Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Sửa đổi Hiến pháp: đừng nên chơi chữ, nên thay đổi cơ chế

Nguyễn Phúc Hiếu

Nhân dịp sửa đổi hiến pháp, vấn đề chính quyền được công luận đem lên bàn mổ xẻ: chính quyền thuộc Đảng hay nhân dân.
Câu hỏi này sẽ không được đặt ra nếu sau hơn 30 năm hòa bình, đất nước cất cánh, dân tộc thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu.
Nhưng không. Sau 60 năm cầm quyền tuyệt đối, đất nước chẳng những không thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu so với khu vực, mà xã hội lại đang trên đà tuột dốc nhanh chóng về mọi mặt.
Bức tranh xã hội tương phản giữa một thiểu số giàu sụ, không cần giấu diếm, nhờ tham nhũng, ăn cướp tài nguyên đất nước và tuyệt đại đa số sống cầm cự qua ngày.
Các tầng lớp trí thức, các đảng viên, lão thành cách mạng, một số tướng tá về hưu còn tâm huyết liên tục lên tiếng báo động nhưng Đảng và chính quyền vẫn bỏ ngoài tai. Nguy hiểm hơn, những người báo động này có nguy cơ bị loại ra khỏi cái mà chính quyền định nghĩa là "nhân dân" để chuẩn bị đàn áp họ.
Tư tuởng của xã hội ngày nay là: không chấp nhận sự việc chính quyền không phải là của nhân dân.
Bên cạnh đó, Đảng và chính quyền cố bấu víu đến cùng: khẳng định mình chính là nhân dân đây, đồng thời tìm cách định nghĩa lại hai chữ "Nhân dân": nhân dân của giai cấp, tức là của Đảng, và nhân dân ngoài giai cấp.
Hội đồng Lý luận Trung ương vừa được thành lập, nhưng Đại tá Tiến sĩ (!) Nguyễn Văn Quang của Quân Đội Nhân Dân đã bắn phát súng đầu với bài "Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp" đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân của Quân ủy Trung ương ngày 23/10/2011:
"Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định. Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định.
Chính vì lẽ đó, ngay từ Lời nói đầu của bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946) đã xác định rõ danh từ “nhân dân” là những người dân “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa."
và có lời khuyên, cũng là lời dọa:
"Vậy nên có một lời khuyên, các vị "trí thức", "luật sư" kia hãy đọc kỹ và học lại những từ rất cơ bản đó ở “Lời nói đầu” của bản Hiến pháp; đừng cố tình bỏ qua, xuyên tạc và bịa đặt như vậy."
Để độc giả thấy rõ vị Đại tá Tiến sĩ(!) của Quân ủy Trung ương này dựng đứng một cách trơ trẻn như thế nào về Lời nói đầu Hiến pháp 1946, chúng tôi xin trích lại nguyên văn dưới đây. Trong Lời nói đầu không hề có việc định nghĩa từ "Nhân dân" như Đại tá Tiến sĩ (!) Nguyễn Văn Quang nặn ra:
LỜI NÓI ĐẦU:
"Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa.
Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.
Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:
- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại."
Như vậy, để chịu đấm ăn xôi, người ta không từ bỏ một thủ đoạn nào: đe dọa, đàn áp, nói dối, xuyên tạc, bịa chuyện.
Việc Công an Nhân dân bịa chuyện "hai bao cao su" trong phòng khách sạn để bắt Luật sư Cù Huy Hà Vũ đến việc xuyên tạc Lời nói đầu Hiến pháp 1946 của Đại tá Tiến sĩ(!) Nguyễn văn Quang quả là một bước leo thang nguy hiểm. Quân ủy trung ương phải nhìn lại mình trong gương.
Chúng tôi nói thẳng: Xin đừng đùa với chữ và dừng ngay mọi hành động xuyên tạc hiến pháp vì lợi ích riêng. Hãy tạo ra một bản hiến pháp mới cho con người, cho muôn đời, phi chế độ, phi đảng phái và ngưng ngay việc sửa đổi một bản hiến pháp cho đúng khổ một đảng, bất luận đảng nào, vì hiến pháp như thế sẽ không ai tôn trọng, ngay cả cái đảng đã làm ra nó và sẽ bị phỉ nhổ.

 

Hiến pháp như thế nào?

 
Chúng tôi lấy lại nội dung chính của Lời nói đầu Hiến pháp 1946 vẫn còn giá trị vì nó vẫn chưa được thực hiện:
Hiến pháp "phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:
- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại."
Xin đừng đùa với chữ nghĩa bằng cách bôi nhọ từ ngữ Nhân dân. Nhân dân giản dị là tập hợp các sắc tộc chung sống đời đời với nhau trên cùng một mãnh đất hình chữ S, cộng với biển đảo của tổ tiên để lại. Nói khác điều giản dị này chỉ là ngụy biện nhằm che dấu một mưu đồ xấu xa.
Đảng cũng là nhân dân, nhưng nhân dân không phải chỉ là Đảng. Để được nhân dân tôn trọng, Đảng phải thực hiện thành công Lời nói đầu trên đây trích ra từ Hiến pháp 1946.
Nếu chỉ dùng bạo lực để củng cố địa vị độc tôn thì chỉ đạt được sự giàu có chứ không bao giờ đạt được sự tôn trọng của nhân dân. Chế độ nào dựa trên bạo lực thế nào cũng bị chính bạo lực tiêu diệt. Bài học thê thảm của các nhà độc tài đã quá rõ trong quá khứ và nhất là thời gian gần đây.
Nâng thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân.
Nguyễn Phúc Hiếu, Đồng Nai 29/10/11

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"