Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

CẦN PHÂN BIỆT LUẬT BIỂU TÌNH VỚI QUYỀN BIỂU TÌNH

 
Nguyễn Tường Thụy

Hiện nay, nhiều người còn nhầm lẫn giữa quyền biểu tình với luât biểu tình. Họ cho rằng, khi có luật biểu tình thì mới có quyền biểu tình, nếu biểu tình là vi phạm pháp luật.

Đây là một quan niệm hết sức sai lầm mà cả đến ông thạc sĩ, đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước cũng không tránh khỏi.

Chính vì ý nghĩ không có luật biểu tình thì không được phép biểu tình nên ông Phước tỏ thái độ rất gay gắt đối với biểu tình, nào là biểu tình chỉ nhằm vào chống chính phủ, nào là gây kẹt xe, nào là làm ô danh đất nước … Từ mớ lý luận kỳ quặc đó, ông đề nghị với Quốc hội loại bỏ Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật. Nghĩa là ông cho rằng cứ treo cái luật đó lại là xong.

Những người mang quan niệm này dường như không để ý đến việc quyền biểu tình đã được ghi vào Hiến pháp. Hiến pháp là luật “mẹ” cho nên dù có luật biểu tình hay không thì vẫn không thể tước đi của công dân quyền biểu tình. Không thể nói trong khi chờ luật thì không được biểu tình. Tôi tin rằng, nếu Trung Quốc có hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam như hồi cuối tháng 5 năm nay một lần nữa hoặc có sự kiện nào bức xúc thì những người biểu tình lại xuống đường, dù Luật biểu tình có hay không.

Vì vậy, muốn tước đi quyền biểu tình của công dân chỉ còn cách sửa Hiến pháp. Nhưng tôi đố ông nghị nào dám đề nghị Quốc hội xóa quyền biểu tình của công dân ra khỏi Hiến pháp, nếu không muốn nước ta đóng biên giới ở nhà chơi một mình, cho dù có ghét biểu tình đến mấy.

Liên hệ với điều 4 của Hiến pháp về sự lãnh đạo của ĐCSVN. Rõ ràng, hiện nay chưa có luật về sự lãnh đạo của Đảng, thế nhưng ĐCSVN vẫn đương nhiên thực hiện quyền lãnh đạo của mình chứ Đảng đâu chịu ngồi chờ ra Luật thì mới dám thực hiện quyền ấy.

Trong sự kiện biểu tình Mùa Hè vừa qua, vì chưa có Luật biểu tình, chính quyền nhiều lúc tỏ ra rất lúng túng . Không thể cấm biểu tình, vì cấm là vi hiến, chính quyền liền có “sáng kiến” đưa ra điều khoản về việc cấm tụ tập đông người của Nghị định 38/2005/CP để giải tán những cuộc biểu tình nào họ muốn. Việc này đúng sai ra sao không thuộc nội dung của bài viết này.

Vậy ai là người cần luật biểu tình? Những người biểu tình hay chính quyền? Có thể nhiều người sẽ trả lời ngay là người biểu tình cần chứ Nhà nước thì không. Tôi lại nghĩ với ý thức công dân, với trách nhiệm đối với xã hội, với đất nước thì cả hai bên đều cần.

Chính quyền cần Luật biểu tình để quản lý hoạt động biểu tình, hướng hoạt động biểu tình sao cho vừa có ích cho đất nước, vừa đảm bảo được quyền của công dân. Người biểu tình cần Luật để thực hiện quyền công dân của mình, có căn cứ pháp luật để đấu tranh, cần thiết thì khởi kiện nếu chính quyền vi phạm.

Luật biểu tình sẽ có những điều khoản cụ thể bắt buộc người biểu tình và chính quyền phải tuân theo, đồng thời kèm theo chế  tài để đảm bảo cho Luật được tôn trọng.

Với các cuộc biểu tình vừa qua, chính quyền bí quá, đành phạm luật, cứ bắt rồi thả như cóc bỏ đĩa; chẳng ai sợ kể cả phải chịu vài cái đạp vào mặt, vài quả đấm vào mạng mỡ hay bị cho đi du lịch khắp các ngóc ngách của trại giam dăm ngày. Cùng lắm thì bị chụp cho cái tội gây rối trật tự công cộng hay tụ tập đông người. Tuy vậy, sự qui kết ấy khó mà thuyết phục được ai, đâu có dễ dàng đem xét xử. Rồi chính quyền truyền lệnh xuống các địa phương, cho người đi vận động, canh giữ, gây chuyện đối với người biểu tình. Kết quả là, chính quyền đạt được cái gì chưa thấy nhưng tin tức và hình ảnh được truyền đi khắp thế giới, các “thế lực thù địch” tha hồ “lợi dụng”. Còn người biểu tình thì hình như đông hơn, can đảm hơn, đoàn kết hơn. Dân và chính quyền xa nhau hơn.

Nhưng người biểu tình cũng coi chừng, khi ra luật có khi người biểu tình lại không thể làm những việc tùy thích như khi chưa có luật, lơ mơ vào tù như bỡn. Khi có Luật thì có thêm những khoản cấm. Không có luật thì không có những khoản cấm ấy, mà đã không cấm thì được phép làm. Vậy có khi chính quyền cần Luật biểu tình hơn ấy chứ.

Ông nghị Phước đừng tưởng ra Luật biểu tình tức là ban cho người dân cái quyền được biểu tình mà ra sức ghìm nó lại bằng cách“kính đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật”. Quyền ấy là quyền đương nhiên của con người, đã được ghi vào Hiến pháp rồi, thưa ông.

23/11/2011
TƯỜNG THỤY

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"