Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Jihad Khaled Sharrouf ra mặt thách thức Úc Đại Lợi

Người dịch: Vũ Quang
“Đây đúng là con trai tôi.” Trên đời, câu này lẽ ra rất bình thường nếu nó từ bất cứ bậc cha mẹ nào hãnh diện với việc gì đó mà con mình thực hiện được. Nhưng khi được ghi trên mục Twitter của Khaled Sharrouf, đề dưới bức hình một đứa bé trai 7 tuổi đang khoe thủ cấp một binh sĩ Syria bé xách trong tay, thì câu đó đã làm bùng lên những phản ứng mạnh mẽ tại Úc Đại Lợi.
Tìm thấy bởi News Corps, bức hình có lẽ được chụp tại Rakka, một thành phố phía Bắc Syria, đất dung thân từ đầu năm của Khaled Sharrouf, một công dân Úc đã bị kết án bốn năm tù vào năm 2009 vì đã tham dự vào âm mưu giết người tại Sydney, trong vụ án gọi là “Terror nine”. Gã đàn ông 31 tuổi, cha của 4 đứa bé đã đưa lên mạng nhiều bức hình của y và mấy đứa con, đặc biệt còn đứng trước một lá hiệu kỳ của Quốc Gia Hồi Giáo, nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo Jihad cực kỳ cuồng bạo vừa mới lập một vương quốc vắt ngang lãnh thổ hai nước Syria và Iraq.
Trong chuyến viếng thăm Úc Đại Lợi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đã gọi bức hình đó là “hình ảnh kinh khiếp, ghê tởm nhất mà người ta dám trưng lên”. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop lên án cái “lý tưởng man rợ” của quân Jihad, và Thủ Tướng Úc Tony Abbot cũng lên án những “hành vi khát máu” đó.

Nhưng đàng sau những phản ứng phẫn nộ ấy, chính các cơ quan an ninh Úc đang trở thành mục tiêu bị đặt vấn đề. Vào tháng Hai, một cuộc điều tra đã được mở ra để làm sáng tỏ dưới điều kiện nào mà Khaled Sharrouf đã lấy được vé máy bay đi Kuala Lumpur ngày 6 tháng 12, dù rằng y đã bị kết tội khủng bố và sổ thông hành đã bị tịch thu, tờ Daily Telegraph nhắc lại. Hơn nữa, vài tuần trước khi tên này rời Úc hắn cũng đã bị bắt giữ vì tội mang vũ khí bất hợp pháp (một tội mà y đáng lẽ phải ra hầu tòa) và cùng khi ấy vẫn đang là mục tiêu canh chừng trong khuôn khổ một cuộc điều tra chống khủng bố.
Theo điều tra sơ khởi, Khaled Sharrouf đã thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan an ninh bằng cách mượn sổ thông hành của em hắn. Nhà chức trách Úc sau đó xác định được là Khaled đã qua đến Syria, tuy vậy họ lại không biết bằng cách nào y đã đến được với Quốc Gia Hồi Giáo. Dù rằng tên này rất thường xuyên xuất hiện trên các mạng xã hội và không ngần ngại trêu ngươi người đồng hương của hắn. Theo tờ The Australian, không những vậy, hắn vẫn tiếp tục nhận trợ cấp tàn phế do chính phủ chu cấp nhiều tháng sau khi đến Syria. Hắn cũng trực tiếp liên lạc với giới truyền thông Úc vào đầu tháng 8, đặc biệt là đòi hỏi trả tự do cho 12 tù phạm Hồi giáo ở Úc. Cảnh sát Úc đã tung một trát truy nã quốc tế để bắt y mà không kết quả gì.
Con người thật của Khaled Sharrouf vẫn còn khá mù mờ đối với giới hữu trách tại bộ Nội An Úc. Theo lời tường thuật của tờ Sydney Morning Herald, nhiều người đã tỏ ý “thực sự nghi ngờ” sự xác thực của những lập luận, cũng như sự khả tín của lời đe dọa của kẻ khủng bố này. Các phân tích tâm lý thực hiện trong suốt thời kỳ y bị xét xử định ra căn bệnh trầm cảm vào năm 1999 và bệnh hoang tưởng năm 2002, tờ báo nhắc lại. Gã đàn ông vốn tự xưng mình là Jihad từ năm 19 tuổi đã viết trong thư vào hồi đầu tháng 8 như sau “Cho chúng nó biết là chúng nó luôn bị tao lừa và tao chưa bao giờ bị bệnh tâm thần nào cả, kể cả trước đây, kể cả bây giờ.”
Sau bài báo trên, chính quyền Úc cho biết ý định đưa hồ sơ các chiến binh hồi giáo ngoại quốc đã đi Syria và nay quay trở lại nơi xuất phát của họ ra trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Julie Bishop đã lên tiếng báo động rằng “Một số quốc gia trên thế giới báo cáo là đã có nhiều biến động gây ra bởi những công dân của họ nay trở thành chiến binh quá khích”. Đầu năm 2014, các chuyên gia ước lượng hiện có gần 120 công dân Úc đã đi Syria để tham gia Thánh chiến Jihad.
Theo gương nước Pháp, chính quyền Úc vừa soạn thảo một dự luật nhằm củng cố cuộc chiến chống khủng bố. Trong các điều khoản dự thảo, nổi bật nhất là khả năng gia tăng thời gian câu lưu những kẻ tình nghi Jihad, nhưng đồng thời cũng đưa ra một định nghĩa bao quát hơn về khủng bố, gồm luôn việc quảng bá và khích động, hoặc điều khoản bắt buộc các công dân Úc được ghi nhận đang hiện diện trong những vùng có hoạt động khủng bố và yêu cầu họ chứng minh không liên can gì đến các hoạt động phi pháp.
Cuối cùng, kế hoạch này cũng dự trù đòi hỏi các công ty điện thoại và các hãng cung cấp dịch vụ mạng điện toán phải lưu trữ trong hai năm tất cả dữ liệu về khách hàng của họ (điện thư, quá trình sử dụng, các giao tiếp… ) hầu có thể cung cấp cho nhà chức trách khi có trát yêu cầu.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"