là theo Lưu
Hữu Phước, theo những tác giả khác trong đó có Giáo Sư Nguyển Ngọc Huy
thì hơi khác. Dẫn theo lời của Bác Sĩ Nguyền Tôn Hoàn, đương thời là
Trưởng Ban Âm Nhạc của Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Đông Dương tức Đại Học
Hà Nội, Giáo Sư Huy cho biết là nhân dịp Tổng Hội tổ chức một đêm ca
nhạc vào ngày 15 tháng 3 năm 1942 tại Đại Giảng Đường của nhà trường,
nhằm lấy tiền giúp các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, nơi các sinh
viên y và dược khoa thực tập, Tổng Hội lựa một bài ca lấy tên là Sinh Viên Hành Khúc với tiếng Pháp là Marche des Étudiants. Lưu Hữu Phưóc đã đưa cho Bác Sĩ Hoàn một số bản nhạc do ông soạn và bài Tiếng Gọi Sinh Viên
đã được lựa. Tiếp theo là một ủy ban sửa hay soạn lại lời ca gồm có các
ông Đặng Ngọc Tốt, Mai Văn Bộ, Phan Thanh Hoà, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng
Xuân Nhị, Nguyễn Tăng Nguyên. Lời ca mà người ta có sau này là của tập
thể của ủy ban sinh viên này.[8] Sau ngày 15 tháng 3, là mùa hè năm đó
một đại lễ mãn khoá đã được tổ chức tại nhà hát lớn của thành phố, có
Toàn Quyền Decoux và các quan chức cao cấp Pháp-Việt đến dự và khi ban
nhạc của Hải Quân Pháp cử hành bài Sinh Viên Hành Khúc này, tất
cả mọi ngườì, kể cả Toàn Quyền Decoux, đều đứng dậy.[9] Lưu Hữu Phước đã
không nói tới những buổi lễ này dù cho chúng là những danh dự mà một
nhạc sĩ bình thường phải coi là một niềm hãnh diện. Ông cũng không nói
tới hai người nữ sinh viên là Nguyễn Thị Thiều, sau này là vơọ của Bác
Sĩ Nguyễn Tú Vinh và Phan Thanh Bình, sau này là Bà Nguyễn Tôn Hoàn, là
những ca sĩ đã hát bài của ông đêm tác phẩm của ông được chính thức ra
mắt tập thể sinh viên và công chúng thời ấy. Phải chăng, khi viết hồi
ký, ông đã sợ một điều bất ổn nào đó khi nói tới những vinh dự mà phía
những người không phải là Cộng Sản dành cho ông và tác phẩm của ông, lúc
bấy giờ và sau này khi Tiếng Gọi Sinh Viên trở thành Tiếng Gọi Thanh Niên, Tiếng Gọi Công Dân rồi Quốc ca
của phía Người Việt Quốc Gia. Tất cả đều không được ông nhắc tới trong
hồi ký của ông, ngay cả tên của Tổ Chức Thanh Niên Tiền Phong. Về phía
Người Việt Quốc Gia, từ các nhà lãnh đạo Thanh Niên Tiền Phong đến Bác
Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, người đã đề nghị chọn Tiếng Gọi Sinh Viên làm
quốc ca cho Chính Phủ Quốc Gia đầu tiên do Cựu Hoàng Bảo Đại thành lập
và lãnh đạo và những người liên hệ không thể không suy nghĩ kỹ càng và
không có lý khi làm quyết định này. Lưu Hữu Phước không phải là tác giả
duy nhất của bài Tiếng Gọi Sinh Viên và bài này khi được ra mắt
công chúng không những đã trở thành sở hữu chung của tổ chức sinh viên
hồi ấy mà, dưới danh xưng chính thức là Sinh Viên Hành Khúc, còn
là biểu trưng cho tinh thần và ưóc nguyện của toàn thể giới thanh niên
đương thời. Từ Hà Nội nó đã được phổ biến mạnh mẽ ra toàn quốc, đặc biệt
là ở miền Nam, ở Saigon và ở các tỉnh song song với các phong trào
thanh niên thể thao Ducoroy, Hướng Đạo…Phải đọc những hồi ký hay những
lời kể lại của các nhân vật đã từng sống ở miền Nam và đã từng tham gia
hay bị lôi cuốn vào phong trào này hay của chính Lưu Hữu Phước người ta
mới thấy được tầm phổ biến và sự quan trọng của bài Sinh Viên Hành Khúc, cũng như là các bài Bạch Đằng Giang, Lên Đường, Ải Chi Lăng… trong sinh hoạt thanh niên thời bấy giờ. Gió Mùa Đông Bắc
của Bác Si Trần Ngươn Phiêu, “Nhớ Quê Hương” của Nguyễn Minh Hoài Việt,
“Hồi Ký “của Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và sau này là các bài viết của Giáo
Sư Nguyễn Ngọc Huy và của Giáo Sư Phạm Hồng Đảnh… đã nói lên điều đó.
Tinh thần của những sinh hoạt này cho nguời ta thấy rõ một ý thức mới về
sự thống nhất thể hiện qua sự trực tiếp khám phá ra qua những cuộc thăm
viếng tiếp những di tích của lịch sử oai hùng của dân tộc của các sinh
viên gốc miền Nam ở Đại Học Hà Nội, qua những cuộc thăm viếng tiếp những
di tích ở chung quanh thành phố Hà Nội trong những năm đầu của thập
niên bốn mươi của thế kỷ trước, đã thành hình và đã trở thành căn bản
của các cuộc đấu tranh của toàn thể dân tộc Việt Nam trong những năm kế
tiếp. Độc lập luôn luôn phải đi đôi với thống nhất, bắt đầu là thống
nhất lãnh thổ sau đó là thống nhất tinh thần dân tộc mà cả hai phía Cộng
Sản và Quốc Gia đều đề cao không riêng trong sinh hoạt chính trị và
quân sự mà luôn cả trong giáo dục, văn hóa và nghệ thuật nữa.
II. Trúc Hồ
Cũng giống như Lưu Hữu Phước, Trúc Hồ cũng sở trường về các bài ca lịch sử mang dấu vết của thời đại mình đang sống. Từ Bên Em Đang Có Ta (lời của Trầm Tử Thiêng), Một Ngày Việt Nam (lời của Trầm Tử Thiêng),Việt Nam Niềm Nhớ (lời củaTrầm Tử Thiêng), Cám Ơn Anh (lời của Trầm Tử Thiêng), Con Dường Việt Nam (lời của Anh Bằng), Con Rồng Việt Nam (lời của Việt Dũng), Thiên Thần Trong Bóng Tối, Đáp Lời Sông Núi…
Trúc Hồ cũng đã cống hiến cho đám đông người hát và người nghe nhiều
bài được họ nồng nhiệt đón nhận. Và cũng giống như Lưu Hữu Phước với Tiếng Gọi Sinh Viên, Trúc Hồ, với Đáp Lời Sông Núi,
cũng có một bài kêu gọi anh em, đồng bạn của mình. Bài hát được phổ
biến nhanh chóng từ một nơi xa xôi ở Hải Ngoại lời ca dội ngưọc trở lại
quê hương Việt Nam của tác giả. Nhưng khác với Lưu Hữu Phước, Trúc Hồ
không có đưọc sự may mắn của Lưu Hữu Phước. Sinh ra và lớn lên trong
thời Pháp Thuộc nhưng Lưu Hữu Phước vẫn được sống một tuổi thơ an bình,
hạnh phúc. Khi lớn lên ông lại được cha mẹ nuôi cho ăn học đầy đủ ở khắp
các trường danh tiếng ở miền Nam rồi sau đó ra Hà Nội “du học”. Ở Hà
Nội ông đã có những ngày thật đẹp và thật phong phú cho một thanh niên
mới lớn, từ lâu khát khao trở về với quá khứ dân tộc qua những buổi du
ngoạn cùng với các bạn đồng hương của mình trong những ngày nghỉ. Trúc
Hồ trái lại chỉ có một tuổi thơ là tương đối hạnh phúc, được sống với
cha mẹ, được cắp sách đến trường trong một nước Việt Nam độc lập và độc
lập hoàn toàn ít ra là trong phạm vi giáo dục như bất cứ một đứa trẻ nào
khác, dù cho đất nước của ông lúc này đã bị chia đôi và đang trải qua
một thời gian chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử. Sau này trong
bài Thiên Thần Trong Bóng Tối, ông đã ghi lại:
“Từ khi tôi chào đời, bập bẹ hai tiếng Việt Nam. Yêu quê hương qua từng trang sách, Hùng Vương, Phù Đổng rạng ngời.”
Biến cố Tháng Tư 1975 đã cướp đi tất cả.
Trường cũ, thày cô ngày trước không còn như xưa nữa. Ngay cả cái tên
trường ông theo học, Trường Petrus Trương Vĩnh Ký thân yêu, quen thuộc
và là niềm hãnh diện của toàn thể dân chúng miền Nam cũng đã bị loại bỏ
và bị thay thế bằng một cái tên Lê Hồng Phong lạ hoắc. Nhưng cũng may
là, ngoài Trường Petrus Ký, Trúc Hồ còn có một trường khác, hay nhiều
“trường” khác và nhiều thày khác mà ông không những cũng yêu mến không
kém mà còn gắn bó hơn, bằng cách này hay cách khác theo học suốt đời. Đó
là những trường nhạc, nơi ít ra ba vị thày đã không những hướng dẫn ông
về chuyên môn mà còn giúp ông đứng vững để tiến tới trong thời kỳ dễ bị
khủng hoảng và hư hỏng nhất của đời người. Đó là các nhạc sĩ và giáo sư
âm nhạc nổi tiếng của miền Nam đương thời, các nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi,
Hùng Lân và Đại Tá Trần Văn Tín, Chỉ Huy Trưởng ngành quân nhạc của Quân
Đội Việt Nam Cộng Hoà, sau này là nhiều thày cô khác, sau năm 1975, từ
miến Bắc vào như Chí Vũ, Cao Lê Thuần và các thày mà bây giờ ông chi còn
nhớ tên mà không nhớ họ như Thày Dung, Cô Diệu…, mà ông luôn luôn nhắc
tới với những lời trìu mến, biết ơn.[10] Tất nhiên là còn nhiều vị thày
hay các bậc đàn anh hay bạn bè khác. Nói cách khác, Trúc Hồ có rất nhiều
thày, thày chính thức hay thày ở ttrường đời. Đây là điểm thứ hai Trúc
Hồ may mắn hơn Lưu Hữu Phuớc vì Lưu Hữu Phước khi học tân nhạc chỉ là tự
học qua sách vở hay bạn bè. Cuộc sống thiếu êm đềm của Trúc Hồ không
ngừng ớ đó. Nó vẫn tiếp tục với cuộc vượt biên tị nạn của ông, vượt biên
theo đúng nghĩa vượt biên giới của nó. Ở đây là vượt biên giới Việt
Miên với tất cả những gì nguy hiểm và đầy hãi hùng của cuộc phiêu lưu,
vô cùng liều lĩnh và vô vọng này . Tiếp theo là những ngày sống trong
trại tị nạn, đúng ra là trại tù ở biên giới Thái Lan-Căm Bốt như là một
trẻ em vị thành niên đi một mình, một “unaccompanied child” trong trại
NW-9. Sau đó là cuộc sống không người thân ở bên Mỹ.[11] Tìm hiểu những
bài hùng ca của Trúc Hồ, người ta cần phải để ý tới những yếu tố liên hệ
tới cuộc sống đầy bão tố của riêng ông, đồng thời cũng là của toàn thể
miền Nam và nhân dân miền Nam trong suốt thời gian này và những kinh
nghiệm của riêng ông, những kinh nghiệm mà không phải bất cứ người tị
nạn Việt Nam nào cũng có, ở trong nước cũng như ở Hải Ngoại. Bên Em Đang Có Ta là một trong số những kinh nghiệm đó:
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa, dưới mặt trời
Cười hồn nhiên tung tăng hát vang, mừng nắng tươi.
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời,
Rời lòng nôi trong đêm gió mưa, ra biển khơi.
Mẹ yêu em thiết tha hơn mùa xuân trong cuộc đời,
Chờ nhìn con theo hoa hướng dương, tìm nắng tươi.
Cha yêu em thiết tha, mang gửi con cho tình người,
Mặc đại dương mênh mông khoác lên thân nhỏ nhoi.
Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa,
Hát giùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa.
Bên em đang có ta, thống thiết kêu vang lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam.
Khóc trong lầm than, Khóc trong trại giam.
Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng,
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung.
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người,
Dòng lệ rơi trên đôi má khô, trong lẻ loi.
Tại sao nhạc của Trúc Hồ lại vừa bi thảm, vừa hùng mạnh, vừa nồng nàn, tha thiết, xót xa và nhiều hấp lực đối với đám đông như vậy? Bỏ qua những yếu tố này người ta không thể nào cắt nghĩa được. Phải nhìn sâu vào hoàn cảnh và tâm tư của chú bé unaccompanied Trúc Hồ vào thời điểm lúc ở trong trại, được chính mắt thấy, chính tai nghe những thảm cảnh bi đát của những em còn nhỏ tuổi hơn mình và của thày giáo nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng vượt biên tị nạn như các em người ta mới phần nào thông cảm được.
III. Văn Cao
Tuy
nhiên, so với Trúc Hồ, Văn Cao, tác giả của Tiến Quân Ca, sau này là
Quốc Ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và hiện thời là Cộng Hòa Xã
Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, còn bất hạnh hơn nhiều. Văn Cao, như ai cũng
biết và cũng đều phải công nhận, mãi mãi là một trong những thiên tài về
âm nhạc của Việt Nam. Ông đã nổi tiếng từ lâu trước khi viết Tiến Quân Ca qua
những bài hát mà không riêng gì đương thời, mà luôn cả trong hiện tại,
sáu bảy chục năm đã trôi qua, rất ít người Việt Nam yêu nhạc nào mà
không biết và không yêu mến. Không những thế ông còn là một nhà thơ và
một họa sĩ tài hoa nữa. Có điều hoàn cảnh đã đưa ông đến việc sáng tác Tiến Quân Ca
là cả một bi kịch thê thảm nhất và đáng thương nhất trong lịch sử nghệ
thuật của dân tộc Việt Nam. Văn Cao đã không tự mình sáng tác theo cảm
hứng riêng của mình mà vì đã nhận lời của một cán bộ cao cấp của Đảng
Cộng Sản để làm bài này, rồi cũng từ đó ông vướng mắc vào hết hệ lụy này
sang hệ lụy khác, kể cả chuyện ông đã lãnh súng, tham gia ban ám sát và
đã nhúng tay vào những vụ giết ngưòi.[12] Lý do là năm đó, năm 1944,
Văn Cao bị thất nghiệp, tranh triển lãm bán không được, lại gặp năm
“trời rét hơn mọi năm” và khi “những ngày đói của tôi bắt đầu”. Câu chuyện đã được chính nhạc sĩ, hơn ba mươi năm sau, kể lại, nguyên văn như sau:
“Sau
triển lãm Duy Nhất 1944 (Salon unique), tôi về ở một căn gác hẹp đầu
phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi tuy được trưng bày
vào chỗ tốt nhất của phòng tranh – nhà Khai Trí Tiến Đức – và được các
báo giới thiệu, cũng không bán nổi. Hi vọng về cuộc sống bằng hội họa,
tại Hà Nội không thể thực hiện được. Anh bạn nhường cho tôi căn gác ấy
là người xuất bản mấy bản nhạc đầu tiên của tôi cũng không thấy nói đến
tiện nhuận bút. Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản
nhạc viết hồi dó dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam,
tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn…. Hàng
ngày tôi nhờ mấy họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc.
Cuộc sống lang thang ấy không thể kéo dài nhiếu ngày. Muốn làm việc thì
không có chỗ. Hà Nột lúc ấy lại đang đói.
“Năm
ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ mặc nguyên quần áo. Có đêm phải đốt dần bản
thảo và ký họa để sưởi. Đêm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của
tôi bắt đầu.”[13]
Đúng vào lúc đó thì Vũ Quí, người cán bộ Việt Minh thường theo dõi Văn Cao từ nhiều năm trước xuất hiện. Văn Cao kể tiếp:
“Tôi
đã gặp lại đồng chí Vũ Quí. Anh là người vẫn theo dõi những hoạt động
nghệ thuật của tôi từ mấy năm qua và thường khuyến khích tôi sáng tác
những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng Rừng
và một số ca khúc khác. Chúng tôi gặp nhau trước ga Hàng Cỏ. Chúng tôi
vào một tiệm ăn. Ở đấy quyết định cuộc đời của tôi. Câu chuyện giữa
chúng tôi hết sức đơn giản.
- Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?
- Được.
- Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng.
-
Ngày hôm sau anh đưa tôi lại nhà một đồng chí thợ giày đầu ngõ chợ Khâm
Thiên để ăn cơm tháng và chờ quyết định và công tác. Ngày đầu tiên chấm
dứt cuộc sống lang thang của tôi.”[14]
Sau đó Vũ Quí đến tìm Văn Cao giao công tác. Công tác đó là:
- “Hiện
nay, trên chiến khu thiếu bài hát, phải dùng những điệu hướng đạo. Khoá
quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội
cách mạng của chúng ta.” [15]
Đây
là một việc làm hoàn toàn xa lạ đối với một nghệ sĩ như Văn Cao. Ông đã
không được làm theo ý riêng và theo hứng khởi của mình mà phải làm theo
đơn đặt hàng và để trả nợ với một đề tài không chứa đựng một điều gì
quen thuộc. Ông chưa bao giờ lên chiến khu và chưa bao giờ thấy quân
Việt Minh ở chiến khu mà phải nói tới chiến khu và quân Việt Minh ở
chiến khu. Theo Văn Cao kể lại, ông đã làm bài hát này trong “không biết
bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp số 45 Nguyễn Thượng Hiền” Hà Nội và
trong đêm đầu tiên, sau khi đã đi lang thang dọc theo các đường phố quen
thuộc với câu hỏi lúng túng trong đầu: “Phải làm thế nào đây?”, ông chỉ
“viết được nét nhạc đầu”. [16] Điều này cũng dễ hiểu vì cũng như Lưu
Hữu Phước, khi làm bài này ông không thể không nghĩ tới bài Quốc ca của
nước Pháp, bài La Marseillaise. Bằng chứng là trong phần lời ông
làm sau này có câu “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”, một câu tương
tự như câu “L’étandard sanglant est levé” trong bài La Marseillaise. Điều tôi muốn nói lên ở đây là Văn Cao không làm bài Tiến Quân Ca trong một hoàn cảnh đầy vui tươi, hứng khởi như hoàn cảnh của Lưu Hữu Phước khi họ Lưu làm bài Sinh Viên Hành Khúc hay của Trúc Hồ khi người nhạc sĩ thuộc thế hệ một chấm rưỡi (1.5) ở Hải Ngoại làm bài Đáp Lời Sông Núi
về sau này. Tạo nên nét nhạc cho đơn giản cho mọi ngưòi cùng hát đối
với một thiên tài như Văn Cao không phải là chuyện khó. Lời hát đi kèm
sao cho đúng ý của người đặt hàng mới chính là vấn đề. Trong hồi ký của
ông, Văn Cao không cho biết là Vũ Quí khi giao công tác cho ông có chỉ
thị cho ông biết là lời hát phải như thế nào hay không, từ ý tưỏng đến
từ ngữ đươọc dùng, nhưng những tiếng như cứu quốc, chiến khu, sao vàng,
đời mới, võ trang, Thái Nguyên, Đô Lương, Bắc Sơn…rõ ràng là những ngôn
từ của thời đại. Ngưòi ta cũng không biết là Nguyễn Đình Thi, một cán bộ
văn hóa cao cấp khác, tác giả của bài Diệt Phát Xít có ảnh hưởng
gì tới Văn Cao hay không, nhưng hai người có gặp nhau theo lời kể của
Văn Cao: “Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên của đồng chí Nguyễn Đình Thi khi
xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó.” Xướng âm nhạc điệu ở đây
phải được hiểu là nhạc điệu thôi, không phải là lời. Còn Nguyễn Đình Thi
thì sau này khi được Ngô Vĩnh Bình phỏng vấn vào tháng 3 năm 1985 “đã
cười bảo: bài Diệt phát-xít thực ra chỉ diễn tả những khẩu hiệu, đường
lối của Việt Minh lúc ấy.”[17] Đường lối này không thể khác hơn là đường
lối đã được Trường Chinh vạch ra trong Bản Đề Cương Về Cách Mạng Văn Hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng Cộng Sản Việt Nam
mà Vũ Quí, Nguyễn Đình Thi hay cao hơn nữa là Lê Quang Đạo chỉ là những
cấp thừa hành.[18] Nghi vấn này nếu được giải tỏa thì câu “Thề phanh thây uống máu quân thù”
có thể hiểu là không phải của Văn Cao mà là của những người khác hay do
ý của người khác. Một nghi vấn về một đồng tác giả của Tiến Quân Ca do
tờ TPCN (người viết bài này nhất thời chưa rõ tên thực sự của tờ báo này là gì, không biết có phải là Tiền Phong Chủ Nhật
hay không?) một dạo đã được nêu lên, căn cứ vào bản in đầu tiên do
chính Văn Cao trực tiếp lo phần ấn loát. Nguyễn Thụy Kha đã hỏi lại
chính Văn Cao qua một cuộc phỏng vấn vào năm 1993, một buổi sáng sau
ngày mừng sinh nhật của Văn Cao, có thể phần nào giúp ta hiểu rõ hơn vấn
đề này.
Câu
chuyện đã được Nguyễn Thụy Kha ghi và người viết xin chép lại nguyên
văn để người đọc thấy thêm được nhiều chi tiết quan trọng cũng như những
hệ lụy khác:
“Nguyễn Thụy Kha: Thưa bác, có lẽ vì đêm đó quá vui, bác mệt.
“Văn Cao: Đúng, vui lắm. hình như tôi đã chọc anh nhiều. Song cuộc vui nao chẳng tàn. Cái buồn lưu cữu lại ập đến.
“NTK:
Vâng! Cháu rất biết. Chúng ta đều là con người chứ có phải lằ gỗ đá
đâu. Cũng vì vậy, hôm nay, cháu xin bác nói thêm với cháu và tất cả mọi
người về cái buồn của bác trong thời gian này.
“V.C:
Có gì đâu. Mọi việc vì tôi là tác giả Quốc Ca, anh ạ! Tự nhiên bây giờ
sau 46 năm lại có tờ TPCN đặt vấn đề nghi vấn. Trong việc này, có những
cái nhìn bị nhiễu từ kênh này sang kênh khác.
“N.T.K: Bác nói chắc đấy chứ? Kẻo lại mang tiếng cho dụng ý tốt của tờ báo.
“V.C:
Tôi đã nói là chắc. Mà đã nói rồi nhưng rất tiếc là anh Xuân Ba, người
đến phỏng vấn tôi kỳ trước không viết ra hết mặt báo. Trong việc này có
ba sự thật:
“-
Sự thật thứ nhất là: Tôi là ngưòi viết Tiến quân ca, điều ấy chỉ có tôi
mới biết vì khi tôi sáng tác bài này trong bí mật, không ai được biết.
Ai nói biết là bịa.
“-
Sự thật thứ hai: Tôi đã có ý để anh Đỗ Hữu Ích đứng tên cùng là tác giả
phần lời với mật danh Anh Dũng. Lúc ấy tôi lấy mật danh là Anh Thọ. Bài
Tiến quân ca đầu tiên do tôi trực tiếp ấn loát ghi tác giả: Nhạc Anh
Thọ, lời Anh Dũng. Tôi có ý để anh Ích trong bài Tiến quân ca có hai lý
do:
“1. Lúc ấy tôi là bạn anh Ích và đang lấy tạm nhà anh Ích làm cơ sở hoạt động.
“2.
Để anh Ích đứng tên chung có lợi ở chỗ nếu anh Ích có muốn phản bội thì
cũng không dám vì đã trót đứng tên chung cùng với tôi. Đây là một phép
trong hoại động bí mật. Buộc phải đề phòng mọi khả năng. Anh Ích quen
rất nhiều hiến binh. Bài Tiến quân ca khi đó mới chỉ là bài ca của quân
cách mạng. Người sáng tác bài ca là kề với cái chết bất cứ lúc nào. Tôi
để anh Ích đứng chung bằng mật danh là để bảo vệ bài ca này.
“Nhưng
đó là thời kỳ bí mật. Sau cách mạng khi anh Ích lập nhà xuất bàn Đỗ Văn
thì lúc này anh đã tự chuyển ý sang: Nhạc Văn Cao, lời Đỗ Hữu Ích, kể
cả khi anh vận động nhà in in ở Hải Phòng. Nó đã lột được bản chất xấu
của anh Ích.
“Sự
thật thứ ba là: Khi bài Tiến quân ca được công nhận là Quốc ca Việt
Nam, nó được sự góp ý về nhạc của anh Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu.
Còn lời thì anh Tố Hữu đã sửa nhiều câu (xin để ý mấy chữ này). Nhưng
khi Bác Hồ yêu cầu gặp tác giả Quốc ca thì chỉ một mình tôi (do anh Tố
Hữu đưa đến gặp Bác. Vì thế, năm 1946 nhà nước in bài Tiến quân ca và
Quốc ca trong hiến phápcông bố với toàn dân và nước ngoài là Văn Cao.
Vậy báo Tiền Phong CN với lòng công tâm giúp đỡ anh Ích thì phải cùng
anh Ích đấu tranh với nhà nước để đòi bằng được cho anh Ích, Tôi làm sao
làm được việc đó…. Nếu Quốc hội đã chứng nhận tôi là tác giả Quốc ca
thì tôi phải nghe và chấp hành. Khi ấy, kẻ nào nhận thêm vào tức là mạo
danh tác giả rồi. Có ngồi với nhau cũng chả giải quyết được.”[19]
Qua những gì Văn Cao giải thích kể trên, ta có thể nói không phải dè dặt rằng bài Tiến Quân Ca
là do Văn Cao làm với sự góp ý và luôn cả sửa chữa của nhiều người
trong đó có Tố Hữu. Riêng Tố Hữu “đã sửa nhiều câu”. Cũng vậy tất cả đã
được làm trong bí mật mà nếu không có chuyện Đỗ Hữu Ích đòi chia sẻ
quyền tác giả thì Văn Cao đã không nói ra. Nói cách khác những gì Văn
Cao nói ra chỉ là một phần của sự thật nhưng người ta vẫn có thể kết
luận rằng Văn Cao không phải là tác giả duy nhất của bài Tiến Quân Ca
nhất là về phần lời hát. Phần này đã được sự góp ý của nhiều người trong
đó có Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi, hai cán bộ cao cấp đương thời và về
sau này. Ngay cả cái tên của bài hát, Nguyễn Đình Thi cũng có góp phần,
đồng thời hai chữ Việt Minh trong câu “Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc”
là hai chữ được dùng lúc ban đầu, sau này mới được đổi thành Việt Nam.
Việt Minh lúc ấy chỉ là một đảng, hay một mặt trận, còn nhiều đảng và
mặt trận khác. Chính vì vậy bài hát khi được phổ biến mới bị những ngưòi
chống Việt Minh nhái đi thành: “Đoàn quân Việt Minh đi xe nhà phất
phới, dắt họ hàng làng nước ra làm quan”.[20]
(còn tiếp)
.