Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Dân biết bình tĩnh rồi, thưa Quốc hội

Xích Tử
Kỳ họp thứ 7 của quốc hội khóa XIII (20/5 – 24/6/2014), ngoài những nội dung xuân thu nhị kỳ đã có kế hoạch toàn khóa hoặc được xây dựng từ năm trước, đã có thêm một nội dung nóng được báo chí quốc doanh ca là “quốc hội đã bày tỏ thái độ rõ ràng” khi thảo luận báo cáo của Chính phủ về vấn đề Trung Quốc “hạ đặt” giàn khoan HD-981.
Đây là nội dung bổ sung do phát sinh tình hình mới từ ngày 1/5/2014, sau khi Thường vụ quốc hội chốt nghị sự trong phiên họp ngày 11/3/2014.
Theo đó, sau khi nghe Chính phủ báo cáo diễn biến, các biện pháp xử lý hành pháp, quốc hội dành thời gian thảo luận, ra thông cáo báo chí hàng ngày (21/5). Trong thông báo cập nhật kỳ họp, quốc hội yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD- 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Lời lẽ nhận định về hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc và yêu cầu nói trên đối với Trung Quốc trong thông cáo khá gay gắt, mạnh mẽ, ghi nhận và phản ánh nhiều ý kiến của một số đại biểu quốc hội. Sau đó, thay vì bổ sung nghị sự có thể như một nghị quyết quốc hội bất thường tại kỳ họp, quốc hội lại chỉ chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại gởi một thông điệp đến nghị viện các nước đề nghị ủng hộ, có ý kiến.
Gần kết thúc kỳ họp (19/6), nghị trường quốc hội lại xuất hiện một quân xanh đơn vị TP. Hồ Chí Minh với thủ thuật mà báo chí gọi cho sang là chiếm diễn đàn khi “xin” quốc hội cho phép trở lại đề nghị quốc hội ra nghị quyết về vấn đề biển đông khi chương trình đang bàn về chuyện khác.

Và rồi bế mạc, Chủ tịch quốc hội khẳng định một thái độ hết sức “đúng mực” được phân công trong hệ thống chính trị của cơ quan quyền lực cao nhất nước do dân “bầu” ra bằng những câu trong ngoặc kép mà báo chí đã đưa : “lên án mạnh mẽ”, “mạnh mẽ lên án”, “quốc hội không nóng mà bình tĩnh, sáng suốt” trước việc “TQ đã hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN”. Chánh văn phòng quốc hội lại cũng khuyên báo chí, qua đó đến toàn dân là nên hết sức bình tĩnh.
Như vậy, thái độ và hành động chính trị của quốc hội đã rõ; song cái đã rõ đó lại tạo ra sự khó hiểu, khó hiểu trong nội dung của thái độ và trong ngôn ngữ diễn đạt.
Thì ra, trong khi, chẳng hạn, một cái quốc hội cũng chẳng dân chủ, độc lập gì lắm như của Nga, vào tháng 3/2014, theo đề nghị của Tổng thống, đã ra một nghị quyết cho quyền hành pháp được khởi động hành động quân sự để giải quyết tình hình Ukraina, và đến ngày 25/6, cũng theo đề nghị của Tổng thống, lại xem xét ra nghị quyết thu hồi cái quyền này. Những hành động của cơ quan lập pháp đó là độc lập, có hiệu lực pháp lý trực tiếp đến công việc của hành pháp. Còn quốc hội của nước ta, thể hiện chế độ dân chủ gấp triệu triệu lần nhiều nước, là đại biểu của toàn dân Việt Nam, có số đại biểu là sĩ quan cao cấp, tướng lĩnh quân đội đương chức được cơ cấu đương nhiên không kém nước nào ở Châu Á, với chức năng hầm bà làng từ lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề lớn của đất nước, lại không thể có bất cứ hành động độc lập nào đối với những vấn đề đối ngoại, quốc phòng, chủ quyền, chiến tranh và hòa bình...
Có thể, quốc hội không ra nghị quyết vì không có trong kế hoạch từ trước nên chưa dự toán kinh phí, bởi việc quốc hội ra mỗi sắc luật, nghị quyết đều có quá trình thẩm tra với các hoạt động hội thảo, lấy ý kiến cử tri, các địa phương, họp các bộ phận chức năng của quốc hội…mà tất cả đều phải trả tiền, có khi đến hàng tỷ. Đó là một cách giải thích về thủ tục.
Tuy nhiên, mặt khác, quan trọng hơn, thể hiện trong sự dè dặt, nhút nhát đến khó hiểu trong ngôn ngữ của kết luận chủ tịch khi bế mạc kỳ họp. Ở đây, lặp lại một cách diễn trò chơi đưa đẩy chữ nghĩa, giống như trò chơi ngữ pháp của ông Tổng Bí thư trong một entry trước của cũng người viết bài này.
Trong kết luận đó, ông Chủ tịch dùng từ “lên án” với adverb “mạnh mẽ”. Lên án là một cách diễn đạt hành động của dư luận, tiếng nói của các tổ chức xã hội dân sự, tương đương với “phản đối”; nó không phải là hành động tố tụng mặc dù có yếu tố “án”. Cơ quan quyền lực nhà nước như quốc hội, nếu không có một thông điệp mang tính mệnh lệnh cho phía hành pháp thì cũng phải có một tiếng nói chính trị quan phương, trực tiếp và chính thức, thể hiện nhận định, đánh giá, kết luận sự vi phạm của đối phương và tuyên cáo những yêu cầu đích đáng, phù hợp trong khuôn khổ một nghị quyết quốc hội, tương tự như các hoạt động ngoại giao của phía hành pháp là thể hiện quan ngại, không hoan nghênh, triệu tập đại sứ đến chất vấn, gởi công hàm, trục xuất nhân sự ngoại giao cục bộ, hạn chế hoạt động ngoại giao, cắt đứt quan hệ ngoại giao…Quốc hội mà chỉ “lên án” thì chỉ tạo ra hiệu quả “xuống án”, còn trạng từ “mạnh mẽ” thì không thể nào đo đạc được.
Điều nguy hiểm hơn là sự diễn đạt về sự vi phạm của Trung Quốc trong lời kết luận, xem như nguyên nhân của sự lên án mạnh mẽ nói trên : Trung Quốc đã “hạ đạt” giàn khoan Hải Dương 981 (âm Hán – Việt hẳn chứ không phải âm Pinyin như trên báo chí !) “vào sâu” trong vùng chủ quyền (đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) của Việt Nam. Ở đây, ông chủ tịch không dùng lại từ “trái phép” như nhiều phát ngôn của phía nhà cầm quyền và báo chí Việt Nam đã sử dụng từ ngày 1/5/2014 đến nay. Mặt khác, cách nói “vào sâu” lại gây ra một suy diễn khác là nếu Trung Quốc chỉ “vào cạn” (không sâu) thì (không phản đối mạnh mẽ) sao ?
Những dấu hỏi đó có thể dẫn đến một khái quát về một tình trạnh há miệng mắc quai nào đó của Việt Nam, do những ràng buộc, lệ thuộc về liên minh ý thức hệ, thể hiện ở những cam kết, nợ nần gì đó trong lịch sử tiến lên chủ nghĩa xã hội của hai nước anh em qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, kể cả những thoả thuận liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền, độc lập của đất nước. Điếu đó phù hợp với sự đe doạ ngầm của Hồ Cẩm Đào khi nói quan hệ Việt – Trung có những bí mật mà 50 năm nữa mới nói ra được, và trước đó, năm 1979, họ nói “dạy”(giáo trừng) cho Việt Nam bài học; còn gần đây, họ lại nói Việt Nam là “đứa con hoang đàng hãy trở về nhà”, một tín hiệu rất lạ.
Có thể vì như thế mà một tổ chức quyền lực cao nhất tự xưng là do dân bầu ra, lại có hành vi chẳng thể hiện cài gì của dân cả trong thái độ đối với tình trạng đất nước đã và đang tiếp tục bị xâm lược. Không lẽ kẻ cướp đã vào nhà, lấy tài sản của mình rồi nhơn nhơn ở hẳn trong nhà mình mà chủ nhà lại chỉ lên án mạnh mẽ thôi sao ? Hay tài sản đó mình đã thế chấp cho bọn cướp nên không thể đòi lại với một hành động vật lý và pháp lý phù hợp, đích đáng của người chủ ?
Và quốc hội ra lời khuyên cho những người bầu ra mình là phải bình tĩnh. Đúng là nhân dân đã bình tĩnh, vì nói chung, họ cũng chẳng được phải làm gì khác, ngoài số ngư dân bị buộc phải bình tĩnh đưa mạng mình ra hứng đòn để hành nghề, vì nhu cầu sinh nhai và cũng vì sự phân công, giao nhiệm vụ có tính chất thí (ngự binh ư) ngư dân của đảng, nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"