Nguyễn Thị Thanh Tuyền
Tin liên quan:
Ngày đầu tiên bước chân đến Hà Nội trời hơi se lạnh, cảm giác trong
lòng tôi thật khó tả. Mọi vật xung quanh tôi điều rất lạ, và tôi thấy
dường như lòng mình đang nghi ngại khi phải đứng trước nhiều khó khăn
không tên ở lúc sắp bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý trong cuộc
sống lần này.
Tôi thấy mình ngơ ngác như một đức trẻ khi nghĩ trong lòng mình
không biết rồi hai mẹ con tôi sẽ đi đến đâu về đâu giữa thủ đô đất lạ
quê người.
Sáng ngày 17 tháng 11, hai mẹ con tôi đã đến Bộ Công An để nộp đơn
kêu oan cho chồng nhưng ở đây không nhận đơn. Tình cờ tôi cũng gặp nhiều
người khác đi kêu oan. Hoàn cảnh mà giống tôi nhất là em Trịn Kim Tiến.
Thật là đau lòng biết bao!
Tôi đi kêu oan cho chồng bị Công an Bình Dương đánh chết còn em Tiến
thì đi kêu oan cho Bố bị Công an Hà Nội đánh chết.
Tôi nghĩ mình hiểu rất rõ cảm giác bị mất đi một người yêu thương là
như thế nào, tôi mất chồng, Tiến mất cha. Có lẽ đó là lý do duy nhất
khiến chúng tôi, dù không nói nhiều với nhau, nhưng đủ hiểu và cùng im
lặng đồng hành đi trên một con đường.
Con đường mà chúng tôi đi tìm là con đường “công lý “.
Chúng tôi đã chầm chậm bước đi qua những con đường của Hà Nội, những
tiếng xì xầm xung quanh chúng tôi:
- “Bị sao thế ? À, vụ ông Tùng đó à? Thật là tội nghiệp cho
cái Tiến!”
- “Còn ai thế kia?”
Có một người khác trả lời: “Đây là vụ anh Nguyễn Công Nhựt bị Công an
Bình Dương đánh chết, hai mẹ con lặn lội hàng ngàn cây số để ra đến
tận Hà Nội đi kêu oan cho con, cho chồng đấy. Thật là tội mẹ con
họ...!”
Khi nhận được chia sẻ của bà con đi trên đường, tôi thấy lòng mình đỡ
bớt hiu quạnh. Giữa thành phố Hà Nội không một ai thân thích nhưng ở
đây ít nhiều tôi đã được thông cảm, an ủi bởi những con người có tấm
lòng bác ái.
Tuy được mọi người chỉ dẫn nhiệt tình đi đến Viện Kiểm Sát Nhân Dân
Tối Cao, nhưng đến đây tôi thấy bảng treo trước cửa hôm nay không có
tiếp dân. Hai mẹ con tôi lại tiếp tục lặng lẽ bước đi cùng em Tiến đi
qua biết bao nhiêu con đường để đến Tòa án Thành phố Hà Nội vì theo tin
trên báo đưa hôm nay là ngày xử vụ án của bố Tiến.
Khi không nhận được thông tin chính thức về phiên tòa, tôi biết nỗi
lòng của em hiện giờ như thế nào.
Đến đây biết bao nhiêu con người đi qua đi lại nhìn chúng tôi trước
tòa án. Họ nhìn chúng tôi bằng đôi mắt thương cảm, Họ bảo chúng tôi cố
gắng vượt qua nỗi dau mất mát này, những chặng đường chúng tôi đi tìm
công lý còn dài lắm... phải cố gắng.
Đáp lại những lời động viên của bà con là những giọt nước mắt chạy
dài trên đôi má của Mẹ và tôi.
Nhìn thấy mẹ khóc lòng tôi đau biết chừng nào, Tôi tự nhủ trong
lòng”Con xin lỗi mẹ vì chuyện chồng con mà mẹ phải khóc. Con hứa sẽ lấy
lại nước mắt mà Mẹ đã khóc cho chồng con.”
Đứng im lặng trước tòa án một hồi lâu, chúng tôi lại đi tiếp đến
phòng Thanh Tra của Bộ Công An để nộp đơn kêu oan.
Đến đây tôi đã vào được phòng tiếp nhận hồ sơ, các anh công an hứa sẽ
chuyển lên cấp trên giải quyết rồi nói tôi ra về.
Vậy là đơn khiếu nại và tố cáo khẩn cấp lần 11 của tôi đã được nhận
sau một hành trình xa xôi từ Bình Dương. Dù không biết là những lá đơn
của tôi có thực sự đến tay của người cần đến không, tôi và gia đình
luôn đặt niềm hy vọng là công lý sẽ được thực thi.
Sáng 8h30 ngày 18/11/2011, tôi đến VKSND Tối Cao rất nhiều người ở
đó cũng đang chờ nộp đơn kêu oan như tôi.
Hầu hết những lá đơn kêu oan là về đất đai: Có một bác trạc
khoảng 65 tuổi đã nộp đơn kêu oan đến lần 155 nhưng vẫn không được giải
quyết dù đến đây nhiều lần nhưng chưa một lần gặp bất kỳ một lãnh đạo
nào ở đây, Bác ấy nói rất bức xúc. Nhiều người khác cũng giống như Bác.
Mọi người nghe mẹ con tôi nói giọng miền Nam nên họ đã biết chúng tôi
từ Sài Gòn ra. Nhiều người đến hỏi thăm và chia sẻ và họ cũng bức xúc
trước cái chết của anh Nhựt. Đến đây tôi cũng nhận được sự chia sẻ của
chị Ngọc làm trong Văn phòng tiếp nhận hồ sơ của VKSND Tối Cao. Chị hứa
sẽ chuyển hồ sơ của tôi lên cho ông Nguyễn Hòa Bình Viện Trưởng VKSNDTC.
Nghe chị nói thế tôi cũng thấy yên tâm và tin rằng mình sẽ gặp được
người tốt.
Sau đó tôi qua Văn phòng Quốc Hội nhưng qua đây người trực cổng bảo ở
đây không tiếp nhận đơn mà phải về số 01 Ngô Thị Nhậm, Hà Đông, Hà Nội
cách đây khoản 20 cây. Tôi đón xe để đi đến đường 01 Ngô Thị Nhậm nhưng
Anh Taxi chở một vòng thả chúng tôi xuống bảo đến chỗ đó nhìn xung quanh
tôi không thấy đường Ngô Thị Nhậm đâu mà tôi thấy đường Ngô Quyền.
Thế là tôi bị lừa rồi.
Tôi tiếp tục đón xe đến Văn phòng Chính Phủ, Các Anh Công An bảo ở
đây không có tiếp nhận đơn phải về số 01 Ngô Thị Nhậm, Hà Đông, Hà Nội
cách đây hơn 15 cây nhưng bây giờ là 10h45 thì đi không kịp rồi giờ này
đến đó là hết giờ làm việc.
Thế là hết một buổi sáng tôi chỉ nộp được một đơn tại VKSNDTC. Tiếng
thở dài của Mẹ tôi làm tôi chạnh lòng. Tôi an ủi và nói với Mẹ đi tìm
công lý là vậy đó Mẹ à. Mẹ đừng buồn nữa Mẹ.
13h trưa, tôi và Mẹ đón taxi đi đến 01 Ngô Thị Nhậm, Hà Đông. Cuộc
hành trình lại tiếp tục gian nan.
Người lái xe chở tôi đến Ngô Thị Nhậm, Hai Bà Trưng. Tôi bảo: “Ở đây
không phải, ở tận Hà Đông cơ? Tại sao chở tới chổ này??
Thật ra tôi đâu biết Hà Đông là chỗ nào đâu.
Thế là tiếp tục hành trình đi đến Hà Đông, khi đến văn phòng Trung
Ương Đảng và Nhà Nước là gần 15h, tôi đã mất hai tiếng đồng hồ đi taxi.
Tôi đã lỡ khóc lỡ cười lại bị lừa một lần nữa.
Khi đến đây tôi không đem theo CMND, anh tiếp dân không đồng ý tiếp
nhận đơn của tôi, tôi đã giải thích hết lời vì tôi đã đưa cho khách sạn
giữ rồi.
Tôi đã khóc vì tốn quá nhiều thời gian vậy mà xuống đây lại bị như
thế này tôi chứng minh cho anh: “Tôi là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ của
anh Nguyễn Công Nhựt bị Công an Bình Dương đánh chết”. Nói đến thế những
giọt nước mắt của tôi tuôn ra cũng làm động lòng một anh trong phòng
tiếp dân và anh ấy nói đã biết vụ án của tôi. Anh bảo tôi bình tĩnh và
sẽ giải quyết cho tôi. Anh vào hỏi cấp trên sau đó mời tôi làm việc. Khi
được các anh tiếp đón một cách nhiệt tình và được chia sẻ nỗi đau mất
mát của tôi.
Các anh ấy bảo vụ này các anh cũng đang theo dõi và các anh đã hướng
dẫn tôi nhiệt tình sau đó cho tôi giấy hẹn bảo tôi sáng thứ 2 đến phòng
tiếp dân của cơ quan Văn Phòng Quốc Hội nộp đơn. Bởi vì chiều nay Văn
phòng Quốc hội nghỉ làm.
Thế là tôi phải ra về vừa vui và vừa buồn.
Vui vì đã có giấy hẹn cho sáng thứ 2, buồn vì chiều nay không kịp đến
cục điều tra VKSNDTC cùng luật sư Trần Đình Triển. Chuyến này tôi
không chọn taxi làm phương tiện nữa mà tôi chọn xe bus làm phương tiện
để tôi đo đoạn đường như thế nào để thứ 2 tiếp tục hành trình. Sự thật
là tôi chỉ tốn 6.000 đồng đi xe bus và đi bộ một đoạn đường mới về đến
khách sạn. Trên đường đi tôi gặp chú xe ôm hỏi đường, chú đã nhận ra tôi
là Tuyền, tôi hỏi: “Sao chú biết cháu?”. Chú nói: “Vụ chồng cháu là
Nguyễn Công Nhựt bị Công An Bình Dương đánh chết chú đang theo dõi vụ
này mà”.
Lúc ấy nhiều chú xe ôm kế bên cất giọng: “Cháu là Tuyền à, cháu phải
cố lên đòi công lý cho chồng cháu, các chú luôn bên cạnh cháu và ủng hộ
tinh thần cháu.”
Nghe các chú nói thế tôi cũng thấy vui vui làm sao, dù không hề quen
biết nhưng các chú nói chuyện giống như tôi là người thân của các chú
ấy.
Đi đến ngõ tư tôi gặp một cô gái tôi đoán chắc là sinh viên tôi đã
hỏi đường, Em đã nhận ra tôi và hỏi: “Chị là Tuyền vợ Anh Nhựt đúng
không? Em đọc báo và biết hoàn cảnh của chị, Chị cố gắng lên chị nhé!”.
Tôi về ghé qua một quán ăn nhỏ trên lề đường, tôi không ngờ ở đây cô
bán quán ăn này cũng nhận ra tôi và cô đã chia sẽ nỗi buồn cùng tôi.
Khi về đến khách sạn tôi đã ngồi yên lặng và suy nghĩ việc anh Nhựt
chồng tôi bị Công an Bến Cát, Bình Dương đánh chết, sau hơn 7 tháng chờ
đợi câu trả lời công bằng nghiêm mình của pháp luật, điều mà tôi nhận
được là sự im lặng của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cũng như
VKSNDTC – Cục 6 phía nam.
Thì ở đây, tại thủ đô Hà Nội, nhiều tầng lớp trong xã hội điều biết
sự việc này, tôi mong rằng Văn phòng Quốc Hội và các cơ quan chức năng
cấp cao hơn hãy vào cuộc đem lại sự công bằng cho Anh Nhựt để cho những
người dân như tôi luôn luôn có niềm tin vào công lý
(phần 1).