Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Kịch bản duy tân đất nước"

Nguyễn Phúc Hiếu - Góp ý: Đề nghị của tác giả Nguyễn Trung: "kịch bản duy tân đất nước"



Vài dòng dẫn nhập của tác giả: Tôi viết lên những ý nghĩ này sau khi đã đọc kỹ ba bài viết của tác giả Nguyễn Trung. Ông là một đảng viên kỳ cựu của Đảng và từng là Đại sứ ở Thái Lan. Ông cũng là một trong rất ít người, như Trung tướng Trần Độ, có nhiều tư tưởng mới, và viết hay xuất sắc trong Đảng mà tôi được đọc. Ba bài viết dài hơn 100 trang. Riêng việc tóm lược lại những điều quan trọng nêu lên cũng phải mất 5 trang, vì thế, tôi đành để sau bài viết này như một phần Phụ lục. Trong phần tóm tắt, tôi xin nói trước: không chắc chắn tôi đã tóm được hết ý của tác giả. Tuy nhiên, đến 95% phần tóm lược là trích lại những gì chính tay tác giả viết trong ba bài nói trên. Bạn đọc có thể đọc nguyên bản trên web site viet-studies hoặc trên www. tudoimoi.org
Sở dĩ ba bài viết dài là vì tác giả Nguyễn Trung tâm sự với người đọc dựa trên lý và tình. Tình của ông là đất nước, dân tộc và Đảng mà ông đã suốt đời tận tụy.
Tình trạng Đất nước, Dân tộc và Đảng hiện nay được ông thể hiện qua câu nói của một người bạn của ông, Bác sỹ P. H…, Thành phố Hồ Chí Minh: “Cho dù là người lạc quan nhất bạn cũng cảm thấy bi quan và phẫn nộ khi nhìn chung quanh mình. Phải nhìn nhận rằng tình hình đất nước không khả quan. Biên giới bị kẻ thù xâm lấn. Ngư trường bị kẻ thù chiếm đoạt và kiểm soát. Kinh tế suy thoái. Lòng người ly tán. Cái ác lên ngôi. Đạo đức suy đồi. Hệ thống giáo dục và y tế rối beng. Nhìn chung, nền tảng xã hội bị lung lay đến tận gốc. Tất cả những nét vẽ đó làm cho bức tranh xã hội Việt Nam ảm đạm. Nghèo. Hèn. Câu hỏi là “tại sao”. Tại sao nên nông nỗi này?... Ai cũng có thể tìm cho mình câu trả lời. Có thể nhiều câu trả lời. Nhưng quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đến một câu trả lời đơn giản nhất: Lãnh đạo. Nói chính xác hơn là do lãnh đạo bất tài nên đất nước mới ở trong tình thế nghèo hèn như hôm nay…"
Bài này tôi xin nói thẳng, không rào trước đón sau để không mất thì giờ bạn đọc. Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng vì nói thẳng về sự sụp đổ ở Đông Âu là do các đảng viên chân chính từ chối bảo vệ một đảng thoái hóa, không còn khả năng sửa đổi, mà bị Bộ chính trị "thổi còi" nên "chém vè" (chữ "chém vè" được dùng trong Nam thời chiến tranh để chỉ việc tạm lẩn, tạm tránh chờ sấm sét qua đi). Tôi chỉ là một thường dân nên dù có thổi trăm tiếng còi tôi vẫn nói thẳng.
Ba bài viết đều toát ra một thái độ phải có để canh tân đất nước: thay đổi cách nhìn, thay đổi tư duy.
Trước hết, bản thân tôi có một tư duy cần thay đổi: Khi phải chọn lựa giữa Đất nước và Đảng thì anh chọn bên nào?
Tôi dứt khoát chọn Đất nước.
Có tư duy như thế mới không bị lấn cấn, tránh nhiều sự mâu thuẫn nội tâm. Tư duy này xem ra giản dị mà không dễ: bao nhiêu đảng viên đã quỳ gối xin Đảng thay đổi với cả tấm lòng "Chữ trinh còn một chút này". Có được đâu.
Trong bài "Việt Nam và vấn đề sử dụng người tài trong giai đoạn hiện nay" tác giả Nguyễn Trung đặt câu hỏi: "Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định không thôi làm vua thì sao?". Tác giả không trả lời và chờ đợi bạn đọc.
Tôi xin trả lời phần tôi: "nếu phải xảy ra các “mùa hoa” này nọ, mong sao là với cái giá phải trả rẻ nhất (chứ không phải là rẻ - vì chuyện này không có được) cho đất nước, cho dân tộc" và tôi sẽ đứng về phía dân tộc khi họ quyết định đứng lên làm một mùa hoa, bất luận là hoa lan, hoa nhài, hoa súng...vì không còn chọn lựa nào khác. Dân chủ là một quá trình xây dựng dài hạn. Nhưng để khởi đầu nó phải đập phá vật cản.
Nhân dân ta có ai muốn gian khổ đâu, nhưng vì phải đối mặt với một kẻ thù quá gian ác mà hàng hàng lớp lớp thanh niên phải "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu" và chết chóc, rồi nào là vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến. Đó là sự đập đổ một lực cản để thoát khỏi ách thực dân.
Hiểu được như vậy tôi tự thấy thanh thản vì tôi đã thay đổi được cách nhìn: cách nhìn cơ bản trong chọn lựa giữa Đất nước và Đảng này sẽ dẫn đến nhiều cách nhìn mới khác như tác giả Nguyễn Trung đã nói.
Suy nghĩ về thực hiện "kịch bản duy tân đất nước" từ "chỗ đứng hiện tại".
Phải nói ngay rằng tôi đồng ý hoàn toàn với tác giả về "kịch bản duy tân đất nước" từ "chỗ đứng hiện tại" vì hiện nay chưa thấy con đường khả thi mà tiết kiệm được từ của cải đến xương máu. Tuy nhiên tôi có đề nghị cách thực hiện khác với tác giả và sẽ trình bày trong bài viết này.
Trong phần thay lời kết của bài 3 tác giả viết:"Tôi hỏi mười đảng viên là bạn thân ở tuổi tôi và lớn hơn, tuổi đảng phần đông là nhiều hơn, cuộc sống cũng từng trải hơn tôi, thì cả mười người đều thấy phải đổi mới xây dựng Đảng trở thành Đảng của dân tộc, phải tiến hành cải cách thể chế chính trị, đại thể như đã trình bày trong 3 bài viết này. Lẽ phải là như vậy. (chú thích của người viết: để có thể bắt đầu "kịch bản duy tân đất nước")
Tuy nhiên phải có đến bảy, tám người nói với tôi là không làm được:
- Quyền lực và nhóm lợi ích không cho làm.
- Giao cho lực lượng chính trị mạnh nhất này đang lũng đoạn đất nước mọi mặt nhiệm vụ cải cách như thế là ảo tưởng đến ngây thơ và phiêu lưu quá!..
- Di sản văn hóa 35 năm thời bình của chế độ ta nặng nề quá, làm sao vượt qua được?!..
- Cuộc cải cách phải làm lớn quá, giới cầm quyền hiện nay, trí thức và trình độ dân trí nước nhà đều chưa kham nổi!
- Chưa có cách gì vượt qua được nỗi sợ trong mỗi người…
- Mọi điều viết ra trong 3 bài của anh chỉ nói lên được là tình hình đã quá muộn để nghĩ đến cải cách!"
Nếu tôi được hỏi, tôi sẽ nói ngay với tác giả Nguyễn Trung rằng: "kịch bản duy tân đất nước" có thể làm được nếu...
Tôi sẽ bộc bạch chữ "Nếu" ở phần cuối bài viết này, nhưng trước tiên tôi muốn nói rằng bảy, tám người bạn của Nguyễn Trung nói không sai chút nào chỉ vì Nguyễn Trung đã sai khi nói:
"Tôi nghĩ đến Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) là người và cũng là pháp nhân thích hợp nhất trong chế độ chính trị và tình hình pháp lý hiện nay của đất nước. MTTQVN có đầy đủ năng lực và chính danh đứng ra vận động trí tuệ và tâm huyết cả nước xây dựng và thực hiện một phong trào duy tân như thế. Có thể gắn sự vận động này với những vận động tham gia thiết thực của toàn dân chung tay tháo gỡ những khó khăn và sớm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế"
Giao "kịch bản duy tân đất nước" cho MTTQVN thực hiện thì cũng như giao trứng cho ác, giao cho ăn trộm giữ nhà. Tôi nói không ngoa vì nhiều lẽ:
- Có bao giờ báo Đại Đoàn Kết của MTTQVN đăng bài của tác giả Nguyễn Trung chưa? Tôi khẳng định là chưa vì bài của Nguyễn Trung đi theo "lề trái". (ý nói không phải những gì chính quyền cho phép nói)
- Cái đuôi có bao giờ vẫy được cái đầu chưa? (xem bài Viễn Tưởng 2). Tôi khẳng định là chưa.
- MTTQVN là nơi thực hiện chính sách Đại Đoàn Kết "song ngay trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI cũng chỉ nêu lên đơn giản đại đoàn kết là đường lối chiến lược và diễn giải nội dung rất công thức, song phần đánh giá thực hiện chỉ nêu “dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ.., …chưa được thể chế đầy đủ thành pháp luật, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc…” (xem bài Viễn Tưởng 2). Lãnh đạo MTTQVN cũng là lãnh đạo Đảng. Nếu Đảng không chịu "kịch bản duy tân đất nước" thì làm sao trông cậy vào MTTQVN. Muốn Mặt Trận trật đường rầy sao? Họ chỉ đi "lề phải" thôi mà!
- MTTQVN chỉ là "Mặt trận khẩu hiệu, Mặt trận biểu ngữ". Trong đó lãnh đạo Đảng nắm vai trò và vị trí quyết định. Các trí thức tài giỏi, có lòng với dân tộc như Phan Đình Diệu, Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, ... chỉ được lợi dụng làm vì, cây kiểng. Tôi đau đớn phải nói sự thật và xin lỗi các vị này.
- Tôi còn nhớ rất rõ, cuối đời Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, một thời là Tổng thư ký MTTQVN, một đảng viên cao cấp giấu mặt của Đảng (cho đến khi ông qua đời vì tai biến mạch máu não), đã nói thật với tôi về cái kiềng ba chân: Đảng, Chính Phủ, Nhân dân. Trong đó hai chân chỉ có nhiệm vụ cho chân thứ ba đứng vững!
Xin lỗi tác giả Nguyễn Trung, tôi không chờ đợi gì ở MTTQVN. Tôi không ảo tưởng.
Nếu phải có tác nhân thực hiện "kịch bản duy tân đất nước" thì không ai khác hơn là Đảng, nếu...
Từ các đại hội 10 rồi 11, tác giả Nguyễn Trung đã góp ý hết lòng hết dạ cho Đảng. Từ "Thời cơ vàng, Hiểm họa đen" ... và bây giờ là ba bài rất tâm huyết, liệu Đảng có nghe không? Đảng cũng sẽ không nghe. Tôi khẳng định như vậy vì nhiều lí do, trong đó có:
- Những góp ý của trí thức các cấp, của lão thành cách mạng, của các tướng tá quân đội, ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gần đây nhất là bản "Kiến nghị" của một số trí thức có lọt vào tai Đảng đâu.
- Góp ý của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng bị xếp xó.
- Góp ý của các trí thức trong nhóm gọi là Bô Xít cũng chung số phận.
- Thư gửi Bộ ngoại giao của một số trí thức, trong đó có ông Nguyên Ngọc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng không ai thèm trả lời.
- Ngay câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Phải để cho người dân mở mồm ra nói!” Đảng có thực hiện đâu. Đảng nắm chặt đài phát thanh, đài truyền hình, gần 700 tờ báo, báo điện tử.
Nói chung, Đảng chẳng những không đếm xỉa mà không thèm trả lời cho ai cả. Thực tế là như vậy, đừng ảo tưởng.
Vì lẽ đó mà đến bảy tám/trên mười người bạn của ông Nguyễn Trung lắc đầu với việc thực hiện "kịch bản duy tân đất nước".
Tôi rất mừng khi biết tác giả Nguyễn Trung vẫn kiên định dù bạn bè gần nhất của ông không tin là Đảng sẽ nghe.
Bắt đầu của mọi bắt đầu là phải đổi mới tư duy: nếu phải chọn giữa Đảng và Đất nước thì hãy dứt khoát chọn Đất nước.
Đảng chỉ là phương tiện, khi phương tiện trở thành vật cản thì hãy vượt qua nó. Nói dễ nhưng làm không dễ, tôi hiểu. Chỉ còn trông đợi vào ý chí.
Trần Thủ Độ: "kịch bản duy tân đất nước" có thể thực hiện được.
(Trần Thủ Độ là tác nhân của sự chuyển tiếp triều Lý sang triều Trần một cách nhẹ nhàng. Triều Lý đến hồi suy sụp nhờ có một Trần Thủ Độ nên triều Trần được mở ra đem lại vẻ vang cho đất nước.)
Tôi xin được nói thẳng: đừng chờ đợi ai khác, hãy tự nắm lấy vận mệnh của mình. Đã nói với Đảng rồi, không xin, không chờ đợi gì nữa. Chúng ta hãy tự bắt tay vào việc.
Bây giờ chỉ tính riêng trí thức đòi thay đổi đất nước, không thể đếm xuể. Các vị đã can đảm lên tiếng nói rồi, xin hãy dấn thân thêm một bước nữa bằng cách "tụ tập nhau".
Xin nói ngay: không phải tụ tập theo kiểu đông người trên đường phố, trong nhà hàng, để bị chính quyền đàn áp.
Chúng ta cứ ở nhà và tụ tập nhau trên "mạng".
Những ai đồng ý phải có "kịch bản duy tân đất nước" xin giơ tay lên. Chúng ta sẽ tụ tập nhau trên ý thức. Cụ thể chúng ta có thể cùng nhau tạo nên một "mạng" để nói với nhau, nói với người dân "kịch bản duy tân đất nước". Chúng ta tụ tập nhau trên "mạng". Đường phố chính quyền chiếm, "mạng" là của chúng ta.
Ai cũng có thể có tiếng nói trên "mạng" này, chúng ta sẽ kêu gọi tất cả các "mạng", blogger hiện có nếu đồng ý thì cùng liên kết lại, cùng chúng ta tán phát những suy nghĩ về "kịch bản duy tân đất nước".
Chúng ta sẽ kêu gọi mọi người tham gia vào "cuộc chơi" này. Từ từ "mạng" này sẽ qui tụ được dân chúng tham gia. Nếu tạo được "mạng" này, chúng ta sẽ có nhiều hình thức lên tiếng nói độc đáo. Chúng ta chỉ cần nói cho nhau nghe, chỉ cần nói cho đồng bào nghe.
Đảng có nghe hay không là chuyện của Đảng. Chúng ta nói cho dân.
Làm như thế chúng ta tránh tụ tập đông người trên đường phố bị chiếm. Đường phố "mạng" là của chúng ta, không ai có thể cấm được, từ đó không thiếu gì ý kiến hành động khác sẽ đến.
Chúng ta sẽ không bàn đến hoa lan, hoa nhài... vì đó là việc của dân. Nâng thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân.
Làm được như vậy, làm Trần Thủ Độ tập thể, áp lực sẽ càng ngày càng tăng, tạo điều kiện cho một Trần Thủ Độ cá nhân xuất hiện trong Đảng, trong quân đội.
Tôi đã sẵn sàng. Quí vị nghĩ sao?
Nguyễn Phúc Hiếu, Đồng Nai 21/11/2011
___________________________

Phụ lục

Những ý chính trong 3 bài viết của tác giả:
Bài 1: Đất nước đang đứng trước bước ngoặt mới bất khả kháng như một định mệnh
Bài 2 "Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước. Hay là ảo tưởng?"
Bài 3: Đảng Cộng Sản Việt Nam phải giành lại vai trò lãnh đạo bị đánh mất - hay là Hoang tưởng?
Trong bài 1: "Đất nước đang đứng trước bước ngoặt mới bất khả kháng như một định mệnh" tác giả phân tích tương quan lực lượng trên thế giới hiện nay, tập trung vào phân tích thái độ của Trung Quốc.
Một vài điều quan trọng dưới đây có thể tóm lược quan điểm của tác giả:
* Thế giới đang đi vào một thời kỳ khủng hoảng kinh tế - chính trị mới. Sự phục hồi của kinh tế thế giới đòi hỏi phải có sự hợp tác và phát triển năng động của Trung Quốc nói riêng và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Cho nên gạt bỏ Trung không được, nhưng kéo Trung Quốc vào cuộc chơi “win-win” không dễ. Hiện tại và trong một vài thập kỷ tới Trung Quốc vẫn còn là nền kinh tế năng động nhất thế giới với nhiều hệ quả đáng lo ngại cho chính bản thân Trung Quốc và cho cả thế giới.
* Điều chắc chắn là xu thế tiến bộ trên thế giới – kể cả ở Trung Quốc – vì hòa bình, dân chủ, quyền con người và thân thiện với môi trường dù lúc thăng lúc trầm như thế nào nhưng trước sau vẫn là xu thế không thể đảo ngược. Đó chính là xu thế chung của thế giới hiện nay. Cuộc ganh đua Mỹ - Trung có những mặt đang trở thành cuộc ganh đua giữa tiến bộ và phản tiến bộ trên thế giới.
* Trung Quốc ngày càng có nhiều hoạt động uy hiếp hay đụng độ quân sự trực tiếp tầu thuyền nhiều quốc tịch khác nhau. Hiện nay Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện chiến thuật bẻ từng cái đũa của bó đũa đối với các nước ASEAN trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc có những đồng minh vô cùng lợi hại cho thực thi quyền lực mềm của mình: đó là nạn tham nhũng ở bất kỳ quốc gia nào, tính toàn trị của các chế độ độc tài, các chế độ diệt chủng ở châu Phi, chế độ theo đuổi chính sách vũ trang hạt nhân, các chế độ dân túy chống lại dân chủ và nhân quyền nhưng có xu hướng bài Mỹ, bài phương Tây, vân vân…
* Nhiều quốc gia cảm nhận được thách thức ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc, do đó có xu hướng cùng nhau đối phó với động thái của Trung Quốc ở khắp nơi (đặc biệt là trong quan hệ kinh tế và trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông).
* Dù có muốn Trung Quốc không thể có khả năng áp đảo – kể cả bằng chiến tranh – và quay ngược xu thế tiến bộ của thế giới.
Nhưng đánh úp cục bộ - một dạng “chụp giựt bằng vũ trang” theo kiểu tạo ra “sự việc đã rồi”, gây đụng độ cho những mục tiêu riêng lẻ… Trung Quốc đã làm nhiều lần rồi – đối với Việt Nam và một vài nước khác –, và sắp tới Trung Quốc còn có thể tiếp tục làm được như thế. Quyền lực mềm và gặm nhấm là mối nguy thường trực đối với nước ta. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định ngay, nếu Trung Quốc định lặp lại chiến tranh tháng 2-1979 dù là trên đất liền hay trên Biển Đông, kết cục sẽ không thay đổi như đã diễn ra, tương quan lực lượng ngày nay càng cho phép kết luận như vậy.
* Mỹ đã nhận thức những điều nói trên và đối phó bằng cách chuyển trọng tâm vào khu vực châu Á đang bị Trung Quốc lấn sân. Bố trí lại lực lượng quân sự chiến lược và tăng cường các mối liên minh và hợp tác quân sự hướng về châu Á…
Trước tình hình thế giới như thế, nước ta đã có những lựa chọn "sai lầm khiến cho nhà cầm quyền cùng một lúc phải đối phó trên 3 mặt trận: (1) sự phản kháng của nhân dân ta trước hành động ngang ngược của Trung Quốc (cách xử sự như vừa qua của chính quyền mặc nhiên khiến cho chính quyền bị coi là không đứng về phía yêu nước), (2) sự lợi dụng để chia rẽ nhân dân và kích động tâm lý chống chính quyền được thực hiện từ phía các lực lượng không tán thành và muốn lật đổ chế độ nước ta, (3) sự lợi dụng để chia rẽ đất nước ta mọi mặt tạo ra tình thế đục nước béo cò rất nguy hiểm được thực hiện từ phía Trung Quốc."
"Giữ mặt trận Biển Đông, bắt đầu từ giữ dân. Mất mặt trận Biển Đông đồng nghĩa với mất chế độ này."
Trong bài 2 "Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước. Hay là ảo tưởng?" tác giả mượn lời một người bạn để nói lên rất súc tích tai vạ của đất nước hiện nay nêu đích danh thủ phạm: Lãnh Đạo. Tác giả đề nghị một "kịch bản duy tân đất nước" từ "chỗ đứng hiện tại";
"Bác sỹ P. H…, Thành phố Hồ Chí Minh, mổ xẻ: “Cho dù là người lạc quan nhất bạn cũng cảm thấy bi quan và phẫn nộ khi nhìn chung quanh mình. Phải nhìn nhận rằng tình hình đất nước không khả quan. Biên giới bị kẻ thù xâm lấn. Ngư trường bị kẻ thù chiếm đoạt và kiểm soát. Kinh tế suy thoái. Lòng người ly tán. Cái ác lên ngôi. Đạo đức suy đồi. Hệ thống giáo dục và y tế rối beng. Nhìn chung, nền tảng xã hội bị lung lay đến tận gốc. Tất cả những nét vẽ đó làm cho bức tranh xã hội Việt Nam ảm đạm. Nghèo. Hèn. Câu hỏi là “tại sao”. Tại sao nên nông nỗi này?... Ai cũng có thể tìm cho mình câu trả lời. Có thể nhiều câu trả lời. Nhưng quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đến một câu trả lời đơn giản nhất. Lãnh đạo. Nói chính xác hơn là do lãnh đạo bất tài nên đất nước mới ở trong tình thế nghèo hèn như hôm nay…"
Từ đó tác giả đưa ra suy tư của mình để mong đất nước thoát ra tình trạng nói trên:
* từ chỗ đứng hiện tại, tìm đường phát triển đi tiếp gọi là "chặng đường tiếp theo", đó là một "kịch bản duy tân đất nước", tiết kiệm hơn mồ hôi xương máu cho dân tộc.
"kịch bản duy tân đất nước" được tác giả đề nghị ra trong bối cảnh: "trong nhiều bài giảng và giáo trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong không ít phát biểu của những lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước… có sự khẳng định dứt khoát như dao chém cột: Việt Nam kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội… Xã hội loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội."
Vì thế, trong giới bạn bè thân thiết của tác giả, họ đánh giá đề nghị nói trên là: "ảo tưởng" hoặc "quỳ xuống cầu xin quyền lực trở thành bồ tát".
Mặc dù tác giả cũng nhận thấy mong ước duy tân hiện tại là ảo tưởng về khả năng thực hiện: "Tôi hiểu chứ. Ngay trong đời sống báo chí hàng ngày hiện nay, một bài báo nho nhỏ, có hơi hướng lề trái một tí, cũng phải chịu tới dăm bảy cú điện thoại, rồi phải rút bỏ. Một IDS bé tí teo cũng phải loại bằng được! Cho đến nay có không biết bao nhiêu kiến nghị đúng đắn của giới trí thức về những vấn đề trọng đại của đất nước bị bỏ ngoài tai… Nói gì đến chuyện duy tân to tát!?.. Vân vân…" nhưng tác giả vẫn kiên định.
Tác giả nêu lên "bài học Trần Thủ Độ": sự chuyển tiếp triều Lý sang triều Trần một cách nhẹ nhàng. Triều Lý đến hồi suy sụp nhờ có một Trần Thủ Độ nên triều Trần được mở ra đem lại vẽ vang cho đất nước. Tác giả mơ tưởng đến một Trần Thủ Độ hoặc một Trần Thủ Độ tập thể sẽ xuất hiện trong Đảng.
Ai là người sẽ khởi xướng kịch bản duy tân đất nước trong khi chờ đợi sự xuất hiện của một Trần Thủ Độ? câu trả lời: Tôi nghĩ đến Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) là người và cũng là pháp nhân thích hợp nhất trong chế độ chính trị và tình hình pháp lý hiện nay của đất nước. MTTQVN có đầy đủ năng lực và chính danh đứng ra vận động trí tuệ và tâm huyết cả nước xây dựng và thực hiện một phong trào duy tân như thế. Có thể gắn sự vận động này với những vận động tham gia thiết thực của toàn dân chung tay tháo gỡ những khó khăn và sớm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế.
Thiết nghĩ nên bắt đầu công việc bằng thay đổi cách nhìn. Thay đổi cách nhìn, sẽ thấy nhiều cái khác, nhiều cái mới.
Trong bài 3: Đảng Cộng Sản Việt Nam phải giành lại vai trò lãnh đạo bị đánh mất - hay là Hoang tưởng? tác giả nói về vai trò và thực trạng hiện nay của Đảng cầm quyền.
Phân tích về tình trạng Đảng cầm quyền:
Hiện nay, Đảng vừa “miễn cưỡng phải đổi mới”, vừa ra sức “cố thủ” trong dinh lũy của ý thức hệ. Hệ quả là chất lượng Đảng sau mỗi Đại hội toàn quốc thấp dần; uy tín, ảnh hưởng và quyền lực lãnh đạo của Đảng giảm sút, càng thúc đẩy xu thế đảng hóa mọi mặt đời sống đất nước để củng cố vị thế của mình. Mặt khác bản thân sự tha hóa và tệ nạn quan liêu tham nhũng trong xã hội cũng thúc đẩy ngày càng mạnh xu thế đảng hóa. Toàn bộ sự vận động này đã từng bước đẩy lùi Đảng từ người lãnh đạo xuống vai trò người trực tiếp nắm toàn diện và tuyệt đối mọi quyền hành đối với đất nước: người cai trị.
Vai trò thực chất của Đảng hiện nay có những đặc điểm sau đây:
Tính chuyên chính, tính thiếu công khai minh bạch, được thực hiện với mục đích bảo đảm quyền lực của Đảng.
Vì đặt yêu cầu bảo đàm vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, nên không quan tâm nuôi dưỡng, phát huy trí tuệ, ý chí, khả năng và quyền năng của từng công dân và của toàn thể nhân dân tham gia vào mọi công việc của đất nước.
Đảng giữ độc quyền chân lý, nhiều khi bưng bít sự thật, đi ngược nguyện vọng của dân, bóp chết nhiều sáng kiến. Trên thực tế và về nhiều phương diện là thực hiện chính sách ngu dân, kể từ trong giáo dục trở đi.
Quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất được đưa ra với mục đích bác bỏ nguyên tắc tam quyền phân lập trong thiết kế bộ máy nhà nước. Nhà nước trên thực tế là bộ máy thừa hành quyền lực Đảng, do đó nhìn về bất kỳ phương diện nào nguyên tắc tam quyền phân lập là không thể.
Trước và sau các Đại hội X và Đại hội XI đã có nhiều ý kiến phân tích sâu sắc sự phát triển nguy hiểm trong Đảng, đã đặt tên cho hiện tượng này là làm vua tâp thể (Nguyễn Văn An). Đây là nguyên nhân cơ bản và sâu xa nhất đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Tác giả cảnh báo dứt khoát: Đảng với tính cách là một tổ chức tiền phong chiến đấu bây giờ đang bị tha hóa biến tướng thành lực lượng chính trị mạnh nhất trong xã hội nước ta hiện nay. Thực tế này trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển mọi mặt của đất nước. Chính vì lẽ này, trong xã hội nước ta đang tích tụ ngày càng nhiều những mâu thuẫn đối kháng, và tới một thời điểm nào đó, có thể tình hình sẽ dẫn đến đổ vỡ nếu không đảo ngược được xu thế tha hóa này. Đây là lời cảnh báo trước hết đối với từng đảng viên: Phải làm tất cả chặn đứng xu thế tha hóa này và phấn đấu đổi mới Đảng trở thành đảng của dân tộc.
Nếu tiếp tục giữ vai trò đảng trị như hiện nay, để tha hóa tiếp, để sớm muộn đến một lúc nào đó cả chế độ và Đảng cùng kết thúc như nhiều bi kịch đẫm máu đã kết thúc ở nhiều quốc gia? Cảnh báo nóng hổi nhất là sự diệt vong đẫm máu của chủ nghĩa xã hội Gaddafi. Cuộc sống đã khẳng định như một quy luật thép: Chỉ có sự phát triển là liên tục, ngoài ra không có một nền độc tài nào dù tàn ác đến mấy có thể tồn tại mãi.
Quan điểm tác giả:
Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, ĐCSVN sẽ quyết định có hay không có, thực hiện được thành công hay thất bại cuộc cải cách sâu rộng và triệt để cần phải có này. Ở nước ta nếu từ thực trạng hiện nay bước thẳng đến chế độ chính trị dân chủ nhiều đảng sẽ dẫn tới thảm kịch đổ vỡ nồi da xáo thịt.
Giao cho Đảng, với tính cách là lực lượng chính trị mạnh nhất trong xã hội hiện nay của nước ta, nhiệm vụ Đảng phải trở thành một đảng lãnh đạo là tìm cái khả dĩ thực hiện nhất và tiết kiệm xương máu nhất. Với điều kiện Đảng được trang bị mới cái đầu não lãnh đạo có khả năng ngăn chặn sức mạnh ấy trở thành sức mạnh để trấn áp, đồng thời biến sức mạnh ấy thành đầu tầu thực hiện cải cách thành công phát huy sức mạnh của dân, với mục đích đưa nước ta trở thành một nước phát triển – một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh –
Trưóc mắt và cấp bách là Đảng phải tiến hành một "quá trình mở đầu" theo các bước: Trước hết là thực hiện dân chủ hóa đời sống mọi mặt của đất nước – bắt đầu từ thực hiện dân chủ trong Đảng, thực hiện công khai minh bạch thực trạng đất nước để làm rõ được mọi vấn đề phải giải quyết. Kết thúc "quá trình mở đầu" này là hoàn thành công việc cải cách triệt để và toàn diện hệ thống chính trị của đất nước, thiết lập được một nhà nước pháp quyền dân chủ vừa có đủ sức thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vừa đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi đặt ra cho một quốc gia văn minh trong thế giới hiện đại.
Trong quá trình mở đầu này, nhất thiết phải phục hồi và tôn vinh mọi giá trị và đạo đức đã bị mai một, nhất là phải chống bằng được bệnh nói dối và mọi sự giả dối – tội lỗi của mọi tội lỗi. Phải dấy lên trong cả nước mọi nỗ lực trau dồi thêm cho toàn xã hội những phẩm chất mới, khả năng và quyền năng của người công dân trong thể chế chính trị dân chủ của một quốc gia văn minh, hun đúc ý chí của dân tộc vì một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, dấn thân cùng với trào lưu tiến bộ của thế giới vì hòa bình, tự do, dân chủ, quyền con người và gìn giữ môi trường.
Thay lời kết, tác giả viết:
Tôi hỏi mười đảng viên là bạn thân ở tuổi tôi và lớn hơn, tuổi đảng phần đông là nhiều hơn, cuộc sống cũng từng trải hơn tôi, thì cả mười người đều thấy phải đổi mới xây dựng Đảng trở thành Đảng của dân tộc, phải tiến hành cải cách thể chế chính trị, đại thể như đã trình bày trong 3 bài viết này. Lẽ phải là như vậy.
Rất nhiều ý tưởng trong 3 bài viết này cũng từ họ mà ra, có nhiều chỗ tôi chỉ là cái loa, cố là cái loa trung thành mà thôi.
Tuy nhiên phải có đến bảy, tám người nói với tôi là không làm được:
- Quyền lực và nhóm lợi ích không cho làm.
- Giao cho lực lượng chính trị mạnh nhất này đang lũng đoạn đất nước mọi mặt nhiệm vụ cải cách như thế là ảo tưởng đến ngây thơ và phiêu lưu quá!..
- Di sản văn hóa 35 năm thời bình của chế độ ta nặng nề quá, làm sao vượt qua được?!..
- Cuộc cải cách phải làm lớn quá, giới cầm quyền hiện nay, trí thức và trình độ dân trí nước nhà đều chưa kham nổi!
- Chưa có cách gì vượt qua được nỗi sợ trong mỗi người…
- Mọi điều viết ra trong 3 bài của anh chỉ nói lên được là tình hình đã quá muộn để nghĩ đến cải cách!"

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"