Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Việt Nam tham gia "Công ước Chống Tra Tấn" của Liên Hiệp Quốc:Trò hề

Dương Hoài Linh
Ngày 7/11/2013 Việt nam bất ngờ tham gia "Công ước chống tra tấn" của Liên Hiệp Quốc sau 26 năm trì hoãn. Hành động này có thể gợi nên một hy vọng chính quyền Việt Nam đã nới lỏng và chấp hành các quy định về quyền con người của các Công ước quốc tế. Ngày 8/8/2014 Thượng nghị sĩ John McCain có vẻ lạc quan khi cho rằng: "Chúng tôi đánh giá cao những tiến bộ gần đây Việt Nam đã thực hiện, bao gồm việc ký Công Ước Chống Tra Tấn và đăng ký sinh hoạt cho nhiều nơi thờ phượng."
Thế nhưng khi nhìn lại các vụ án gần đây sau vụ án Nguyễn Thanh Chấn thì Thượng Nghị Sĩ Mỹ đã bị Việt Nam cho leo cây. Tinh thần "Không, đánh cho có. Có, đánh cho chừa" vẫn được các chiến sĩ an ninh của ta quán triệt một cách sâu sắc. Tất cả nhằm phá án nhanh nhất, hiệu quả nhất bằng các "biện pháp nghiệp vụ" "linh động sáng tạo", đảm bảo chỉ tiêu thi đua "đơn vị tiên tiến" trong toàn ngành. Bất chấp các quy định về quyền con người, bất chấp nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" của tư pháp quốc tế, ngành tư pháp của ta vẫn coi trọng việc bỏ lọt tội phạm hơn việc vi phạm các nguyên tắc điều tra và tố tụng dẫn đến oan sai cho người vô tội.
Hãy thử xem những vụ án oan gần đây:
1/ "Thật oan cho tôi, nhưng nói vô tội thì điều tra viên không nghe. Đại úy Triệu Tuấn Hưng dùng nước đá nhồi bóp vào vùng kín khiến bìu và dương vật co lại như hạt đậu vì lạnh". Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân và đại úy Triệu Tuấn Hưng (nguyên điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố tội Dùng nhục hình.

2/ Ngày 26/3/2014, TAND Tp. Tuy Hòa (Phú Yên) mở phiên tòa xử 5 sĩ quan CA cùng bị truy tố dùng nhục hình đánh chết anh Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982), ngụ tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên), trong khi xét hỏi anh Kiều liên quan đến một vụ trộm. Trong khi đưa anh Kiều từ Công an xã Hòa Đồng về đến công an Tp. Tuy Hòa họ đã lần lượt dùng dùi cui đánh vào đùi, chân anh Kiều. Ban đầu anh Kiều bị còng hai tay phía trước, sau đó bị còng ra sau lưng, rồi còng dính một tay vào ghế dù chưa hề có lệnh bắt. Chị Ngô thị Tuyết, chị ruột của nạn nhận, chia sẻ: “Tui không thể nào quên giây phút đau đớn đến uất nghẹn khi nhìn thấy thi thể em trai mình với nhiều vết thương hiểm độc, trời không dung, đất không tha cho những kẻ côn đồ khoác trên người cái áo CAND.”
3/ Đầu năm 2013, người dân lo ngại hiện tượng “TỰ TỬ” trong đồn CA: “Vào đồn CA là người còn sống, ra kỏi đồn CA thành người đã chết!” Nạn nhân đó là ông Trần Văn Tân (53 tuổi) tử vong tại đồn CA xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương hôm mùng 2 tháng giêng này, mà CA cho là “TỰ TỬ TRONG ĐỒN” sau khi ông bị sa vào tay những người bạn dân, chỉ vì Cty Xi–măng Thành Công mất trộm một tấm tôn. Người vợ đau khổ Lê Thị Ránh của nạn nhân cho biết.
4/ Ngày 13/2/2014, lúc 15 giờ, ông Huỳnh Tấn Du (35 tuổi) phát hiện ông Huỳnh N. (39 tuổi) thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa đang hái trộm tiêu trong rẫy của mình nên bắt trói ông Huỳnh N. và báo công an xã. Đến 17g30 cùng ngày, ông N. bị giải về trụ sở Công an xã Đạo Nghĩa để làm việc. Ba công an xã tên Nguyễn Hữu Tuyến (27 tuổi), Lê văn Tâm (46 tuổi) và Trần Văn Công (38 tuổi), trưởng công an xã Đạo Nghĩa đã thừa nhận với Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Đăk Nông rằng, trong lúc lấy lời khai, vì cho rằng ông Huỳnh N. gian dối trong việc khai nhận hành vi trộm cắp nên họ đã dùng dùi cui, nắm đấm đánh ông N. nhiều lần. Đến khoảng 7g30 tối 13/2, ông N. được cho về nhà và hẹn sáng hôm sau 14/2/2014 sẽ làm việc tiếp, tuy nhiên khoảng 9g sáng 14/2 thì ông N. chết. Đại tá Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc CA tỉnh Đăk Nông cho biết thêm, theo ghi nhận khám nghiệm tử thi có 33 vết thương, vết bầm tím trên cơ thể, trong đó có 9 vết bầm tím trên đầu mặt.
5/ Ngày 19/3/2014, CA P. Tân Đồng đã thông báo cho gia đình chị Hương biết, việc chị chết trong tư thế treo cổ tại Trụ sở Công A P. Tân Đồng, TX. Đồng Xoài (Bình Phước). Nhưng, gia đình chị Hương không tin vào lý do nầy. Theo người nhà nạn nhân, trên cơ thể nạn nhân có nhiều vết bầm nghi do bị đánh. Nạn nhân được xác định là chị Bùi Thị Hương (42 tuồi) quê quán Hải Phòng đã chết.
6/ Tối ngày 16/1/2013, anh Nguyễn Văn Ái (42 tuổi) có lời qua tiếng lại với một đôi nam nữ đèo nhau trên xe máy chạy phía trước không được chuẩn cho lắm. Sau đó, đã xảy ra xô xát giữa 2 bên và dẫn tới anh Ái đã tử vong sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Tờ Lao Động cho biết: “Nam thanh niên và một số người khác đánh anh Ái đến tử vong là chiến sĩ CAND tại thị xã Thái Hòa.” Theo nhận định, lực lượng CAND được bao che dung dưỡng nên rất hung ác. Đánh hay tra tấn người dân đến chết, chỉ cần vu cho nạn nhân tự tử là thoát tội giết người.
7/ Ngày 18/1/2014, khoảng 9g30 sáng, gia đình nhận được điện thoại của CA huyện Thanh Hà, Hải Dương thông báo anh Hải đang bị giam giữ tại trụ sở công an huyện và yêu cầu gia đình mang quần áo và thức ăn lên cho Hải. Tuy nhiên, đến sáng ngày 20/1/2014, gia đình nhận được điện thoại từ công an huyện Thanh Hà thông báo, anh Hải đã chết và yêu cầu người nhà đến làm thủ tục đưa xác về lo mai táng. Con trai nạn nhân bức xúc cho rằng, bố mình bị đánh chết trước khi được đưa đến Bệnh viện Đa Khoa Thanh Hà, Hải Dương. Trên cơ thể bố tôi bị bầm tím nhiều nơi, một bên thái dương bị lõm vào, mặt mũi thì bị sưng tấy, bầm tím.
8/ Trung tá CA Nguyễn Văn Ninh, kẻ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ở bến xe Giáp Bát cuối tháng 2/2011, chỉ bị kết án 4 năm tù trong một phiên xử nhanh. Nguyên do: tài xế xe ôm Phạm Quân Hùng chở ông Trinh Xuân Tùng (53 tuổi) tới bến xe Giáp Bát, Hà Nội bị Trung tá Nguyễn Văn Ninh phạt 150.000 đồng vì “không đội mũ bảo hiểm”. Theo đó, sau khi tranh cãi về số tiền phạt nhiều ít, Trung tá Ninh đã túm cổ anh xe ôm Phạm Quân Hùng. Ông Trịnh Xuân Tùng xông vào gỡ tay Trung tá Ninh thì bị ông Ninh dùng gậy đánh vào đầu, vào cổ. Không những vậy, còn có một số dân phòng nhảy vào đánh hội đồng, khiến ông Trịnh Xuân Tùng gục xuống sau trận mưa đòn. Dù đã nằm bất động, ông vẫn bị còng tay và kéo về còng tiếp ở trụ sở công an phường.
Thế nhưng việc tra tấn nghi can có lẻ vẫn sẽ tiếp diễn,bởi về căn bản các nguyên tắc luật pháp đã không được hiểu đúng:
1/Cần phải có sự tham gia của luật sư nghi can trong tiến trình hỏi cung. Tất cả các lời khai của nghi can nếu không có chữ ký của luật sư đều không có giá trị pháp lý trước tòa.
2/ Việc bắt giữ các nghi phạm không được quá 48 tiếng đồng hồ. Nếu quá thời hạn này mà không tìm được chứng cứ khởi tố phải trả tự do ngay cho nghi phạm.
3/ Những cá nhân sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để bức cung, nhục hình nghi phạm cần phải bị truy tố kịp thời và có khung hình phạt thật nặng. Không thể để xảy ra tình trạng bao che, xử lý nội bộ... khiến quyền con người bị chà đạp.
4/ Nguyên tắc tranh tụng trong tòa án phải được mở rộng. Các chứng cớ pháp lý, nhân chứng... phải được coi trọng hơn các lời cung của bị can. Các chứng cớ ngoại phạm phải được xem xét trước tiên.
5/ Phải hạn chế quyền lực của bộ phận công an xã,công an phường... Đây là lực lượng bảo vệ pháp luật có trình độ văn hóa rất thấp và cũng là lực lượng chủ yếu gây ra những hệ lụy đau lòng cho những người vô tội.
Từ năm đầu 2013, khi Tổ chức Ân xá quốc tế lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam tính từ thời điểm năm 1975 và báo chí “lề trái” quật khởi tính phản biện, cho đến nay có ít nhất 15 cái chết do “tự tử” trong đồn công an bị giới truyền thông phát hiện. Đó là chưa tính đến những vụ án oan sai nổi tiếng trước đó mà theo thống kê, cứ 10 vụ án là có một án oan. Một tỉ lệ đáng xấu hổ của một nền tư pháp lạc hậu. Đã đến lúc không thể chấp nhận những biện pháp nửa vời, những lời kêu gọi chung chung, "sinh mạng phải được bồi thường bằng sinh mạng" "tự do bị tước đoạt oan uổng phải được đền bù bằng chính tự do của những kẻ đi tước đoạt". Có như vậy kỷ cương phép nước mới được giữ vững và việc ký tên vào "công ước chống tra tấn" của Liên Hiệp Quốc mới không bị xem là trò hề.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"