-
Câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà đã dấy lên
từ đầu năm 2008. Lần đầu tiên người dân Hà Nội và người dân trong nước
bất ngờ khi thấy báo chí, truyền hình của chính quyền ồ ạt tung ra những
bài báo, những thước phim lên án gay gắt giáo xứ Thái Hà. Bằng
những lời quy kết nặng nề, những người yếu tim nghe phải sởn gai ốc khi
nghe những cụm từ mà báo, đài chính quyền nói, nào là “chống đối chính
quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược lại lợi ích nhân
dân, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng việc đòi đất…”; nào là “cần nghiêm trị,
phải loại bỏ, xử lý nghiêm minh, thích đáng, đưa ra trước pháp luật”.
Vài người dân là cán bộ hưu trí, đảng viên lên báo, đài kêu gọi nhà nước
cần phải dùng vũ lực, sức mạnh xử lý thẳng tay giáo xứ Thái Hà để làm
gương….
Người dân Việt Nam thường ngợp trước những lời ghê gớm của báo chí
nhà nước. Với một thói quen tâm lý kỳ lạ là cứ thấy cái gì lạ, khác biệt
mà bị báo chí lên án là hùa theo. Mà trong những hướng tâm lý bị cuốn
theo, bản năng con người thường chọn hướng cuốn theo an toàn nhất. Và ở
đây là cuốn theo hướng của kẻ mạnh có tên gọi “chính quyền”.
Đôi khi vì e dè, ngần ngại người dân chọn biện pháp an toàn là im
lặng, hoặc à ừ tỏ vẻ đồng ý với những ý kiến của chính quyền. Điều này
vô tình khiến cho nhiều người khác cùng ngộ nhận theo hướng bị định
sẵn. Người Việt Nam hiện nay ít khi dành thời gian và suy nghĩ tìm hiểu
bản chất sự việc là thế nào, để có đánh giá của riêng mình, nhất là
trong những sự việc của người khác, không liên quan trực tiếp đến quyền
lợi của mình.
Câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà xảy ra trong một hoàn cảnh như vậy, tâm
lý người tiếp nhận thông tin từ báo đài cũng như vậy. Không riêng gì
những người dân ngoại đạo, mà cả những người dân theo đạo, thậm chí là
cả hàng ngũ chức sắc trong Giáo hội cũng bị cuốn theo với tâm lý như
vậy. Những tâm lý thế này vô tình đã tiếp sức cho chính quyền, khiến
chính quyền càng ỷ vào việc tăng cường truyền thông thiên vị, đưa lệch
vấn đề để phục vụ mưu toan, che dấu mục đích chính của mình trong sự
việc xảy ra.
Khái niệm mà ta thường nghe thấy như “lợi dụng tự do, tôn giáo để
chống đối chính quyền, lợi dụng việc đòi đất để chống phá chính quyền”
thường khi nghe câu này chúng ta thấy sự nhấn mạnh ở phần sau. Tiếp thu
thông tin này người tiếp nhận thường bị ảnh hưởng bởi câu “chống đối,
chống phá”. Trong những việc khác nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn
thì có lẽ chính quyền đã đạt được mục đích, thành công trong việc gieo
rắc trong đầu người dân những thành kiến của mình. Nhưng, chính bởi sự
kéo dài nhiều năm từ 2008 đến năm 2011 này đã mấy năm, chính quyền vẫn
ra rả những luận điệu cũ mèm ấy, khiến người tiếp nhận thông tin sinh ra
nhàm chán bỗng nảy sinh tò mò để nhìn lại, suy ngẫm sự việc, không còn
bị cuốn theo những gì chính quyền nói bấy lâu. Nhiều người đã bất giác
tự đặt câu hỏi: “Thế nào là tự do tôn giáo, có điều này không để lợi
dụng. Thế nào là đòi đất, đất ở đâu, thế nào mà có chuyện đòi?” Những
câu hỏi đặt ra và trên đường đi tìm câu trả lời đó, là một quá trình tìm
đến sự thật của vấn đề.
Tôi là một người dân, từng vì lười nhác mà lệ thuộc vào nguồn tin có
sẵn của chính quyền trên đài, báo, truyền hình. Cho đến mới đây thấy báo
đài nhà nước gợi lại chuyện Thái Hà với một thái độ rất thù hận, khiến
tôi tò mò đi tìm hiểu thêm những thông tin khác ngoài thông tin mà báo
đài nhà nước cung cấp. Tìm trên kho tàng đồ sộ thông tin trên Internet,
mới thấy sự thật không phải như những gì mà chính quyền nói. Đó cũng là
lý do giải thích tại sao chính quyền nói nhiều, nói dai, nói mãi thế mà
vẫn không giải quyết được vấn đề. Vấn đề không giải quyết được càng
không phải chính quyền có lương tâm, muốn có thời gian hòa giải, thuyết
phục như họ nói, mà ngược lại, không giải quyết được vì chính quyền
không có được chính nghĩa, không có lương tâm công bằng để giải quyết lý
tình. Cố ỷ vào sức mạnh của bạo quyền có yểm trợ của truyền thông để
thi hành những thù hận nhỏ nhen trong bản chất của mình.
Một câu nói bị cắt xén của TGM Ngô Quang Kiệt, một hình ảnh bị gán
ghép của Linh Mục Nguyễn Văn Khải, một hành động cho côn đồ tấn công nhà
thờ hết đêm rồi lại đến ngày. Những hành động không thể chấp nhận được
của kẻ côn đồ, chứ đừng nói đến nó là hành động của một chính quyền cho
mình là đúng đắn. Phải chăng càng có tổ chức lớn hơn, quy mô hơn thì sự
xảo trá, đê tiện càng ghê gớm, quỷ quyệt hơn. Nếu có chính nghĩa thì tại
sao nhà nước này phải cắt lời người ta, tại sao công an đưa loa cho
người ta bảo gọi giúp thì báo chí lại bảo là tự dùng loa kích động…?
Bỗng nhiên, khi biết được những hành vi đê hèn ấy của chính quyền,
tôi không còn muốn nghe gì họ nói nữa. Vì tôi biết rằng đơn giản một
điều, người có chân lý, có lương tâm thì không bao giờ làm vậy. Chỉ có
những kẻ bất nhân mới chơi trò tiểu xảo, man trá trắng trợn. Mà những kẻ
đã bất nhân thì càng nghe chúng nói càng thêm bực bội.
Chúng ta thường nói, nghe gì cũng phải nghe hai tai, nghe hai bên.
Nếu các bạn một lần nào đó thử đặt câu hỏi vì sao báo đài nhà nước phải
ra rả bao năm như vậy về câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà, thì bạn hãy lên
mạng tìm hiểu, vượt qua tường lửa, tìm kiếm những thông tin bạn sẽ thấy
nhiều điều không phải như bạn từng nghe, từng thấy ở trên đài báo nhà
nước.
Trách nhiệm của con người có nhiều với vấn đề xã hội, ví dụ trước
những bất công có thể bạn không có đủ sức, trí, tài để đấu tranh với nó.
Nhưng, nếu bạn cũng không tìm hiểu sự thật bằng một cách an toàn như
ngồi nhà xem tin tức mọi chiều, thì quả thật bạn đã vô tình giúp cho
những bất công, những điều dối trá có cơ hội để phát triển.
Và, biết đâu ngày nào đó, bạn là nạn nhân của sự dối trá, của sự bất công mà không ai hiểu cho bạn.
14/11/2011
Nam Đồng