Tôi gặp người đàn ông đó trước Hồ con Rùa trong một buổi biểu tình chống Tàu tại Sài gòn. Khắc khổ, sạm nắng, anh lấy taxi từ quận 12 đến đây để cùng với đồng bào mình xuống đường trước lãnh sự quán Tàu. Không vượt qua được hàng rào cảnh sát dày đặc, người đàn ông đã từng là bộ đội ở chiến trường Kampuchia này liền văng tục rõ to:
- ĐM tụi Tàu! Tui sẵn sàng vô lính lần nữa, uýnh chết cha tụi nó nè!”
Ai chẳng biết, “ĐM” là tiếng chửi thề, tiếng tục. Nhưng khi nó phát ra từ miệng của một người yêu nước, một người đã và còn muốn đổ máu xương cho đất nước, không thể không làm cho tôi phải sinh lòng kính trọng.
Người dân mình chất phác, nhưng không hề hiền hoà với giặc. Người bình dân, chửi tục trong hoàn cảnh bị dồn nén, kìm chế… là đúng ngữ cảnh và hợp tình hợp lý. Phản ứng thịnh nộ của một người dân bình thường, ắt không thể khuôn sáo, mềm mỏng theo kiểu “kiên quyết phản đối, cực lực lên án, có đầy đủ bằng chứng không thể chối cãi…” mà ta vẫn nghe đến phát chán trên TV hàng đêm.
Không phải ai cũng là Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du… để ngâm ngợi thơ phú khi thời thế đảo điên.
Chính sử không ghi (hẳn thế rồi), nhưng tôi tin chắc trong trùng điệp dân binh của Yết Kiêu, Dã Tượng, trong hàng ngũ các nữ quân của bà Trưng, bà Triệu…, ắt không thiếu những lời cục cằn, thô tục ném vào bọn xâm lăng. Lòng ái quốc của những dân binh áo vải đó cũng đáng để ta nghiêng mình như trước tài thao lược của bực vương tôn. Nói trộm vía, nếu như bà Triệu thị Trinh có nổi xung mà văng “tỉu nạ má” vào mặt lũ Hung Nô, kẻ hậu sinh là tôi cũng lấy làm hể hả lắm lắm.
Vì đất nước này có “vững thiên thu” hay không là từ những cơn giận dữ hồn nhiên và chân thực như vậy, tôi tin là thế!.
Nhân dân có cách rất riêng để bày tỏ sự phẫn nộ của mình mà không một sử gia, hay một trí thức mũ cao áo dài nào dám cho mình cái quyền phê phán.
Đó là chưa kể, khi chỉ vì lòng yêu nước vô vị lợi, người ta bị khiêng vứt lên xe bus như một con vật, bị đánh vào chỗ hiểm, bị đạp vào mặt, thậm chí bị bắt giam mà không hề có một lý do xác đáng. Những hình ảnh đó, cả nước thấy hết, biết hết. Và vô cùng phẫn nộ!
Tôi tin rằng, không ít người đã văng tục khi chứng kiến, mục kích những cảnh tượng khó coi đó. Và khó khăn làm sao, khi phải dùng một ngôn từ tao nhã, trau chuốt, lịch sự để bình phẩm về những cảnh xấu hổ đó!
Chị Bùi thị Minh Hằng cũng thế, cũng như tôi, như triệu người Việt không câm điếc đã văng tục. Một lần nữa, tôi vẫn không thấy sự văng tục là khó coi, là chướng tai gai mắt. Vì nó hợp tình, hợp lý, hợp ngữ cảnh và đầy chất dân gian rất Việt.
Mặt nào đó, những tiếng văng tục đó còn dễ nghe hơn rất nhiều lần so với những lời hoa mỹ, trau chuốt mà dăm kẻ lưỡi gỗ đang ông ổng mạ lị nhân dân mình.
Tôi nghe tin chị Bùi thị Minh Hằng được chọn làm “người phụ nữ của năm 2011” với một thái độ bình thản. Với tôi, chọn ai cũng đúng, cũng hay. Những người Hà Nội thong dong, sang trọng, ngẩng cao đầu, tay cầm những biểu ngữ nêu cao chủ quyền đất nước…quả thực là hình ảnh đẹp đẽ, tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể thấy được. Từ mái đầu bạc phơ của nhà văn Nguyên Ngọc, vẻ khắc khổ của TS. Nguyễn Quang A… cho đến nét “môi hồng đào” của em Trịnh Kim Tiến…, bất cứ ai trong số họ cũng có thể là biểu tượng đẹp đẽ của lòng yêu nước. Cho dù họ đã nói ra những lời thô tục trong bối cảnh một lòng yêu nước bị kìm nén, tôi đều cho đó là những cơn thánh nộ đáng kính trọng và đầy tính folklore dân dã.
Mười ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn. Lòng người có khi an hoà, có khi bừng bừng lửa giận mà không nén nổi một tiếng chửi thề. Nhưng như muôn triệu đồng bào khác của anh, của tôi, họ là những người yêu nước thực sự và vô vị lợi. Họ dấn thân bằng chính sự an nguy của bản thân và gia đình, không như dăm gã làm dáng “bất đồng chính kiến” hay ra vẻ khẳng khái rất vụng về. Có thể ta không văng tục, có thể ta không đủ can đảm để dấn thân như họ, nhưng chẳng nên cay nghiệt xúc phạm họ qua một vài câu chửi (đích đáng) vào mặt đám sai nha. Chấp nhặt nhau từng lời ăn tiếng nói trong khi vận nước còn long đong với hoạ xâm lặng phương Bắc, phỏng được ích gì?
Tôi đã đọc anh trong nhiều năm. Tôi quí anh vì sự trung thực, khẳng khái mà tôi hy vọng không lầm. Tôi đã từng thú vị trước “một góc nhìn khác” đôi khi khá đặc sắc của anh. Nhưng loay hoay đi tìm “một góc nhìn khác” để xét nét, châm biếm đồng bào mình làm chi, thưa anh?
Tại sao cứ phải tinh tướng mà không mở lòng ra để đồng cảm với đồng bào thân cô thế cô của mình, thưa anh?
_________________
Bài viết này là một tiếng nói tham gia vào cuộc tranh luận này