Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Đạo đức đang “lạm phát”

Vũ Đức Trí Thể
Dân Luận: Đúng là cái gì lâu dần người ta cũng quen đi. Cảnh sát giao thông vốn đương nhiên là phải có trách nhiệm giúp đỡ người đi đường, ấy thế mà ở Việt Nam bây giờ một cảnh sát giao thông giúp người già qua đường hóa ra là một tin hot. Chẳng mấy chốc rồi báo chí sẽ có những bài như "Vinh danh học sinh cương quyết không đánh thầy giáo", "Cộng đồng sững sờ vì tấm gương bác sĩ trực cấp cứu bệnh nhân mà không đòi phong bì", v.v...
Trò đánh lại thầy – Nếu tin này được kể ra chừng chục năm trước đây hoặc hơn nữa thì có lẽ là một tin chấn động. Cậu học trò ấy chắc chắn sẽ bị lên án, coi là đồ vô giáo dục, đồ bỏ đi, hết thuốc chữa vì dám cả gan đánh thầy. Nhưng tôi thấy lạ ở chính mình, không lý giải được ngoại trừ một chút rợn trong người (vì nhìn cảnh đánh nhau) thì tôi thấy rất bình thản, chỉ phát ra một tiếng thở dài và lắc đầu sau khi xem đoạn video clip về cảnh thầy trò đánh nhau đang lan truyền (http://bit.ly/1h5edCR). Cũng có một chút cảm xúc, những ở trạng thái ngược lại, chuyển sang hướng xót xa và thương cho em học trò kia.

Bây giờ mở tivi, báo chí lên không khó (nếu không muốn là nhan nhãn) tìm thấy một tin tức suy đồi đạo đức giống như vậy. Bác sỹ phi tang xác bệnh nhân dưới sông một cách vô nhân tính; bảo mẫu thì mang dạ phù thủy khi hành hạ tâm hồn trẻ thơ; đại gia dùng cái ghế của mình để bỏ túi trăm tỷ bạc,… Rồi ngày hôm nay, cũng giống như là chỉ thêm một giọt nước vào cái ly đang chứa đầy, không đáng kể, không ngạc nhiên, không quá nhiều điều để bình luận nữa. Ăn một món hoài cũng ngán, ăn một ngày hai ngày thì còn ngon, nhưng đến ngày thứ n thì món ngon cũng hóa lờn. Cái đạo đức cũng vậy. Bây giờ nó đã lờn trong lòng đọc giả (ít nhất là với tôi). Phẫn nộ thì vẫn còn, cũng muốn ý kiến ý cò chút cho thêm phần đóng góp; nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ họ đã bắt đầu quen dần (mong là tôi sai).
Còn gì xót xa hơn điều này nữa không? Đạo đức chắc là thứ duy nhất hiện nay đang “lạm phát” phi mã, trở nên đắt đỏ đến mức mà để sống đàng hoàng tử tế có lẽ cần dũng cảm đến phi thường. Chỉ là một giọt nước nhỏ thêm vào, đủ khiến cái ly gợn chút sóng, đủ khiến tôi đặt bút nghuệch ngoạc vài dòng, chắc cũng đủ để bạn đọc đến dòng này rồi thở dài, đủ cho vài lời bình luận gay gắt trên báo đài. Thế rồi vài ngày nữa cũng sẽ đâu lại vào đấy. Chắc chắn sẽ tiếp tục những sự kiện “chấn động”, theo kiểu “thầy hiếp trò”, “trò tạt axit thầy”, “lừa đảo khách hàng đổ xăng thiếu”, “thí sinh mua điểm”, “hiệu trưởng mua bằng”, “quan chức tham nhũng”,…
Thôi! Chúng tôi quen rồi, có gì lạ nữa đâu. Ở nơi mà điều bất thường đã trở nên bình thường, điều bình thường lại được xem là phi thường, thì điều phi thường chỉ còn biết rút lui. Thầy đã không ra thầy thì làm sao bảo trò ra trò được. Sếp không nên sếp thì lấy đâu ra nhân viên đàng hoàng. Nghĩ mãi cũng chỉ thấy còn tiếng thở dài về với chính mình là hiện diện rõ nhất. Còn mọi sự, chỉ mong có phép màu, tiếp tục nỗ lực sống tốt và làm tròn vị trí của mình.
Tái bút: Im lặng ngao ngán có lẽ là cung bậc cao nhất của sự phẫn nộ mà tôi được biết.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"