Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Nên làm gì khi hỏa hoạn xảy ra? (phần 1)


Nguyễn Ngọc Già

Dạo này nhiều đám cháy xảy ra rải dọc, thường xuyên hơn từ Bắc chí Nam. Những đám cháy khó hiểu và khó tin do chập điện hay bất cẩn. Thậm chí, có những đám cháy nếu khổ chủ may mắn thoát được thì giấy tờ, tài sản, tiền bạc đều hầu như mất sạch và người nghèo trắng tay với đôi mắt lạc thần trong những ngày trước mắt không biết xoay xở cuộc sống ra sao.

Với tư cách "người từng trải" - những hình ảnh thất thần của người dân trong các vụ cháy gần đây [1], làm người viết bỗng thấy dĩ vãng ùa về bất thình lình như mới hôm nào - khi nghĩ về quá khứ và trước tình hình bất an hiện nay.

Những chia sẻ dưới đây, không nhằm mục đích làm bạn đọc hoang mang, nơm nớp; thay vào đó, như tâm sự kèm những gợi ý cho những ai quan tâm, theo châm ngôn: "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu", nếu chẳng may "bà hỏa"... chợt "ưu ái" ghé thăm !


Chuyện ngày xưa
(!)

Người viết bài cùng gia đình đã ở trong tình cảnh còn khủng khiếp hơn thế, trong "trận Mậu Thân", cách đây 46 năm. Đó là biển lửa kinh hoàng, xuất phát từ chiến tranh chính quy khi "cộng quân" tấn công vào Sài Gòn thời bấy giờ [*].

Chiến tranh chưa bao giờ là chuyện giỡn chơi, nhất là giới trẻ tại các đô thị lớn ngày nay, do "hòa bình" và "yên vui" từ ngày "giải phóng", nên đa số họ khó đủ tâm trạng và thời gian để thấu hiểu, khi đối mặt với sự tàn phá quy mô, khốc liệt, dù là tư cách thường dân, không cần nói đến tâm thức quân nhân hay chính trị gia, trí thức v.v...

Người Sài Gòn bấy giờ, dù sao cũng may mắn, bởi "thân sơ thất sở" trong những ngày loạn lạc, nhưng chính quyền VNCH vẫn không quên bổn phận trước nhân dân bằng chính sách tạm cư với vết tích lịch sử để lại đến nay, còn đó như là chứng nhân một thời [**].

Khi những tiếng nổ kinh hoàng, những đám cháy cuồn cuộn bốc lên cao ngất trời, cũng là lúc tiếng than khóc, gào thét, í ới gọi nhau cùng nỗi giận dữ trong giọng nói ồm oàm của đàn ông, giọng lanh lảnh, the thé vì xúc động và hoảng loạn của đàn bà, những con người túa ra bằng mọi cách, mọi ngã như hàng ngàn... chú chuột ngập tràn trong các hang ổ bị hun bằng ngọn lửa khổng lồ từ "hỏa diệm sơn". Cơ man khói và khói. Khói đen đặc, vây kín và phủ lấp trên mọi ngóc ngách - ngay lập tức. Khói làm sặc sụa, ngộp thở, choáng váng, gây ngã vật ra cho bất kỳ "chú chuột" nào không kịp tháo chạy.

Cứ thế, đủ mọi màu sắc lấp loáng - với tròng con ngươi đờ dẫn - trong đó, màu đỏ từ biển lửa và màu đen từ màn trời là đặc trưng của những thước phim lịch sử nhoay nhoáy hiện về thật ghê rợn, cho đến nay vẫn còn ám ảnh người viết từ hình ảnh lóng cóng, trầy trật, chạy mà chân lạnh ngắt và hầu như mất cảm giác tiếp xúc mặt đất.

Chen lấn. Hốt hoảng. Dẫm đạp nhau. Lôi kéo nhau. Dắt díu nhau. Lúp xúp có; vội vã có; quíu tay quíu chân có;... có tất cả những hình ảnh nào mà bất kỳ ai từng ở trong hoàn cảnh lúc bấy giờ hồi tưởng lại. Không thiếu hình ảnh những em bé nhỏ xíu ngặt nghẽo trên tay bà mẹ, say ngủ bỗng giật mình ngơ ngác. Cùng với tiếng xô ngã xe cộ, bàn ghế, hoặc bất cứ thứ gì đang cản bước chân, tất cả chúng nó hòa lẫn tạo thành một thứ âm thanh đanh, khô, ghê rợn và hoang dã chưa từng có.

Những điều nói trên hợp lại, gây bất tỉnh nhân sự ngay lập tức cho những ai không đủ sức chịu đựng, vì không ngờ thảm họa chụp xuống bất thình lình như cánh tay kinh dị, dài ngoẵng, thâm xì và đầy vuốt nhọn của thần chết vươn ra bất tận và dùng nắm đấm đập thẳng xuống đầu.

Những hình ảnh đó, nó lù lù với ngọn lửa khổng lồ xấn xổ táp, táp và táp vào bất cứ thứ gì nó càn quét qua. Hơn ngàn lần ghê rợn so với phim 3D (bây giờ) mà lần đầu tiên khán giả dễ giật nảy mình khi một ngọn giáo phóng vụt với âm thanh rin rít và lướt xoẹt như cắm phập vào mặt mình.

Thực tế "bà hỏa" kinh khiếp hơn ngàn lần mô tả. Nó gây choáng ngợp, hoàn toàn làm đôi chân người ta bủn rủn như cọng bún và khụy xuống ngay tức thời. Chính thời khắc đó làm cho cái chết càng nhanh chóng biến thành sự thật, trước khi ngọn lửa táp vào thân mình thực sự.

Những cảnh tượng bi thiết, thê thảm và ghê gớm mà bút lực người viết không tài nào diễn tả nổi!

Bản thân người viết lại "may mắn" (!) ở trong khu vực luôn xảy ra biểu tình sau trận Mậu Thân, như nhiều người biết với: LS. Kiều Mộng Thu, Ni sư Huỳnh Liên v.v... một thời. Điều này có nghĩa anh chị em tôi "thường trực" "ăn theo" và quen dần với mùi lựu đạn cay nên trong tủ lạnh luôn thủ sẵn những trái chanh giải độc cùng bao nylon chụp vào đâu khi phía cảnh sát tung ra để giải tán đoàn biểu tình có dấu hiệu trở nên bạo loạn.

Có lẽ ông Trời dun rủi số phận cho người Sài Gòn (trong đó có gia đình tôi) thời bấy giờ như thế, nên dường như tâm lý lúc nào cũng căng thẳng, chực chờ ứng biến. Tâm trạng đó được ngấm ngầm  và vô tình nuôi dưỡng theo phản xạ và bản năng sinh tồn; nó lớn dần theo từng ngày tao loạn, ngày xưa. Nhất là sau trận cháy kinh hoàng - Mậu Thân 1968.

Nên làm gì khi hỏa hoạn xảy ra?

Diễn đạt một phần như trên, có lẽ không đủ lột tả hết những đau thương, vỡ nát và điêu tàn về mọi mặt mà người dân gánh chịu lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, với ký ức non nớt và nhạt nhòa trên 46 năm, tai họa từ "cháy nhà" vẫn ám ảnh một cách tàn nhẫn. Nó bám lấy và ngưng đọng trong một nếp gấp nào đó của não bộ.

Nó vẫn còn đọng lại trong tôi, bởi ấn tượng quá hãi hùng như thế. Việc này không nhằm hù dọa (nhất là đối với các bạn trẻ), mà người viết chỉ muốn nói một điều giản dị nhưng tối quan trọng và trước tiên, buộc tất cả chúng ta cần ghi nhớ: BÌNH TĨNH. Phải thật bình tĩnh khi đối diện với biển lửa.

Muốn vậy, cần phải luôn ghi nhớ tâm thức: CHỦ ĐỘNG. Điều này không có nghĩa, bạn đọc cần "mang vác" mối nguy cơ hỏa hoạn trong đầu, với tâm tư nặng trĩu, bởi như thế có thể làm bạn trở nên bải hoải, rã rời, không còn thiết làm ăn gì cả. Thay vào đó, mỗi người (nếu quan tâm) hãy cùng gia đình lên một kế hoạch, sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, "dân số" trong từng gia đình và đặc biệt, đừng bỏ qua sự tiến bộ của công nghệ thông tin mà ngày xưa không có.

(Còn nữa)


Nguyễn Ngọc Già
________________

[1] http://vnexpress.net/chay-nha/tag-6109-1.html

[*] Ngay đây, có thể nhiều độc giả thắc mắc lập tức với băn khoăn: Tại sao chính gia đình mình lâm vào hoàn cảnh như thế mà ba tôi vẫn một lòng theo CS?. Đó là câu hỏi chính đáng. Tôi không biết diễn tả sao cho tốt hơn về suy nghĩ và tâm trạng của ba tôi (bởi sau này tôi mới biết rõ ba tôi là VC nằm vùng) ngoài hai chữ: Dại - Cuồng. Thật khó thuyết phục??? Nếu độc giả cần kiểm chứng về tính chất "Dại-Cuồng", có thể hỏi ý kiến tác giả Bằng Phong Đặng Văn Âu về con hùm xám Đặng Văn Việt (anh em thúc bá với BPĐVA) để hiểu rõ hơn, tại sao con hùm xám đó dù bị đày ải, trù dập, nhưng khi đề cập đến HCM vẫn "một dạ hai thưa" rất nghiêm cẩn.

Hoặc giả, bất cứ ai thích trêu chọc có thể "ghẹo" ngay: Đỗ Xuân Thọ (ông tiến sĩ toán đòi đốt thẻ đảng, bị xe đụng (khả nghi từ bọn an ninh) gãy giò) sẽ biết ngay hai chữ nói trên, nếu ai đó "dám động" đến "bác Hồ" của ổng; hoặc có thể làm "phép thử" với Hà Văn Thịnh (giảng viên Sử học, cũng bị tai nạn xe cộ (cũng rất khả nghi, do bọn an ninh gây ra), bị hạch sách đủ điều v.v... nhưng ông Thịnh từng bỏ ăn chỉ uống cho quên sầu khi có người "động" đến Hồ Chí Minh) hoặc Lê Hồng Hà chẳng hạn. Tất cả những người này, khi hình ảnh HCM bị động chạm (dù không chửi tục hoặc quá gay gắt) gần như hoàn toàn theo phản xạ như động vào bàn thờ tổ gia đình ngàn đời truyền lại. Chính lý do này mà nhiều người vẫn băn khoăn và khó hiểu, dù họ tỏ ra tỉnh ngộ hơn. Do đó, khái niệm "bị nhồi sọ" có vẻ không thỏa đáng và sát thực khi lý giải tâm lý của những người này???

Đó là những người bị "dập" ... te tua, tôi không đề cập đến những kiểu: Nguyễn Trọng Vĩnh, Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm v.v... vì các ông này đã và đang nhận "lợi ích" CS cướp được của dân, nên không có gì khó hiểu việc họ vẫn bảo vệ đến cùng "chân-lý-tưởng" của họ.

[**] Lúc bấy giờ, sau khi đẩy lui các cuộc tấn công; đứng trước nhiều khu phố bị đốt phá, nhiều chục ngàn người dân mất nhà, chính quyền VNCH nhanh chóng xây tại một số khu vực, một loại nhà, từ những mảnh đất hình chữ nhật khoảng 5.000 m2 - 10.000 m2, 1 trệt 3 lầu mà mỗi tầng khoảng 40 - 60 gian phòng, mỗi gian khoảng 30m2, với vách ngăn bằng gạch (đơn) 4 lỗ, sao cho bảo đảm thời gian ngắn nhất để an sinh cho người dân tức thời.

Cần nhắc lại yếu tố khách quan: kỹ thuật và vật liệu trong xây dựng của hơn 40 năm trước còn khá lạc hậu, nó là một trở ngại lớn khi rút ngắn thời gian hoàn thành.

Với yêu cầu khẩn như thế, từng khoảnh đất lớn của các khu vực trong thành phố, một loại nhà như miêu tả (thô, khô khan và đầy chất dã chiến) mọc lên hàng loạt; không cần mỹ thuật, không có tiện ích gì khác ngoài cầu thang bộ dẫn lên các tầng trên, được thiết kế hợp lý cho đi lại. Mỗi nhà đều có điện nước riêng, một phòng vệ sinh, một khoảnh nhỏ làm bếp, đồng một diện tích (3mx10m). Bà quả phụ Ngụy Văn Thà cũng ở trong loại chung cư này (như nhiều người biết) cho đến sau này giải tỏa vì đã cũ mục với số tiền hỗ trợ không đủ mua mà gần đây, một nhóm người tự nguyện quyên góp tặng thêm cho bà đủ mua một căn hộ mới.

Mỗi tầng như thế là 4 mặt tiền hướng ra bốn hướng, hình chữ nhật, đều tăm tắp, cùng một kiểu cửa sổ cửa cái (hoa văn "lá sách"), một màu sơn, hàng lang bộ (rộng khoảng 2m) dài dằng dặc, giúp cho cư dân có thể đi thông thống và vòng quanh, từ nhà mình ngang qua trước cửa hàng chục nhà hàng xóm.

Những người dân thời đó được báo là ở tạm trong khoảng 5 - 7 năm gì đó (tôi không còn nhớ chính xác) để chờ một chính sách dài hạn, quy củ hơn từ phía chính quyền, sau khi chiến tranh chấm dứt.

Cách thức nhận nhà thông qua "bắt thăm" từ việc khai báo với nhà nước. Gia đình tôi được nhận 3 căn chung cư (vì diện tích nhà bị cháy khá lớn, do gia đình tôi lúc đó, vừa ở vừa kinh doanh), nhưng lẻ mẻ ba khu khác nhau (gần đó) chứ không phải một chỗ liền sát nhau. Thời đó, người dân hầu như rất thật thà, có sao khai vậy. Điều này giải thích cho những độc giả nào băn khoăn với câu hỏi: "rủi có người khai gian thì sao?". Lòng tự trọng và liêm sỉ của dân chúng còn nhiều lắm.

Quá trình ở như thế bắt đầu cho cuộc sống các gia đình "cháy nhà" (từ được dùng vào lúc bấy giờ) từ năm 1970 cho đến (tất nhiên) 1975.

Trong quá trình ở theo kiểu "cha chung không ai khóc", chờ cho đến khi chiến tranh kết thúc, nên tâm lý "ăn nhờ ngủ đậu" từ "hội chứng chiến tranh" lan tràn, làm cho những khu nhà trở nên ồn ã, xô bồ và tạm bợ, nhưng không nhếch nhác như những năm về sau này, bởi một phần do chung cư ngày càng xuống cấp, không tu bổ, kèm theo đó, văn hóa đạo đức càng suy đồi với buôn gian bán lậu, ma túy, đĩ điếm, cướp trộm ngày càng tràn lan v.v... và v.v... nên người ta tránh càng xa chung cư càng tốt (trước khi chung cư trở lại "chốn giang hồ" như là "hiện tượng mới lạ" những năm sau này).

Cũng từ đó, tại SG, tên gọi "Chung Cư" được chính thức biết đến. Vốn dĩ nó không phải là sản phẩm được "đẻ ra" dùng cho mua bán, tìm kiếm lợi nhuận. Chiến tranh đã sinh ra nó.

Vết tích của loại hình nhà này còn in dấu nhiều nơi hiện nay tại Sài Gòn với tên gọi: Chung cư Sư Vạn Hạnh (trước 1975 gọi là c/c Ấn Quang), Chung cư Ngô Gia Tự (trước 1975 gọi là C/c Minh Mạng), Chung cư Nguyễn Kim, Chung cư Nguyễn Thiện Thuật và nhiều khu khác trong nội hạt thành phố, chỉ bao gồm các quận nội thành lúc bấy giờ. Các khu vực Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, lúc đó gần như được xem là khá xa trung tâm, gần với ngoại ô nhiều hơn.

Từ cuộc sống thắc thỏm, bất an do chiến tranh mang lại mà những khu chung cư này không phải là nơi "đất lành chim đậu" như dân Sài Gòn mong muốn thời bấy giờ. Nó đã bị chiến tranh  làm méo mó và nhịp sống người Sài Gòn trở nên vội vã hơn nhiều người tưởng khi bước chân vào chỗ ở mới. Khi nhà cửa tiêu tan hết sau trận chiến, người dân đành tạm chấp nhận một cuộc sống tạm bợ mà người ta nghĩ chỉ là nhất thời.

Tuy nhiên, những người bám trụ lại các chung cư dã chiến như thế, đa số là người lao động bình dân. Những người không chấp nhận lối sống tạm bợ và quá hỗn tạp (hiển nhiên) là người lao động trí óc (rất cần sự yên tĩnh cho công việc), họ quyết "sang tay" căn chung cư được cấp. Những người nhận việc "sang nhượng" một phần là người lao động chân tay, buôn bán nhỏ  và một phần là dân ngoại ô, "dân tản cư" từ các vùng chiến sự của miền Nam khi xưa, người ta dạt về trung tâm Sài Gòn để tránh bớt nguy hiểm đối mặt hàng ngày, nếu có thể.

Khái niệm "chung cư" phản ánh đúng ý nghĩa lúc chiến tranh, vì hầu như các gia đình không hề có được chút không gian riêng tư gì. Dù cho đóng cửa lại (cửa cái và cửa sổ - vật liệu toàn bộ là gỗ thật nhưng không phải gỗ quý, hoa văn một kiểu là kiểu "lá sách" để lấy gió và đối lưu không khí) thì tiếng ồn, rao hàng, đùa giỡn, tán chuyện của các bà nội trợ v.v.. vẫn chói lói vào nhà mình. Có lẽ từ đó, trở thành nỗi ám ảnh cho cuộc sống không còn chút riêng tư gì cả, cho nên nhiều người đã sang tay (trong đó có gia đình tôi) để tự đi tìm một nơi ở mới. Xin nhấn mạnh, hầu hết là sang tay, vì chỉ có giấy cấp nhà của chính quyền VNCH thôi, nhưng chính quyền lúc bấy giờ không hề ngăn cấm người dân chuyển nhượng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"