Radio CTM
Hai mươi năm trước, trong một bài viết về tranh chấp ở Biển Đông đăng
trên báo Far Eastern Economic Review ngày 10/2/1994 (1), ký giả Frank
Ching đã thuật lại lời khẳng định của nhiều quan chức cao cấp Cộng Sản
Việt Nam (CSVN) vào thập niên 50 của thế kỷ trước rằng: “Hoàng Sa –
Trường Sa, theo quan điểm lịch sử, là thuộc về Trung Quốc”, cùng với dẫn
chứng bức công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Frank Ching cũng
nhận xét, xin trích: “Trong những ngày đó, chế độ Hà Nội rất hăng
hái trong việc lên án chính quyền miền Nam, cho họ là những con rối của
Mỹ, là những kẻ đã bán đứng quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Ngay cả lúc
đó, một điều rõ ràng là những lời cáo buộc này đã không có căn cứ. Bây
giờ, 20 năm sau -1994-, cũng lại một điều rõ ràng là đã có những lúc mà
chính quyền Sài Gòn đã thật sự đứng lên cho quyền lợi của dân tộc Việt
Nam, một cách vô cùng mạnh mẽ, hơn xa chính quyền tại Hà Nội.” hết trích.
Ký giả Frank Ching kết luận bài viết đó như sau, xin trích: “Những
gì xảy ra ngày hôm nay liên hệ đến hai quần đảo này (HS-TS) chỉ là hậu
quả của sự trí trá của hai người cộng sản anh em trong qúa khứ. Không
một ai trong cộng đồng thế giới muốn bước vào để dàn xếp sự bất đồng
giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Lý do rất rõ ràng: cái công hàm
ngoại giao và sự nhìn nhận của Cộng sản Việt Nam không thể nào xoá bỏ
được bởi một nước nhỏ như Việt Nam, kẻ đã muốn chơi đểu để lừa dối Trung
Quốc. Hơn nữa, Cộng sản Việt Nam không thể nào tránh được Trung Quốc
trong khi họ phải bắt chước theo chính sách ’đổi mới’ của Trung Quốc để
tiến lên chủ nghĩa xã hội.” hết trích.
Trở về hiện tại, năm 2014, với biến cố giàn khoan HD981 của Trung
Cộng vẫn còn đang nóng hổi, tất cả những gì Frank Ching đã viết từ 20
năm trước lại đang được lập lại. Điều khác biệt duy nhất lần này là: 20
năm trước, với sự bưng bít thông tin vô cùng chặt chẽ của nhà nước CSVN,
rất ít người biết đến những bằng chứng như bức công hàm Phạm Văn Đồng,
dù những điều này đã được truyền thông bên ngoài Việt Nam đề cập đến
nhiều lần; nhưng với thời đại Internet ngày nay, CSVN không thể nào che
giấu được nữa, nên đã phải chính thức công bố công hàm Phạm Văn Đồng. Từ
đó, họ cũng phải đưa ra luận điểm HS-TS không thuộc quyền quản lý của
Miền Bắc. Và vì thế bắt buộc phải nhìn nhận Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) —
một chính thể mà suốt 60 năm qua Hà Nội đã không ngớt mạ lỵ bằng đủ mọi
ngôn từ hạ cấp. Những người lãnh đạo VNCH bị Hà Nội gọi là “thằng này
thằng nọ”, “tên này tên kia”.
Nhân diễn biến mới này, cùng với nhiều dữ kiện lịch sử khác đã lộ ra
ánh sáng, thiết tưởng đã đến lúc cần đặt câu hỏi toàn diện cho các thế
hệ mai sau. Câu hỏi đó là:
VNCH: chính thể hay ngụy quyền?
Trước hết, nhìn từ mắt thế giới bên ngoài, khó ai có thể phủ nhận một
thực tế lịch sử là đã từng có một chính thể đại diện cho một nửa nhân
dân và tổ quốc Việt Nam ở phía Nam vĩ tuyến 17. Chính thể này được phần
lớn các quốc gia không cộng sản trên thế giới công nhận. Thật vậy, tính
đến năm 1975 chính thể này đã được 87 quốc gia trên thế giới công nhận
và lập bang giao chính thức (2), 6 quốc gia ở cấp bán chính thức (3).
Trong khi đó, chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tại miền Bắc,
tính đến năm 1972 chỉ được 49 quốc gia thừa nhận (4) và không thay đổi
gì tính đến 1975.
Ngay cả nếu xét theo chính định nghĩa của đảng CSVN về một chính thể
thì, càng vô cùng khó phủ nhận vai trò của VNCH. Một trong những tài
liệu học tập lâu năm cho cán bộ cao cấp CSVN là quyển “giáo trình lý
luận về nhà nước và pháp luật” của nhà xuất bản Công An Nhân Dân (5).
Theo họ các điều kiện đủ để gọi một quốc gia, một chính thể là: 1/ Có
lãnh thổ, quản lý trên một vùng lãnh thổ; 2/ có dân cư; 3/ có pháp luật;
4/ Thu thuế; 5/ Có bộ máy, chính quyền, tổ chức quân đội….; 6/ Có chủ
quyền quốc gia (tham gia đàm phán quốc tế, và được quốc tế công nhận).
Cả 5 điều kiện đầu đã quá rõ. Riêng điều kiện thứ 6 thì VNCH còn vượt xa
VNDCCH. Lúc đó chính quyền ở miền bắc chỉ là thành viên của các cơ chế
thuộc phe xã hội chủ nghĩa gồm 11 quốc gia, mà đến nay gần như tất cả
đều đã biến mất; còn VNCH đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và
khu vực (6) Chỉ sau khi chiếm được miền Nam nhiều năm, chính quyền cộng
sản mới gia nhập những tổ chức quốc tế đó thay chân VNCH.
Còn câu hỏi về bản chất “ngụy quyền” thì sao? Hiển nhiên khi dùng từ
ngữ mang tính phỉ báng này, giới lãnh đạo CSVN muốn nói rằng VNCH chỉ là
một chính phủ bình phong, tay sai, hay ngay cả bán nước cho “đế quốc
Mỹ” hay thế giới tư bản. Nhưng thực tế đã ngày càng rõ. Rất nhiều người
trong nhiều năm lục lọi khắp nơi, kể cả các văn khố buộc phải giải mật
theo đúng qui định của luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act)
tại Mỹ, đều không có chứng cớ phản quốc nào. Khi thế giới Internet nở
rộ, mấy năm trước đây một diễn đàn nổi tiếng là X-Càphê đã mở một chiến
dịch khá lâu để tìm kiếm những bằng chứng xem VNCH có một văn bản “bán
nước” nào tương tự như công hàm Phạm Văn Đồng không. Sau nhiều tháng cố
gắng, không ai tìm được văn bản nào cả. Và trong suốt 20 năm hiện hữu,
một dữ kiện lịch sử hiển nhiên là VNCH đã không để mất bất kỳ phần lãnh
thổ nào của đất nước ngoại trừ quần đảo Hoàng Sa sau khi chống cự mãnh
liệt. Trong thời VNCH không hề có chuyện dâng nhượng đất biên giới trên
bộ, dâng nhượng hải phận ngoài khơi, cho “mướn” các khu rừng biên giới
50 năm, v.v…
Nhưng, những điểm nêu trên chỉ mang tính định nghĩa. Điều còn
quan trọng hơn nữa là chính thể VNCH đã làm được gì cho đất nước và xã
hội? Đây là những điều sẽ được trình bày trong những phần kế tiếp của
bài viết “VNCH: chính thể hay ngụy quyền?” , sẽ được gửi đến quý vị
trong các mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.