Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Điều tra viên không phải là ông quan tòa!

Minh Tâm
Với quy định sẽ có hiệu lực vào ngày 25-8 tới đây, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao thêm quyền “quan tòa phúc thẩm” cho Điều tra viên, khi Điều tra viên được “tự quyết” về những khiếu nại, kiến nghị của cả đương sự lẫn luật sư bào chữa trong một vụ án vẫn đang quá trình điều tra.
Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: a) Lập hồ sơ vụ án hình sự; b) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; c) Quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng; d) Thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản; đ) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; e) Tiến hành các hoạt động điều tra khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra” (Điều 35, Bộ Luật Tố tụng Hình sự). Điều 35 này được hướng dẫn bởi Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11).
Từ ngày 25-8-2014, theo quy định của Thông tư số 28/2014/TT-BCA, thì Điều tra viên còn có thêm quyền trực tiếp thụ lý và giải quyết khiếu nại, kiến nghị của đương sự và người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong vụ án hình sự.

Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ”. (Điều 38, Thông tư 28/2014/TT-BCA)
Việc trao cho Điều tra viên quyền đơn phương thụ lý, giải quyết, nhận định về nội dung của khiếu nại, kiến nghị của đương sự và luật sư trong một vụ án hình sự, là hành vi, trước hết đã vượt quá thẩm quyền được quy định tại Điều 35, Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Thứ hai, vi phạm vào Luật Khiếu nại, tại Điều 6 “Các hành vi bị nghiêm cấm” và Điều 12 “Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại”.
Nội dung của Điều 38, Thông tư 28/2014/TT-BCA còn cho thấy có những mâu thuẫn với Điều 7 của Thông tư 70/2011/TT-BCA hướng dẫn quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do Bộ Công an ban hành.
Ngoài ra, ở Điều 58.3 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho phép người bào chữa sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Như vậy, những căn cứ nói trên cho thấy Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an cần phải rà soát lại toàn bộ nội dung đã đề xuất để Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Thông tư 28/2014/TT-BCA bất cập nêu trên.
Minh Tâm

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"