Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Anh có chắc không? Are you sure?

Anh có chắc không? Are you sure?

Nguyễn Duy Vinh (NT 58-64, CVA 64-65)
 
Tôi đọc sách về bốn sự thật tuyệt vời (The Four Noble Truth) trong đạo Phật và tôi thường suy ngẫm về những nguyên nhân gây ra khổ đau (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo). Ðức Phật dạy rằng một trong những nguyên nhân lớn gây ra khổ đau cho mình và cho người là cái nhìn và sự hiểu biết của chúng ta về một hiện tượng hay sự vật. Ðức Phật khuyên chúng ta nên tập nhìn sâu để hiểu vì cái nhìn của chúng ta có thể (và phần lớn là) sai. Ngài còn nói mạnh hơn thế nữa: “Mọi tưởng đều là vọng tưởng”. Một tác giả hay thiền sư nào đó đã có lần viết bằng tiếng Pháp: “là où il y a perception, il y a déception” mà tôi dịch nôm na là “chỗ nào có ‘tưởng’ là chỗ đó còn có sự thất vọng”.

Vọng tưởng thường được xem như là một chất độc trong số ba chất độc lớn (còn được gọi là tam độc). Ðó là Tham, Sân và Si. Si chính là sự mê lầm, sự ngu dốt hay nói nôm na là nhìn và hiểu sai. Ði xa hơn tí nữa, Ðức Phật đã đưa sự ngu muội của con người vào năm nguyên nhân chính (Tập) của khổ đau, đó là Tham Sân Si Mạn và Nghi. Ở đây tôi chỉ xin giới hạn lý giải hạn hẹp của tôi ở cái thấy và hiểu của chúng ta và tôi sẽ đưa ra hai thí dụ để dẫn chứng về cái nhìn đôi khi rất hạn hẹp của con người.
Thiền Sư Nhất Hạnh trong một bài giảng Pháp ở Làng Mai đã nhấn mạnh rất nhiều đến cái nhìn (sai) của chúng ta thường là một trong những nguyên nhân lớn đưa đến khổ đau. Thầy lấy điển tích Thiếu Phụ Nam Xương, một điển tích nổi tiếng trong văn học và lịch sử Việt Nam, để dẫn chứng cho chủ đề của bài Pháp. Chuyện Thiếu Phụ Nam Xương phần lớn chúng ta đã được học qua. Chuyện kể về một người đàn ông sau ba năm đi vắng, đi chiến trận phương xa, khi về lại nhà đã có một nghi vấn lớn về đức hạnh của vợ mình. Ông tin tưởng là vợ ông có liên hệ với một người đàn ông khác trong lúc ông vắng mặt dựa trên lời nói của đứa bé và ông đã vội vàng tỏ thái độ lạnh nhạt với vợ. Cách đối xử lạnh nhạt của ông đã đưa đến cái chết tức tưởi của người vợ. Và người đàn bà này, mà truyền thuyết gọi là thiếu phụ Nam Xương sau này, đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Sau khi vợ mất, người đàn ông mới tìm ra là mình đã hiểu sai trong một bữa tối lúc ru con ngủ. Câu chuyện rất thương tâm. Chỉ vì nghe nhìn và hiểu sai, người đàn ông đó đã gây ra một đổ vỡ lớn với thái độ của mình.
Trong một khóa tu ở Làng Mai, thầy khuyên thiền sinh nên luôn đặt một câu hỏi mỗi khi mình có một cái nhìn và hiểu về một sự kiện hay sự vật: Anh (chị, hay em) có chắc không? Are you sure? Thầy ngụ ý khuyên chúng ta qua câu hỏi đó là chúng ta phải cẩn thận, phải suy xét thêm, phải học nhìn kỹ hơn, phải để thời gian nghiên cứu thêm (nhìn sâu để hiểu) trước khi đi đến kết luận về điều mình đang “tưởng”.
Gần đây nhất tôi có sống qua hai sự kiện (events) hoặc nói nôm na theo lối bình dân ở miền Nam là “tui có sống qua hai vụ khá sôi nổi” (để tránh không dùng chữ mới được dùng rất nhiều ở Việt Nam là chữ “sự cố” vì thú thật tôi hơi dị ứng với những chữ mới sau 1975).
Vụ thứ nhất là vụ nhà hàng xóm tôi ở Ottawa bị lụt vào giữa Mùa Ðông. Nhà của Georges và Lorraine, (hai người hàng xóm dễ thương và tử tế bên cạnh nhà tôi), trong một buổi tối Mùa Ðông bão bùng và nhiệt độ xuống đến âm hai mươi độ C (-20 degrees Celsius), nước đã thấm vào tường dưới hầm nhà (basement) và tràn vào đầy basement. Lúc hai anh chị khám phá ra basement bị lụt, nước đã lên cao khoảng mười phân (10 cm). Mặc dù ở Canada, hầu hết nhà nào cũng có ống thoát nước ở basement nhưng khi nước vào nhiều và nhanh hơn lượng nước thoát đi, nước không thoát đi kịp tích trữ lại và tạo thành một cái bể bé. Khi anh Georges khám phá ra điều đó anh đã làm một đôi việc khẩn cấp. Việc đầu tiên là anh đã mượn được một cái bơm (pump/pompe) và cứ thế anh cho máy bơm chạy để lấy bớt nước đi và làm cái bể nước thấp dần và bé đi rất nhiều mặc dù nước vẫn tiếp tục tràn vào qua các vách dưới hầm.
Viết đến đây thì tính tinh nghịch của tôi lại nổi dậy. Tôi thầm đọc bài kệ mà tôi học được trong một khóa tu:
 
Nước từ nguồn đất sâu.
Nước từ vùng núi cao.
Nước mầu nhiệm tuôn chảy.
Ơn nước luôn tràn đầy.
 
Câu kệ này là một câu trong số những bài kệ (gatha) được thầy dạy cho các thiền sinh tập sống trong chánh niệm trong khóa tu và thầy dạy các thiền sinh thầm đọc trước khi vặn nước robinet hay múc nước rửa tay. Tôi nghĩ nếu tôi đem câu kệ ấy ra đọc cho Georges và Lorraine (bằng tiếng Pháp dĩ nhiên) trong lúc này thì hai anh chị sẽ không vui lắm và sẽ nghĩ là tôi có tính chọc ghẹo không đúng cách vì lúc nước tràn vào nhà như thế và làm hủy hoại phần lớn những bàn ghế và thảm trải (carpet) ở basement thì không ai muốn mang ơn nước này tí nào!
Ðiều thứ nhì khẩn cấp mà Georges đã làm là anh đã gọi City (Ville hay nôm na là thành phố tức là “Sở lo về nước nôi của thành phố”). Lúc đó là khoảng 11 giờ đêm. Trời rét như cắt mà nhân viên thành phố đã đến ngay. Hai ông nhân viên thành phố đã đào một khoảng đất nhỏ ngay góc sân nhà tôi và nhà anh Georges, đúng chỗ nước thành phố được đưa vào nhà chúng tôi, và họ dùng một dụng cụ để nghe được tiếng nước. Các bạn không thể nào ngờ được. Chúng ta ở thế kỷ đã đem được người lên cung trăng mà cái dụng cụ đó chỉ là một cái ống điện thoại đơn sơ với một đầu gắn vào một sợi dây điện (giống cái trò chơi điện thoại lúc tôi còn bé ở Việt Nam, dùng hai cái ống lon sữa bò và một sợi chỉ căng giữa hai lon để giả làm điện thoại nói chuyện với nhau). Nguyên tắc ở đây cũng vậy. Sợi dây điện thay cho sợi chỉ. Ống lon sữa bò ở đây là cái điện thoại mà quý vị vẫn dùng. Ông thợ của thành phố đặt đầu dây dí trên ống nước, đầu kia ông để tai vào điện thoại và ông kết luận: Có ống nước dưới đất bị vỡ! Và hơn thế nữa họ còn quả quyết sau hơn 15 phút nghe tới nghe lui và một trong hai ông thợ bấm chuông nhà tôi vào đúng lúc nửa đêm và đã nói một câu kết luận làm chúng tôi rụng rời: “Cái ống dẫn nước vào nhà ông bị vỡ”! (Trời đất quỷ thần, giống như đi xem kịch, “không không bố tôi đêm tối mới về, không không bố tôi đêm tối mới về”!!! my Goodness !). Tôi thốt lên câu đó và vì có chút học thức về ngành lưu chất động học, tôi không tin và vặn lại ông ấy: “Are you sure? How do you know it?” (Ông có chắc không? làm sao ông biết được điều đó?). Ông thợ mời tôi ra ngoài và đã cho tôi ghé tai vào điện thoại và tôi đã nghe thật rõ ràng tiếng nước chảy ầm ĩ giống như tiếng kêu vi vút của một ấm nước đang xôi. Tôi hỏi lại: Thế tôi phải làm gì? Ông ta nói vì ống dẫn nước này nằm trên sân nhà tôi (mặc dù ống đó đã do thành phố đặt) nên chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Trong một khoảnh khắc nào đó, tính tinh nghịch của tôi bỗng biến mất. Tôi tiu nghỉu vào nhà báo tin cho vợ. Cả hai vợ chồng bàn với nhau là sẽ gọi một công ty đào rãnh và sửa cống nước ngày hôm sau vì giờ đó quá khuya không có công ty nào làm việc cả.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi gọi được một công ty bé và ngay chiều hôm đó họ đã dùng máy đào xong cái rãnh lớn gần giống như đường hầm hay thông hào (“tranchée”) trong các trận đánh vào đệ nhất thế chiến tuy bé hơn (ngang khoảng nửa thước, sâu hơn một thước và chạy dài từ đường cái vào nhà chúng tôi, khoảng 8 hay 9 thước). Và cái khám phá đầu tiên đã làm mọi người ngạc nhiên la ồ lên và lắc đầu lia lịa: Không thấy ống nước vỡ mà cũng không thấy nước đâu cả! Cái ống dẫn nước bằng chì (lead/plomb) vào nhà chúng tôi nằm im lìm dưới lòng đất khô ráo! Cái “tưởng” của nhân viên thành phố qua “cặp mắt” điện thoại và dây điện đơn sơ đã... không chính xác! Chúng tôi nhân dịp này đã yêu cầu công ty sửa chữa trước khi lấp đất lại thay cái ống bằng chì (nghe nói rất độc) bằng một ống mới bằng đồng dẫn nước vào nhà chúng tôi. Cả thảy tốn hết 5 nghìn đô la Con Vị Ðiên (CDN) và chúng tôi đã không được hãng bảo hiểm đền lại cho một cắc vì họ nói vụ ống nước vỡ và lụt basement là một “công việc” của Ðức Chúa Trời (Act of God) và họ không có khoản bảo hiểm đền tiền khi lụt lội bị gây ra bởi thiên tai (trong trường hợp chúng tôi là vì trời quá lạnh làm vỡ ống nước, chuyện rất thường xảy ra ở Canada). Có dịp tôi sẽ nói thêm về cái nhìn này nữa (Act of God, are you sure?). Bây giờ tôi xin tiếp tục về cái “tưởng” không chính xác của nhân viên thành phố.
Phải nói nhanh là dù phải trả một giá đắt, chúng tôi rất vui và yên tâm khi biết chắc chắn là nước chảy vào nhà Georges và Lorraine, những người hàng xóm thân quý, không đến từ nhà mình. Và bạn biết không, vẫn tiếp tục với phương pháp cũ rích và không chính xác, nhân viên thành phố liên tục mấy ngày sau đến cả đoàn hì hục tiếp tục đào những rãnh thông hào trước nhà chúng tôi và nhà anh Georges để tìm chỗ nước vỡ. Sau một tuần họ vẫn không thấy nước đâu, mà khi nghe trong ống điện thoại, vẫn chừng đó tiếng kêu the thé của cái nồi nước đang xôi. Rồi họ bỏ cuộc. Cả đoàn nhân viên thành phố ngừng đào.
Ðùng một cái. Thật vậy, đùng một cái. Vào giữa đêm một tuần sau đó. Trong khi cả xóm đang mơ màng giấc điệp (hoặc nói theo tiếng Tây là đang nằm trong vòng tay của bà tiên Morphée, đang ngủ say sưa ấy mà), một khối nước khổng lồ đã trồi lên và chảy cuồn cuộn từ cái ống dẫn nước chính của thành phố bên cạnh nhà hàng xóm thứ hai là nhà của anh chị Roger và Linda, cách nhà chúng tôi khoảng năm mươi thước. Cả xóm thức dậy, nhà nào cũng vặn đèn sáng choang vì nhân viên thành phố với xe to và tiếng động khoan đất ầm ĩ đã đánh thức cả xóm. Ai nấy hoan hỉ vì đây chắc chắn là nguyên nhân gây lụt nước nhà anh Georges. Nước cuồn cuộn phun lên mặt đất tạo thành một vũng lớn trước nhà Linda và Roger...
Vài ngày sau, thợ đã chữa xong. Nước lụt nhà Georges ngừng chảy. Nhân viên thành phố ra đi không một lời xin lỗi hoặc giải thích về sự việc xảy ra... Một bài học lớn cho họ trong việc tìm nguyên nhân vỡ nước với cái phương pháp cổ lỗ sĩ không chính xác của họ. Lúc sửa xong, tôi có xin họ cho để ống nghe và tiếng kêu vi vút không còn nữa...
Và tôi xin kể tiếp về vụ thứ nhì mà chúng tôi vừa sống qua. Từ khi về lại nhà cũ sau ba năm vắng mặt, chúng tôi đã gọi hãng Bell để đặt lại đường điện thoại cho nhà. Từ hôm nhân viên Bell đến gắn giây và cho số điện thoại mới, điện thoại nhà chúng tôi không chạy tốt. Mỗi lần như thế, tôi than phiền với Bell và họ lại gửi một chuyên viên đến. Cả thảy mất hết bốn lần trong hai tuần liên tiếp. Mãi đến lần thứ tư họ mới tìm ra “căn bệnh” chính của đường dây. Máy của chuyên viên hãng Bell cũng thật đơn giản, không khác cái điện thoại nghe nước của nhân viên thành phố. Máy đó là một máy đo điện trở thuần túy (resistance, đo bằng độ ohms). Lần đầu họ nghĩ là đường dây từ cây cột gỗ trong vườn nhà đến hầm nhà chúng tôi bị hỏng và họ đã thay giây này. Vài ngày sau điện thoại lại không chạy, lúc chạy lúc im lìm như đường dây bị cắt. Ðể giúp cho việc “chẩn bệnh” của họ được dễ dàng hơn, tôi đem hết những quan sát của mình về những triệu chứng ghi nhận được kể lại cho ông chuyên viên. Lần thứ tư này khi ông chuyên viên mới đến thì điện thoại lại tự nhiên chạy tốt. Ông không làm gì hơn. Tuy thế, khi ông vừa rời nhà thì điện thoại lại ngừng chạy. May thay nhờ ông cho tôi số điện thoại di động và tôi đã gọi ngay và ông đã quay trở lại. Và sau hơn một tiếng đồng hồ, ông đã tìm ra là dây điện thoại bị lỏng và nằm rời rạc ngay ở cây cột chính trên xa lộ gần nhà và tùy vào lúc có gió hay không có gió, sự va chạm của dây điện thoại ở cây cột chính gây ra bởi gió đã tạo nên sự không liên tục trong đường dây nhà chúng tôi. Ðây là một bài học lớn ông chuyên viên nói với tôi. Máy móc ông có không đủ sức tìm ra sự không liên tục này. Phải có mặt thật lâu và theo dõi căn bệnh lâu dài mới “chẩn” được bệnh một cách chính xác...
Nói đến đây tôi lại chợt nghĩ đến tình hình nước Việt thân yêu của chúng ta. Câu hỏi tôi thường đặt ra và qua bài này xin gửi đến các vị trong Bộ Chính Trị của nhà nước Việt Nam: Các ông có chắc chắn là đường các ông đang đi là đúng? Are you sure? Các ông đã đem tư duy Mác-Lê Nin áp lên đầu của hơn 80 triệu người Việt Nam. Ðiều 4 của Hiến Pháp Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay viết “Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân... đại biểu trung thành của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Nhà nước Việt Nam, sau rất nhiều lần thay đổi hiến pháp (hiến pháp đầu tiên được viết vào năm 1946), đã làm ra Ðiều 4 này bằng cách chép lại Ðiều 6 của Hiến Pháp Liên Bang Xô Viết, dành độc quyền lãnh đạo cho đảng Cộng Sản Liên Xô trước kia. Sau cuộc cách mạng dân chủ ở Ðông Âu và tại Nga vào những năm 1989 và 1991, tất cả các nước cộng sản cũ tại vùng thế giới này đã đồng loạt xóa bỏ 3 điều trong hiến pháp của nước họ. Ba điều đó là: (1) Chủ nghĩa xã hội Mác-Lênin và chế độ chuyên chính vô sản, (2) sự độc quyền ý thức hệ (độc quyền về cái nhìn và hiểu của mình!), (3) chính sách độc đảng và độc quyền lãnh đạo của đảng cầm quyền. Ngày nay, mặc dù “Ðiều 6 Hiến Pháp” đã được lấy đi trong hiến pháp mới ở Nga cũng như trong hiến pháp của các quốc gia đã từ bỏ chế độ cộng sản, một số đảng viên tiến bộ trong các đảng cộng sản cũ đã thay đổi cái nhìn của mình và họ đã viết những bài khen ngợi chủ nghĩa dân chủ tự do hay dân chủ xã hội (socialisme démocratique). Gần đây nhất, người dân đã bầu một vị lãnh đạo đảng Cộng Sản Ba Lan cũ vào chức vụ thủ tướng. Và ai cũng biết đương kim thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Ðức là một nữ chính khách (bà Angela Merkel) đã từng sinh hoạt trong chế độ cộng hòa dân chủ Ðức trước kia (còn thường được gọi là Ðông Ðức).
Xã hội và người dân Việt Nam theo các bài trên mạng và sách vở báo chí mà tôi đọc được đang sống trong những điều kiện rất khó khăn. Việc tranh sống hằng ngày của đa số người dân Việt ngày hôm nay trong nước rất khó nhọc. Bất công vẫn còn rất nhiều. Ðạo đức luân thường có phần đi xuống. Tham nhũng trong chính quyền rất trầm trọng. Giáo dục và y tế, nhất là ở nông thôn và những vùng hẻo lánh, nghe nói còn tệ hơn thời nước ta có chiến tranh. Sau 66 năm cầm quyền, đảng Cộng Sản Việt Nam, dựa trên những kết quả về sự ấm no và hạnh phúc của người dân hiện tại trong nước, đang đưa nước Việt vào trong một đường hầm tối tăm. Ðã đến lúc người dân phải nói lên tiếng nói của mình và đòi hỏi một sự thay đổi để chuyển hóa cuộc sống. Những đảng viên tiến bộ có tinh thần yêu nước thật sự phải tự đặt câu hỏi về hướng đi của xã hội chủ nghĩa (mà họ luôn đang định hướng!). Nước ta đang bị “bệnh” trầm trọng, hướng đi hiện tại không đem đến hạnh phúc, tự do và độc lập cho người dân. Chúng ta cần có “thuốc” mới để chữa bệnh. Sáu mươi sáu năm đủ dài để chúng ta thấy việc chẩn bệnh đã quá đủ.
Và dĩ nhiên các bạn có thể hỏi ngược lại tôi: Are you sure?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"