Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Mái nhà hay tế bào?

Phú Quốc
Chúng ta gọi một cộng đồng gồm những người sống chung có mối quan hệ huyết thống, tình cảm, hôn nhân, nuôi dưỡng, dạy dỗ với nhau bằng một từ ghép Hán Việt rất hay là “Gia Đình” rồi mặc nhiên hiểu nó theo nghĩa đen tức là một ngôi nhà và nhà thì hẳn phải có cột trụ vì thế một vài thành viên sẽ bị đem chân chôn dưới đất để trở thành những cây cột, đứng như trời trồng suốt cả đời để chỉ chống đỡ cái mái nhà. Câu chuyện tôi muốn nói đến là ngoài là nơi chung sống, che chở, đùm bọc cho nhau, cái nhà của Việt Nam dường như luôn có những sợi dây xích vô hình, một đầu xích vào cổ chúng ta, một đầu buộc chặt vào cái nhà, như bàn tay của Phật Tổ trong phim Tây Du Ký của nữ đạo diễn Dương Khiết, dù Tề Thiên có phép thần thông bay xa vạn dặm cũng không bao giờ thoát khỏi bàn tay của ngài.
Chúng ta tự cho rằng mình là những người sống tình cảm bậc nhất thế giới nhưng xem ra thứ tình cảm mà chúng ta tự hào đó có phần đa ích kỷ. Chúng ta buộc và nhốt tất cả, từ những con người trong gia đình cho đến cả tình yêu thương trong chỉ một cái nhà. Cha mẹ người Việt thường cho con của mình tất cả, nhiều người nghĩ rằng suốt quãng đời còn lại của họ sẽ dành hết cho chúng. Vì tất cả của mình đều là của con, nên rất logic khi nghĩ rằng tất cả những gì của con cũng là của họ.

Ngày xưa khi nghề nông còn phụ thuộc rất nhiều vào sức lực, người ta mong con cái mình sẽ trở thành những con trâu có óc người, góp năng lượng của chúng để đảm bảo mảnh ruộng hay đàn bò của gia đình có người chăm nom lúc họ tuổi cao, sức yếu. Có những đứa trẻ không muốn làm ruộng hay ngán mùi phân bò tới cổ cũng không dám bỏ đi vì chúng được sinh ra và lập trình theo kỳ vọng của người lớn. Không làm theo kỳ vọng của cha mẹ là bất hiếu, sẽ bị xã hội đe doạ và lương tâm dày vò, chuyện kể rằng có một chàng thanh niên ở miền bắc Cao Ly dám cả gan bỏ nhà trốn xuống miền nam mặc cho người cha già năn nỉ ỷ ôi để rồi giờ đây cả thế giới ai cũng biết đến một thương hiệu từ Hàn Quốc tên là Huyndai. Đến chuyện dựng vợ gã chồng cũng vậy, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “áo mặc sao qua khỏi đầu” họ tự cho mình cái quyền buộc con cái của họ yêu ai, kết hôn với ai dưới mỹ từ chỉ vì “muốn tốt cho con”, nhưng thật ra ít nhiều đều vì vụ lợi cả. Chắc ai cũng nhớ chuyện cổ tích Sọ Dừa, ông phú hộ vì muốn chàng trai dốc hết sức lực làm việc, mà hứa rằng sẽ gả cô con gái của mình cho anh chàng chỉ có cái sọ và thân hình chỉ to bằng trái dừa?! Trong sách sử cũng có ghi, vua Trần Nhân Tông (lúc đó đã xuất gia) một lần sang Chăm Pa chơi đã hứa đem con gái của mình là công chúa Huyền Trân gả cho vua Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Rý (nay là Thừa Thiên Huế và phía nam tỉnh Quảng Trị) ít lâu sau thì Chế Mân băng hà, theo tục của Chiêm Thành hoàng hậu phải bị hoả thiêu để tiếp tục hầu hạ chồng ở thề giới bên kia, lúc đó triều đình nhà Trần mới tá hoả sai Trần Khắc Chung sang cứu công chúa về. Hẳn người Việt đã từng xem con cái như một món hàng, có thể mua bán, đổi chác và sử dụng với mục đích riêng của mình mà chẳng cần nghỉ ngợi gì nhiều đến cảm giác của chúng.
Vì bị buộc chặt và gắng liền với mái nhà, nên chúng ta cũng phải quanh quẫn chung quanh nó, rất ít câu ca dao, tục ngữ khuyến khích con cái “thoát ly” khỏi tổ ấm như câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” hay câu “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”. Sau mười tám năm ăn dầm nằm dề cực chẳng đã họ mới để con cái tạm xa nhà đi học. Nhưng không phải muốn học gì hay học ở đâu cũng được, một số bắt đầu “định hướng” cho con phải trở thành giáo viên, bác sỹ, kỹ sư công nghệ thông tin, phải học ở đây, ở kia… Từ lúc xa nhà thì bắt đầu xuất hiện thêm một cụm từ mới đó là “về nhà” hay còn gọi là “về quê”. Hãy ra bến xe, nhà ga, sân bay mỗi dịp lễ tết, chúng ta sẽ thấy hàng hàng lớp lớp những đứa con, sinh viên có, đi làm rồi có, đã lập gia thất cũng có bắt đầu tay xách nách mang chen lấn mua vé để về nhà, báo chí Tây phương còn gọi hiện tượng về quê ăn tết ở Trung Quốc là cuộc di chuyển lớn nhất của nhân loại! Không ít trong số họ chỉ muốn dùng mấy ngày nghỉ cho riêng mình bằng cách đi du lịch đâu đó hay thậm chí chỉ muốn nằm nhà xem phim và ngủ nướng nhưng không về thì bức rứt, cha mẹ dưới quê đã réo gọi từ cả tuần trước ngày nghỉ, thậm chí có những người còn mua cả vé trước cho con! Đó là những đứa con may mắn được đặc cách đi xa nhà, còn nếu những gia đình có cơ sở kinh doanh khá giả, nhiều chi nhánh thì nhất quyết bắt con cái phải ở nhà để giúp họ quản lý công việc của gia đình mặc cho những ước mơ của riêng nó mới chớm nở đã phải lụi tàn.
Có hai nguyên nhân chính làm cho sợi xích trói buộc chúng ta với gia đình càng ngày càng chặt. Một là do dành cả đời cho con nên đến khi con cái trưởng thành thì cũng là lúc cha mẹ cần nhận lại sự giúp đỡ. Hai là vì nhận “của cho” nên con cái đều cảm thấy mình vướng một “của nợ” khổng lồ như “Núi Thái Sơn”, như “Nước trong nguồn”, nhiều như thế thì làm sao trả hết cho nên “chủ nợ” đòi gì thì phải trả nấy nếu không thì cảm thấy tội lỗi, dằn vặt.
Để thoát khỏi sợi xích này, chúng ta cần phải nghĩ khác bằng cách hạ thấp tầm quan trọng của gia đình và đề cao mỗi cá nhân. Tôi thích cách so sánh gia đình là “tế bào của xã hội” hơn là một mái nhà chật chội lúc nhúc người ôm nhau trong đó. Thay cho cột nhà, tế bào cũng cần phải có nhân để điều phối mọi hoạt động nhưng khác nhau ở chổ nhân tế bào chỉ làm nhiệm vụ của mình đến một lúc nào đó, khi các thành phần bên trong đủ trưởng thành, nó sẽ tiến hành phân bào để giải phóng ra những tế bào độc lập khác.
Đối với những đứa con, hãy đảm bảo rằng chỉ nhận ở cha mẹ mình sự sinh thành và nuôi dưỡng càng ít càng tốt, mười tám năm là đã đủ trưởng thành để trở thành một tế bào độc lập, hãy đừng học đại học khi biết rằng cha mẹ bạn đang ăn cám thay cơm hay đang ngủ trong ống cống. Khi gặp trắc trở trong cuộc sống, hãy vượt qua bằng chính sức mạnh của mình. Lúc trưởng thành rồi, hãy để cha mẹ quay lại với cuộc sống của họ, giúp họ sống mà không có chúng ta ở bên cạnh bằng cách để họ tự mình giải quyết những việc mà thật ra họ có thể làm rất tốt, chỉ vì ỷ lại vào chúng ta mà thôi, ví dụ như về quê giữ cửa hàng cho gia đình vì không thuê được nhân viên bán hàng đáng tin, giữ cửa hàng cho chị gái đi sinh con…Hoặc về nhà chỉ đơn giảm làm cho các thành viên còn lại cảm thấy vui hơn, đám giỗ ông nội, đám cưới chú út, thôi nôi cháu… Tất cả đều không cần chúng ta góp mặt. Hãy có hiếu chứ đừng “ngu hiếu”.
Giờ là lúc mạnh dạn đập nát sợi xích để theo đuổi ước mơ và sống cuộc sống của riêng mình dù cho cơ ngơi đồ sộ của gia đình đang thiếu người quản lý (Sam Walton không thể đẻ vài ngàn đứa con để quản lý chuỗi Walmart phủ khắp thế giới của ông) trong khi bạn vẫn đang lang thang đâu đó để tìm một ý tưởng cho cuộc đời của mình thì điều này cũng chẳng có gì sai và không có gì phải áy náy cả.
P/S: Sinh con và nuôi con là một hành động rất tự nhiên của thế giới động vật, có loài nuôi con vài ngày, vài tháng cũng có loài nuôi con vài năm, và loài nào cũng sẵn sàng hi sinh, bảo vệ con của mình. Nhưng tinh tinh không vì nuôi con lâu năm mà bắt con mình suốt đời cung phụng lại chúng, khi đàn gà con đủ lông đủ cách thì gà mẹ lại tiếp tục đi kiếm ăn và sống tiếp cuộc đời của mình, trên đôi chân của mình.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"