Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

61...Rồi bao nhiêu nữa?

Đỗ Đăng Liêu
arton14833-0c159.jpg
Ảnh minh họa
Lá Thư Ngỏ của 61 đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) mở đầu bằng câu "Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết", và đưa ra 3 yêu cầu cốt lõi sau:
- Yêu cầu ĐCSVN "thay đổi Cương Lĩnh"
- Yêu cầu ĐCSVN "từ bỏ xây dựng chủ nghiã xã hội"
- Yêu cầu ĐCSVN chuyển từ toàn trị sang dân chủ
Và yêu cầu ĐCSVN làm ngay 3 việc sau:
- Chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập
- Trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.
- Cho nhân dân biết sự thật về thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…
Từ ngày thành lập vào năm 1930, ĐCSVN có tổng cộng 4 cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh, đó là:
- Chánh Cương Tháng 2, 1930 do ông Hồ Chí Minh soạn.

- Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, Tháng 10, 1930, do ông Trần Phú soạn.
- Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, Tháng 2, 1951, do ông Hồ Chí Minh và ông Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo.
- Cương lĩnh năm 1991 được Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) thảo luận và thông qua.
Trong 2 tài liệu đầu, cương lĩnh ĐCSVN đặt mục tiêu là chủ nghiã xã hội và chủ nghiã cộng sản. Trong 2 tài liệu sau thì mục tiêu chỉ là chủ nghiã xã hội. Xem vậy, quá trình 84 năm lịch sử, mục tiêu xuyên suốt và cập nhật của ĐCSVN vẫn là chủ nghiã xã hội.
Con đường mà ĐCSVN dẫn dẫn dân tộc đi về chủ nghiã xã hội trong 84 năm qua đã đưa Việt Nam từ vị trí Hòn Ngọc Viễn Đông xuống vị trí thấp nhất tại khu vực trên tất cả mọi phương diện: đất nước mất tự chủ, ngày một lệ thuộc vào Trung Cộng với nguy cơ Bắc thuộc; kinh tế suy sụp và khủng hoảng, xã hội đồi trụy băng hoại; dân trí thấp kém; tham ô nhũng lạm tràn lan; dân oan đói khổ; các quyền tự do căn bản không còn. Tất cả ngày một tồi tệ hơn.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng ĐCSVN, mới đây đã phát biểu là “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa."
Xét nhận định của người lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSVN, và nhìn những hậu quả vô cùng tệ hại mà con đường đi đến chủ nghiã xã hội đã gây ra cho đất nước Việt Nam, thì thấy rằng yêu cầu "từ bỏ chủ nghiã xã hội" và "chuyển từ toàn trị sang dân chủ" của các tác giả Thư Ngỏ là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng.
Về những yêu cầu cần làm ngay.
Hãy mường tượng một ngày đẹp trời, tất cả những nhà dân chủ, những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, tất cả những người tranh đấu cho quyền lợi của dân oan và của công nhân hiện đang bị giam cầm như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Thị Thúy, Hồ Đức Hoà và các thanh niên Công Giáo, Trần Huỳnh Duy Thức, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Lê Quốc Quân, … và hàng trăm người nữa được trả tự do và không còn bị quản chế, không còn bị công an sách nhiễu, đóng chốt, cấm đi lại, hành hung, …, và những tổ chức xã hội dân sự được tự do hoạt động.
Ngày đó quả thật sẽ là một ngày rất đẹp trời.
Những con người ôn hoà, yêu quê hương và dân tộc này, với tấm lòng và trí tuệ của họ, chắc chắn sẽ dồn hết tâm huyết vào việc ngăn chận nguy cơ đến từ phương Bắc, và đóng góp tích cực vào tiến trình chọn ra một con đường khác thích hợp hơn cho tương lai của dân tộc.
Thư Ngỏ cũng yêu cầu ĐCSVN cho người dân biết sự thật về thoả thuận Thành Đô 1990.
Tới giờ phút này thì chẳng ai còn nghi ngờ gì nữa về việc tại Hội Nghị Thành Đô 1990 các lãnh đạo ĐCSVN Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh … đã ký kết những văn kiện bán nước, nhượng đất nhượng biển của tổ tiên cho Trung Cộng.
Sự thật như thế nào, dù có hay không thì sự kiện cực kỳ hệ trọng như vậy người dân Việt Nam có quyền được biết và phải được biết để cùng giải quyết việc nước.
Cứ giả thử như việc ký kết bán nước đó là có thật thì người dân Việt Nam ngày hôm nay có bắt buộc phải tuân thủ một quyết định cực kỳ sai trái và phản lại quyền lợi của dân tộc như vậy hay không? Dĩ nhiên là không! Việc bảo tồn đất đai của tổ tiên là việc phải làm cho dù cái giá phải trả có đắt đến đâu! Tổ tiên chúng ta cũng đã bao phen trải qua những khổ nạn như vậy, và xương máu Việt Nam đã đổ xuống để chúng ta còn dải đất Việt Nam hình chữ S ngày hôm nay. Không một ai, kể cả ĐCSVN, có quyền lén lút phạm tội tày đình này. Không biết sự thật thì không thể ngăn chặn nguy cơ mất nước.
Do vậy, việc các tác giả Thư Ngỏ yêu cầu ĐCSVN cho biết sự thật về Hội Nghị Thành Đô là một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng.
61 người đảng viên ĐCSVN ký tên Thư Ngỏ hẳn nhiên có những quá trình đấu tranh khác nhau và những động lực khác nhau khi cùng ký tên vào Thư Ngỏ. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là họ đã cùng đồng ý với nhau về đường hướng căn bản chung, và những nhu cầu cấp thiết vào giờ phút này, và cùng gióng lên tiếng nói chung.
61 người, với tổng số 2.997 tuổi Đảng, như hàng ngàn viên gạch xây dựng nên và giữ cho ĐCSVN còn tồn tại đến ngày hôm nay, tiếng nói của họ không còn là những tiếng nói đơn lẻ mà biểu hiện cho giòng suy tư đồng bộ của nhiều người, đại diện cho khối lớn những đảng viên có cùng suy nghĩ mà chưa tiện lên tiếng.
61 có đủ để những người lãnh đạo ĐCSVN tỉnh ngộ mà chọn con đường khác cho dân tộc hay không?
Cả dân tộc đang chờ người đảng viên thứ 62, 63,…630, 6.300, 630.000, … lên tiếng./.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"