Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Tính chuyên nghiệp của nhà báo

Nguyễn Văn Tuấn
Nói đến nhà báo, bất kể là nhà báo VN hay phương Tây, ai cũng nghĩ ngay đến câu nói “nhà báo nói láo ăn tiền”. Cách nói láo của nhà báo thì thiên hình vạn trạng, từ việc thay đổi câu chữ của người phát biểu, nhét chữ vào miệng người ta, đặt phát biểu vào không đúng bối cảnh, cắt câu văn làm cho lời phát biểu hay bài viết rất ngô nghê, dựng chuyện có thành không (và ngược lại), vặn vẹo sự thật, v.v. Thời đại điện tử còn có tình trạng sửa hình ảnh, thậm chí nguỵ tạo hình ảnh.
Một trong những bài báo trên báo chí VN gần đây thuộc vào loại “favorite” của tôi là bài “Huyền thoại tay không 'quật ngã' trực thăng UH–1 của Mỹ” (1). Bài phóng sự đăng vào năm 2012, viết về một anh hùng vũ trang tên là Bùi Minh Kiểm, tay không mà ghì được chiếc máy bay trực thăng UH-1 xuống mặt đất, rồi đồng đội ông bắn thẳng vào buồng lái, làm cho giặc lái chết tươi và máy bay nổ tan xác luôn.
Phải nói là một đoạn mô tả rất sinh động. Tôi tra trên Google thì thấy đây là loại máy bay quân sự, nặng khoảng 4.3 tấn, và động cơ có công suất 520 kW. Thử hỏi một người bình thường như chúng ta làm sao có thể ghì lại chiếc máy bay nặng và tương đối powerful như thế. Vậy mà ông Kiểm làm được! Chẳng những ghì máy bay xuống làm cho nó loạng choạng, rồi cháy tan xác! Ông phải là superman – siêu nhân, chứ không thể là người bình thường được. Tôi nghĩ ai đó nên dịch bài báo này để các hãng phim Hollywood mời ông đóng phim siêu nhân tập X.

Mà chưa hết đâu, thành tích của ông còn khủng hơn việc kéo trực thăng nữa. Nhà báo viết tiếp (theo lời kể của ông): “Gần 10 năm (1966-1975), Đoàn pháo binh 575 đã đánh hơn 500 trận, tiêu diệt 6.000 tên địch với hàng ngàn sĩ quan, phá hủy 780 máy bay, 1.000 xe quân sự, 200 khẩu pháo các loại, thiêu cháy 50 triệu lít xăng dầu và rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ.”
Thiệt tình, không còn lời nào để khen tặng những thành tích kinh thiên động địa trên. Với thành tích như thế thì Mĩ nó thua VN là phải rồi.
Có lẽ chính nhà báo (người viết bài) cũng không tin vào thông tin của ông “anh hùng” đó kể. Và, đây chính là điều tôi thấy ở phần lớn giới kí giả VN: thụ động. Ý tôi muốn nói là trong phỏng vấn họ chỉ ghi chép những gì người được phỏng vấn nói, mà không hỏi cho rõ về thông tin. Chẳng hạn như trường hợp ông Kiểm đó, hình như nhà báo chẳng vặn lại hỏi bằng cách nào mà ông có thể kéo chiếc máy bay 4000 kg xuống mặt đất trong khi cái muscle strength của một người đàn ông bình thường chỉ có thể đạt 100 kg là cao. Hay như tiêu diệt hơn 6000 tên địch trong 10 năm, tức là mỗi năm giết chết 600 người hay trung bình 2 người/ngày. Nhưng chiến trận đâu xảy ra mỗi ngày. Nếu địch chết 6000 người thì phe ta chết bao nhiêu? Làm sao biết được chúng là sĩ quan hay lính thường?
Khi phỏng vấn các cán bộ cao cấp (cỡ bộ trưởng này nọ) họ hầu như để cho mấy người này độc chiếm diễn đàn, chứ không hề hỏi lại hay dồn người trả lời vào một thế phải nói cho rõ hay phải trả lời câu hỏi chứ không nên lòng vòng. Còn phỏng vấn giới khoa học thì các kí giả VN hầu như chẳng nói được gì, để cho mấy ông bà khoa học tha hồ “nổ”. Còn giới kí giả phương Tây thì rất khác. Mấy ông bà chính khách mà trả lời không rõ hay mù mờ, họ có thể dồn hỏi: “Tell me: yes or no” (nói cho tôi biết: có hay là không). Họ có khi thách thức thông tin của giới khoa học đưa ra, và đòi phải có minh chứng. Thế mới là nhà báo chứ. Còn kiểu làm báo bên VN tôi nghĩ thiếu tính chuyên nghiệp. Thật ra, nhìn thấy mấy nhà báo trẻ đi theo mấy quan chức cao cấp với cái máy chụp hình nhỏ tí tẹo dành cho con nít thì đã thấy tính thiếu chuyên nghiệp như thế nào. Có người thì nhìn qua tôi cứ tưởng họ đi chụp hình thi hoa hậu chứ không phải là phóng viên.
Trong ngành y có nguyên lí evidence based medicine (y học thực chứng), có nghĩa là thực hành y khoa dựa vào chứng cứ. Chứng cứ phải đáng tin cậy và chính xác. Tôi không rõ bên báo chí có cái evdence based journalism hay không. Nếu có thì tôi nghĩ những mô tả trong bài báo trên thuộc vào loại rất đúng với tựa đề của bài báo: huyền thoại.
________________

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"