Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Thư ngỏ từ Thái Thùy Linh

Gửi những người quen và có thể chưa quen

Thái Thùy Linh
Thưa các bạn,
Cách đây 02 tuần, tôi có dịp tham gia cùng đoàn từ thiện của một tờ báo, cùng với các nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà cho các em học sinh dân tộc nội trú trường THCS Nậm Mười, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Chuyến đi đó, thật lòng, lúc đầu có lẽ chỉ đơn thuần là trang trí. Nghĩa là BTC các chương trình thường mời người nổi tiếng tham gia vào các sự kiện cho có cái để viết, để dễ thu hút sự chú ý của độc giả, để dễ mời các nhà hảo tâm khác tham gia, hay đóng góp tiền bạc.
Nhưng chuyến đi đó đã thay đổi đáng kể cuộc sống của tôi.

Những con số tôi biết được sau chuyến đi ngắn ngủi đã ám ảnh tôi từng giờ sau khi về Hà Nội. Tôi không phải là người dễ bày tỏ sự mềm yếu cho người khác biết. Nhưng sự thật là ngay đêm đầu tiên về nhà và nằm ôm con gái, tôi đã khóc. Nghẹn lòng khi nghĩ tới thằng cu Mấy hai tuổi rưỡi ở Nậm Mười, còn chưa bằng tuổi con gái tôi, ngày qua ngày ăn cơm độn sắn và một mình đi bộ 03 km đến trường. Đau lòng khi trẻ con ở Hà Nội, mỗi miếng ăn, mỗi ml sữa uống vào là mỗi niềm vui cho ông bà bố mẹ, trong khi ở vùng cao kia, 70 học sinh học sinh trung học cơ sở, khi tôi hỏi em nào đã từng được uống sữa, thì chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên một cách rụt rè... Mới biết cái quảng cáo gì đó của Vinamilk mà có em Giàng A… mới 10 tuổi mà chỉ cao hơn cây chuối trước nhà, để vận động sữa cho trẻ em toàn cõi Việt Nam, thật là xa vời lắm! 6000đ một hộp sữa tươi, trong khi các em ở Nậm Mười chỉ có 1300đ để mua 02 bữa thức ăn cộng thêm một bữa cháo hành buổi sáng, thì liệu em nào sẽ có tiền mua sữa?
Tôi đã quay trở lại Nậm Mười sau chưa đầy hai tuần. Không phải với tư cách một người nổi tiếng.
Cùng với bốn người em, người bạn là dân nhiếp ảnh, chúng tôi đã có 03 ngày làm việc quần quật theo đúng nghĩa, lấy số liệu, chụp ảnh, ghi hình một cách chân thực nhất thực trạng cuộc sống, sự ĂN và HỌC của các em học sinh bán trú ở Nậm Mười, từ mầm non, tiểu học đến THCS, làm tư liệu chuẩn bị cho một chiến dịch vận động lâu dài mà tôi sẽ trình bày trong ít ngày tới đây.
Nhưng, ngay lúc này, có một sự thật, có một việc cần có phương án giải quyết ngay: 100% học sinh dân tộc tại xã Nậm Mười đang thiếu áo rét.
Không một em học sinh nào mà tôi gặp có đến cái áo rét thứ 02! Chỉ có hai phương án, một là có một cái, hai là không có mà thôi. Và thực trạng này có lẽ là không chỉ Nậm Mười. Tôi đã nhờ các thầy cô giáo làm một cuộc điều tra nho nhỏ tại trường THCS Nậm Mười. Cô giáo ghi lên bảng và học sinh điền vào tờ mà tôi tạm gọi là “điều tra gia cảnh” như sau:
1. Họ và tên:
Lớp:
2. Địa chỉ nhà:
3. Có mấy anh chị em? Mấy người đi học?
4. Bố mẹ làm nghề gì?
5. Có phải ăn cơm độn k? Nếu có thì mấy tháng trong một năm?
6. Bố mẹ đã từng bắt nghỉ học chưa? Vì sao?
7. Nếu được trợ giúp, em muốn được giúp đỡ gì? (đánh số từ 1 – 5 theo nhu cầu nào cần hơn)
a. Đóng góp tiền thức ăn 10.000đ/tuần
b. Góp 03 kg gạo/tuần
c. Không phải vác củi đến trường
d. Mỗi ngày ăn một bữa thịt
e. Có quần áo ấm để mặc
Kết quả:
Trong 187 em học sinh đi học ngày thứ Sáu 04/11/2011 (trên tổng số 246 HS), có 74 em chọn được hỗ trợ “Quần áo ấm” là số 1; 64 em chọn “Tiền ăn” là số 1; 48 em chọn “Gạo” là số 1; 4 em chọn “Củi” là số 1 và chỉ có 01 em duy nhất chọn “Thịt” là số 1.
Từ thực tế những ngày ở Nậm Mười, tiếp xúc với các thầy cô giáo, các em học sinh, vào nhà dân ở các bản, tôi xin phân tích như sau:
- Phần lớn các em đều thiếu quần áo ấm. Đặc biệt là áo len, áo khoác.
- Những em chọn số 1 “Tiền ăn” là những em nhà khó khăn, thường xuyên nợ tiền thức ăn 10.000đ/tuần góp cho nhà trường. (Trường THCS Nậm Mười có 173 học sinh bán trú nhưng hôm tôi có mặt ở Nậm Mười lần đầu tiên, thứ Bảy ngày 22/10/2011, thì nhà trường mới thu được 360.000đ học sinh đóng góp trong tuần đó)
- Những em chọn số 1 “Củi” chắc hẳn là những em nhà quá xa. Tôi đã hỏi thăm một học sinh bất kỳ, em nói nhà cách trường 16km đường rừng, em vừa đi vừa chạy trong 03 tiếng thì đến trường. Thôn xa nhất của Nậm Mười là Khe Trang, cách trường 22km.
- Và chỉ 01 em chọn “thịt” là số 1 mà thôi.
Xin mời các bạn xem thử một vài tờ khai của học sinh mà tôi thu được:
thuylinh_01.jpg
thuylinh_02.jpg
thuylinh_03.jpg
thuylinh_04.jpg
thuylinh_05.jpg
Các bạn mến,
Chỉ chưa đầy hai tuần nữa thôi, Nậm Mười sẽ rét. Và 561 học sinh nơi đây đang cần những áo ấm, những quần dài, những tất, những khăn, những mũ, những thứ đồ cũ trong tủ mà mỗi mùa đông các bạn chưa kịp “giải tán”, hoặc không mặc nữa nhưng vì thấy còn lành lặn nên chưa nỡ vứt đi.
Tôi đang liên hệ mượn kho, và tôi, Thái Thùy Linh, thay mặt cho các em học sinh trên kia, rất cảm kích nếu các bạn có thể bớt chút thời gian, soạn lại quần áo trong nhà mình, vận động những người mà bạn quen biết, gửi tặng quần áo cho 561 học sinh dân tộc các cấp mầm non, tiểu học và THCS tại xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Chúng tôi cần quần áo nam và nữ, đặc biệt là quần áo ấm, từ 2 tuổi đến quần áo người lớn (mặc dù đối tượng trợ giúp chỉ đến học sinh THCS nhưng thà mặc áo rộng mà ấm còn hơn chịu lạnh). Sẽ rất tiết kiệm được thời gian và công sức của các tình nguyện viên nếu quý vị có thể giúp để riêng quần áo cho mầm non, cho tiểu học và quần áo lớn hơn vào các túi khác nhau. Số lượng là không hạn chế vì chỉ riêng ở Yên Bái thôi cũng còn 13 trường bán trú khác khó khăn tương tự, chưa kể các tỉnh miền núi phía Bắc còn đang khó khăn khác. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đi đến những điểm trường tương tự Nậm Mười, sẽ cố gắng bằng cách này hay cách khác, gửi quần áo đến đúng người cần, nhất định không để xảy ra tình trạng quần áo thành giẻ lau xe như đã xảy ra ở miền Trung năm trước.
Trước mắt, vì điều kiện hạn chế, quần áo sẽ được gửi lên Nậm Mười thành từng đợt, qua xe khách của người nhà cô Hường, giáo viên dạy Văn trường THCS Nậm Mười, xe chạy tuyến Mỹ Đình – Nghĩa Lộ. Các thầy cô sẽ tiếp nhận tại Nghĩa Lộ và chở lên Nậm Mười bằng xe máy.
Chúng tôi vô cùng cảm kích nếu nhà hảo tâm nào có điều kiện, tài trợ xe tải hoặc tiền thuê xe tải chở quần áo lên cho các em.
Mọi đóng góp hay quan tâm đến chương trình, xin liên hệ qua các kênh:
1. Face book: Thai Thuy Linh
2. Email: vihocsinhdantocmiennui@gmail.com
Hoặc mang trực tiếp đến địa chỉ:
1. Trong giờ hành chính: Mr Hà Tuấn, tạp chí Làng Việt, tầng 8, số nhà 21, ngõ 27 Đại Cồ Việt
2. Cả ngày: Miss Kim Anh, số nhà B3/1 Khu tập thể nhà máy Pin Văn Điển, ngõ 70 đường Phan Trọng Tuệ (ngã 3 văn Điển nối quốc lộ 1A cũ vào Hà Đông)
Chúng tôi sẽ có đội tình nguyện đi thu gom quần áo bắt đầu từ ngày 14/11/2011, quyết tâm trong tháng 11 các em nhận được quần áo ấm. Công việc rất gấp nên chúng tôi hoan nghênh những bạn nào có thời gian tham gia vào đội tình nguyện, dù chỉ đóng góp vài giờ trong một ngày. Thân ái!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"