Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Thấy gì về tình hình Nhân quyền sắp tới của Việt Nam qua phiên họp UPR?

Paulo Thành Nguyễn
Trong phiên họp thông qua báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) vào ngày 20/6, chính phủ Việt Nam chấp nhận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị của các nước về việc cải thiện tình trạng Nhân quyền.
Một số dấu hiệu tích cực có thể thấy trong số 182 khuyến nghị được chính quyền VN chấp nhận như khuyến nghị 143 (156) của Úc: “Dành không gian cho truyền thông không phải của nhà nước, và làm cho các điều 79, 88 và 258 Luật Hình sự cụ thể hơn và nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế về tự do biểu đạt”.
Và khuyến nghị 143 (157) của Canada về: “Sửa đổi các quy định về các tội danh vi phạm an ninh quốc gia có thể làm hạn chế tự do biểu đạt, bao gồm trên internet, đặc biệt liên quan đến các điều 79, 88 và 258 của Luật Hình sự, để đảm bảo tuân thủ với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”.
Cùng các khuyến nghị kêu gọi công nhận tính chính danh và bảo vệ tiếng nói độc lập của các NGO, các hội đoàn, các blogger và những người bảo vệ nhân quyền.
Nhưng nhìn chung, đa số 182 khuyến nghị được chấp nhận đều mang ngữ nghĩa chung chung như: “tiến hành”; “khuyến khích”; “đảm bảo”; “tạo điều kiện” mà không có hướng thực hiện. Trong khi đó, các khuyến nghị có tính chất cụ thể hướng đến các giải pháp, tạo ra cơ chế cải thiện tình trạng Nhân quyền lại nằm hầu hết trong 45 khuyến nghị bị bác bỏ.

Nội dung chính của các khuyến nghị quan trọng bị bác bỏ gồm:
1. Nhanh chóng phê chuẩn CAT (Công ước chống tra tấn) và ký các nghị định thư tùy chọn của Công ước này;
2. Mời ngỏ tất cả các chuyên gia thuộc các thủ tục đặc biệt như một dấu hiệu thiện chí hợp tác đầy đủ với tất cả các cơ chế nhân quyền;
3. Thiết lập một lệnh hoãn xử tử với quan điểm hoàn toàn từ bỏ trừng phạt tử hình. Công bố thông tin chính xác về danh tính và số người chịu án tử hình đang chờ thi hành án;
4. Cung cấp công khai thông tin về số trại giam, bao gồm các trung tâm lưu giữ hành chính để điều trị ma túy được thành lập do cơ quan an ninh, quân sự và Bộ Lao động, về số người bị giữ trong các trại này; cũng như tất cả các hình thức lao động mà người bị giữ có tham gia;
5. Thông qua các biện pháp để chấm dứt việc truy bắt những người biểu tình hòa bình;
6. Tăng cường sự tham gia chính trị bình đẳng cho công dân của mình, bao gồm tiến hành các bước hướng đến dân chủ đa đảng;
7. Tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo bảo vệ hiệu quả quyền tự do biểu đạt và thông tin, cũng như tính độc lập của truyền thông và thả tất cả những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và những người bất đồng tôn giáo và chính trị đang bị giữ vì họ đã biểu đạt quan điểm một cách hòa bình;
8. Rút lại hoặc sửa Luật Hình sự liên quan đến an ninh quốc gia đặc biệt là các điều 79, 88 và 258, nhằm ngăn chặn những điều này được áp dụng một cách sai trái nhằm cản trở tự do quan điểm và biểu đạt, bao gồm trên internet;
9. Thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập theo Các nguyên tắc Paris.
Nhìn vào các nội dung bị bác bỏ có thể nhận ra chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có thực tâm muốn cải thiện tình trạng nhân quyền. Trước đó, vào ngày 7/11/2013 hầu hết các phương tiện truyền thông nhà nước đều tuyên truyền về việc tham gia ký Công ước chống tra tấn như để chứng tỏ Việt Nam tôn trọng nhân Quyền nhưng giờ đây họ lại bác bỏ phê chuẩn để Công ước đó trở nên có hiệu lực.
Các khuyến nghị mà chính quyền VN từ chối hầu hết là các vấn đề liên quan đến minh bạch thông tin và thành lập cơ chế giám sát độc lập. Trong đó, điểm quan trọng nhất là thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia(CQNQQG) độc lập theo các Nguyên tắc Paris, gồm các nguyên tắc của LHQ về quy chế của các cơ quan quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đang được áp dụng tại 103 nước hiện nay.
Tất cả những điều này cho thấy bức tranh của một Việt Nam văn minh, thịnh vượng trong đó Quyền con người được tôn trọng, bảo vệ và phát triển còn rất gian nan. Bởi não trạng của chính quyền VN hiện nay vẫn xem những giá trị đó là điều kiện trao đổi với quốc tế để đổi lấy lợi ích nhóm chứ không xem đó là những mục tiêu tuyệt đối để phát triển con người và xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"