Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Chụp mũ

Hoàng Hữu Phước 

Nguồn: Blog Giao Lưu Của Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII Hoàng Hữu Phước Với Cử Tri Toàn Quốc

Về Các Phát Biểu Gần Đây Liên Quan Đến Dự Án Luật Biểu Tình

Hoang Huu Phuoc, MIB
Khi đọc tham luận ngày 18-6-2010 tại Hội Thảo Quốc Gia về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt với đề tài “Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt – Anh và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt”, tôi có đề nghị cách làm cho Tiếng Việt trở nên dễ học hơn đối với người nước ngoài để nhanh chóng phát triển Tiếng Việt ra toàn cầu qua việc chỉnh sửa một số cấu trúc câu vừa hợp logic vừa giống văn pham câu tiếng Anh (thí dụ: đã “mặc dù” thì không dùng “nhưng”, để biến mệnh đề có “mặc dù”  thành mệnh đề phụ, còn mệnh đề theo sau là mệnh đề chính), v.v. Thế mà ngay lập tức có một vị tiến sĩ của Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn đăng đàn phản bác, chụp mũ nói tôi xúc phạm văn phạm tiếng Việt, dám đem văn phạm tiếng Anh ra làm chuẩn mực buộc tiếng Việt phải noi theo. Cần nói thêm rằng có vài trăm đề tài tham luận được đăng ký nhưng chỉ có khoảng 30 bài được chọn đăng vào kỷ yếu, số còn lại chỉ in tiêu đề và tên tác giả mà thôi. Bài của tôi, kẻ “ngoại đạo” chầu rìa bên ngoài ngưỡng cửa hàn lâm của ngôn ngữ Việt, được chọn đăng mà không có bài của vị tiến sĩ ấy; và vì được chọn đăng, tôi nhận được phong bì bồi dưỡng dày hơn. Trong khi có một vị còn nhớ đến tôi, nhà giáo cách nay hơn 20 năm, đến bắt tay chào, hỏi han, tâm sự về thế cuộc xoay vần của giáo dục nước nhà, thì đa số vẫn nhìn tôi ghẻ lạnh như thể tại sao một tên doanh nhân lại dám xuất đầu lộ diện giữa tháp ngà ngôn ngữ học.

Cách nay mấy ngày, tôi phát biểu chốn nghị trường về dự án Luật Biểu Tình. Và dường như tôi lại đón nhận cái cách xử sự của một hai vị cho rằng một tên doanh nhân sao lại dám xuất đầu lộ diện giữa tháp ngà lập pháp, cũng như cái cách họ tuyên bố kiểu chụp mũ. Báo Tuổi Trẻ ngày 18-11-2011, trang 3 đăng rành rành rằng tôi đã phát biểu: “…khi trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn...” với thói quen cố hữu của một giáo viên Anh Văn về các thứ bậc so sánh của tồi tệ nhất – rất tồi tệ – khá tồi tệ – khá tốt – tốt – tốt hơn – rất tốt – xuất sắccực thấp – rất thấp – hơi thấp – thấp – khá cao – cao – cao hơn – rất cao – cao nhất nên tôi rất yên tâm nói về “…khi trình độ dân trí cao hơn..” nghĩa là dân trí Việt Nam đã cao sẵn rồi; tương tự, tôi không sợ bị chụp mũ phỉ báng Việt Nam kinh tế tồi tệ khi nói “kinh tế ổn định hơn” vì tin vào cái logic so sánh bắt chước kiểu tiếng Anh hỗn loạn cực kỳ – rất hổn loạn – hơi hỗn loạn – hơi ổn định – khá ổn định – ổn định – ổn định hơn – ổn định nhất.

Thế nhưng khi nghe phát biểu của Ông Nghĩa có dùng từ “dân trí thấp” tôi có ngay cái cảm nhận của một hành vi uốn cong ngôn ngữ nơi Ông, và Ông đặc biệt còn nhận xét rằng dân trí Việt Nam hiện “khá cao” nghĩa là theo bậc thang so sánh còn dưới chuẩn “cao”. Thế mà thiên hạ không cần rõ trắng đen, bị kích động bởi Ông Nghĩa mà quên rằng chính ông ấy mới dùng từ “dân trí thấp” và gọi dân trí Việt Nam là “khá cao” tức … “chưa cao”, trong khi ngôn ngữ chính thức của tôi hàm ý khẳng định dân trí Việt Nam đã ở mức cao. Chưa tôn trọng nguyên văn của người nói, tự tiện lái ngôn ngữ theo hướng bất lợi cho người nói, e rằng đó chỉ là thủ đoạn chứ không phải chính tâm.

Cũng giống như vị tiến sĩ đã nói ở trên, cái mũ của ông Quốc cũng vô cùng lợi hại khi nói tôi tuyên bố đại diện nhân dân, dù trong nội dung phát biểu chính thức của tôi và theo đăng tải lại trên các báo chí chẳng có nơi bào ghi như thế, ngoài việc tôi tin rằng nếu được hỏi ý kiến ắt đa số người dân sẽ không ủng hộ luật này. Ông còn nói gì đó về chuyện đại biểu chỉ nên phát biểu ý kiến cá nhân chứ đừng nhân danh nhân dân. Tôi đồng ý với ông ấy nên tôi chưa hề tuyên bố gì về nội dung ông chụp mũ cho tôi (bằng chứng là nguyên văn phát biểu của tôi chưa hề tự xưng như Ông đã chụp mũ), đồng thời tôi tin rằng Ông cũng muốn hàm nghĩa rằng ý kiến ủng hộ luật biểu tình cũng là ý kiến cá nhân của Ông chứ không phải ý nguyện của người dân vì Ông cũng không nhân danh đại diện cho nhân dân. Còn nếu Ông hàm ý rằng chỉ có Ông mới có quyền đại diện cho dân, còn một tên doanh nhân như tôi thì khôn hồn ngậm miệng lại, đừng nói ngược lại ý Ông vì ý Ông là ý toàn dân, thì tôi sẽ cố gắng tìm hiểu với Quốc Hội xem có thật sự là mặc định Ông Quốc có quyền lực tối thượng như thế không. Tự do ngôn luận không thể là độc quyền cho những ý kiến của riêng Ông Quốc, còn các ý kiến nào nghịch lại Ông Quốc đều bị thẳng tay chụp mũ, kích động đàn áp. Chưa tôn trọng nguyên văn của người nói, tự tiện lái ngôn ngữ theo hướng bất lợi cho người nói, chụp mũ người nói, e rằng đó chỉ là thủ đoạn chứ không phải chính tâm.
Có một kinh nghiệm rút ra từ sự việc này là tôi sẽ tránh méo mó nghề nghiệp lôi Tiếng Anh vào những tình huống nào chưa trên vị thế công bằng.
Hy vọng các bạn doanh nhân nghị sĩ tương lai của đất nước sẽ quan tâm đến kinh nghiệm trên.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:
- Hoàng Hữu Phước, 18-6-2010. Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt-Anh Và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt. http://www.emotino.com/bai-viet/18679/giao-thoa-ngon-ngu-vietanh-va-thuc-chat-van-de-giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"