Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Khai trừ đảng ông Nguyễn Đăng Trừng: Răn đe hay phản dụng?

Phạm Chí Dũng/VNTB
Ảnh bên:Ông Nguyễn Đăng Trừng cùng Đoàn LS Tp.HCM biểu quyết  về tuyên bố lên án Trung quốc Ngày 5 tháng 1 năm 2008

Thành ủy thắng 1-0

Có lẽ rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc 3 đảng viên chủ động tuyên bố bỏ đảng vào cuối năm 2013, vào lần này Thành ủy TP.HCM đã đi trước một bước.

 Quyết định “sa thải” khỏi hàng ngũ đảng viên cộng sản đối với ông Nguyễn Đăng Trừng là rất dứt khoát, mạnh mẽ, đầy chủ ý răn đe và có thể khiến cho ông không khỏi đau đớn.

Đau đớn không kém là cách thức công bố quyết định kỷ luật: một trong hiếm hoi lần Ban Tuyên giáo thành ủy tổ chức họp báo - như đối với một sự kiện trọng đại.

Nếu nhìn từ góc độ kết luận của Ban thường vụ Thành ủy TP. HCM, ông Nguyễn Đăng Trừng là người đã tạo nên “sự kiện trọng đại” mà cấp ủy đảng thành phố này không thể bỏ qua: từ năm 2012, trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn, ông Trừng đã có khuyết điểm, vi phạm, trong đó có việc thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư thành phố vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn; chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013 – 2018) không đúng qui trình, thiếu công khai, minh bạch; phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán, gia trưởng…

Từ đó, những người trong Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM kết luận ông Trừng đã vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của tổ chức Đảng do điều lệ Đảng qui định, vi phạm điều lệ Đoàn Luật sư TP và qui chế làm việc của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng đoàn.

Nội dung được nhấn mạnh trong kết luận trên đối với ông Trừng là “vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn”. Một trong những vi phạm được chỉ ra là ông Trừng lợi dụng chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, không thông qua Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, tự ý ký 4 văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo của UBND TP, của Liên Đoàn luật sư Việt Nam; đồng thời xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013 – 2018) đối với một số cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy TP và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; chiếm giữ con dấu của Đoàn Luật sư TP, gây khó khăn cho hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI mà đến nay vẫn chưa tiến hành được…

Hội luật sư độc lập?
Cuối cùng, người bị khai trừ đã bị cho là “thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện cụ thể như: vô tổ chức, vô kỷ luật, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm trái nghị quyết của tổ chức đảng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, gia trưởng, gây mất đoàn kết nội bộ, không còn đủ tư cách đảng viên”.

Thông thường, đảng viên “có vi phạm” được vận động để “tự kiểm điểm”, cho đến khi không còn thuyết phục được nữa thì mới bị kỷ luật.

Là một nhân vật tương đối có tiếng tăm trong giới trí thức Sài Gòn, cũng là một quan chức hội đoàn có thâm niên lâu năm của Đoàn Luật sư TP.HCM và thuộc độ tuổi cha chú so với lớp ủy viên thường vụ thành ủy hiện thời, ông Nguyễn Đăng Trừng đương nhiên là đối tượng mà đảng không dễ bắt nạt.

Tuy nhiên, quyết định khai trừ ông mang tính chất rất nặng nề, không chỉ đề cập không kiêng nể về chuyện ông “vô tổ chức, vô kỷ luật”, mà cả về việc “xuyên tạc”. Cách nào đó, có thể hiểu ông Trừng đã bị xem là đối tượng có “hành vi chống đối” đảng và chính quyền.

Những năm tháng trước đây, tuy không phải là một tổ chức nổi bật về tố chất phản biện chính sách, song Đoàn Luật sư TP.HCM vẫn là một trong những tiêu điểm được cấp ủy đảng ủy chính quyền “săn sóc” khá chăm chút. Từ đầu năm 2013 đến nay, khi làn sóng phản ứng chính sách chính trị xuất hiện từ nhóm “Kiến nghị 72” và sau đó lan sang nhiều hội đoàn dân sự độc lập khác, nhiều ý kiến trong hệ thống chính quyền đã bộc lộ lo ngại không giấu diếm rằng có thể sẽ xuất hiện một tổ chức luật sư mang tính độc lập, và nếu có mầm mống này thì cần phải ngăn chặn ngay.

Một số văn bản kiến nghị của Đoàn Luật sư TP.HCM do ông Nguyễn Đăng Trừng ký tên có thể đã thể hiện phần nào tính cách “độc lập”, phản bác sự can thiệp của đảng vào hoạt động luật sư, khiến Trung ương và Thành ủy TP.HCM lúng túng cao độ, mà kết quả là người ta phải tìm cách “dập từ trong trứng nước” tư tưởng ly khai.

Quyết định khai trừ đảng đối với ông Trừng có thể mới chỉ là nước cờ đầu tiên của Thành ủy TP.HCM.  

Răn đe hay phản dụng?
Tuy thế, một số dư luận cho rằng lẽ ra với tư thế trí thức cũ của Sài Gòn, ông Nguyễn Đăng Trừng không nên để sự thể vượt quá tầm kiểm soát của ông như ngày hôm nay. Nếu quả thực ông có chí khí đấu tranh với “những hành vi sai trái trong đảng” và bảo vệ tính cách độc lập của giới luật sư, nếu ông chủ động tuyên bố từ chức và ra khỏi đảng như các ông Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đắc Diên… vào cuối năm 2013, sẽ khó có cơ hội cho cơ quan đảng bộ TP.HCM xúc phạm đến danh dự của ông Trừng bằng việc chủ động ra quyết định khai trừ mới đây.

Còn sắp tới, hãy chờ xem việc khai trừ ông Nguyễn Đăng Trừng có thể tạo ra hiệu ứng răn đe hoặc bị phản tác dụng, gây ra phản ứng tâm lý xã hội như thế nào và đến mức độ nào, nhất là đối với một bộ phận đảng viên về hưu vốn đã tích tụ mầm mống “chống đối” và tư tưởng “thoái đảng’”.

Cũng mới đây, một nhóm 61 đảng viên kỳ cựu, đứng đầu là tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đã gửi thư cho Ban chấp hành trung ương đảng, đòi hỏi đảng phải thay đổi. Chiếu theo điều lệ đảng, nội dung trong bức thư có thể dễ dàng bị suy diễn là “trái với đường lối, quan điểm của đảng”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"