Bùi Tín
-
COPWACH đã trở thành một từ quốc tế, rất được thường dùng trên báo chí thế giới. Đây là danh từ được ghép bởi 2 từ Cop và Watch. Watch tiếng Anh có nghĩa là quan sát, theo dõi. Cop là từ thu gọn các từ commissionner of police có nghĩa là nhân viên, cán bộ ngành công an, cảnh sát. Trong từ điển Wikipedia, Copwatch có nghĩa là một tổ chức của công dân, trong xã hội dân sự, tự đặt ra nhiệm vụ theo dõi hoạt động của ngành công an, cảnh sát, mật vụ, nhằm phát hiện, ghi nhận, tố cáo những hành vi bạo hành, phạm pháp, lạm dụng quyền lực.
Copwatch có xuất xứ từ bang California, Hoa Kỳ, sau sự kiện được gọi là sự kiện Rodney King xảy ra ngày 3-3-1991. Hôm ấy anh thanh niên Mỹ gốc da đen 26 tuổi Rodney King lái xe cùng bạn bị một nhóm nhân viên cảnh sát kiểm tra giấy tờ trên đường, anh tỏ ra say rượu, cãi nhau rồi ẩu đả với cảnh sát. Thế là cảnh sát xúm lại đánh đập anh bằng gậy, anh bị thương, nằm lăn trên đường phố.
Đúng lúc ấy anh thanh niên George Holliday từ trên sân thượng nhà mình có sẵn máy quay video ghi được cảnh tượng này. Anh mang đến đài vô tuyến Los Angeles, video được truyền đi rộng rãi, gây nên giận dữ trong cả nước, đặc biệt trong dân cư da đen. Suốt trong 2 ngày đêm, một số thanh niên bị kích động đi đốt phá xe cộ, cửa hàng vùng Nam, Bắc Cali, phản đối hành động của cảnh sát mà họ cho là ăn hiếp dân da màu.
Vụ án được Tòa án Liên bang xét xử, 4 cảnh sát bị truy tố, cuốn video của công dân G. Holliday được coi là chứng cớ có giá trị nhất, ghi rõ cảnh anh Rodney King bị cảnh sát dùng dùi cui đánh 56 lần và đạp 6 lần. Thiếu úy cảnh sát Lauvrence Powell bị kết án 30 tháng tù giam.
Ngay sau vụ án chấn động này, tổ chức CopWatch ra đời khắp các quận ở bang California và sau đó lan sang các bang khác, đến cả thủ đô Washington DC. Ở Pháp và Đức, Copwatch cũng ra đời, trước hết là ở các thị trấn Calais, Lille, Rouen rồi cả thủ đô Paris. Đây là tổ chức của các công dân trẻ, sinh viên ngành luật, các thành viên của nhóm Nhà báo không biên giới, các tổ chức phi chính phủ mong muốn phát triển xã hội công dân. Điều khá lý thú là nhiều công đoàn của cảnh sát Pháp cũng ủng hộ hoạt động của Copwatch do mong muốn cảnh sát không lạm dụng quyền lực, trong sạch, là bạn thật sự của người dân.
Từ khi có tổ chức Copwatch, tình hình tại các nước trên đây đã có chuyển biến trong thái độ của công an, cảnh sát, mật vụ; mối quan hệ giữa cảnh sát, công an và người công dân được cải thiện rõ rệt, thái độ áp chế, bạo hành, quan liêu trịch thượng của một số phần tử xấu trong ngành cảnh sát giảm hẳn. Đồng thời nhiều thanh niên, blogger, nhà báo công dân tham gia thành lập, điều hành các mạng Copwatch, theo dõi bằng máy ảnh, điện thoại cầm tay, băng vidéo, máy quay phim mọi hành động quá trớn, thô bạo của cán bộ, nhân viên công an, cảnh sát, mật vụ, lưu lại thành hồ sơ, ghi rõ hình ảnh, tên tuổi, chức vụ, hành động phi pháp, vô đạo của mỗi người, rồi phổ biến rộng trên truyền đơn, báo chí, truyền hình, internet.
Copwatch là một công cụ chính nghĩa rất có hiệu quả nhanh chóng, rộng lớn, sâu sắc, phục vụ đắc lực xã hội công dân, nhất là ở các nước độc đoán, ở các chế độ cảnh sát trị, công an trị. Ở Tunisia và Ai Cập, Copwatch cũng có tác dụng tố cáo những cảnh sát tham tàn và viên chức thối nát.
Cũng cần nhớ, ở Liên Xô cũ, sau khi đảng CS bị giải thể, chế độ toàn trị CS sụp đổ, một số sỹ quan cảnh sát, công an hối cải đã tự sát do nhận ra những tội ác hại dân của mình trước đó.
Ở Việt Nam xã hội công dân dưới chế độ độc đảng đang lừng lững đi tới.
Nhiều trí thức dân tộc, sinh viên thanh niên yêu nước, nhiều chị em phụ nữ dấn thân cho tự do ngày càng tỏ rõ ý chí kiên cường trong đấu tranh chống nội xâm tham nhũng móc ngoặc với ngoại xâm bành trướng.
Đã đến lúc cần hình thành những mạng lưới năng động Copwatch của Việt Nam, có thể lấy tên là VNCopwatch, hay là Đài Quan sát Copwatch VN, hay cũng có thể gọi tắt là ĐQSCAVN (Đài Quan sát Công an Việt Nam).
Có bạn blogger từ trong nước dự định cùng bạn bè dựng lên mạng, blog có tên là “Dân có tai, Trời có mắt” để sưu tầm, lưu giữ thành hồ sơ, hình ảnh, phổ biến mọi điều tai nghe mắt thấy, về tội tham nhũng, bạo hành của mọi viên chức cầm quyền từ trên cao đến cơ sở.
Trong hồ sơ nói trên chắc chắn sẽ lưu ảnh, tài liệu về công an viên Minh đạp giày vào mặt anh thanh niên yêu nước, ghi lại hình, lý lịch của công an viên Hà nội bạo hành với 2 mẹ con bà Trần Thị Hường từ Đức về tham gia biểu tình yêu nước, truy cho ra chuyện anh bloger Điếu Cày bị cụt tay trong trại tù của công an, tìm cho ra kẻ tội phạm đã bắt cóc chị Bùi Thị Minh Hằng mới đây nhất. Trong ĐQSCAVN – thí dụ như thế – sẽ không bỏ qua sự việc Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang mới nhận chức đã có 2 lý lịch khác nhau, chênh lệch 6 năm về ngày sinh, bằng cấp không minh bạch, cũng như chuyện xấu xa về 2 bao cao su đã dùng được công an bới nhặt trong thùng rác để buộc tội nhà trí thức Cù Huy Hà Vũ.
Sau khi thí nghiệm mạng Copwatch ở Việt Nam, xã hội dân sự thông minh bén nhậy sẽ có thể dựng lên tiếp một đài quan sát thứ hai, nhằm phát hiện, tố cáo, vạch mặt rộng rãi các tham quan ô lại hiện tại, những “đàn sâu” như ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định, những nhân vật của văn học dân gian: “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan – quan CS”. Đài quan sát và giám sát như thế là công cụ sắc bén của xã hội dân sự, sẽ làm cho bọn tham quan ô lại phải chùn tay, nể sợ.
Có thể đặt tên cho đài như thế là Đài Quan sát Tham Ô – chắc chắn sẽ rât sôi nổi, được toàn dân lương thiện nhiệt liệt hưởng ứng.
Bùi Tín