Trần Mạnh Hảo, làm thơ, viết văn, phê bình văn học
Trên báo điện tử “Pháp luật TP.HCM”
ngày 03-11-2011, có in bài: “Luật cần không có, lại thò luật nhà thơ”,
nhằm chê bai “cuốc hội” (theo cách viết của nhà báo Beo - Thu Hồng) bao
nhiêu luật cần có không bàn, lại đâm ra vớ vẩn, thò luật nhà thơ, luật
thư viện ra cho rách việc. Đến nỗi, đại biểu quốc hội Trần Du Lịch đã
phản ứng rằng:
“Đưa Luật Nhà thơ vào làm gì?” “Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ
nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng nhẽ lại bắt
ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất
cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ
khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri” - ĐB
Trần Du Lịch (TP.HCM) bức xúc.
Theo thiển ý của chúng tôi, báo Pháp luật TP.HCM và đại biểu quốc hội
Trần Du Lịch chắc chưa hiểu hết thâm ý của quốc hội, nên mới có ý phản
đối luật nhà thơ chăng?
Riêng bản thân chúng tôi (danh xưng này bị mấy độc giả không hiểu,
phản ứng: có nhiều ông Hảo trong một ông Hảo hay sao mà xưng “chúng
tôi”? Chẳng qua, khi còn bé đi học, thầy dạy Trần Mạnh Hảo rằng: xưng
“tôi” trong bài viết không khiêm nhường, lấc cấc, cái tôi đáng ghét, nên
phải xưng “chúng tôi” cho văn hóa và khiêm tốn), nghe quốc hội bàn luật
nhà thơ thì hai tay bèn đưa lên trời mà vỗ đến rát ràn rạt để hoan hô
quốc hội.
Trần Mạnh Hảo trở cờ sao mà đột nhiên hoan hô quốc hội của đảng vậy?
(98% đại biểu quốc hội là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, 2% đại biểu
quốc hội tuy không mang thẻ đảng viên nhưng cũng là những đảng viên
ngầm, kết nạp trong bóng tối, giả vờ không đảng viên để thành phần quốc
hội của đảng có tí tì ti dân trong đó cho ra vẻ dân…chủ chứ không phải
hoàn toàn đảng… chủ)
Xin đừng quy kết vội, xem chúng tôi bàn cái đã, thưa qúy bạn đọc.
Lịch sử nhân loại đã chỉ ra rằng: thi ca bao giờ cũng là yếu tố khai
sáng nền văn minh. Hai trường ca vĩ đại của đại thi hào Home: Iliad và
Odissey đã mở đầu cho nền văn minh vô tiền khoáng hậu Hi Lạp. Kinh Vệ Đà
(veda) một hình thức thi ca truyền miệng đã mở đầu văn minh Ấn Độ. Kinh
Thi mở đầu cho nền văn minh Trung Hoa. Ngay cả khi nền văn minh Trung
Hoa khi đã phát triển cao độ, thì đại thi hào Khuất Nguyên của nước Sở
đã mở màn cho nền văn chương bác học Trung Hoa. Việt Nam ta, ai ai cũng
biết, ca dao, dân ca (thi ca) đã khai sáng cho văn hóa dân tộc.
Có lẽ, quốc hội Việt Nam hôm nay với các đại biểu hầu hết đều thông
qua bằng cấp của nền văn hóa siêu việt tại chức, hoặc siêu việt chuyên
tu (dốt như chuyên tu, ngu như tại chức - ngạn ngữ truyền miệng bố láo
của các thế lực thù địch), toàn là thạc sĩ, tiến sĩ (hầu hết mù ngoại
ngữ) đã thấy vai trò thi ca là vô cùng quan trọng với dân tộc Việt Nam,
nên các vị muốn có trong hiến pháp một đạo luật nhà thơ chăng?
Hoặc giả các dân biểu, các trưởng lão của đảng cử dân bầu (bán?) thấm
nhuần cuốn sách vô cùng kinh điển của đại triết gia Hi Lạp cổ Platon là
cuốn Republic (“Cộng hòa”), thấm nhuần câu nói trứ danh của vị hiền
triết: “Hãy choàng vào cổ các nhà thơ vòng nguyệt quế rồi đuổi họ ra khỏi nền cộng hòa” mà sinh ra luật nhà thơ chăng?
Các vị dân biểu chắc là nhìn xa trông rộng, thấy mối nguy của dân tộc
hiện nay là nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, không biết chữ cũng
làm thơ, cứ thơ phú thi thi tửu tửu kiểu này quên bố nó chuyện tiến lên
thiên đường cộng sản, bèn sinh ra bộ luật này để cấm việc ai cũng có thể
biến thành nhà thơ chăng?
Biết đâu, sau khi luật nhà thơ được ban hành, cấm đưa thơ dở vào sách
giáo khoa, cấm đưa thơ dở lên đài truyền hình ca ngợi, cấm những người
làm nghề ca ngợi thơ dở thì đất nước được cứu vãn, không còn bị bạn vàng
lừa đảo ôm hôn rồi lén cướp biển, cướp đất, cướp đảo, cướp nước nữa?
Chuyện ông Hữu Thỉnh, chủ tịch nhà văn vừa ca ngợi thơ dở của ông Trần
Gia Thái (ông Hữu Thỉnh còn ca ngợi thơ dở của ông Hồng Vinh, ông GS. Hà
Minh Đức) tai hại cho văn học, cho văn hóa nước nhà xiết bao. Chuyện
ông tiến sĩ nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cũng mượn báo “An Ninh thế giới” mà ca
ngợi thơ dở của ông tổng giám độc đài phát thanh & truyền hình Hà
Nội Trần Gia Thái là hay lắm lắm, làm công chúng trẻ bị mê lầm, toàn đi
tìm thơ dở thưởng thức thì có phải là tiêu diệt mỹ cảm văn chương không
nào?
Việc quốc hội cần có một đạo luật cấm quách việc đưa thơ dở tràn lan
vào sách giáo khoa để học, cấm quách việc khen thơ dở tràn lan trên
truyền hình, cấm quách việc dạy và quảng bá thơ dở tràn lan trên báo chí
là phương cách cứu nước hữu hiệu đó sao? Vỗ tay!
Một năm, đài truyền hình quốc gia và hàng mấy chục đài truyền hình
trong cả nước đưa lên truyền hình ca ngợi ít nhất một trăm ông bà chuyên
làm thơ dở, ca ngợi các tập thơ dở, hại cho ngân sách cả nghìn tỉ đồng.
Việc mất tiền vào việc đi ca ngợi thơ dở trên truyền hình, trên báo đài
là vô cùng to lớn, nhưng việc làm mất mỹ cảm thi ca của lớp trẻ thì còn
tai hại khôn lường. Cứ nhìn vào sách giáo khoa văn học xem, hầu hết các
bài thơ được dạy cho học sinh học chẳng là những bài thơ dở hay sao?
Tai hại lắm, tai hại lắm. Nên việc quốc hội ra một bộ luật cấm học thơ
dở, cấm tuyên truyền, cấm quảng cáo thơ dở thì Trần Mạnh Hảo tôi không
chỉ có vỗ tay, mà còn vỗ cả chân nữa.
Nhưng thế nào là thơ hay, thế nào là thơ dở thì rồi đây chắc quốc hội
sẽ cho ra một bộ luật khác quy định thơ hay là thế nào, thơ dở là thế
nào, ông nào được làm thơ tự do, bà nào được làm thơ ngũ ngôn, cụ nào
được mần lục bát…đưa ra thảo luận để những ông nghị loa phường …tha hồ
lên truyền hình phản biện, để dân quên đi việc đòi hỏi cần có bộ luật về
biển đảo, cần có bộ luật về thế nào là giặc, thế nào là bạn, không được
coi giặc là bạn… chẳng hạn.
Có thể, các dân biểu trăm công nghìn việc, vừa một mình
kiêm lập pháp, kiêm hành pháp, kiêm tư pháp, vừa đá bóng vừa thổi còi
mệt quá, nên thường xuyên ngủ gật khi đăng đàn quốc hội, cần có một bộ
luật rất vui nhộn là luật nhà thơ, luật thư viện mang ra bàn để làm
thuốc chống buồn ngủ thì cũng là hữu ích cho quốc gia đại sự lắm chứ
sao?
Có thể, các vị dân biểu thấy hiện nay các cán bộ cao cấp về hưu, phát
biểu toàn có trái chiều với lề phải, ví như các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn
Văn An, Trần Phương, Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Trọng Vĩnh, Dương Danh Dy,
Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng, Trần Nhơn…
Các bố hưu trí, rỗi việc bèn nói toẹt ra sự thật, nói toẹt ra mọi thứ
làm dân nó thích như chim chích, rất nguy cho an ninh quốc gia cần phải
giấu diếm sự thật mới làm chánh trị được. Quốc hội được đảng rỉ tai:
phải có luật cấm các cán bộ cao cấp về hưu làm thơ, in thơ, không thì
tai hại cho đảng lắm. Mà quốc hội thì đảng bảo sao làm vậy; vì quốc hội
là đày tớ của nhân dân, mà nhân dân thì lại làm đày tớ (xin lỗi, chịu sự
lãnh đạo) của đảng. Ví như thơ của nguyên thứ trưởng bộ nông nghiệp
Trần Nhơn toàn đả kích vào chủ nghĩa Mác - Lê, toàn nói xấu đảng, thì
đảng không thể chịu nổi, mà bắt ông này thì không được, vậy nên chỉ cần
luật cấm các bố này làm thơ là thượng sách…
Chưa nói đến bọn làm thơ diễn biến hòa bình (trong khi bạn vàng Trung
Quốc bốn tốt, mười sáu chữ vàng thì đang diễn biến chiến tranh) thi ca
là món rất phức tạp, rất khó lãnh đạo. Vậy nên quốc hội có luật cấm làm
thơ, theo lời khuyên của Platon bỏ ra nghìn tỉ đồng cho tất cả mấy trăm
nhà thơ của hội nhà văn Việt Nam được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh
hết ráo đi, rồi cấm chúng làm thơ ca hò vè rách việc cho yên chuyện,
cũng là thượng sách, chứ sao?
Nhân việc quốc hội bàn về luật nhà thơ, luật thư viện, chúng tôi cũng
xin gợi ý quốc hội nên có luật về nhà văn, luật về họa sĩ, luật điện
ảnh, luật múa, luật nhiếp ảnh, luật sân khấu, luật ca nhạc, luật chim
hót, luật mây bay gió thổi không theo định hướng xã hội chủ nghĩa mới
yên bề mà trị dân được.
Thưa quốc hội, việc bảo vệ tình nhân, bảo vệ các ông chồng bị hành
hung trong việc chăn gối theo chúng tôi là việc rất hệ trọng, cần được
bộ luật của quốc hội bảo vệ. Vì luật pháp sinh ra là để bảo vệ người
dân. Hiện nay, cái ác đã lấn vào cả tình yêu, cái ác đã xuất hiện cả khi
các cặp tình nhân hôn nhau hoặc cả khi ân ái.
Ngày xưa, tên Juda bán Chúa đã dùng nụ hôn chỉ điểm cho quân dữ bắt
Chúa Jesus: ta hôn ai thì các người bắt kẻ đó nha. Hiện nay, có những
loài quỷ dữ son phấn giả làm người đẹp mê hồn, mượn cái hôn để cắn đứt
lưỡi tình nhân. Vậy quốc hội có cần ra một đạo luật nghiêm khắc: CẤM HÔN
LƯỠI để bảo vệ cái lưỡi cho công dân của nền cộng hòa được yên lành mà
nói lên sự vui mừng được sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa, có
phải thậm hay không?
Hiện nay, việc các bà vợ (hoặc tình nhân) ghen tuông cắt mất chim các
ông chồng đang là chuyện phổ biến, một vấn nạn quốc gia, gây ra sự
khiếp hãi cho đàn ông khi vào việc chăn gối. Mà như các vị quốc hội biết
đấy, khi vào chuyện ái ân hạnh phúc kia mà đàn ông lo sợ bị mất của
qúy, thì chúng tôi xin cam đoan với quốc hội là trăm phần trăm trên bảo
dưới không nghe. Nếu cánh đàn ông khi vào cuộc chăn gối mà trên bảo dưới
không nghe vì sợ vợ làm liều, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong dân tộc,
thưa quốc hội. Việc này dễ gây ra diệt chủng lắm, thưa các vị dân biểu
đáng kính.
Nên chúng tôi xin kiến nghị lên quốc hội hãy thương xót nhân dân mà
cho ra một đạo luật cấm vợ hay tình nhân cắt đứt chim chồng vì ghen
tuông, lấy tên rất dễ hiểu là LUẬT CẤM CẮT CHIM thì có phải là nhân đạo
vô cùng, là cứu nguy dân tộc, là mở đường hiếu sinh cho các thế hệ tương
lai, hơn là đưa ra đạo luật nhà thơ rất vui nhộn ra bàn, bị ông nghị
Trần Du Lịch chê là ấm ớ hay không?
Sài Gòn ngày 03-11-2011
T.M.H.